Năm ngoái, Intel tung ra nền tảng X99 và một loạt vi xử lý cấp cao Haswell-E cập bến thị trường phần cứng. Và các hãng sản xuất bo mạch chủ đã rất nhanh trong việc trình làng các bo mạch chủ hỗ trợ nền tảng X99 và vi xử lý Haswell-E, ASUS là một trong các hãng sản xuất bo mạch chủ rất nhanh nhạy khi đưa ra các giải pháp X99 rất sớm so với các hãng khác. Điều đặc biệt ở các bo mạch chủ X99 của ASUS là tính năng OC Socket. Tất nhiên ở thời điểm đó, chúng tôi chưa hoàn toàn chắc chắn về tác dụng của OC Socket khi socket của các bo mạch chủ có tính năng này đều có nhiều chân hơn so với socket mặc định của Intel. Rõ ràng các vi xử lý Haswell-E được thiết kế để chạy trên các socket có nhiều hơn 2011 chân mà thực tế trên các bo mạch chủ X99 dùng socket chính thức của Intel lại không có điều này. Một thời gian sau khi Intel ra mắt nền tảng X99 thì họ vẫn chưa giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề này. Ban đầu thì ASUS cũng không có cách gì để chứng minh rằng bo mạch chủ của họ có socket nhiều chân hơn thì sẽ có khả năng ép xung cao nhờ nguồn điện cấp ổn định hơn đến vi xử lý.
Trong một số bài test hệ thống ép xung Haswell-E, chúng tôi nhận thấy các bộ phận trong chip cầu bắc của CPU như cache đệm L3 và chip điều khiển bộ nhớ memory controller có thể ép xung cao hơn trên các bo mạch chủ của ASUS, cap hơn so với các bo mạch chủ từ các hãng khác như Gigabyte và MSI. Ở hình dưới đây, bạn có thể thấy hiệu năng bộ nhớ tăng rõ rệt khi chúng tôi kéo xung nhịp cầu bắc CPU từ 3GHz lên 4GHz. Các thiết lập khác đều được giữ nguyên: xung CPU kéo lên 4.5GHz và xung bộ nhớ DDR4 3000MHz có cùng thông số timing. Trong kịch bản thuận lợi nhất, tốc độ tối đa của cache đệm L3 và bộ nhớ tăng khoảng 30%.
Trái: xung chip cầu bắc thiết lập ở mức 3GHz. Phải: 4GHz.
Rõ ràng các bo mạch chủ ASUS có gì đó rất hay ẩn chứa bên trong, và hãng điện tử Đài Loan cho biết đó chính là OC Socket. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thuyết phục lắm, ai biết được ASUS có chơi chiêu trò gì trong BIOS hay không cơ chứ. Các đối thủ của ASUS như MSI hay Gigabyte đều cho rằng OC Socket chẳng qua chỉ là chiêu tiếp thị sản phẩm mà thôi. Chính ASUS cũng mập mờ về chức năng đích xác của OC Socket vì thế chúng tôi đặt rất nhiều nghi vấn về socket này.
Vén màn bí mật
Tay ép xung người Đức Roman Hartung, hay được biết đến với biệt danh Der8auer, cảm thấy rất hiếu kỳ về OC Socket và anh quyết định tìm hiểu công dụng thực sự của socket này. Anh sử dụng một nguồn điện cấp ngoài để cấp điện cho 2 chân socket vốn không có trên socket Intel nhưng lại có trên OC Socket. Với cách làm này, tất cả mọi bo mạch chủ không có OC Socket đều có thể ép xung chip cầu bắc lên cao, điều này chứng tỏ rõ ràng OC Socket có tác dụng nâng cao khả năng ép xung. Qua đó, chúng ta có thể thấy OC Socket chỉ thực sự có ích đối với các đối tượng dân chơi ép xung hardcore nhưng với ASUS thì họ đã cho thấy cái lý của họ khi tích hợp OC Socket trên bo mạch chủ của mình.
Bằng cách cấp nguồn cho 2 đầu cắm bị thiếu trên các socket Intel, Der8auer đã chứng minh được điểm lợi của OC Socket trên bo mạch chủ ASUS.
Cho đến lúc này, Intel vẫn rất kín tiếng về OC Socket và khi được hỏi về vấn đề này thì họ liền đá vấn đề sang cho các nhà sản xuất bo mạch chủ mà cụ thể là ASUS. Mặc dù ASUS cho rằng OC Socket chẳng làm ảnh hưởng gì đến chế độ bảo hành của CPU nhưng Intel vẫn chưa lên tiếng xác minh điều này. Có nhiều người cho rằng số CPU Haswell-E bị hư hỏng bởi OC Socket nhưng họ không chứng minh được điều này. Một số báo cáo tương tự cũng được các nhà sản xuất bo mạch chủ khác đưa ra nhưng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy OC Socket là tác nhân chính gây ra nguyên nhân hư hỏng của các vi xử lý Haswell-E.
Dù sao thì OC Socket cũng cho thấy nó không phải là chiêu bài marketing đơn thuần của ASUS vì số chân socket được thêm vào rõ ràng có tác dụng nâng cao khả năng ép xung. Được biết, ASUS đã đăng ký bản quyền OC Socket với Foxconn qua đó cho thấy họ rất nghiêm túc khi đầu tư vào OC Socket cho dòng bo mạch chủ X99 dù điều này có thể khiến mối quan hệ của ASUS và Intel trở nên lạnh nhạt hơn trong tương lai. Chúng tôi vẫn chưa biết rằng chủ đề về OC Socket chừng nào mới chấm dứt nhưng có một thực tế cho thấy OC Socket không chỉ đơn giản là chiêu bài marketing của ASUS.
Trái: Socket 2011-3 chuẩn Intel trên bo mạch chủ ASRock, Gigabyte và MSI. Phải: OC Socket trên bo mạch chủ ASUS.
Nguồn: uk.hardware.info
HOT Những lợi ích của OC Socket trên các bo mạch chủ ASUS X99
Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 6/3/15.
Bình luận
Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 6/3/15.
-
Trang 1 của 2 trangTrang 1 của 2 trang