Pentium G3258 là vi xử lý giá rẻ kỉ niệm 20 năm dòng vi xử lý Pentium tiếp cận thị trường của Intel và đặc biệt vi xử lý này có khả năng ép xung không như các vi xử lý dòng Pentium trước đó. Sau khi vi xử lý này ra mắt, các hãng sản xuất bo mạch chủ lớn như ASUS, Gigabyte hay MSI đã ra mắt rất nhiều bo mạch chủ chipset Z97 giá rẻ để kết hợp cùng G3258 để trở thành sự lựa chọn hàng đầu dành cho khách hàng có nhu cầu lắp ráp hệ thống máy tính giá rẻ.
ASUS Z97-P cũng là một trong những bo mạch chủ như vậy, dù giá của nó chưa xuống mức dưới $100 nhưng nó cũng thuộc lớp bo mạch chủ giá rẻ nhất sử dụng chipset Z97. Chiếc bo mạch chủ này được bán với giá $111 trên trang Newegg, rẻ hơn $29 so với bo mạch chủ Z97-A thời kỳ đầu mới ra mắt. ASUS Z97-P sẽ là bo mạch chủ cực kỳ thích hợp khi kết hợp cùng G3258 khi vi xử lý này chỉ có giá $70 cũng trên Newegg.
Vậy thì, Z97-P có bị cắt giảm nhiều tính năng khi có giá bán quá rẻ như vậy? Nhìn vào tên mẫu của bo mạch chủ này cũng không giúp tôi xác định điều này. Nhìn từ vẻ bề ngoài thì Z97-P vẫn sử dụng tông đen vàng nhìn khá sang thường thấy ở các bo mạch chủ tầm trung Z97 của ASUS, nhưng nếu soi kỹ hơn chút thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều điểm mà ASUS làm để phân khúc sản phẩm.
So với các bo mạch chủ tầm trung khác của ASUS thì Z97-P có vẻ đã bị cắt đi nhiều thứ. Dễ nhận thấy nhất là kích cỡ bo mạch chủ khi Z97-P chỉ có chiều rộng khoảng 21.3cm và 6 lỗ bắt ốc so với 8 lỗ bắt ốc theo thiết kế bo mạch chủ full ATX truyền thống. Điều này khiến các linh kiện trên bo mạch gần sát với nhau hơn và chúng tôi không thích kiểu thiết kế như vậy chút nào.
Do kích cỡ bị thu lại của Z97-P khiến các nhà thiết kế bo mạch chủ phải sắp đặt lại vị trí của 4 khe RAM gần với khu vực socket CPU. Nếu bạn sử dụng tản nhiệt khí quá to thì bạn nên xem lại khoảng cách từ 4 khe RAM đến tản nhiệt của mình xem có bị vướng không. Sau đây là vài thông số khoảng cách mà chúng tôi đo được để giúp các bạn có thể xem xét khả năng tương thích của tản nhiệt CPU với Z97-P:
Vấn đề khoảng cách này không chỉ ảnh hưởng đến tản khí mà còn đến tản nước nữa. Bộ tản nước Cooler Master Nepton 240M mà chúng tôi sử dụng để thử nghiệm khi lắp vào Z97-P đã bị vướng ở chỗ những con tụ điện gần khu vực socket CPU.
Tất nhiên thì chẳng ai dại gì mà đi gắn tản nhiệt nước cao cấp như Nepton lên bo mạch chủ phân khúc rẻ tiền như Z97-P cả, nhưng tôi chắc chắn là bạn nào đang sở hữu tản nhiệt CPU lớn thì nên cân nhắc trước khi mua Z97-P.
Một miếng tản nhỏ gần khu vực socket CPU và các cổng kết nối I/O đóng vai trò tản nhiệt cho dàn MOSFET cấp điện CPU với sự điều khiển từ 4 pha nguồn bên cạnh. Còn phía dưới bo mạch chủ là bộ tản chip cầu nam Z97. Cả hai đều được phủ lớp sơn vàng nhìn khá sang và không lòe loẹt.
Khi lướt sơ qua, Z97-P có dàn khe PCIe mở rộng khá lý tưởng cho hệ thống đa card đồ họa. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ thì chỉ có khe PCIe x16 bên trái là hỗ trợ số lanes Gen3 từ CPU. Trong khi đó, khe PCIe x16 bên phải chỉ hỗ trợ số lanes PCIe Gen2 từ chipset. Vì thế hiệu năng từ các hệ thống CF hay SLI sẽ bị ảnh hưởng do băng thông cung cấp cho khe PCIe Gen 2 không đủ.
Ngoài ra, Z97-P còn có cặp khe PCIe x1 và 1 khe PCI truyền thống. Các khe x1 Gen 2 được quản lý bởi chipset Z97 còn PCI thì do chip điều khiển ASMedia PCIe-to-PCI bridge quản lý.
Giữa khe PCIe x1 đầu tiên và khu vực socket CPU là khe kết nối M.2 hỗ trợ M.2 SSD chuẩn SATA lẫn PCIe có độ dài lên đến 80mm. M.2 SSD chuẩn PCIe khi gắn vào đây sẽ lấy băng thông của cặp khe PCIe x1 trong khi chuẩn SATA sẽ lấy băng thông một cổng SATA III trên bo mạch chủ. Như đã nói ở trên, do khu vực CPU socket quá hẹp vì thế nếu các bạn có tản nhiệt to mà vẫn muốn dùng M.2 SSD thì hãy cân nhắc trước khi gắn nhé.
Z97-P thuộc phân khúc giá rẻ vì thế không có gì lạ khi mà chiếc bo mạch chủ này không hỗ trợ khe cắm SATA Express. Số lượng khe SATA III trên Z97-P chỉ có 4 khe trên tổng cộng 6 khe mà chipset Z97 hỗ trợ và phân bố của các khe SATA III này cũng rất kì cục. Hai khe ở khúc giữa bên phải gần khe cắm USB 3.0 Front Panel và hai khe ở dưới góc phải bo mạch chủ. Về lý thuyết, khe M.2 của Z97-P đóng vai trò là khe SATA thứ năm vậy thì khe SATA thứ sáu ở đâu? Đây sẽ là điểm bất lợi của Z97-P khi phải so sánh với các bo mạch chủ giá rẻ khác khi chúng có thể sẽ hỗ trợ 6 khe SATA III.
Khu vực các cổng kết nối I/O chỉ có 3 jack âm thanh hỗ trợ âm thanh kênh đôi. Đây là điều ASUS thường làm với các bo mạch chủ giá rẻ và nếu bạn muốn dùng hệ thống âm thanh 8 kênh thì phải kết hợp 3 cổng âm thanh phía sau lẫn Front Panel.
Do thuộc phân khúc giá rẻ nên Z97-P không hỗ trợ cổng xuất hình Display Port nhưng nó vẫn có đủ 3 cổng HDMI, DSub và DVI dành cho các màn hình cũ hoặc màn hình giá rẻ sử dụng cho văn phòng.
Có tổng cộng 6 cổng USB ở khu vực này trong đó có 4 cổng USB 3.0. Ngoài ra Z97-P còn hỗ trợ 2 cổng USB 3.0 Front Panel cũng như 4 cổng USB 2.0 Front Panel (tổng cộng 6 cổng nếu tính luôn cả 2 cổng USB 2.0 ở mặt sau). Tất cả các cổng USB này đều được quản lý bởi chipset Z97 không thông qua bất kỳ chip điều khiển nào bên phía hãng thứ ba. Chip điều khiển mạng và âm thanh đều được làm bởi Realtek, một điều gần như là đương nhiên ở các bo mạch chủ phân khúc này.
Z97-P sử dụng chip âm thanh ALC891 cũ kỹ của Realtek và được khuếch đại bằng chip amplifier TI R4580. Hai linh kiện này được bố trí ở góc trái ở dưới bo mạch chủ và được cách ly với các linh kiện còn lại để đảm bảo chất lượng âm thanh.
Z97-P không hỗ trợ tính năng flash BIOS mù qua cổng USB được gọi là USB BIOS Flashback. Đấy là điều đáng tiếc vì ở thời điểm này và sắp tới sẽ có nhiều CPU mới từ Intel ra đời và việc cập nhật BIOS qua USB sẽ trở nên thường xuyên hơn, và chuyện gì xảy ra nếu chẳng may bo mạch chủ của bạn không boot được do trong lúc flash BIOS bị mất điện? Nếu không có USB BIOS Flashback, bạn sẽ phải mang bo mạch chủ ra trung tâm bảo hành để nhờ giúp đỡ nhưng việc này sẽ không được hỗ trợ miễn phí, và bạn vẫn phải trả một khoản tiền cho việc sửa chữa.
Z97-P cũng không có nút DirectKey cho phép người dùng vào thẳng BIOS mà không cần phải nhấn nút Del liên tục. Có thể đây là tính năng không cần thiết nhưng nó vẫn rất hữu dụng khi bạn là người hay vọc vạch.
Một điều nữa mà tôi thất vọng ở Z97-P là phần phụ kiện của nó không có đầu nối Front Panel Q-Connector. Đầu nối này sẽ giúp những người dùng không chuyên có thể cắm các dây nối Front Panel trên thùng máy dễ dàng lên bo mạch chủ của mình thông qua Q-Connector. Qua đó, khi lắp bo mạch chủ này, bạn sẽ cần đến sách hướng dẫn và đèn pin để có thể lắp các dây nối Front Panel vào bo mạch chủ.
Chưa hết, sẽ hay hơn nếu jumper Clear CMOS không nằm ở giữa đầu cắm USB 2.0 Front Panel và dàn chấu kết nối Front Panel. Vì khi bạn lắp ráp đầy đủ bo mạch chủ vào thùng máy, mỗi khi ép xung thất bại, bạn sẽ rất khó để rút con jumper để Clear CMOS với 2 ngón tay. Còn may là vì Z97-P sẽ tự động trả về thông số mặc định khi ép xung thất bại nên bạn ít khi nào phải rút jumper để Clear CMOS.
Ngay cả bo mạch chủ tầm trung như Z97-A cũng không hỗ trợ miếng chắn khe I/O có thiết kế và chất liệu phù hợp với tay người thì đừng mong Z97-P sẽ có được miếng chắn như thế. Đúng như vậy, miếng chắn I/O của Z97-P cực kỳ sắc nhọn và có thể làm đứt tay người dùng nếu lắp ráp không cẩn thận.
[TechReport Review] Z97-P: Bo mạch chủ Z97 siêu rẻ đến từ ASUS
Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 13/5/15.
Bình luận
Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 13/5/15.
-
Trang 1 của 2 trangTrang 1 của 2 trang