[Guide] Hướng dẫn ép xung CPU Intel Pentium G3258 trên bo mạch chủ Maximus VII Formula

Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 21/5/15.

By umbrella_corp on 21/5/15 lúc 10:46
  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    z97_small.jpg
    Nói đến ép xung CPU Intel, có lẽ nhiều người dùng sẽ nghĩ đến đầu tiên là tính chất phức tạp cũng như những nguy cơ tiềm tàng sẽ xảy ra cho thiết bị của mình. Điều đó đúng nhưng chỉ đúng với các trường hợp ép xung đỉnh cao mang tính chất thi đấu và ép xung trên các nền tảng thế hệ trước mà thôi. Hiện tại thì phương pháp ép xung CPU trên các bo mạch chủ thế hệ kể từ dòng chipset Intel Z68 cho đến nay đã được đơn giản hóa dành cho các tay ép xung mới chơi rồi. Và nền tảng mới nhất hiện này đang là Z97 và X99, 2 chipset dành cho 2 phân khúc thị trường trung cấp và cao cấp. Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn các bạn độc giả phương pháp ép xung CPU Intel G3258 trên bo mạch chủ Maximus VII Formula Z97 đơn giản và khá chi tiết dành cho những người mới bắt đầu bước chân vào thế giới ép xung. Còn CPU Intel i5-4690K hay i7-4790K đều có những bước ép xung tương đồng với Intel G3258 nên bài viết này các bạn cũng có thể dùng nó để tham khảo cách ép xung trên 2 CPU trung và cao cấp này.

    [​IMG]

    Lưu ý, bài viết này cũng có thể áp dụng cho các dòng bo mạch chủ H81, B85, H97 và Z97 của các hãng khác không riêng gì ASUS. Và có một số tên gọi chức năng trên bo mạch chủ ASUS không giống với Gigabyte và MSI nhưng chúng có tính năng tương tự, vì thế nếu biết được tính năng nào có chức năng tương tự nhau giữa các hãng tôi sẽ liệt kê ngay trong bài, còn không thì nhờ các bạn nào đang sở hữu các bo mạch chủ bên 2 hãng sản xuất MSI và Gigabyte bổ sung thêm giúp tôi.

    I - Các bước chuẩn bị đầu tiên

    A - Kiểm tra bo mạch chủ

    Đầu tiên, chúng ta sẽ xem xét xem là bo mạch chủ của mình có cấu hình tốt cho ép xung CPU chưa? Ở đây tôi giả định rằng chúng ta đã mua CPU Intel G3258 rồi nhé. Muốn biết bo mạch chủ của chúng ta sẽ có khả năng ép xung tốt hay không thì chúng ta sẽ phải chú ý vào các điểm sau:
    • Bộ phận cấp nguồn VRM bao gồm hệ thống MOSFET, số pha nguồn và các thành phần linh kiện cuộn cảm và tụ rắn.
    • Dàn MOSFET có được tản nhiệt tốt hay không?
    • BIOS của bo mạch chủ có mở khóa các tính năng ép xung chưa? (Cái này chỉ áp dụng với các bo mạch chủ H81, B85 và H97, riêng Z97 đã mở sẵn các tính năng hỗ trợ ép xung rồi).
    Nói đến bộ phận cấp nguồn VRM, số pha nguồn và số MOSFET trên mỗi pha nguồn là 2 thông số quan trọng nhất của bộ phận cấp nguồn VRM trong khi đó cuộn cảm và tụ rắn cũng quan trọng nhưng ở cấp thấp hơn. Theo lý thuyết càng nhiều pha nguồn và số MOSFET trên mỗi pha nguồn thì CPU sẽ được cấp điện dồi dào và ổn định hơn và cũng theo concept về bo mạch chủ Z97 của Intel thì số pha nguồn cũng như số MOSFET trên mỗi pha lần lượt là 8 và 2. Đấy là con số khá đáng chú ý, nhưng với ASUS và các hãng khác thì ít khi nào họ follow theo concept của Intel và thêm thắt vài linh kiện vào bo mạch chủ Z97 để tạo dấu ấn riêng cũng như hỗ trợ ép xung tốt hơn nữa. Tuy nhiên có vài nhà sản xuất bo mạch chủ Z97, thay vì sử dụng nhiều MOSFET trên một pha nguồn, họ chỉ sử dụng đúng 1 MOSFET duy nhất cho pha nguồn, và MOSFET đó có tên là NFET được sản xuất bởi hãng bán dẫn Texas Instrument. MOSFET NFET được cho là có khả năng cấp nguồn tốt và tiết kiệm chi phí thành phẩm hơn so với MOSFET truyền thống. Và ở bo mạch chủ mà tôi sẽ tiến hành ép xung CPU G3258 là Maximus VII Formula đã áp dụng MOSFET này.

    [​IMG]
    ASUS Maximus VII Formula.

    Tiếp theo là hệ thống dàn MOSFET của bo mạch chủ có được tản nhiệt tốt không? Đối với các bo mạch chủ chipset thấp hơn Z97, đây là điều khá quan trọng sẽ ảnh hưởng đến khả năng ép xung cao hay thấp của bo mạch chủ. Thông thường các bo mạch chủ H81, B85 và H97 không được các nhà sản xuất tích hợp bộ heatsink tản nhiệt ngoại trừ các phiên bản đặc biệt. Trong khi đó, gần như hầu hết các bo mạch chủ Z97 đều đã được trang bị tản nhiệt cho dàn MOSFET vì định hướng sản xuất của Z97 là dành cho ép xung hiệu năng cao. Maximus VII Formula được trang bị hệ thống tản nhiệt CrossChill Copper có thể tương thích với tản nhiệt nước custom dành cho MOSFET, vì thế dàn linh kiện này sẽ khó bị quá nhiệt khi ép xung CPU. Trong khi đó, để ép xung tốt, người dùng cần phải trang bị quạt làm mát thổi thẳng vào khu vực MOSFET trên các bo mạch chủ H81, B85 và H97 để đảm bảo khu vực này không bị nóng khi ép xung.

    Về phần BIOS thì đây chính là sân chơi chính dành cho các tay ép xung vì thế các tính năng ép xung cơ bản như mở khóa hệ số nhân hay LLC (Load-line Calibration) đều hiện diện tại đây. Bạn cần phải kiểm tra xem bo mạch chủ của mình hiện tại đã hỗ trợ ép xung hay chưa? Đối với bo mạch chủ Z97 thì khỏi cần check còn H81, B85 và H97 thì bạn phải lên trang chủ hãng sản xuất để xem thử thông tin BIOS của chúng.

    B - Kiểm tra keo tản nhiệt và chọn lựa phương pháp tản nhiệt

    Keo tản nhiệt và phương pháp tản nhiệt nước hay khí luôn là 2 đối tượng xuất hiện cùng nhau có tác dụng tương hỗ lẫn nhau trong việc ép xung CPU. Keo tản nhiệt tốt nhưng tản khí hay nước hiệu suất kém cũng không được mà tản nhiệt khí hay nước hiệu suất cao mà keo tản nhiệt chất lượng kém cũng không tốt. Vì thế, là người dùng cơ bản và mới bước chân vào thế giới ép xung, chúng ta luôn nghĩ rằng muốn ép xung cao phải trang bị keo tản nhiệt tốt và tản nhiệt khủng. Điều đó đúng nhưng để có được những thứ như thế chúng ta phải bỏ ra số tiền không nhỏ và đây chính là lúc chúng ta phải suy nghĩ dành ra số tiền bao nhiêu để có tản nhiệt và keo tản tốt nhất trong tầm giá?

    Theo tôi, đối với CPU Pentium G3258, nếu không có túi tiền rủng rỉnh, bạn nên tham khảo các model tản nhiệt khí có giá tiền ở trong khoản 600k đến 800k. Trong tầm giá này, Thermalright True Spirit 120M RevA sẽ là sự lựa chọn sáng giá nhất khi xét đến yếu tố p/p (hiệu năng/giá thành). Bạn có thể tham khảo thêm hiệu năng con này tại đây.

    [​IMG]
    Thermalright True Spirit 120M RevA.

    Sau khi chọn xong tản nhiệt, tiếp theo chúng ta sẽ tìm kiếm keo tản nhiệt tốt giá rẻ trong tầm 100k-200k. Tham khảo trên trang web bán dụng cụ DIY PC Dochoitinhoc và Tân Doanh, trong tầm giá này có các ứng cử viên sau đây có hiệu năng tốt nhất trong tầm giá nêu trên:
    • Thermalright Chill Factor III - 4g
    • Xigmatek Freezing Point G4718- 4g
    • Arctic Cooling MX-2 - 8g
    • Zalman ZM-STG2 - 3.5g
    • Deepcool Z5 - 3g
    • Evercool TC-10 Nano Silver - 10g
    • Noctua NT-H1 - 1g
    • Arctic Cooling MX-4 - 4g
    Trong số này, hiệu năng cao nhất là Noctua NT-H1 tuy nhiên keo này có tiền sử khá cứng khi trét và dung lượng chỉ có 1g và keo này sẽ khiến chúng ta sử dụng không thoải mái vì phải sử dụng hạn chế. Tuy nhiên, nếu bạn là người không thích thay đổi CPU thường xuyên thì đây chính keo mà bạn nên mua. Với tôi thì do bản chất CPU G3258 chỉ có 2 nhân 2 luồng vì thế khả năng tỏa nhiệt của nó gần như không thể so sánh với các dòng CPU i5 hay i7. Vì thế trong trường hợp này tôi sẽ chọn keo có hiệu năng vừa phải, dung lượng nhiều và dễ trét để dễ dàng nâng cấp CPU khi cần mà không phải đắn đo. Đáp ứng tiêu chí này là keo Xigmatek Freezing Point G4718 mà tôi thường sử dụng trong các bài review bo mạch chủ và card đồ họa.

    [​IMG]
    Noctua NT-H1.


    [​IMG]
    Xigmatek Freezing Point G4718.

    C - Hệ điều hành và các phần mềm liên quan đến ép xung

    Hệ điều hành nào là tốt nhất cho ép xung? Windows 8.1 hay 7? Đây là câu hỏi được rất nhiều các thành viên hỏi rất nhiều khi mới bước chân vào con đường ép xung. Không có câu trả lời thực sự rõ ràng cho vấn đề này, và theo kinh nghiệm ép xung của tôi thì Windows 7 sẽ là sự lựa chọn hàng đầu bởi tính ổn định, tỉ lệ ép xung thành công cao hơn Windows 8.1.

    Sau khi cài xong Windows 7, điều đầu tiên bạn cần làm trước khi ép xung là cập nhật phần mềm hệ điều hành đầy đủ thông qua cửa sổ Windows Update trong Control Panel.


    Tiếp theo là bước khá quan trọng, bạn phải chỉnh theme Windows từ Aero sang Classic để đảm bảo tính ổn định tuyệt đối khi ép xung.

    setup.png

    Sau đó bạn hãy vào Power Option và chỉnh hệ thống chạy công suất cao (High Performance) như hình dưới.

    setup1.png
    Sau khi chuyển theme, bạn cần phải tải về một số phần mềm sau:

     
    :
    Chỉnh sửa cuối: 19/12/15

Bình luận

Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 21/5/15.

    1. umbrella_corp
      umbrella_corp
      II - Xem qua BIOS bo mạch chủ Maximus VII Formula

      Trước khi ép xung, chúng ta sẽ vào BIOS của bo mạch chủ này để xem qua một loạt các thông số trên BIOS và ý nghĩa của chúng được tôi khám phá trong phạm vi hiểu biết của mình về Maximus VII Formula.

      Đầu tiên khi mở máy lên, bấm nút Del liên tục để vào được BIOS của Maximus VII Formula. Tab đầu tiên chúng ta sẽ được BIOS đưa vào là Extreme Tweaker.

      Dòng đầu tiên là LN2 Mode hiện tại đang bị đóng do tôi không tháo jumper mở chế độ ép xung ni tơ lỏng trên bo mạch chủ. 5 dòng tiếp theo khai báo xung nhịp của các thành phần:
      • Target CPU Turbo-Mode Frequency: 3200MHz. Đây là mức xung khi hệ thống tải nặng sẽ đạt được, với CPU G3258 là 3200MHz.
      • Target DRAM Frequency: 1333MHz. Đây là mức xung mặc định khi lần đầu boot hệ thống được bo mạch chủ Maximus VII Formula (M7F) thiết lập. Và mức xung này có thể set được lên 1400MHz với CPU G3258.
      • Target Cache Frequency: 3200MHz. Đây là mức xung dành cho cache đệm L3 trong CPU G3258 và CPU này có cache đệm là 3MB.
      • Target DMI/PEG Frequency: 100MHz. Đây là mức xung base clock, xung này sẽ đóng vai trò là bộ xung nhịp gốc khi tính xung nhịp trên CPU nhân với hệ số nhân. Ví dụ CPU G3258 có xung nhịp 3200MHz và base-clock là 100MHz thì hệ số nhân của CPU này hiện tại là 32x (32x x 100MHz = 3200MHz).
      • Target CPU Graphics Frequency: 1150MHz. Đây là mức xung nhịp mặc định của card đồ họa tích hợp trong CPU G3258. Và khi ép xung CPU chúng ta sẽ không quan tâm phần này.

      1.jpg

      Phía dưới là Overclocking Preset, nơi chứa rất nhiều profile ép xung sẵn dành cho CPU G3258 do các kỹ sư ASUS thiết lập. Phần này chúng ta cũng bỏ qua. Kế tiếp là Ai Overclocking Tuner, đây là nơi chọn chế độ ép xung, chúng ta sẽ có 3 chế độ là Auto, XMP và Manual.

      2.jpg

      Auto như đúng cái tên của nó, bạn chẳng cần phải làm gì cả, hệ thống sẽ tự ép xung giùm bạn và khi ép xung chúng ta sẽ không chọn cái này. Manual tức chỉnh tay cho phép chúng ta can thiệp sâu một chút về hệ thống khi ép xung, đây chính là chế độ chúng ta sẽ chọn khi ép xung. XMP là chế độ tự thiết lập thông số RAM dựa trên SPD (Serial presence detect - tạm dịch là thông tin xung nhịp của RAM) của hãng sản xuất RAM mà bo mạch chủ có thể boot được với CPU G3258. Nói cách khác chế độ này không khác gì Auto chẳng qua nó chỉ cho chúng ta tùy chọn hệ thống boot với RAM chạy theo mức thiết lập sẵn nào mà thôi.

      3.jpg

      Tiếp theo là ASUS MultiCore Enhancement chỉ cho phép chúng ta chọn Auto hoặc Disable. Theo như những gì ASUS mô tả ở dưới thì Auto là chế độ mà ASUS tối ưu các thiết lập về hệ số nhân CPU khi ép xung còn Disable là bo mạch chủ chỉ áp dụng thông số hệ số nhân mặc định theo concept của Intel. Tất nhiên khi ép xung chúng ta sẽ để Auto phần này.

      4.jpg

      Kế tiếp là CPU Core Ratio, đây là chế độ chọn phương thức hoạt động của hệ số nhân CPU. Có 3 tùy chọn ở đây:
      • Auto: Hệ thống sẽ tự điều chỉnh hệ số nhân tự động. Ép xung sẽ không cần đến.
      • Sync All Cores: Hệ thống sẽ chạy đồng bộ đúng 1 hệ số nhân duy nhất cho toàn bộ các nhân. Ví dụ như xung nhịp CPU G3258 là 3200MHz thì 2 nhân của nó sẽ chạy đồng bộ là 3200MHz.
      • Per Core: Người dùng tự điều chỉnh hệ số nhân tự do cho 2 nhân. Ví dụ như xung nhịp CPU G3258 là 3200MHz nhưng trong đó nhân CPU chỉ có 1 nhân chạy đúng hệ số nhân 32 còn nhân còn lại có thể được tùy chỉnh tùy ý. Đa phần khi ép xung chúng ta sẽ bỏ qua phần này, vì đây là yếu tố khiến ép xung khó có thể ổn định lâu dài.
      5.jpg

      Với nền tảng Haswell, CPU dựa trên nền tảng này đã cho phép chúng ta can thiệp sâu vào xung nhịp của cache đệm L3 thông qua tùy chỉnh hệ số nhân. Được hiển thị trên bo mạch chủ M7F là Min CPU Cache Ratio, Max CPU Cache Ratio, đây chính là nơi chúng ta điều chỉnh hệ số nhân cache đệm L3 của CPU khi ép xung. Thông thường xung nhịp của cache đệm L3 cách xung nhịp CPU khoảng 200-400MHz. Ví dụ xung nhịp CPU là 3200MHz thì xung nhịp cache đệm L3 thường là 2800MHz hoặc 3000MHz. Khi ép xung chúng ta phải nhớ đến quy ước này. Bên phía MSI thì hệ số nhân của cache đệm L3 được hiển thị là Ring bus Ratio, còn Gigabyte là Uncore Frequency.

      6.jpg

      Internal PLL Overvoltage: theo như mô tả của ASUS thì chế độ này cho phép điện quá dòng trên các CPU dòng K để khả năng ép xung cao hơn. Tất nhiên chế độ này thay vì Auto khi ép xung ta cứ để Enable luôn.

      7.jpg

      BCLK Frequency: DRAM Frequency Ratio: đây là nơi thiết lập bộ chia RAM để RAM có được nhiều mức xung nhịp RAM cho người dùng tùy chọn. Chỗ này chúng ta sẽ để Auto.

      8.jpg

      DRAM Frequency: chúng ta sẽ tùy chọn mức xung nhịp RAM. Với CPU G3258 thì mức xung nhịp mà CPU này chạy được với RAM chỉ là 1333MHz tuy nhiên với bo mạch chủ ASUS thì mức này được nâng lên 1400MHz. Chúng ta sẽ chọn 1400MHz ở đây.

      9.jpg

      Xtreme Tweaking: chế độ này khi mở sẽ hỗ trợ cho các bài benchmark hiệu năng trên bo mạch chủ. Mục này chỉ xuất hiện ở các bo mạch chủ dòng ROG vì thế ở các bo mạch chủ khác thì sẽ không có mục này. Với M7F, chúng ta sẽ mở chế độ này.

      10.jpg

      CPU Level Up: Nếu cảm thấy ép xung phức tạp quá và bạn muốn mọi thứ đơn giản hơn thì chế độ này là dành cho bạn. CPU Level Up là chế độ tự động ép xung CPU với các mức cho sẵn là 4GHz, 3.8GHz và 3.6GHz. Lưu ý mục này nhiều lúc sẽ không tương thích với CPU của bạn hay nói đúng hơn là các xung nhịp này chưa chắc chạy ổn định với CPU đang gắn trên hệ thống. Chế độ này khi ép xung tôi sẽ để Auto.

      11.jpg

      EPU Power Saving Mode: chế độ ưu tiên tiết kiệm điện hệ thống. Cái này bỏ qua luôn.

      12.jpg

      Tiếp theo là DRAM Timing Control, đây là nơi mà chúng ta thiết lập độ trễ khi truy xuất dữ liệu (cas latency) và tỉ lệ dữ liệu trên dòng lệnh truy xuất (command rate) từ CPU đến RAM.

      [​IMG]

      Trong đây có rất nhiều thông số tuy nhiên chúng ta chỉ chú ý các thông số sau:
      • Maximus Tweak: chế độ này chỉ dành cho một số bo mạch chủ dòng ROG. Có 3 tùy chọn: Mode 1 là chế độ dùng để tương thích với bộ nhớ RAM từ nhiều hãng với bo mạch chủ M7F, Mode 2 là chế độ tăng cường khả năng ép xung RAM và hiệu năng RAM còn Auto là chế độ hệ thống tự động tự chọn Mode 1 hoặc 2 theo hành vi (behavior) của bo mạch chủ. Vì chúng ta không ép xung RAM nên bạn có thể chọn chế độ nào cũng được, tuy nhiên khi ép xung gì tôi cũng chọn Mode 2.
      • Các thông số như DRAM Cas Latency, DRAM Ras to Cas Delay, DRAM Ras PRE Time, DRAM Ras ACT Time và DRAM Command Rate chúng ta sẽ điền theo SPD của RAM. Tuy nhiên do mức xung mặc định 1333MHz bo mạch chủ đã tự động set lần lượt 9-9-9-24-1 nên chúng ta không phải động tay vào đây nữa. Để chắc ăn tôi vẫn set bằng tay lại các thông số này.
      GPU DIMM Post: Đây là nơi thông báo các thiết bị PCIe và các module RAM (hạy gọi là cây RAM) được gắn trên bo mạch chủ cũng như thông tin về băng thông cũng như xung nhịp của chúng.

      [​IMG]

      External Digi+ Power Control: Phần này chính là phần điều chỉnh sâu về phương pháp cấp điện nguồn dành cho CPU và RAM. Có rất nhiều thông số đáng quan tâm ở đây.

      [​IMG]
      • CPU Load-line Calibration (LLC): Với các tùy chọn Auto và mức 1-10, đây là tính năng cho phép điện thế cấp nguồn của CPU ở trạng thái như thế nào khi chạy tải nặng. Ví dụ như với mức 3.2GHz của G3258, bạn set trong BIOS cấp điện thế là 1V và mức LLC này là 5 thì khi vào Windows dùng phần mềm CPU-Z để xem điện thế CPU khi tải nặng thì mức điện 1V sẽ vững vàng không đổi (theo lý thuyết thì khi tải nặng 1V sẽ bị hạ điện xuống khoảng 0.9V). Từng mức LLC khác nhau sẽ dẫn đến điện thế CPU khi xem bằng CPU-Z sẽ khác nhau. Ví dụ khi set LLC là 8 thì khi boot vào Windows, mức điện thế khi tải nặng có thể tăng từ 1V lên 1.1V. Nói cách khác, LLC là chức năng chống hạ điện khi CPU tải nặng và yêu cầu cần thiết khi ép xung là set mức LLC như thế nào đấy để đảm bảo khi set điện ngoài BIOS và vào Windows tải nặng đều như nhau.
      • CPU VRM Switching Frequency: chức năng này theo mô tả của ASUS thì nếu thay đổi giá trị của nó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phản ứng nhanh của VRM đối với lượng nhiệt sinh ra từ các linh kiện khu vực này. Nói cách khác khi nhiệt độ linh kiện khu vực này thay đổi lớn hay thấp thì VRM sẽ có phản ứng nhanh hay chậm để điều tiết hoạt động của VRM tùy thuộc vào người dùng chỉnh ở mức nào. Có 2 chế độ Auto và chỉnh tay, tất nhiên khi ép xung chúng ta sẽ không để bo mạch chủ tự làm thay việc này cho mình rồi.
      • VRM Spread Spectrum: chức năng này khi bật sẽ hạn chế việc các linh kiện bị nhiễu từ EMI. Tắt hay mở chức năng này là tùy theo quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên với tôi khi ép xung thì chúng ta nên tắt chức năng này.
      • CPU Power Phase Control: chức năng này quuyết định cách thức mà các pha nguồn CPU hoạt động và chức năng này cũng liên quan đến việc ép xung CPU. Có 5 sự lựa chọn ở đây:
        • Auto: hệ thống tự động điều chỉnh
        • Standard: số pha nguồn hoạt động theo dòng lệnh đưa từ CPU xuống
        • Optimized: hệ thống pha nguồn sẽ hoạt động theo profile tối ưu thiết lập sẵn của ASUS.
        • Extreme: tất cả các pha nguồn đều hoạt động hết công suất.
        • Power Phase Response: chế độ này khá tương tự với Extreme khi nó đòi hỏi các pha nguồn phải hoạt động đồng thời không nghỉ tuy nhiên nó cho phép người dùng tùy chỉnh cách thức các pha nguồn này hoạt động như thế nào chứ không ép buộc phải hoạt động công suất cao như Extreme. Phần này sẽ được tôi nói rõ khi hướng dẫn ép xung ở dưới.
      • CPU Power Duty Control: theo mô tả của ASUS chức năng này sẽ điều chỉnh tình trạng hoạt động của mỗi pha VRM và nhiệt độ sinh ra từ các pha này.
        • T.Probe: chế độ này luôn ưu tiên cân bằng nhiệt độ VRM ở mức an toàn
        • Extreme: chế độ này sẽ bỏ qua cân bằng nhiệt độ VRM - trừ khi bạn có quạt làm mát ở khu vực này, nếu không thì hãy set T.Probe khi ép xung.
      • CPU Current Capability: chức năng này sẽ quyết định CPU được cấp nguồn như thế nào khi ép xung. Giá trị % càng cao thì điện nguồn CPU cấp vào CPU càng lớn. Trừ khi bạn đang ép xung LN2, nếu không thì set vào khoảng 120% đổ xuống là đẹp.
      • CPU Power Thermal Control: nếu ép xung trên tản khí hoặc nước thì chúng ta sẽ không quan tâm cái này.
      • CPU Input Boot Voltage: nếu không rõ chức năng của nó thì tôi nghĩ bạn nên để Auto.
      • DRAM Current Capability: tương tự như CPU Current Capability nhưng dành cho RAM.
      • DRAM Switching Frequency: chức năng tương tự VRM Switching Frequency nhưng dành cho pha nguồn RAM. Khi ép xung chúng ta sẽ chọn Manual.
      • DRAM Power Phase Control: chức năng tương tự như CPU Power Phase Control. Có 3 sự lựa chọn: Auto, Optimized và Extreme, trong bài viết này do tôi đề cập đến ép xung CPU nên chỗ này chúng ta có thể để Auto hoặc Optimized đều được.
      Tiếp theo mục Tweaker Paradise, trừ khi bạn có ý định ép xung CPU bằng base clock còn không thì chúng ta sẽ không quan tâm đến cái này.

      [​IMG]

      Sau đấy là mục Internal CPU Power Management quyết định cách thức quản lý nguồn cấp điện năng nội tại của CPU. Trong đây chỉ có vài phần chúng ta cần chú ý đến:
      • Enhanced Intel SpeedStep Technology: Công nghệ tiết kiệm điện của Intel khi nó luôn ưu tiên điều chỉnh điện thế cấp và xung nhịp nhân CPU tuân theo lưu lượng sử dụng CPU hay còn gọi là CPU Usage. CPU Usage càng cao thì công nghệ này sẽ đẩy xung nhịp cùng mức điện thế cấp thích hợp lên, khi CPU Usage thấp thì cả hai nhanh chóng hạ giá trị xuống mức tối thiểu mà hệ thống chạy được. Chức năng này khi ép xung CPU chúng ta sẽ tắt đi.
      • Turbo Mode: theo mô tả của ASUS thì khi chúng ta mở chức năng này thì các nhân CPU sẽ chạy với xung nhịp cao hơn xung nhịp hoạt động gốc của nó khi các nhân này đang có công suất hoạt động thấp. Chức năng này chúng ta sẽ bật khi ép xung CPU.
      • CPU Integrated VR Fault Management: tắt tính năng này sẽ ngăn bộ điều chỉnh điện trong CPU gọi là FIVR (Fully integrated voltage regulator) bị lỗi khi chích điện quá dòng. Tính năng này nên được tắt khi ép xung.
      • CPU Integrated VR Effiency Management: nếu chọn chế độ cân bằng thì CPU sẽ tiết kiệm điện năng hơn khi hệ thống chạy nhẹ hoặc nghỉ, còn nếu chọn hiệu suất cao thì bộ FIVR sẽ luôn hoạt động ở công suất cao. Ép xung nên để High Performance.
      [​IMG]

      Sau khi xem hết các mục con của tab Extreme Tweaker, chúng ta tiếp tục xem tiếp phần còn lại của tab này. Tôi chỉ nhấn mạnh các chỗ cần chú ý ở đây khi ép xung mà thôi.

      41.jpg

      Chúng ta luôn lưu ý là chế độ Fully Manual Mode là phải ở trạng thái mở khi ép xung. Vì ở chế độ này chúng ta mới có thể tùy chỉnh mức điện thế cấp cho CPU và các linh kiện khác một cách linh hoạt và không bị gò bó theo khuôn khổ Offset (hình thức chỉnh điện theo kiểu điện thế tăng theo cấp số cộng).

      Sau đây là các thành phần chúng ta cần phải điều chỉnh khi ép xung CPU:
      • CPU Core Voltage: điện thế cấp cho nhân CPU.
      • CPU Cache Voltage: điện thế cấp cho bộ nhớ đệm L3 của CPU.

      42.jpg

      Tiếp theo SVID Support, nếu chúng ta tắt tính năng này thì dừng việc CPU giao tiếp với bộ điều chỉnh điện ngoài. Tính năng này được ASUS khuyên tắt khi chúng ta ép xung.

      43.jpg

      Kế tiếp là Initual CPU Input Voltage (điện đầu vào CPU) Eventual CPU Input (điện đầu ra CPU). Thông thường giá trị điện thế của cả hai là nằm trong khoảng từ 1.8 đến 2V. Tuy nhiên khi ép xung tản nhiệt khí hay nước, chúng ta nên để giá trị này trong khoảng 1.8-1.9V là đẹp, không quá cao cũng không quá thấp.

      DRAM Voltage: Điện thế cấp cho RAM, do chúng ta không ép xung RAM và CPU G3258 không tương thích với mức xung bus RAM cao hơn 1400MHz nên chúng ta sẽ set điện mặc định của RAM là 1.5V.

      44.jpg
      45.jpg

      CPU Spread Spectrum: Công nghệ chống nhiễu cho CPU. Khi ép xung chúng ta sẽ tắt cái này. BCLK Recovery cũng thế.

      Chuyển qua tab Advanced, vào bên trong mục CPU Configuration, chúng ta sẽ quan tâm các thông số dưới đây:
      • Intel Adaptive Thermal Monitor: chức năng này của Intel khi bật sẽ bảo vệ CPU bằng cách hạ xung nhịp CPU xuống khi CPU chạm mốc nhiệt độ tới hạn (throttle point). Có tổng cộng 3 mức TM1, TM2 và EMTTM và khi ép xung chúng ta sẽ Disable chức năng này để đảm bảo CPU sẽ không hạ xung đột ngột vì chúng ta đã trang bị cho CPU bộ tản nhiệt khí hoặc nước tốt rồi.
      • Active Processor Cores: cho phép chúng ta tùy chọn số lượng nhân CPU hoạt động còn nhân còn lại được tắt tạm thời. Do G3258 chỉ có 2 nhân nên ở đây tùy chọn chỉ là 1, nếu là CPU i7-4790K 4 nhân thì tùy chọn ở đây sẽ lên tới 3. Ở đây khi ép xung chúng ta sẽ để All.
      • Limit CPUID Maximum: chức năng này chỉ hữu dụng khi chúng ta sử dụng những hệ điều hành cũ kỹ, trên nền tảng Windows thì chúng ta để Disable.
      • Execute Disable Bit: mở tính năng này sẽ giúp hệ thống ngăn virus và các cuộc tấn công thông qua mã lệnh thông đường mạng máy chủ hoặc hệ thống mạng. Khi ép xung chúng ta tắt tính năng này đi.
      • Intel Virualization Technology: chức năng ảo hóa của Intel, cái này cũng tắt luôn do không liên quan đến ép xung CPU.
      • Hardware Prefetcher (L2 Cache): mở tính năng này sẽ giảm thời gian tải DRAM và tăng cường hiệu năng hệ thống, nên mở chức năng này.
      • Adjacent Cache Line Prefetcher: như trên.
      • Boot performance mode: chọn hiệu suất CPU hoạt động khi hệ thống boot trước khi hệ điều hành nắm quyền điều khiển hiệu suất CPU. Có 3 tùy chọn:
        • Max Non-Turbo Performance: CPU luôn chạy ở xung nhịp danh định. Ví dụ i7-4790K có xung nhịp danh định là 4GHz thì khi chọn tùy chọn này CPU sẽ chạy mức xung 4.0GHz khi hệ thống boot.
        • Max Battery: CPU luôn chạy ở xung nhịp thấp nhất có thể.
        • Turbo Performance: CPU luôn chạy ở mức xung tăng tốc. Ví dụ i7-4790K có xung tăng tốc theo chuẩn Intel là 4.4GHz thì thì khi chọn tùy chọn này CPU sẽ chạy mức xung 4.4GHz khi hệ thống boot.
      • Dynamic Storage Accelerator: chức năng này tối ưu hiệu năng cho SSD. Khi ép xung mở hay tắt chức năng này thì tùy bạn, nhưng nếu cho chọn tôi vẫn mở nó.
      • Tới mục CPU Power Management Configuration, vào trong đó, chúng ta tiếp tục có 4 mục con bao gồm:
        • Enhanced Intel SpeedStep Technology: nếu ở bên tab Extreme Tweaker chúng ta đã Disable chức năng này khi ép xung thì qua đây nó cũng bị Disable theo.
        • Turbo Mode: nếu ở bên tab Extreme Tweaker chúng ta đã Enable chức năng này khi ép xung thì qua đây nó cũng bị Enable theo.
        • CPU C-States: đây là tính năng tiết kiệm điện cho CPU khi ép xung chúng ta chọn Disable.
        • CFG lock: Không liên quan đến ép xung CPU, chúng ta nên Disable chức năng này.
      [​IMG]

      Sau khi xem xong mục CPU Configuration trong tab Advanced, chúng ta tiếp tục sang mục tiếp theo là PCH Configuration, tức tùy chỉnh các thông số về chip cầu nam. Trong đây chúng ta chỉ chỉnh duy nhất mục High Precision Timer về Disable khi ép xung mà thôi.

      [​IMG]

      Thế là tab Advanced đã xong, chuyển qua tab Monitor để xem các thông số liên quan đến nhiệt độ và quạt làm mát. Trong tab này, vào 2 mục Temperature MonitorFan Speed Monitor để theo dõi lần luợt nhiệt độ các thành phần hệ thống và tốc độ của các quạt làm mát đang gắn trên hệ thống. Còn mục Fan Speed Control, nơi đây là chỗ để chúng ta tùy chỉnh tốc độ quạt làm mát cho từng quạt theo vị trí cắm trên bo mạch chủ. Có tổng cộng 4 tùy chọn:
      • Disable: quạt sẽ luôn chạy tốc độ tối đa - khi ép xung chúng ta sẽ chọn cái này.
      • Auto: quạt sẽ chạy tốc độ do hệ thống tự động điều chỉnh.
      • DC Mode và PWM Mode: bạn nên đọc thêm thông tin về 2 mode này tại đây.
      [​IMG]

      Chuyển qua tab cuối cùng là Tool, và ở đây chúng ta sẽ quan tâm mục ASUS Overclocking Profile. Nơi này sẽ là chỗ chứa các profile tùy chỉnh hệ thống của chúng ta, giúp chúng ta tiết kiệm thời gian hơn về mặt tùy chỉnh thông số khi gặp phải trường hợp ép xung thất bại.

      [​IMG]
      Chỉnh sửa cuối: 23/5/15
    2. umbrella_corp
      umbrella_corp
      III - Các thiết lập BIOS để ép xung

      A - Mức xung 4.0GGHz

      Đây là mức xung được xem là cơ bản nhất cũng như dễ lên nhất đối với CPU G3258. Không phải CPU G3258 nào cũng có mức thiết lập BIOS giống nhau (chủ yếu là điện thế) để chạy mức xung này, do đó những hình ảnh BIOS dưới đây do tôi tùy chỉnh chỉ mang tính tham khảo, các bạn cần phải tự tìm tòi mức điện phù hợp cho G3258 khi chạy xung 4.0GHz.

      1.jpg

      Sau khi vào BIOS việc đầu tiên cần làm là bạn chuyển ngay vào tab Extreme Tweaker, điều chỉnh mục Ai Overclocking Tuner sang Manual. Lúc này các tùy chọn ẩn trong Manual hiện ra bao gồm CPU Strap, Source Clock Tuner, PLL Selection, Filter PLL, BCLK Frequency.
      • CPU Strap: Đây là mức xung base clock gốc được dùng để tính xung nhịp CPU sẽ chạy theo công thức: hệ số nhân x base clock. Thông thường khi mới bắt đầu làm quen với ép xung, bạn nên chọn mức 100MHz để thuận tiện hơn trong việc tính xung nhịp. Ở đây, tôi quyết định ép xung G3258 lên mức 4GHz vì thế CPU Strap tôi chọn là 100MHz và hệ số nhân sẽ là 40 (hệ số nhân này sẽ được set ở phần dưới của BIOS)
      2.jpg

      • Source Clock Tuner: khu vực này chỉ dành cho ép xung LN2, chúng ta sẽ không bàn tại đây vì thế cứ để Auto.
      • PLL Selection: theo mô tả của ASUS thì khi set PLL Selection ở mức LC PLL thì hệ thống sẽ vận hành ổn định hơn khi ép xung và SB PLL chỉ khi nào mức xung base clock quá cao so với mức 100MHz, và mức SB PLL này có thể gây ảnh hưởng nhất định với các thiết bị khác đang gắn trên bo mạch chủ. Trong phần này thay vì để Auto tôi chọn LC PLL do mức base clock chỉ là 100MHz.

      3.jpg
      • Filter PLL: có 3 tùy chọn Auto, High BCLK Mode và Low BCLK Mode. Chúng ta chỉ chọn High BCLK Mode khi mức xung base clock quá cao mà thôi còn không thì chúng ta chọn Low BCLK Mode chứ không chọn Auto.
      4.jpg
      • BCLK Frequency: Đây là nơi chúng ta điền vào trị số MHz dành cho base clock. Như tôi đã nói ở trên khi chúng ta chọn mức CPU Strap là 100MHz thì BCLK Frequency hiển thị ở đây sẽ là 100MHz. Tuy nhiên chúng ta có quyền tùy chỉnh BCLK Frequency trong khoảng từ 100MHz <= X < 125MHz, với X là trị số xung nhịp base clock cần điền. Tại sao lại nhỏ hơn 125MHz? Vì mức CPU Strap tiếp theo là 125MHz và BIOS không cho phép chúng ta điền giá trị bằng hoặc vượt quá 125MHz. Tuy nhiên khi mới chơi ép xung, chúng ta nên để mục này mặc định do BIOS set.
      5.jpg
      • ASUS Multicore Enhancement: Cái này chúng ta để Auto.
      • CPU Core Ratio: Chúng ta set Sync All Cores.
      • 1-Core Ratio Limit: Đây chính là hệ số nhân CPU mà tôi có nhắc ở trên. Tại đây ta set 40 để có được mức xung 4GHz.
      • 2-Core Ratio Limit: Cái này BIOS sẽ tự điền cho mình theo thông số của 1-Core Ratio Limit.
      • Min CPU Cache Ratio và Max CPU Cache Ratio: Đây là nơi chúng ta set hệ số nhân cho bộ nhớ đệm cache L3 của CPU. Và theo quy ước mà tôi đã nêu trong phần trước, xung nhịp nhân luôn cao hơn trong khoảng từ 200MHz đến 400MHz so với xung nhịp cache khi ép xung CPU. Vì thế ở đây tôi set hệ số nhân 37 cho cả hai mục tương đương với mức xung 3.7GHz, cách 300MHz so với mức xung 4GHz của nhân CPU. Bạn có thể set 36 hoặc 38, tuy nhiên với CPU của tôi thì nó chỉ ổn định được ở mức 3.7GHz mà thôi.
      • Internal PLL Overvoltage: mục này chúng ta để Enable.
      • BCLK Frequency : DRAM Frequency Ratio: tiếp tục để Auto.
      • DRAM Frequency: Do không ép xung RAM và bo mạch chủ của tôi có thể chạy mức xung 1400MHz với CPU G3258 nên tôi set mức bus này.
      • Xtreme Tweaking: Set Enable.
      • CPU Level Up: Auto.
      6.jpg

      Trong mục DRAM Timing Mode chúng ta set các thông số sau:
      • Maximus Tweak: Mode 2
      • DRAM Cas Latency: 9
      • DRAM Ras to Cas Delay: 9
      • DRAM Ras Pre Time: 9
      • DRAM Ras Act Time: 24
      • DRAM Command Rate: 1
      Các thông số còn lại để mặc định.

      [​IMG]

      Trong mục External Digi+ Power Control, chúng ta set các thông số theo hình dưới:

      [​IMG]

      Trong mục Internal CPU Power Management, chúng ta chỉ set các thông số sau:
      • Intel Enhanced SpeedStep Technology: Disable
      • CPU Integrated VR Fault Management: Disable
      • CPU Integrated VR Effiency Management: High Performance
      [​IMG]

      Tiếp theo, các mục cần chỉnh sửa bao gồm:
      • Fully Manual Mode: Enable
      • CPU Core Voltage: 1.2V. Mức điện cho nhân CPU này có thể được xem là dư thừa cho mức xung 4.0GHz cho hầu hết các CPU G3258. Bạn có thể set mức điện thấp hơn chút để hạ nhiệt độ tải nặng (full load) xuống, tuy nhiên đừng xuống quá 1.15V là được.
      • CPU Cache Voltage: 1.2V. Mức điện cho bộ nhớ đệm cache L3 có thể bằng hoặc thấp hơn so với điện xung nhân CPU. Ở đây, tôi sẽ chọn mức 1.2V cho dư dả chút, ổn định mức xung 3.7GHz cũng dễ dàng hơn.
      • SVID Support: Disable.
      • Initial CPU Input Voltage và Eventual CPU Input Voltage lần lượt là 1.8V và 1.9V.
      • DRAM Voltage: 1.5V. Thực tế mức điện này có thể chạy được mức xung bus RAM lên đến 1600MHz và các thiết lập DRAM Timing là 9-9-9-24-CR1 theo như SPD của nhà sản xuất. Tuy nhiên do mức xung bus RAM khi đi cặp cùng CPU G3258 cao nhất chỉ set được 1400MHz và mức điện thế thấp nhất cho phép RAM chạy được là 1.5V nên tôi để điện này là 1.5V.
      • CPU Spread Spectrum: Disable.
      • BCLK Recovery: Disable.
      20.jpg
      21.jpg

      Chuyển qua tab Advanced vào bên trong mục CPU Configuration, chúng ta lần lượt chọn các thiết lập như sau:

      22.jpg
      23.jpg
      24.jpg
      25.jpg
      26.jpg

      Cũng trong tab này, vào bên trong mục PCH Configuration, chỉnh High Precision Timer về Disable.

      27.jpg

      Chuyển qua tab Monitor, Anti Surge Support (chức năng chống sốc điện) chúng ta nên mở để bảo vệ các linh kiện trên bo mạch chủ.

      28.jpg

      Rồi vào mục Fan Speed Control, chỉnh tất cả các quạt làm mát đều chạy với tốc độ tối đa như hình dưới.

      29.jpg

      Khi thiết lập xong cnúng ta nhấn phím F10 để lưu lại các thiết lập này rồi hệ thống sẽ tự động reset và boot vào Windows với các tùy chỉnh đã được chúng ta tùy chỉnh trước đó trong BIOS.

      30.jpg
      B - Thử nghiệm mức xung 4.GHz trên Windows

      Sau khi boot vào Windows, điều đầu tiên cần thực hiện là chúng ta sẽ xem lại một lần nữa các thông tin liên quan đến xung nhịp và điện thế của CPU và RAM bằng chương trình CPU-Z.

      cpuz.png

      Đúng như thông số tôi đã set trong BIOS. Sau khi chắc chắn về các thông số CPU và RAM, chúng ta đóng 3 cửa sổ CPU chỉ chừa lại 1 cửa sổ CPU-Z có thông tin CPU, mở chương trình theo dõi nhiệt độ RealTemp và chương trình test ổn định RealBench 2.41.

      testing_1.png

      Ở chương trình RealBench 2.41, bạn hãy chuyển sang tab Stress Test, có 2 chỗ cần thiết lập là thời gian test và dung lượng RAM đang dùng trên hệ thống. Ở đây, thời gian test ổn định ép xung tốt nhất là trong khoảng 15'-30', trong trườg hợp này tôi chọn mức 15' để việc ép xung nhanh gọn hơn. Hệ thống của tôi đang chạy 8GB RAM vì thế ở mục bộ nhớ tôi chọn "Up to 8GB RAM". Sau đó chúng ta, bấm Start để chương trình khởi động test ổn định trong vòng 15'.

      testing_2.png

      Lưu ý về phần nhiệt độ CPU bên cửa sổ RealTemp, với kinh nghiệm từng ép xung nhiều lần, nhiệt độ hoạt động của CPU an toàn nhất là dưới 85*C. Do đó khi ép xung bạn cần phải theo dõi tình trạng nhiệt độ liên tục để nếu hệ thống ép xung có thất bại thì cũng vì lý do thiếu điện chứ không phải nhiệt độ. Với mức 4GHz thì nhiệt độ hoạt động của G3258 khi tải nặng vẫn chưa có gì đáng ngại vì còn cách mốc 85*C rất xa.

      testing_3.png

      Sau khi test xong, chúng ta đã có thể sử dụng mức xung 4GHz này để chạy máy hàng ngày rồi. Bạn cũng có thể test thêm bằng cách chạy các ứng dụng thực tế như render hình toa lét bằng Vray thông qua 3DSMax 2013 (phép thử tôi thường dùng khi review bo mạch chủ), chơi game sử dụng nhiều CPU (GTA V)...

      C - Mức xung 4.5GHz và thử nghiệm

      Mức xung 4.5GHz trên CPU G3258 là một cột mốc nữa để đánh giá chất lượng hoàn thiện của CPU. Sở dĩ tôi nói vậy là vì bắt đầu từ mức xung này trở lên là G3258 có truyền thống nuốt điện rất kinh, những CPU nào tốt thì điện ít cỡ dưới 1.25V là đã có thể chạy xung 4.5GHz và ngược lại.

      Đối với CPU G3258 của tôi thì ở mức xung này, nó ăn điện đúng 1.25V. Tuy nhiên đấy vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận CPU của tôi tốt hay không mà còn phải phụ thuộc vào nhiệt độ sinh ra từ nó khi chạy full load nữa.

      Trong BIOS, gần như mọi thiết lập đều giống ở mức 4.0GHz, chỉ khác phần xung nhịp và điện thế cấp mà thôi.

      150520083830.jpg
      150520083848.jpg

      Mọi thao tác kiểm tra còn lại đều giống như phần trước, tôi sẽ không bình luận gì thêm ở phần dưới về sau nữa.

      cpuz.png
      testing2.png
      testing3.png

      Nhiệt độ vẫn nằm trong mức kiểm soát, nhiều khả năng đây là sẽ con CPU tốt. Tôi hy vọng thế!

      D - Mức xung 4.7GHz

      Đây là mức xung cao nhất mà tôi có thể kéo được trên tản nhiệt khí với CPU G3258 này, có đôi chút thất vọng về CPU này khi mà ở mức xung 4.7GHz thì điện thế cấp cho nó đã vọt lên mức 1.35V sắp đạt đến ngưỡng an toàn về điện cấp CPU của Intel là 1.4V trên tản khí và nước.

      Trong BIOS, tôi thiết lập phần xung nhịp và điện thế cấp, còn các thông số còn lại thì giống như bên mức 4GHz:

      150520090122.jpg
      150520090151.jpg

      Sau đó thì chúng ta vào Windows và tiến hành lại các thao tác như trước đó.

      cpuz.png
      testing2.png
      testing3.png

      Nhiệt độ đã lên mức 7x*C, dù nhiệt độ vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng CPU này vẫn không thể lên hơn được nữa, dù tôi có set mức 4.8GHz với mức điện như thế nào, kể cả 1.4 hay 1.45V. Vì thế với CPU G3258 mà tôi đang có trong tay, mức cao nhất mà nó có thể chạy được là 4.7GHz trên tản khí và tản nước mà thôi.
      Chỉnh sửa cuối: 23/5/15
    3. Tot
      Tot
      Rất chi tiết bạn
    4. myahee
      myahee
      Tản khí mà chạy được 4.7Ghz là ngon lắm rồi con G3258
    5. songokuli
      songokuli
      bài dài quá nhìn hơi khó hiểu
    6. Tot
      Tot
      G3258 max chạy được 5ghz trên air
    7. daigia358
      daigia358
      thật không thế????
    8. trinhame
      trinhame
      set cái này mức điện áp là quan trọng nhất nên dùng đồng hồ đo để hiện thị điện dễ hơn
    9. nhokpanda12
      nhokpanda12
      Đâu cần, trong BIOS có hiển thị cường độ dòng điên rồi mà

Chia sẻ trang này