Sau một khoảng thời gian tạm “lắng đọng”, hôm nay mình lại mang đến cho các bạn một sản phẩm hoàn toàn mới, đó là màn hình AOC G2460VQ6 có hỗ trợ công nghệ FreeSync của AMD.
I. Thiết kế:
Màn hình AOC G2460VQ6 có thiết kế khá nhỏ gọn và rất chi là cơ bản. Phần đế được lắp vào thân màn hình khá dễ dàng do sử dụng khớp, các bạn sẽ không cần bất cứ dụng cụ gì để tháo lắp chân đế này, mình rất thích thiết kế này và đây sẽ là một ưu điểm cho chiếc màn hình phổ thông này. Màn hình có thể gập 5độ và ngã 20độ như hầu hết những màn hình khác.
Điểm nhấn duy nhất của màn hình là viền đỏ nằm dưới logo AOC của màn hình, màu đỏ này cũng là tông màu chủ đạo của AMD. Nếu không để ý thì sẽ không biết được rằng viền màu đỏ này bị lõm vào ngay vị trí logo AOC. Các chức năng của nút bấm cũng được khắc trên phần viền đỏ này khá trực quan. Góc bên trái có logo “Energy star”, và theo thông tin trên trang chủ thì mức độ tiêu thụ điện của màn hình này vào khoảng 23W. Còn logo “Windows 8 Compatible” có vẻ... dư thừa, do windows phụ thuộc vào máy chứ đâu phải do màn hình!?
Theo thông tin dán trên góc trên bên trái này, màn hình sẽ có loa, không bị chớp, chức năng bảo vệ mắt,v.v... Thực hư thế nào thì mình sẽ trải nghiệm thử xem sao.
Mặt sau của màn hình cũng khá giống với những màn hình AOC khác với phần khung nhô ra. Trên phần khung đó sẽ chứa 2 loa ở 2 bên, mặt sau khung sẽ là nơi lắp bộ gắn tường.
Màn hình này không những chỉ hỗ trợ các cổng cao cấp mà còn có cổng cấp thấp như VGA. Như ảnh trên bạn có thể thấy chúng ta có cổng DisplayPort, cổng cần thiết để có được trải nghiệm mượt mà nhất với các công nghệ liên quan đến tần số quét như FreeSync, ngoài ra còn có HDMI và cổng VGA. Bên cạnh sẽ có 2 khe cắm jack 3.5mm, một cổng là cổng tai nghe đầu ra và một cổng line in. Phía bên kia sẽ là cổng cấp nguồn cho màn hình.
II. Hiệu năng:
Đầu tiên cần nói đến về cấu hình phần cứng của màn hình. Màn hình sử dụng panel TN, theo lý thuyết sẽ có tốc độ phản hồi nhanh nhưng về màu sắc sẽ không tốt cho lắm, mình sẽ thử cụ thể từng cái sau. Theo thông tin từ nhà sản xuất, tần số tối đa của màn hình là 75Hz. Và thật vậy, khi thử ép tần số quét lên 76Hz bằng driver của AMD hoặc Custom Resolution Utility (CRU) thì bị lỗi ngay.
Ảnh trên là kết quả khi thử màu màn hình lúc mới sử dụng và chưa qua thay đổi thông số. Màu bị sai khá nhiều, có màu độ lệch lên đến hơn 6. Đa số các màu lệch từ 2-4 đơn vị. Tuy vây, mình đánh giá màu sắc thực tế của màn hình lúc này không quá tồi.
Ảnh trên là kết quả sau khi đã calibrate màn hình. Độ lệch màu đã giảm, đa số nằm trong khoảng dưới 2 đơn vị. Và quả thật không hổ danh panel TN, điểm đen khá tốt ở mức 0.129 cd/m2.
Một điểm mà mình không thích ở màn hình này chính là OSD của nó, nhìn khá rối mắt.
Có lẽ vì vậy nên chúng ta mới có cơ hội trải nghiệm phần mềm i-Menu trong đĩa đi kèm hoặc có thể tải trên mạng. Ngoài ra còn có phần mềm i-Saver giúp tiết kiệm năng lượng với các tính năng như hẹn giờ tắt. Phần mềm Screen+ sẽ giúp bạn chia các cửa sổ của mình theo các lưới có sẵn của phần mềm một cách dễ dàng hơn.
Có một điểm khá thất vọng đó chính là tốc độ hồi đáp không nhanh như đã công bố. Bằng mắt thường ta vẫn có thể nhận ra các bóng mờ khi chiếc xe trong pixperan di chuyển, không cần đến ảnh chụp tốc độ cao (1/4000s).
Màn hình này có một chức năng đối với mình khá là lạ mắt, đó là Picture Boost với chức năng làm sáng một vùng nào đó lên hơn mức bình thường. Bạn sẽ có tùy chỉnh để thay đổi kích thước của vùng sáng cũng như di chuyển vùng sáng. Và vùng sáng đó bạn có thể thay đổi độ sáng và độ tương phản. Hiện tại mình chỉ mới nghĩ được chức năng của nó là làm nổi bật một phần nào đó của một bức ảnh để bạn có thể làm việc khác dựa vào bức ảnh (Mình hi vọng là vậy).
Và ảnh trên cũng chính là hạn chế của panel TN, đó là góc nhìn kém. Ảnh hai bên cạnh chỉ bị thay đổi về độ sáng trong khi ảnh trên dưới màu sắc bị bóp méo.
Và bây giờ sẽ đến phần công nghệ chính của màn hình đó là FreeSync. Trước tiên bạn cần đảm bảo sử dụng cổng DisplayPort 1.2 để có thể sử dụng công nghệ này nhé. Ở đây mình sử dụng công cụ demo quạt gió để thử tính năng của FreeSync. Khi tắt sẽ có hiện tượng xé hình giống ảnh trên. Và khi bật chắc chắn tình trạng xé hình đó sẽ hết. Tuy nhiên với tần số quét tối đa chỉ 75Hz thì hầu như bằng mắt thường chúng ta sẽ không nhận thấy được mấy khác biệt so với tần số 60Hz như ta thường thấy ở các màn hình thường.
Màn hình có có một tính năng khá thú vị là “Break Reminder” sẽ nhắc nhở bạn nếu bạn sử dụng màn hình liên tục hơn... 1 giờ. Có lẽ không ai sử dụng chức năng này...
III. Kết luận:
Với giá khoảng £125 (khoảng 4 triệu VND) theo amazon, đây là sản phẩm ở mức trung bình khá, tuy nhiên cần có sự cân nhắc nếu bạn muốn sở hữu một màn hình có khả năng khử hiện tượng xé hình.
Ưu:
- Thiết kế dễ lắp đặt.
- Cổng kết nối đa dạng.
- Phần mềm thay thế OSD thân thiện hơn.
Khuyết:
- Tốc độ hồi đáp chưa thực sự tốt.
- OSD khá rối rắm
HOT [Review] Màn hình chơi game AOC G2460VQ6
Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi namhhgames, 23/3/16.
Bình luận
Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi namhhgames, 23/3/16.