HOT [Guide] NVIDIA GeForce Experience 3.0 - Nâng tầm cuộc sống gaming của bạn

Thảo luận trong 'Card Đồ họa - Video Cards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 26/9/16.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Bạn là một game thủ không chuyên hay đơn thuần là một người cực đam mê với ngành giải trí điện tử nhưng lại không hiểu rõ quá nhiều về các thiết lập trong game, hoặc chia sẻ trực tiếp trải nghiệm chơi game của mình trên các kênh chia sẻ video phổ biến như Twitch và YouTube theo cách đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được? NVIDIA GeForce Experience 3.0 sẽ là một giải pháp mà chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua.

    [​IMG]
    GeForce Experience 3.0.


    Trước khi đi vào GeForce Experience 3.0, chúng ta hãy cùng xem thử hai bản GeForce Experience trước được hình thành như thế nào? Ra mắt lần đầu vào năm 2013 cùng thế hệ card đồ hoạ dùng nhân Kepler, GeForce Experience 1.0 đã có hơn 35 triệu lượt tải về tính đến tháng 4/2014, đây là một con số không tồi đối với một trình ứng dụng tăng tốc hệ thống dành cho gaming. GeForce Experience (GE) 1.0 ghi điểm đối với người dùng nhờ vào khả năng tối ưu hoá các tuỳ chỉnh đồ hoạ của nhiều game tương ứng với sức mạnh của card đồ hoạ dòng GeForce mà họ sử dụng, hỗ trợ tính năng tải về và cài đặt driver tự động và khả năng stream game máy tính đến SHIELD - máy chơi game cầm tay của NVIDIA sử dụng hệ điều hành Android. Và đặc biệt hơn nữa, GE 1.0 còn tích hợp thêm tính năng ghi hình iname có tên là ShadowPlay. Tính năng này cho phép người dùng có thể ghi lại những đoạn phim gameplay của mình với dung lượng thấp nhưng vẫn giữ được chất lượng cao so với các trình ghi hình khác vào thời điểm ra mắt như Fraps, Bandicam, v.v... ShadowPlay thành công đến nỗi khi đã có hơn 4 triệu đoạn clip ingame được người dùng G.E ghi lại bằng tính năng này theo công bố từ NVIDIA.

    [​IMG]
    GE 1.0 - Trình tăng tốc hệ thống không thể thiếu của game thủ, đặc biệt người dùng card NVIDIA trong giai đoạn 2013-2014.

    Tiếp nối thành công từ GE 1.0, vào tháng 4/2014, GE 2.0 đã được NVIDIA tung ra hỗ trợ toàn bộ các thế hệ card đồ hoạ từ Kepler trở lên cho đến Maxwell sắp ra mắt vào tháng 9 tại thời điểm đó. Tuy nhiên, G.E 2.0 chưa thực sự được đánh giá cao như phiên bản đầu tiên vì NVIDIA chưa thêm thắt được nhiều tính năng mới cho nó so với người tiền nhiệm. Cụ thể, GE 2.0 có đầy đủ những tính năng từ người đi trước nhưng được thêm khả năng stream trực tiếp các đoạn gameplay mà người dùng đang chơi lên mạng chia sẻ video trực tuyến Twitch. Nếu như GE 1.0 chỉ xuất hiện trên các card đồ hoạ máy bàn thì GE 2.0 đã được NVIDIA mở rộng hỗ trợ trên một số card đồ hoạ rời trên laptop với đầy đủ tính năng tương đương.

    [​IMG]
    GE 2.0 chưa có nhiều tính năng mới mẻ so với bản đầu tiên.

    Và cuối cùng, như truyền thống từ hai phiên bản trước, GE 3.0 cũng đã được NVIDIA chính thức trình làng hôm 7/9 vừa qua hỗ trợ hoàn toàn cho những card đồ hoạ của hãng từ thế hệ Fermi đến Pascal mới nhất. Cấu hình đề nghị của GE 3.0, bạn có thể xem chi tiết tại đây.

    [​IMG]

    Những tính năng nổi bật của GE 3.0:
    • Giao diện được thiết kế lại thân thiện với game thủ hơn
    • Xem tin tức nóng về NVIDIA cũng như tải về nhanh driver mới nhất cho card đồ hoạ
    • Giới thiệu chức năng SHARE tích hợp các tính năng quay phim, quay phim Instant Replay, live stream video gameplay lên hai mạng chia sẻ video trực tuyến phổ biến Twitch và YouTube. Đặc biệt, độ phân giải hỗ trợ lên đến 4K và số khung hình 60FPS. Tất cả đều được thực hiện thông qua giao diện SHARE Overlay trực diện trên màn hình desktop hoặc ingame.
    • Chụp hình screenshot, chỉnh sửa và tải lên mạng xã hội ảnh Imgur hoặc Google Photos mà không cần phải thoát game.
    Bạn có thể xem ở video giới thiệu sơ lược về GE 3.0:


    I - Nhiều điểm cải tiến hơn người tiền nhiệm

    So với GE 2.0, GE 3.0 đã có nhiều thay đổi lớn phù hợp hơn với tiêu chuẩn gaming hiện nay hơn. Có thể thấy rõ, giao diện người dùng của GE 3.0 được NVIDIA thiết kế theo dạng thumbnail đơn giản và hiện đại thay vì cây thư mục cũ kỹ như trước. Với giao diện này, game thủ sẽ có cái nhìn trực quan hơn trong việc lựa chọn tựa game và tối ưu hoá nó trước khi vào game. Hơn nữa, giao diện mới của GE 3.0 giúp nó có tốc độ tải nhanh cũng như độ tiêu tốn bộ nhớ thấp hơn rất nhiều so với phiên bản trước.

    Một điều quan trọng nữa là lần này, GE 3.0 sẽ không mở hết các tính năng nếu bạn không đăng nhập bằng tài khoản NVIDIA, Facebook và Google. Do đó, bạn cần phải đăng ký một trong các tài khoản trên để có thể trải nghiệm GE 3.0 đầy đủ nhất. Được biết trước đây GE 2.0 không yêu cầu người dùng phải đăng ký tài khoản mới sử dụng được hết tính năng của nó. Có thể GE 3.0 sẽ hướng đến cộng đồng nhiều hơn vì vậy họ cần người dùng đăng nhập tài khoản để người dùng có thể gửi yêu cầu hỗ trợ nhanh chóng ở phần Send Feedback bên góc dưới tay phải của giao diện chính, hoặc có thể NVIDIA sẽ thu thập dữ liệu game và hệ thống sử dụng nhằm tối ưu hóa các thiết lập về game trong các bản cập nhật GE về sau. Điều này được nêu rõ trong mục FAQ trên trang chủ GeForce Experience, các bạn có thể vào đường link này để xem thêm.

    [​IMG]

    Trên đây là từng bước mà tôi thiết lập chế độ tối ưu hoá cho game FIFA Online 3. Trước đây, GE 2.0 vốn cũng làm rất tốt phần này nhưng giao diện của nó chưa thực sự trực quan lắm. Nhưng với GE 3.0, công việc tối ưu hoá game của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhất là với giao diện thumbnail mới của ứng dụng này.

    [​IMG]

    Chuyển sang phần Settings của ứng dụng, tại đây GE 3.0 không có nhiều sự lựa chọn trong 4 mục General, Account, Games và SHIELD. Mục General chủ yếu trình bày thông số hệ thống cũng như các tính năng mà GE 3.0 sẽ hỗ trợ trên máy của bạn. Như bạn có thể thấy ở hình dưới, hệ thống mà tôi sử dụng hỗ trợ 3 chức năng quan trọng Game Optimization (Tối ưu hóa), GameStream và Share. Rất tiếc chức năng cuối cùng Virtual Reality (Thực tế ảo) thì card đồ họa GTX 750 Ti của tôi chưa đủ để đáp ứng nên GE 3.0 sẽ báo màu xám, để sử dụng tính năng này tôi buộc phải nâng cấp lên card đồ họa thuộc dòng cao cấp hơn của NVIDIA như GTX 1080, GTX 1070...

    Qua mục Account, người dùng sẽ được xem lại thông tin tài khoản cũng như chỉnh sửa hình ảnh avatar thông qua icon cây bút phía phải. Ngoài ra, người dùng cũng có thể bật chức năng gửi tin quảng cáo từ NVIDIA nhưng có lẽ ít ai sẽ bật tính năng này lên.

    Tiếp đến là mục Games, đây là nơi mà bạn sẽ cấu hình cho GE 3.0 địa chỉ chứa thư mục game mà ứng dụng sẽ quét qua để thêm game vào trang chủ Home của nó. Thông thường, các địa chỉ thư mục game của hệ thống sẽ được GE 3.0 thêm vào tự động, bạn không cần phải thao tác gì nhiều. Tuy nhiên bạn vẫn có thể tùy chỉnh lại đường dẫn nếu bạn có cài game lên địa chỉ khác. Hơn nữa, nếu bạn cho phép GE 3.0 tự động thêm game khi cài đặt game mới và thông báo cho bạn biết về cấu hình tối ưu mới nhất dành cho game ở phía phải của mục này thì sẽ rất tiện lợi nếu bạn là một game thủ không chuyên sâu.

    Cuối cùng là mục SHIELD. Mục này nếu như bạn không có máy chơi game SHIELD của NVIDIA như tôi thì có thể không quan tâm đến nó cũng được. SHIELD cho phép bạn cấu hình stream game từ màn hình PC sang máy chơi game SHIELD thông qua kết nối WiFi để có thể trải nghiệm game PC trên màn hình cầm tay.

    [​IMG]

    Tại mục Drivers, GE 3.0 sẽ tự động tải về và cài đặt driver card đồ hoạ mới nhất cho hệ thống của bạn. Ngoài ra bạn còn thể xem thêm các thông tin rất nóng từ NVIDIA ở phần dưới của mục này, đặc biệt là những khuyến mãi code game tặng kèm khi mua card đồ hoạ dùng nhân NVIDIA hoặc hơn nữa, NVIDIA sẽ có phần quà tặng give-away hấp dẫn trong tương lai. Tuy nhiên, tại thời điểm viết bài, NVIDIA đang có hai phần quà rất hot dành cho khách hàng đăng ký sử dụng GE 3.0 là bộ đôi kính thực tế ảo HTC Vive và laptop chơi game thực tế ảo của MSI. Mọi thông tin về các phần quà tặng give-away của NVIDIA bạn đọc có thể xem tại link này.

    [​IMG]

    Cuối cùng là tính năng quan trọng nhất và cũng là tiêu biểu nhất làm nên sự khác biệt giữa GE 3.0 và 2.0. Đó là SHARE Overlay hay còn được gọi tắt là SHARE. Với SHARE, bạn sẽ có tất cả những gì tinh tuý nhất từ GE 2.0 bao gồm ShadowPlay, Shadow Recording, LiveStream và Desktop Capture nhưng với những nâng cấp mạnh mẽ hơn cũng như tên gọi cũng đã được thay đổi để tạo sự khác biệt cho GE 3.0.​

    II - Làm quen cùng SHARE

    [​IMG]

    SHARE thực chất là một giao diện chức năng dạng chồng lên trên (Overlay) màn hình khi chơi game và desktop. Giao diện này hay ở chỗ nó cho phép bạn có thể thao tác sử dụng các tính năng mà không cần phải thoát game. Như tôi đã nói ở trên, SHARE kế thừa hết các tính năng của GE 2.0 và nâng cấp một số tuỳ chỉnh sau đó đổi tên lại. Theo đó, ShadowPlay sẽ trở thành Record, Shadow Recording thành Instant Replay, LiveStream thành Broadcast còn Desktop Capture trở thành một tuỳ chọn có tên Privacy Control trong phần Preferences. Vì vậy, nếu bạn muốn sử dụng Desktop Capture thì buộc phải điều chỉnh chấp nhận chia sẻ màn hình trong tuỳ chọn Privacy Control.

    Từ giao diện chính, tôi sẽ vào mục Preferences trước để xem các tuỳ chỉnh sẽ ảnh hưởng đến SHARE. Trong mục này, chức năng Connect cho phép bạn kết nối các tài khoản ở các host mà SHARE có hỗ trợ bao gồm Google, imgur, Twitch và YouTube. Với Google, khi bạn kết nối tài khoản này với SHARE thì giao diện này sẽ cho phép bạn chụp hình screenshot hoặc gửi các đoạn clip quay game hay màn hình desktop lên thẳng Google Images hoặc Google Drive. Imgur cũng có tác dụng tương đương với Google Images. Riêng với Twitch và YouTube, nếu bạn có nhu cầu stream game bắt buộc bạn phải kết nối tài khoản của 2 host này với SHARE.

    Tiếp theo là phần thiết lập về giao diện overlay của SHARE khi chơi game hay stream game. Ở đây có ba tuỳ chọn về hiển thị trạng thái, số đo FPS và số lượng người xem stream và vị trí xuất hiện của chúng trên màn hình. Trong trường hợp này, tôi đã chỉnh trạng thái hiển thị ở góc dưới phải, số đo FPS phía trên phải và số người xem stream ở góc trên bên trái màn hình.

    Đến phần tuỳ chỉnh phím tắt bàn phím, ở đây NVIDIA đã cấu hình sẵn các phím tắt mà bạn sẽ sử dụng khi dùng SHARE. Với trải nghiệm của tôi, các cặp phím tắt Alt+F10 (Quay Instant Replay), Alt+F9 (Quay phim chỉnh tay), Alt+F1 (Chụp hình screenshot) thường được tôi sử dụng rất nhiều khi chơi game. Còn khi có nhu cầu stream, tôi ít khi phải sử dụng phím tắt vì trước khi stream tôi phải mở giao diện chính của SHARE vào phần Broadcast để tuỳ chỉnh các thông số stream rồi sau đó mới stream vì thế việc dùng các phím tắt trong phần Broadcast là không thực sự cần thiết, trừ khi lúc đang stream bạn vô tình bận công việc gì đó.

    Cuối cùng là các tùy chỉnh về quay phim Recordings, stream màn hình game Broadcast, hình ảnh screenshot trong Gallery và Privacy Control. Tùy chỉnh Privacy Control tôi đã có đề cập ở trên rồi còn Recordings, ở đây GE 3.0 sẽ cho phép chúng ta lựa chọn đường dẫn để lưu tập tin video đã quay và các file tạm trong quá trình quay phim. Bạn có thể điều chỉnh lại đường dẫn nếu muốn. Tùy chỉnh về Broadcast, bạn được quyền tắt chế độ này hoặc có thể stream game lên hai mạng chia sẻ video trực tuyến Twitch, YouTube tự động hay phải được sự đồng ý của chính bạn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm vào hình ảnh avatar hay bất kỳ hình ảnh nào để trang hoàng cho video stream của mình thông qua phần Custom overlay. Để đảm bảo cho chất lượng đường truyền video stream lên Twitch, bạn có thể lựa chọn một số server tại các vùng và lãnh thổ cho phù hợp với nơi ở của mình. Ví dụ như tôi đang ở Sài Gòn thì sẽ thiết lập server gần mình nhất là Asia: Singapore. Sau cùng là Gallery, phần này có rất ít tùy chỉnh khi GE 3.0 chỉ cho người dùng 3 sự lựa chọn đó là upload hình lên Google Photos, Imgur và hỏi trước khi upload. Ở trong trường hợp này, nếu bạn đã thiết lập tài khoản kết nối trong mục Connect phía trên thì phần lựa chọn trong phần Gallery này mới có tác dụng. Ví dụ như trong Connect, tôi đã kết nối tài khoản Google của mình với GE 3.0 thì trong Gallery này tôi sẽ chọn upload hình lên Google Photos.

    Trên đây là tất cả những gì bạn cần biết về các điểm mới của GE 3.0 và sau đây tôi sẽ lần lượt thử nghiệm các tính năng của SHARE Overlay bao gồm chụp ảnh screenshot và upload lên Google Images, quay phim Recordings và Instant Replay cuối cùng là chất lượng phim video stream lên YouTube.​

    III - Thử nghiệm SHARE Overlay

    Trong phần này tôi sẽ thử các tính năng chủ đạo của SHARE Overlay bao gồm Desktop/Game Capture, quay video bằng Recordings/Instant Replay và kiểm định chất lượng video stream lên YouTube sử dụng chức năng Broadcast. Trước khi đi vào bài test, tôi sẽ đưa ra chi tiết cấu hình máy thử nghiệm thông qua trình CPU-Z và GPU-Z:

    [​IMG]

    Như các bạn đã thấy, tôi sử dụng một hệ thống thuộc hạng trung bình khá với thành phần chủ lực trong bài test là card đồ họa NVIDIA GTX 750 Ti 1GB. Với cấu hình như thế, về lý thuyết khi quay phim cũng như streaming, hệ thống của tôi sẽ khó mà hoạt động trơn tru được. Tuy nhiên, với nền tảng từ hai thế hệ GE trước, tôi tin GE 3.0 sẽ không khiến hệ thống chơi game của tôi bị hạ hiệu năng quá nhiều so với những trải nghiệm đau thương từ Fraps hay một phần nào đó là Bandicam (Hai phần mềm quay phim nổi tiếng mà game thủ nào cũng biết) cũng như OBS hay XSplit Gamecaster.

    • Chụp ảnh screenshot màn hình desktop/game

    [​IMG]

    Trước khi chụp ảnh screenshot trong game hay màn hình desktop bằng tổ hợp phím Alt+F1 thì tôi phải cấu hình một chút cho SHARE Overlay. SHARE hỗ trợ cả mạng chia sẻ ảnh Imgur lẫn Google Images nhưng trong trường hợp này tôi sẽ demo cho các bạn chụp ảnh và upload lên Google Images vì độ phổ biến của gã khổng lồ tìm kiếm là lớn hơn rất nhiều so với Imgur. Với Imgur, bạn chỉ cần thực hiện các thao tác tương tự là được rồi.

    Bước đầu cấu hình SHARE tôi sẽ phải kết nối tài khoản Google của mình với ứng dụng này. Bạn có thể thấy trong phần Connect tôi đã kết nối sẵn tài khoản Google lẫn YouTube, sở dĩ tôi kết nối luôn cả tài khoản YouTube vì chút xíu nữa tôi sẽ stream hoặc up video mình quay lên mạng chia sẻ video này luôn. Trong mục Gallery tôi sẽ chọn Upload lên Google Photos và cuối cùng trong Privacy Control tôi phải bật tính năng desktop capture để cho phép SHARE có thể chụp screenshot, quay video cũng như stream video trên màn hình desktop.

    [​IMG]

    Trên đây là toàn bộ những thao tác mà tôi thực hiện để chụp ảnh màn hình desktop và upload lên Google Images. Nên nhớ là bạn vẫn có thể làm các thao tác này cho việc chụp screenshot hay quay phim game, rồi upload lên Google Images hạy YouTube. Và hơn thế nữa, khi chơi game, các bước trên đều được thực hiện trực tiếp và bạn không cần phải thoát game. Đây là điểm rất hay của SHARE và tôi rất tâm đắc với khả năng này của nó.

    • Quay phim Recordings và Instant Replay

    Trong bài test này, phần cấu hình chất lượng phim sẽ được tôi ghi lại chi tiết ở dưới thay vì chụp hình screenshot. Sở dĩ như thế là vì SHARE sử dụng giao diện chồng (Overlay) như tôi đã có nói ở trên, do đó tôi không thể dùng bất kì trình chụp ảnh screenshot nào để có thể chụp lại cấu hình Recordings và Instant Replay cả. Lưu ý các thông số cấu hình chất lượng của 2 chế độ này là như nhau chỉ khác ở chỗ Instant Replay có thêm tùy chỉnh về thời gian phim.

    Cấu hình GE 3.0 Recordings/Instant Replay:
    Recordings là chế độ quay phim mà bạn được tự do thiết lập thời gian quay phim thoải mái tương tự như quay phim bằng trong khi đó, Instant Replay chỉ cho phép các đoạn phim sau khi quay có thời lượng nhất định do người dùng tự thiết lập. Ví dụ như tôi đã thiết lập thời gian Instant Replay là 5 phút sau đó vào game bấm Alt+F10 (tổ hợp phím bật/tắt Instant Replay) thì ở một thời điểm nào đó, tôi có một pha highlight (siêu phẩm) và tôi lưu lại pha này bằng cách nhấn tổ hợp phím Alt+F10 lần nữa để kết thúc chế độ Instant Replay. Ngay lập tức, đoạn video gameplay có chứa pha siêu phẩm sẽ được lưu với thời lượng là 5 phút nhưng mà là 5 phút trước thời điểm tôi bấm tổ hợp phím Alt+F10 dừng Instant Replay. Sau đây là 2 đoạn clip Recordings và Instant Replay được tôi quay lại khi chơi game FIFA 17 mới ra của EA, hãy đẩy độ phân giải của YouTube lên FullHD@60fps để có cảm nhận hình ảnh tốt hơn nhé:


    Video quay bằng chế độ Recordings.



    Video quay bằng chế độ Instant Replay.

    Như bạn đã thấy, chất lượng hình ảnh của clip khá ấn tượng và đặc biệt tổng dung lượng của 2 clip này chỉ ở mức dưới 10GB mà thôi. Đây là điểm mà người thường xuyên sử dụng Fraps trước đây như tôi luôn thèm muốn nhưng không có được. Giải thích cho việc này là clip quay khi sử dụng SHARE Recordings hay Instant Replay là clip đã nén sẵn trong khi đó, clip quay từ Fraps là clip chất lượng gốc chưa nén, vì vậy dung lượng clip khi quay từ Fraps rất nặng dù thời lượng quay rất ít trong khi SHARE thì ngược lại. Vì thế, về chất lượng ảnh trừ khi bạn sử dụng clip cho mục đích tùy chỉnh chuyên sâu thì SHARE sẽ là giải pháp hoàn hảo cho bạn khi dung lượng clip sau khi quay ít hơn rất nhiều so với Fraps chưa kể chất ảnh cũng không quá thua thiệt.

    • Broadcast
    Ở chế độ Broadcast, do đường truyền mạng tại Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ nên buộc tôi phải hạ cấu hình xuống so với chế độ quay phim ở trên. Cụ thể, tôi thiết lập cấu hình cho Broadcast như sau:
    Sau đây là đoạn clip tôi đã chơi FIFA 17 stream trực tiếp lên YouTube và đã được mạng chia sẻ video này tối ưu hóa lại:


    Vì Bitrate cũng như độ phân giải chỉ ở mức lần lượt 4Mbps và 720p nên hình ảnh của video stream chỉ đạt mức trung bình, nhưng nếu bạn cố gắng đẩy độ phân giải lên Full HD 1080p và Bitrate lên tối đa là 12Mbps thì khả năng bạn có thể stream được video nhưng người xem thường xuyên gặp tình trạng buffering. Do đó, tính liền mạch của video stream sẽ không còn nữa. Chưa kể, việc stream video cũng đòi hỏi cấu hình máy stream phải có tiềm lực mạnh mẽ để video stream có thể trơn tru được khi thiết lập độ phân giải cao. Với cấu hình máy stream của tôi hiện tại thì cấu hình Broadcast trên là hoàn toàn phù hợp. Nếu bạn có hệ thống mạnh hơn tôi thì có thể tùy chỉnh Bitrate lên tầm 6Mbps cũng như độ phân giải Full HD 1080p để có chất lượng video stream cao hơn nữa.​

    IV - Lời kết

    NVIDIA GeForce Experience 3.0 là một bản nâng cấp toàn diện nhất của hai đời GE trước đây khi nó kế thừa toàn bộ những tinh hoa có được từ người đi trước và cải tiến, thêm thắt nhiều tính năng quý giá mà các game thủ cần như quay phim và stream độ phân giải cao đến 4K. Tuy nhiên, tiếc thay GE 3.0 vẫn chưa hỗ trợ stream lên nền tảng rất được ưa chuộng là Facebook. Có thể trong tương lai gần, NVIDIA sẽ đưa Facebook vào danh sách các host streamming cho GE. Liệu những thay đổi cũng như nâng cấp của GE 3.0 như tôi vừa trình bày ở phần trên bài viết đã đủ sức thuyết phục bạn đọc là game thủ sử dụng nó chưa? Hãy để lại những lời bình luận ngay dưới bài viết này nhé.

    [​IMG]
     
    :
  2. ♦Edward♦

    ♦Edward♦ Moderator

    Bài viết:
    16
    Thớt dùng con GTX 750Ti mà stream được vậy thì quá ngon. Bác nào có điều kiện hơn chơi mấy con series 900 hoặc 1000 thì còn tuyệt nữa
     
  3. ATRain

    ATRain Member

    Bài viết:
    47
    Sướng nhất mấy ông xài card màn hình của Nvidia. Có GE hỗ trợ tất tần tật. Trên group Overwatch VN tui thấy đa số mấy ông kia toàn phải tải Bandicam để quay Play of the game khổ vãi :))
     
  4. iruby

    iruby Member

    Bài viết:
    39
    Bật Record lúc đang chơi game có bị giật không bác?
     
  5. jummy1987

    jummy1987 Member

    Bài viết:
    465
    Không bị giật bạn, mình thử trên con GTX 950 rồi. Vừa chơi game vừa quay video lại mượt mà luôn
     
  6. iruby

    iruby Member

    Bài viết:
    39
    Vậy mấy con card mạnh đời sau này như GTX 1070 thì dùng GE 3.0 cực tốt luôn nhỉ? Mình đang có ý định stream game, chủ yếu là vui vẻ. Hy vọng sau này GE sẽ hỗ trợ stream trên Facebook nữa là quá đẹpppp
     
  7. phoiphai

    phoiphai Member

    Bài viết:
    389
    chán nhỉ chỉ thích stream lên face thôi, thế có thời hạn bao giờ là hỗ trợ stream face không thớt ơi.
     
  8. daquen

    daquen Member

    Bài viết:
    209
    èo stream chỉ có 4Mbps và 720p thôi á, thế thì lên youtube nó vỡ bấy nhầy ra chứ sao mà xem được.
     
  9. xxmeogiaxx

    xxmeogiaxx Active Member

    Bài viết:
    1,742
    chắc cũng sớm thôi mà stream facebook thì cũng giống stream bình thường thôi bác
     
  10. ♦Edward♦

    ♦Edward♦ Moderator

    Bài viết:
    16
    Hiện giờ chưa có thông tin bạn ơi, mình cũng hy vọng là sẽ sớm có thể stream trên Facebook. Hay là dùng chức năng Feedback gởi ý kiến về Nvidia luôn ta :icon_heart:
     

Chia sẻ trang này