Mặc dù giá bán của những chiếc SSD PCIe thời nay là không hề rẻ, nhưng người dùng máy Ultrabooks, máy tính cỡ nhỏ hay máy tính chơi game đều sẵn sàng chi lớn để đầu tư cho cỗ máy của mình. Tuy nhiên với sự xuất hiện của chiếc SSD NVMe PCIe Gen3 AS2280P2 của Apacer, bạn sẽ không cần phải bỏ số tiền quá lớn nhưng vẫn hưởng được tốc độ nhanh vượt trội so với SSD SATA III. AS2280P2 là ổ SSD chuẩn M.2 PCIe Gen3, được trang bị công nghệ 3D NAND Flash mới nhất giúp tăng dung lượng bằng phương pháp xếp chồng. Với tốc độ đọc/ghi lên tới 1650/1000 MB/s, AS2280P2 sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của nhiều đối tượng đặc biệt là giới game thủ. Ngoài ra, SSD này được tích hợp chip điều khiển Phison PS5008-E8 cũng như bộ nhớ đệm Nanya NT5CC256M16DP-DI dung lượng 4Gb cho phép tốc độ truyền tải duy trì ổn định ở mức cao. Apacer AS2280P2 mang kiểu dáng M.2 2280, NVMe 1.2 với các mức dung lượng 120GB, 240GB và 480GB. Tốc độ đọc/ghi liên tục lên tới 1650/1000 MB/s, còn đọc/ghi ngẫu nhiên tới 92160 IOPS, đủ đáp ứng mọi ứng dụng với yêu cầu cao nhất. AS2280P2 cũng được thiết kế với hiệu quả tản nhiệt tuyệt vời, đảm bảo sự ổn định trong thời gian hoạt động lâu dài. Dòng ổ cứng Apacer AS2280P2 sẽ có giá bán lần lượt 54.9USD cho phiên bản 120GB, 93.3USD cho phiên bản 240GB và khoảng 187.8USD cho phiên bản 480GB. Tất cả đều được bảo hành 3 năm. Rất cảm ơn Apacer đã cho Amtech mượn mẫu AS2280P2 dung lượng 480GB để thực hiện bài viết này. I - Unbox Mặt trên của AS2280P2 từ trái qua phải bao gồm bộ nhớ đệm dung lượng 4Gb, chip điều khiển Phison PS5008-E8 và 4 chip nhớ 3D TLC NAND Flash mỗi chip dung lượng 120GB. Click for original size Trong bài này, tôi sử dụng cấu hình gồm bộ xử lý i7-4790K cùng bo mạch chủ ASUS Maximus VII Gene, do đó để giúp SSD Apacer AS2280P2 có băng thông tối đa PCIe Gen3 x2, tôi phải dùng thêm adapter cắm vào khe PCIe Gen3 x8 trên bo mạch chủ thay vì khe M.2 có sẵn trên bo mạch chủ có băng thông thấp hơn. Tuy nhiên, khi gắn ở vị trí này thì lại phát sinh ra một vấn đề, đó là nhiệt độ khi AS2280P2 khá nóng khi hoạt động (tầm 42*C khi nghỉ và 50*C khi tải). Vì thế, để đảm bảo kết quả tốc độ tốt nhất cho nó, tôi đã lắp thêm quạt thùng thổi thẳng vào adapter để làm mát. Và nhiệt độ đã giảm đáng kể từ 42*C xuống 32*C khi nghỉ và 41*C khi tải nặng. II - Hiệu năng Trước khi đi vào phần test hiệu năng, tôi sẽ dùng hệ thống máy như sau: Click for original size Và tôi sẽ tiến hành các bài thử nghiệm AS2280P2 theo trình tự sau: Test tốc độ bằng các phần mềm Anvil's Storage Utilities 1.1.0, AS SSD Benchmark 2.0.6694 và Crystal Disk Mark 6.0.1 khi AS2280P2 đang trống dung lượng lưu trữ. Làm lại bài test trên khi dung lượng lưu trữ chiếm >90%. Làm lại bài test trên khi đã cài Windows 10 và các bản cập nhật mới nhất cho AS2280P2. Làm lại bài test trên khi đã cài Windows 10, các bản cập nhật mới nhất và 3 game nặng dung lượng (Final Fantasy XV, Splinter Cell Blacklist và Ghost Recon Wildlands) cho AS2280P2. Test tốc độ đọc ghi file ISO 50GB/100GB và folder game (Final Fantasy XV) ~84GB của AS2280P2 và Samsung 850 EVO 500GB. Dưới đây là kết quả của các bài test trên: 1. Test tốc độ bằng các phần mềm Anvil's Storage Utilities 1.1.0, AS SSD Benchmark 2.0.6694 và Crystal Disk Mark 6.0.1 khi AS2280P2 đang trống dung lượng lưu trữ. 2. Làm lại bài test trên khi dung lượng lưu trữ chiếm >90%. 3. Làm lại bài test trên khi đã cài Windows 10 và các bản cập nhật mới nhất cho AS2280P2. 4. Làm lại bài test trên khi đã cài Windows 10, các bản cập nhật mới nhất và 3 game nặng dung lượng (Final Fantasy XV, Splinter Cell Blacklist và Ghost Recon Wildlands) cho AS2280P2. Như các bạn đã thấy, AS2280P2 khi chưa nạp dữ liệu cho tốc độ đúng với thông số mô tả trong đặc tả cấu hình của Apacer, tuy nhiên khi nạp >90% dữ liệu thì tốc độ ghi tuần tự và đọc 4K bị giảm khá rõ rệt. Mức giảm này đối với một chiếc SSD NVMe 1.2 là khó chấp nhận được nhưng nói đi cũng phải nói lại, ở mức giá 187.8USD tương đương với khoảng 4.4 triệu đồng thì bạn khó có thể đòi hỏi nhiều hơn ở Apacer AS2280P2 480GB, nhất là khi đối thủ cạnh tranh của AS2280P2 cùng dung lượng chỉ là những chiếc SSD chuẩn giao tiếp SATA III vốn có tốc độ chậm hơn nhiều so với NVMe. Bài test cuối cùng, tôi sẽ cho các bạn xem khả năng thực chiến của Apacer AS2280P2 ở tốc độ đọc ghi dữ liệu với quân xanh ở đây là Samsung 850 EVO 500GB SATA III, ông trùm SSD SATA III một thời. Để trực quan hơn tôi đã quay lại video quá trình copy/paste file ISO 50GB/100GB và folder game Final Fantasy XV (~84GB) giữa Apacer AS2280P2 và Samsung 850 EVO mà bạn có thể xem dưới đây. Lưu ý là video khá dài do đó tôi cũng thêm vào các timeline để bạn có thể skip video nếu cần. Ở bài test trên file ISO, không có điều bất thường nào xảy ra khi tốc độ đọc ghi cao nhất của AS2280P2 là ~500MB/s do giới hạn tốc độ từ chuẩn SATA III của SSD Samsung 850 EVO. Chuyển qua folder game thì tốc độ đọc ghi lên xuống khá thất thường với biên độ dao động từ 120MB/s - 300-400MB/s. Đây là điều tương đối dễ hiểu khi folder game Final Fantasy XV chứa rất nhiều file dung lượng nhỏ và không có nhiều file dung lượng lớn để Apacer AS2280P2 lẫn Samsung 850 EVO dễ dàng tăng tốc độ truyền tải. III - Lời kết Với mức giá tầm 4.4 triệu đồng, nếu chưa từng dùng qua SSD NVMe trước đây hoặc có nhu cầu mở rộng dung lượng SSD nhưng vẫn cần tốc độ cao, Apacer AS2280P2 480GB sẽ là cái tên đáng để bạn cân nhắc khi rước về, nhất là khi đối thủ cạnh tranh cùng mức dung lượng với nó là những chiếc SSD dùng chuẩn giao tiếp SATA III có tốc độ chậm hơn rất nhiều. Điều đáng lưu tâm ở sản phẩm này nằm ở tốc độ ghi và đọc 4K sau khi nạp dữ liệu vào mà có thể nhiều người dùng power user sẽ không thích. Hy vọng rằng ở sản phẩm đời sau của AS2280P2, nhà sản xuất Apacer sẽ làm tốt hơn ở hai thông số này.
WOW bài review chi tiết quá. Thanks bác! có NVME thì speed boost win và load ứng dụng nhanh hơn khá rõ rệt. Chi phí đầu tư thì cũng không quá cao so với hiệu năng!
Bác thớt cho e hỏi giờ controller nào là ổn nhất bác?!? con này phison chắc cũng OK chứ nhỉ?!? khi chưa fill 90% speed ngon quá đấy chứ!
ngon thì có đám marvell, intel, samsung ấy, phison ở đẳng cấp thấp hơn, nhìn chung con này ổn với cái giá của nó, mấy cái tên xung quanh nó toàn dùng SATA III thì thằng này nó lên NVMe 1.2 là good rồi...