PSU GIGABYTE_ODIN PRO 550W Thể hiện đẳng cấp Pro Hôm nay giới thiệu tiếp tới bạn đọc đại diện thứ 2 của dòng PSU ODIN là ODIN Pro 550W (GE-M550A-D1). Với giá phù hợp hơn nên dòng Pro không hỗ trợ tính năng theo dõi và hiệu chỉnh nhiệt độ hay điện áp. Tuy nhiên theo GIGABYTE thì về mặt chất lượng chúng hoàn toàn đồng nhất. Hộp bên ngoài được thiết kế với kích thước chuẩn như dòng GT, với màu xanh lá mạ rất bắt mắt, cộng với tay xách tiện dụng khi di chuyển. Các tính năng nổi bật đề được "show" ra ngoài: LED on/off, Quad 12V Rails, Backlit switch, Dual SLI, Connector suit,...80% Efficiency, Cable management, Japan made capacitors, 14cm Ball-bearing fan. Hộp cacton đóng gói PSU có phần đơn giản hơn loại GT, chỉ duy nhất 1 lớp hộp. PSU cũng được bảo vệ an toàn bằng hộp mút riêng. Phụ kiện cũng khá dầy đủ cho một PSU: - 1 Dây nguồn. - 2 Bộ ốc gắn nguồn vào case (một gắn nhanh bằng các ốc có thể vặn bằng tay và một bộ ốc dùng để gắn cố định bằng vít pake). - Sách hướng dẫn có CD đi kèm (trong CD này cũng có chứa phần mềm P-Tuner nhưng bạn chỉ cài để coi chơi chứ không có tác dụng gì vì loại Pro không hỗ trợ). - 1 Bao dây cáp điện cho thiết bị - một phụ kiện của công nghệ cable management. Thiết kế bên ngoài của loại Pro này không khác nhiều so với loại GT. Vỏ được làm bằng thép phủ sơn tĩnh điện màu đen mờ và sần xùi nên trông rất mạnh mẽ. Các logo ODIN và GIGABYTE được khắc laser trông nổi bật tại các vị trí như tâm quạt và cạnh bên của PSU. Trọng lượng riêng PSU loại Pro này cũng không nhẹ hơn loại GT - 2.3 Kg - khá nặng so với tầm công suất này, nhất là nó thuộc loại mod dây rời. Xu thế phủ niken một thời nay không còn được thấy trên các PSU đời sau này, có lẽ do chúng dễ trầy xước và dễ dính dấu tay, cũng như độ bóng như soi gương của chúng làm cho PSU có vẻ yếu đi... GIGABYTE SMART CABLE MANAGEMENT cho bạn một bộ cáp đi kèm được bọc trong một chiếc túi vải khá đẹp và chắc chắn. Số lượng dây cáp cũng như đầu kết nối của dòng ODIN Pro này không khác tí gì so với dòng GT, ngoại trừ là dòng Pro không hỗ trợ chuẩn cắm PCI-E ver 2.0 cho VGA với đầu cắm 8pin mà nó chỉ có PCI-E 6pin thông dụng. Tính năng quản lý cáp thừa (Cable management) đang trở thành xu hướng trong các sản phẩm PSU cao cấp, loại bỏ cáp thừa không xài tới giờ đây trở nên đơn giản hơn nhờ tính năng này. Với số lượng thiết bị ít, không tận dụng hết số đầu cấp nguồn thì số cáp dư trên các PSU trước đây thường phải bó lại và để ngay trong thùng máy vừa mất mỹ quan vừa gây ra cản trở dòng không khí làm mát đối lưu trong Case, giảm hiệu quả tản nhiệt cho toàn bộ hệ thống. Trừ các cáp chính đi trực tiếp từ nguồn còn lại các cáp khác đều có thể tách rời ra. Số lượng cáp đi kèm bao gồm: - 1 x FDD (80cm). - 5 x HDD/CD (đầu dài nhất 90cm). - 6 x SATA (đầu dài nhất 90cm). - 2 x PCI-E 6pin (đầu dài nhất 62cm). Đầu PCI-E 6pin đi kèm được mã màu xanh/đỏ tương ứng với mã màu trên các đầu cắm. Các cổng cắm cáp trên PSU ODIN Pro 550W có phần đơn giản hơn loại GT, bởi nó bỏ bớt đi tất cả các tính năng ưu việt nhất: không có các đầu cắm sensor nhiệt hay control fan, nó chỉ còn lại các đầu cấp nguồn chính: 1 - Peripheral/SATA: kết nối qua cáp đến các thiết bị ngoại vi và ổ cứng SATA thông qua các đường nguồn 12V, 5V và 3.3V. 2 - PCI-E: cung cấp nguồn cho các loại VGA card cần thêm điện thông qua kết nối PCI-E này, chúng được đánh dấu bằng màu với PCI-E 3 có màu Đỏ và PCI-E 4 màu Xanh Dương. Ở đây có một sự thiếu sót, đúng ra chúng phải được đánh dấu là PCI-E 1 và 2 vì ODIN Pro 550W không có 2 dây PCI-E đi trực tiếp từ nguồn ra như loại 800W. Đèn LED trong PSU được tắt mở thủ công thông qua một công tắc nằm gần các cổng cắm cáp, việc bố trí công tắc tại đây khá bất tiện cho người dùng đang sử dụng các thùng máy có nắp hông luôn đóng, bạn phải quyết định tắt hay mở không thì mỗi lần muốn thay đổi trạng thái của đèn LED bạn lại phải mở thùng máy ra!. Sử dụng quạt 140mm là một lợi thế của dòng ODIN này, giúp PSU đỡ ồn hơn khi hoạt động ở mức công suất cao nhờ lưu lượng không khí do quạt tạo ra lớn. Cấu tạo của quạt được làm bằng plastic trong suốt, không có đèn LED trên quạt nhưng bù lại thiếu xót này thì trên các tản nhiệt có gắn LED màu xanh dương siêu sáng chiếu trực tiếp xuống mainboard. Sử dụng cùng một loại quạt như loại GT do Yate Loon Electronics sản xuất với cấu tạo trục sử dụng 2 bạc đạn bi nên có tuổi thọ cao, tốc độ vòng quay lớn hơn các PSU dùng quạt 120mm (2800 RPM) nên nó có lưu lượng không khí rất lớn lên tới 140 CFM trong khi đó với quạt 120mm (2500 RPM) chỉ đạt 92~100 CFM. Độ ồn danh định cũng đáng quan tâm, với loại 140mm này khi quay ở tốc độ tối đa nó sẽ đạt độ ồn 48.5 dBA. Nhưng khi test thực tế cho thấy PSU ODIN không sử dụng hết công suất của quạt do vậy độ ồn của nó thuộc loại thấp nhất trong các PSU đã test qua. Nắp mở PSU được thiết kế theo kiểu rãng trượt, khi mở ra nó cho lộ tất cả các thành phần bên trong kể cả mạch in bên dưới, thiết kế này rất thuận tiện cho việc làm vệ sinh hay sửa chữa về sau. Diện tích tản nhiệt trên PSU rất lớn bờ các tản nhiệt nhôm được thiết kế theo kiểu răng lược, phiến nhôm phần ép vào MOSFET khá dầy trong khi đó các lá tản nhiệt lại có độ mỏng vừa phải giúp tiếp xúc nhiều hơn với luồng không khí đi tới. Các phiến tản nhiệt có màu đỏ đồng là nhờ lớp phủ - việc này chỉ nặng tính trang trí nhiều hơn là làm gia tăng khả năng tản nhiệt. 4 LED được gắn trực tiếp trên các lá nhôm, ánh sáng của chúng sẽ chiếu xuyên qua quạt, nó sẽ làm sáng thùng máy chứ không chỉ sáng riêng cho quạt như các loại có LED gắn trực tiếp trên fan. Mạch PSU đã được tháo bớt các tản nhiệt cho MOSFET phần công suất và PFC, linh kiện khá nhiều, toàn bộ tụ điện được dùng của Nippon (Japan) sẽ hứa hẹn một PSU có độ bền cao. Linh kiện tuy nhiều như nhờ việc thiết kế khá kĩ nên trông mạch sạch sẽ, các đường điện ra được bó gọn, dây cấp nguồn cho quạt không dùng đầu cắm trực tiếp trên board mà câu ra ngoài vì với diện tích chật chội như thế việc để đầu cắm quạt trên board không khả thi khi tháo lắp. Bộ lọc EMI chính có các linh kiện (L,C) nhỏ hơn loại 800W và chúng có cùng một kiểu lắp dặt như loại GT. Các linh kiện của khối mạch PFC. Cuộn dây cũng nhỏ hơn loại 800W vì nó chịu dòng tải thấp hơn nhiều so với ODIN 800W, tụ điện có dung lượng 330uF/400V (Nippon-Japan) thuộc loại tiêu chuẩn có chất lượng tốt. Các linh kiện tích cực tạo ra công suất cho PSU ODIN Pro 550W có kích thước lớn. - Diode cầu nắn điện chính có dòng chịu tải 8A tương đương với 1760W khi ở điện thế 220V, so với các PSU có công suất tương đương thì diode của ODIN Pro 550W có phần hơi "yếu" vì các PSU khác sẽ trang bị từ 10~15A cho diode loại này. Như nếu ODIN có hiệu suất cao trên 80% thì diode này dư sức gánh do công suất tối đa ở đầu vào chỉ đạt khoảng 700W. - MOSFET PFC chỉ sử dụng duy nhất 1 MOSFET công suất 20N60C3 (34A/500V). - MOSFET PWM thì dùng 2 con IRFP460A công suất 20A/500V (International Rectifier). Các LED gắn trên tản nhiệt được kết nối với board thông qua đầu cắm, rất thuận tiện cho việc thay thế hay mod LED màu khác khi bạn quá chán với màu xanh đơn điệu của LED ODIN. Không có thành phần cảm biến thông qua cổng USB nên modun này khá đơn giản và gọn nhỏ , nó chỉ bao gồm là khối bảo vệ (Protector block) với tính năng bảo vệ PSU và hệ thống khi: Quá dòng (OCP), quá áp (OVP), quá nhiệt (OTP),... Tuy không có khả năng hiển thị thông tin qua phần mềm như GT nhưng các cảm biến nhiệt và dòng hay các tính năng bảo vệ khác của ODIN Pro 550W hoàn toàn tương đương với loại GT. Thông tin kỹ thuật danh định được ghi rõ ràng và không những vậy nó còn cho ta biết được cách phân chia tải trên các đường 12V tương tự như trên ODIN GT 800W, điều này giúp người dùng không cần quan tâm nhiều đến vấn đề lệch tải khi có quá nhiều thiết bị được gắn trên cùng 1 đường 12V như khi sử dụng các PSU khác. Xem qua các thông số dòng điện trên 4 đường 12V, khác với GT 800W các đường 12V có dòng tải giống nhau là 18A và các đường tải này vẫn dược phân chia cho các thiết bị theo cách của GT 800W: - 12V1@18A (CPU1) - 12V2@18A (CPU2, PCI-E Red) - 12V3@18A (ATX24pin, PCI-E) - 12V4@18A (B4P/SATA/PCI-E Blue) Khả năng cung cấp công suất trên 4 đường 12V đạt tối đa 492W. Hai điện áp còn lại là 3.3V và 5V có công suất tối đa đạt 140W với mức công suất này dư sức đáp ứng được mọi cấu hình máy tính, vì các hệ thống mới chỉ "quan tâm" nhiều đến công suất đường 12V hơn là hai dường 3.3V và 5V. Khi tham khảo thêm các PSU mới nhất hiện nay có công suất tới 2kW (OCZ Ultra X3 Modular 2000W) ta cũng thấy công suất trên 2 đường này cũng không vượt quá 180W (3.3V@30A/5V@30A). Do vậy tại thời điểm này và tương lai sự đánh giá công suất 1 PSU sẽ dựa vào công suất đường 12V là chính. Nếu bạn cần mua một PSU để sử dụng vào các hệ thống server thì đường 5VSB sẽ quyết định đến sự sống còn hệ thống card LAN hay các thiết bị khởi động gắng ngoài qua cổng USB, trong ODIN công suất đường này lên tới 3A/15W có thể tải nhiều card LAN/thiết bị USB cùng lúc với mainboard. CÔNG SUẤT: Bỏ qua các bước thử theo tiêu chuẩn ATX12V là 20% và 50% vì đới với các PSU có thương hiệu thì việc đạt được công suất trên 2 mức thử này quá đơn giản. Trên mức thử nghiệm công suất khi ở 100% công suất danh định, GIGABYTE ODIN Pro 550W dễ dàng đạt mức 550W (559.43W), công suất các đường điện như sau: - 3.3V đạt 58.26W (3.23V x 17.55A). - 5V đạt 75.5W (5V x 15.1A). - 12V đạt 412.48W (11.87V x 34.75A). - 5VSB đạt 14.76W (4.92V x 3A). Với công suất đạt được này cho thấy rõ ràng các PSU công suất lớn đều dựa nhiều vào công suất của đường 12V, hơn là hy vọng sự gia tăng công suất trên hai đường 3.3V và 5V. Dựa vào thông tin này ta cũng thể biết được bộ nguồn nào thuộc dạng đời mới phù hợp với các công nghệ mới nhất hiện nay cho PC, hãy xem tổng công suất của đường 3.3V/5V và 12V nếu PSU nào có công suất hai đường 3.3V và 5V quá lớn thì nó chỉ đáp ứng tốt cho cấu hình máy cũ tầm P4 478 trở về trước. OverLoad - Không hài lòng với mức công suất này, tiếp tục thử nghiệm ép thêm tải cho PSU để xem khi nào thì vị thần này chịu thua tải giả. PSU tự tắt khi ở mức công suất 713W với các dòng tải trên các đường điện như sau: - 3.3V đạt 70.4W (3.2V x 22A). - 5V đạt 101.68W (4.96V x 20.5A). - 12V đạt 524.66W (11.83V x 44.35A). - 5VSB đạt 14.67W (4.89V x 3A). Kết quả khá bất ngờ cho một tay mơ mới sản xuất PSU đến từ Đài Loan, qua nhiều kết quả thử nghiệm trên các PSU có đẳng cấp cho thấy một điều thường thì trên cùng một dòng PSU các PSU có công suất tầm 450W~600W thường có hệ số công suất danh định/công suất đỉnh cao hơn các PSU công suất lớn hơn trong dòng đó. Một điều nữa các PSU loại này thường rẻ hơn rất nhiều so với các PSU công suất lớn hơn, nếu máy tính của bạn chưa cần đến một công suất trên 800W thì việc chọn mua các PSU 450W hay 550W sẽ tiết kiệm cho bạn một ít tiền mà hiệu năng không thua kém là mấy. ĐIỆN ÁP: trên ODIN điện áp luôn được duy trình trong mức +/- 5% của chuẩn ATX12V ver 2.2. Điện áp trên đường 12V khi ở mức công suất 550W đạt 11.87V có phần cao hơn GT 800W (chưa hiệu chỉnh đạt 11.83V), điện áp trung bình là 11.93V với sai số khoảng - 1%. HIỆU SUẤT: luôn đạt trên 80% trong các mức thử. Với hiệu suất cao này nó sẽ ít nóng hơn và tiết kiệm cho bạn một khoảng chi phí đáng kể là tiền điện hằng tháng nhất là trong các hệ thống máy chạy 24/24 như server thì khoảng tiết kiệm này còn lớn hơn nữa. NHIỆT ĐỘ và ĐỘ ỒN: hệ thống tản nhiệt và thiết kế mạch hiệu quả, ở công suất 550W PSU luôn duy trì mức nhiệt độ là 32.5 độ C với nhiệt độ phòng thử (27 độ C). PSU có kích thước lớn cũng góp phần không ít vào việc làm mát, nó giải phóng luồng không khí ra khỏi PSU nhanh hơn do vậy quạt của PSU ODIN không cần phải hoạt động nhiều. Tiếng ồn do quạt 140mm này tạo ra rất thấp, cho một không gian yên tĩnh rất cần thiết cho các công việc có sự tập trung cao như thiết kế đồ họa, văn phòng,... GIGABYTE PSU ODIN Pro 550W chất lượng tốt nhờ công nghệ và linh kiện được tuyển chọn. Có tính năng quản lý cáp thông minh khá tiện dụng gia tăng hiệu quả tản nhiệt cho hệ thống và có tính thẩm mỹ cao khi sử dụng trên các thùng máy có cửa sổ bằng mica trong. Hiệu năng cao trên 80% cho tổn hao năng lượng ở mức thấp nhất có thể, điện áp ra được khống chế tốt nên độ ổn định cao, tổng công suất cung cấp đúng với danh định là 550W và có công suất đỉnh khá cao trên 27% nên ta có thể khai thát PSU liên tục ở mức 550W mà vẫn an toàn. PSU ODIN Pro 550W này khả năng đáp ứng được tất cả các nhu cầu năng lượng trên các cấu hình máy tính có sử dụng đồ họa kép (SLI/CorssFire) nhưng do số lượng đầu cắm chỉ có 2 PCI-E nên khuyến cáo chỉ sử dụng ở mức 8800GTS hay các dòng HD2xxx không cần sự hỗ trợ PCI-E ver 2.0 (8pin) trở xuống. Không như đàn anh ODIN GT 800W có giá bán khoảng 190 USD, giá của ODIN Pro 550W chỉ tầm 110USD nên các game thủ hay người dùng cao cấp đòi hỏi chất lượng tốt nhất cho linh kiện máy tính của mình có thể với tới. ĐÁNH GIÁ CHUNG ƯU: - Thiết kế và linh kiện tốt. - Công suất 550W. Có công suất an toàn (đỉnh) lên tới 700W vượt 27% công suất danh định. - Hiệu năng cao trên 80%. - Nhiệt độ và độ ồn thấp. - Hỗ trợ SLI và CrossFire với 2 đầu cắm PCI-E 6pin. KHUYẾT: - Giá còn cao. Chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của GIGABYTE và nhà cung ứng sản phẩm GIGABYTE tại Việt Nam CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VIỄN SƠN. Chân thành cảm ơn các bạn độc giả đã quan tâm tới bài viết này. SUSU
Nguồn xịn mà công suất không có lúc nào lên được đủ 12 V nhỉ (tương ứng mức công suất 20%, 50% và 100% là 11.98v, 11.93v và 11.87v). Bác nào biết thông thường dòng 12V đạt mức bao nhiêu thì máy tính vẫn hoạt động bình thường?
Bất cứ bộ nguồn nào cũng như thế, chứ ko phải riêng gì con Giga ODIN này. Được quyền sai số +-5%, có nghĩa là trong khoảng 11.4-12.6.