PowerLAB dot vn Tác giả: SUSU Xem nội dung đầy đủ: Seasonic S12 II 520/620 Bronze — PowerLAB Dưới đây là tóm tắt nội dung chính. _________________ Seasonic S12 II 520/620 Bronze Khi quyết định chọn mua Bộ nguồn với thương hiệu Seasonic thì bạn là người không quan tâm tới giá mà quyết định cho mình một PSU có chất lượng cao nhất để cung cấp năng lượng cho hệ thống. Tuy nhiên trên thị trường Việt Nam, Seasonic đang bị thiệt thòi bởi số người dùng như bạn không nhiều và đại đa số rân chơi đều là con nhà nghèo. Trước đây với số tiền ít hơn 150 USD, chỉ ngậm ngùi đứng nhìn Seasonic được trưng bày hào nhoáng trong tủ kính của các cửa hàng bán đồ chơi máy tính cao cấp, hôm nay tình hình đã khác trước với chỉ 106 USD là bạn có thể sở hữu một con nguồn 520W với các công nghệ tiên tiến nhất đến từ Seasonic… Thực tế giá của nó vẫn còn cao nhưng đây là một tính hiệu đáng mừng, cũng giống như các thương hiệu như AcBel hay CoolerMaster khi mới vào thị trường đầy tiềm năng này cũng đã có nhiều dòng sản phẩm với giá trên “núi”. Hình thức bên ngoài Dòng PSU có giá tốt mà tôi muốn nói đến hôm nay chính là dòng S12 II Bronze tức là dòng nguồn đạt chuẩn 80Plus “Đồng” bạn nên tránh nhầm lẫn với dòng S12 II thường trước đây của Seasonic. Dòng S12 II Bronze trước mắt chỉ có 2 mức công suất là 520W (model SS-520GB) và 620W (model SS-620GB), trong bài viết này sẽ cung cấp 2 kết quả thử nghiệm trên cả 2 mẫu công suất này và review qua mẫu S12 II 520 Bronze. Rất dễ gây nhầm lẫn nếu không chú ý kỹ khi mua dòng này, vì màu sắc và thiết kế bên ngoài hộp đựng sản phẩm hoàn toàn tương đồng nhau, ngoài việc thêm logo 80Plus Bronze ở một số chổ trên chiếc hộp. Với 2 màu xanh và đen chủ đạo tạo cảm giác cho người mua tính thân thiện mang chút bí hiểm từ cái nhìn ban đầu. Thông tin tính năng nỗi bật được Seasonic “tiếp thị” khá tốt khi khoe hết ra bên ngoài chiếc hộp giúp ,người mua dễ so sánh và chọn lựa theo đúng tiêu chuẩn và nhu cầu của mình, không ngoài con số công suất cung cấp được. Trên 14 tính năng được nêu ra đó, tôi thấy có 3 tính năng đáng quan tâm vì tính hữu ích của nó là; - Super High Efficiency [up to 87%] → Hiệu suất siêu cao lên tới 87%. - Highly Reliable 105ºC Japanese Brand Capacitors → Tất cả các tụ lọc của Nhật có độ tin cậy cao với nhiệt độ chịu đựng là 105ºC. - Ample +12V Outputs → Tăng cường dòng điện khả dụng cho đường +12V. Tất cả 14 tính năng đó cuối cùng cũng chỉ đem lại cho người dùng 3 lợi ích chính mà bản thân Seasonic cũng phải thừa nhận là; Super High Efficiency (hiệu suất cao), Optimized Energy Utilization (tối ưu hoá sữ dụng năng lượng được tạo ra) và Super Silent (hoạt động siêu êm). Bên trong chiếc hộp chứa là số lượng phụ kiện đi kèm tuy không nhiều nhất nhưng cũng không kém cạnh so với các PSU có cùng mức giá. Seasonic cho kèm theo PSU là; 1 đầu chuyển từ kết nối nguồn IDE 4 pin ra 2 đầu FDD, 1 decan, 1 bịch ốc gắng PSU, 1 cáp nguồn và sách hướng dẫn. Với kích thước tiêu chuẩn của một PSU ATX (150 x 140 x 86mm) bạn sẽ không gặp khó khăn gì cho việc gắn Seasonic S12 II Bronze vào thùng máy tính. Màu sắc bên ngoài vẫn là một màu đen tuyền, lớp phủ sơn mờ này tuy không bóng như các lớp phủ niken nhưng lại rất dễ bán dấu vân tay vì nó không xù xì như bạn tưởng khi nhìn qua hình chụp của tôi. Để kiểm soát được độ ồn do quạt tạo ra, S12 II Bronze được trang bị một quạt làm mát có kích thước 120mm với lưới bảo vệ có logo Seasonic màu xanh ở trung tâm. Được xem như là một phong cách, lớp lưới hình tổ ong được mở rộng hết cỡ phía sau vẫn chưa đạt được độ rộng cần thiết cho luồng không khí thoát ra khi mà với sự cố chấp bảo thủ của mình, Seasonic tạo ra một khoảng bít khá lớn nơi ổ cấp nguồn và công tắc chính. Đường +12VDC được chia làm 2 rail với khả năng không tồi khi tổng công suất 2 đường này cộng lại đạt mức 40A cho loại công suất 520W và 480W cho loại công suất 620W. Mức công suất trên 2 đường +3.3VDC và +5VDC thì không có sự khác biệt – 130W tối đa cho cả 2 model. Một, hai, ba, bốn,….Không có sự khác nhau nhiều về số lượng đầu cấp nguồn giữa công suất 520W và 620W trừ việc con nguồn công suất lớn hơn có thêm 3 đầu cấp nguồn cho thiết bị SATA nâng tổng số đầu cấp nguồn SATA lên con số 9. Để khẳng định sự cam kết về tính tương thích hầu hết các hệ thống trên tiêu chuẩn ATX, BTX và ESP, S12 II Bronze khá hào phóng với số lượng đầu cấp nguồn cho CPU thông qua 2 đầu cấp nguồn riêng biệt là EPS 8 pin và ATX 4+4 pin… do đó nó có thể chơi được tốt với cả mainboard có 2 CPU với 2 nguồn cấp riêng. Đối với hệ thống đồ hoạ thì sao, vâng…khó thể nói Seasonic có đủ can đảm cho việc cung cấp quá nhiều đầu cấp nguồn PCI-E khi mức công suất vẫn còn rất khiêm tốn như trên 2 model này, tuy nhiên 2 đầu PCI-E (một 6 pin và một 6+2 pin) đã có dư sức hoạt động tốt với 1 card đơn hay ngay cả với 1 cặp card có công suất không vượt quá 220W. “Sao kì vậy, bên trên nói là con nguồn này có 2 đường 12V mà dưới bảng kết nối không thấy thể hiện?…” Đúng là trên cáp hoàn toàn không có ,hướng dẫn đâu là đường 12V1, đâu là đường 12V2 vì thực chất PSU S12 II Bronze chỉ có …1 đường 12V duy nhất mà thôi. Vậy giới hạn 240VA vô nghĩa với PSU này. Đến lúc này tôi mới thật sự hiển nội dung quảng cáo “Ample +12V Outputs” của Seasonic là gì!!! Và đúng là chỉ có thiết kế Single rail mới giúp tối ưu hoá công suất khả dụng từ PSU. Giúp cho việc quản lý kết nối dễ dàng hơn nhất là với các thiết bị ngoại vi, S12 II Bronze chia các đoạn đầu cấp nguồn SATA và IDE (molex) chỉ cách nhau 10cm và so le nhau bằng chiều dài của cáp cùng chứa đầu cấp tương ứng chênh lệch nhau ( trung bình 10cm). Các cáp chính có chiều dài rất tốt, không gây khó khăn cho việc bố trí và lắp đặt các thiết bị bên trong thùng máy bất kỳ mà bạn sở hữu được. Đương nhiên ở đây ta thấy tất cả cáp đều được bọc lưới rất chuyên nghiệp và đẹp mắt. Công suất, Hiệu suất và Hệ số công suất PF Thiết nghĩ việc thử nghiệm sản phẩm của Seasonic ở mức nhiệt độ môi trường bình thường là “xúc phạm” thương hiệu này, tôi quyết định sẽ kiểm tra luôn công suất tại nhiệt độ môi trường được duy trì ở mức 45ºC và chỉ kiểm tra tính năng điều khiển tốc độ quạt thông minh ở nhiệt độ trung bình 33ºC. Đường +12VDC sẽ được thử nghiệm như là một đường 12V duy nhất với mức công suất tối đa bằng với 2 đường 12V trên nhãn ghi. Công suất chung của 2 đường +3.3VDC và +5VDC sẽ chọn ở giá trị 120W. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả 2 model này đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được Seasonic giao phó. Mức công suất trên đường +12VDC đạt được khá ấn tượng; 31.6A cho mức 520W và 39.8A cho mức 620W. Vấn đề đáng nói ở đây là hiệu suất, lời hứa “Super High Efficiency [up to 87%]” bất thành khi 2 model này phản kèo với mức hiệu suất thấp nhất là 86.31% và 85.43% tương ứng với PSU công suất 520W và 620W ở mức thử 100% công suất danh định. Khi xem lại kết quả thử ở nghiệt độ trung bình 33ºC thì mức hiệu suất này có cao hơn tương ứng là 87.81% cho SS-520GB và vẫn không tươi sáng lắm cho SS-620GB là 86.45%. Nhưng nó vẫn giữ được chứng nhận 80Plus Bronze khi mà hiệu suất không rới dưới 85% ở 50% công suất và dưới 82% ở mức 20% và 100% công suất danh định. Hệ số công suất PF rất đáng đồng tiền, khi mà con số thể hiện nhiều nhất qua các mức công suất thử nghiệm luôn ổn đinh ở con số PF 0.99, một giá trị giúp cho người dùng có thể quy đổi giá trị công suất VA của UPS thành công suất hiệu dụng W mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Nhiệt độ hoạt động Để kiểm tra được tốc độ quạt tôi phải thử các PSU này ở ngoài với nhiệt độ môi trường bình thường, các PSU này khá thiệt thòi khi mùa nóng vẫn chưa trôi qua, nhiệt độ trong phòng khá cao có lúc lên tới 34ºC. Hoạt động với mức công suất cao hơn nhưng S12II 620 Bronze lại có mức nhiệt động chênh lệch khi hoạt động thấp hơn so với S12II 520 Bronze tới 3ºC … không có gì đáng ngạc nhiên vì đo tốc độ quạt cho thấy hệ thống làm mát của S12II 620 được thiết lập với tốc độ cao hơn, đương nhiên bù lại thì PSU S12II 520 có độ ồn thấp hơn S12II 620 thấy rõ. Tương tự như vậy khi thử nghiệm trong môi trường nhiệt độ là 45ºC, kết quả vẫn không thay đổi, S12II 620 luôn mát hơn và ồn ào hơn một chút so với S12II 520. Khám phá bên trong Board mạch không chiếm hết diện tích bên trong vỏ kim loại của PSU, một thiết kế mạch nhỏ phù hợp cho cả các cấu trúc dùng quạt làm mát 80mm, có thể với thiết kế mạch này sắp tới sẽ xuất hiện trên các dòng giá rẻ hơn của Seasonic..hy vọng là thế. Board cũng chỉ là loại một lớp mạch in do đó cách linh kiện phần nhiều phải chênh chút ở bên trên. Các phiến tản nhiệt trông khá yếu ớt, mỏng, có các lá xương cá ít và nhỏ. Nhưng bạn đừng quá hoảng hốt… tôi cam đoan với bạn rằng không cần thiết phải làm to hơn vì chúng còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tản nhiệt của các linh kiện công suất. Qua việc thử nghiệm cũng đã cho thấy, nhiệt độ hoạt động của PSU không cao nên nếu cố làm cho các tản nhiệt này to hơn chỉ tổ làm cho giá thành PSU tăng mà cũng không làm giảm thêm được mấy độ C cho PSU. Quạt làm mát đương nhiên cũng được tuyển chọn một cách tốt nhất với thương hiệu ADDA. Mạch lọc nhiễu điện từ được thiết kế khá tốt, trên ổ lấy điện chúng được lắp vào một mạch in riêng biệt mà không câu tòn ten như một số PSU thông dụng khác. Trên board mạch chính, bộ lọc EMI còn có thêm thành phần MOV giúp cho việc chống sét hiệu quả hơn. Sau các mạch lọc EMI là các thành phần nắn điện DC chính được xếp thẳng hàng; diode GBU806 được gắn trên một phiến tản nhiệt riêng biệt, cuộn dây PFC và tụ lọc chính chính hiệu Japan qua thương hiệu không thể quên được Nippon Chemi-Con với giá trị 470uF/400VDC, và các tụ khác có trên PSU S12II cũng thuộc loại này. Việc gia tăng khả năng tải dòng điện DC cao cho mạch in được Seasonic thể hiện theo cách riêng, bằng việc thêm một miếng kim loại bên trên mặt board chứ không hàn đắp phía dưới (theo mũi tên vàng trong hình). Mạch IC điều khiển phần công suất PWM và PFC được dùng chung trong một IC ICE1CS02 với kiểu thiết kế riêng trên một module gắn rời. Phần công suất mạnh mẽ mà S12II có được là nhờ một phần vào các Mosfet công suất PWM/PFC sử dụng cùng một loại 18N50. Các diode chính cho các đường điện, bao gồm; 2 diode SBR30A50CT nối song song tăng cường 60A cho đường +12V, một diode SBR 40U45CT cho đường +5V với dòng 40A và một diode STPS30L30CT với dòng kiêm tốn hơn một chút là 30A cho đường +3.3V. Đánh giá chung Thiết kế đẹp, công nghệ mới với các thành phần linh kiện có chất lượng cao sẽ giúp PSU này có được sự hoạt động bền bỉ. Không những vậy việc chay đạt mức công suất danh định trong môi trường nhiệt độ 45ºC đã đưa Seasonic S12II Bronze vào danh sách các PSU có công suất thật hữu dụng trong điều kiện hoạt động thực tế…tôi đánh giá cao điều này. Việc quảng cáo hơi quá trớn, phù phép PSU từ một đường +12V duy nhất thành 2 đường +12V có thể làm cho bạn buồn một chút, nhưng đối với tôi thì là rất tốt vì bạn sẽ tận dụng thêm được khoảng 30% mức công suất do không bị “luật” 240VA khống chế. Ngoài giá trị công suất ra thì hiệu suất của S12 II Bronze cũng là một điều đáng nói, chứng nhận 80Plus Bronze được S12II giữ vững qua các mức công suất thử nghiệm, hiệu suất của nó không dưới 85% và …không được 87% như sự “khoe khoang” của Seasonic nhưng đây cũng được xem là một mức hiệu suất khá cao. Ấn tượng nhất phải nói đến sự chính xác và hoạt động hiệu quả đến kinh ngạc của mạch điều chỉnh hệ số công suất PFC, giá trị mà nó đạt được gần tới mức lý tưởng khi chỉ thiếu có 0.01. Giờ đây vấn đề tiết kiệm tiền khi mua UPS sử dụng chung đã được giải quyết triệt để, với mức công suất tiêu thụ khoảng 730W AC ở công suất 620W DC thì bạn chỉ cần mua một UPS có mức công suất 730VA mà không sợ sai một ly nào. Ưu điểm - Công suất thật ở 450C. - Hiệu suất trên 85%. - Hệ số điều chỉnh công suất cao. - Linh kiện có chất lượng tốt với tụ lọc toàn bộ của Nhật. - Một đường +12V cho phép tận dụng thêm được khoảng 30% hiệu quả sử dụng công suất của PSU. Khuyết điểm - Giá bán vẫn là vấn đề đáng nói của thương hiệu Seasonic, sự giảm giá hiện nay tuy đã khá mềm hơn so với trước đây nhưng vẫn chưa đạt được mức giá phổ thông. Nhưng đó là …Seasonic mà. Giá bán tham khảo - 2,000,000 đồng cho công suất 520W và 2,400,000 đồng cho công suất 620W với thời hạn bảo hành lên tới 3 năm. Giá trị đầu tư - 3,850 đồng / 1 Watt cho loại 520W. - 3,870 đồng / 1 Watt cho loại 620W. Seasonic S12 II 520/620 Bronze — PowerLAB
Mình đang xài SS-650HT, cảm giác nó hơi phò phò sao đó :gaicam:, dây thì ngắn ngủn và nhìn cái vỏ màu âm u tối tối chứ ko đẹp như Corsair :lay:. Đợt trước nếu ko vì rẻ hơn vài $ thì mình đã lụm Corsair TX650 rồi, mịa nó chỉ vì tiết kiệm vài $ mà giờ khổ ghê :beo:
Và với tôi thì Toyota với Merc cũng ko khác gì nhau , rẻ bền là bụp , ko quan trọng cái thương hiệu :sun: .