Thông thường, nếu được lựa chọn chẳng ai thích xài hàng giả. Vậy mà gần đây, không ít người, nhất là giới trẻ chủ động tìm mua các loại điện thoại nhái, điện thoại giả… Chưa bao giờ hàng giả lại tự tin “vỗ ngực xưng danh”, sôi nổi tiếp thị đến vậy. Tự tin quảng cáo và bày bán [TABLE="class: ImgBoxEmbeddedLeft, width: 300, align: left"] [TR] [TD] Với iPhone nhái, khoảng một tháng sau khi dùng là có dấu hiệu chai pin. [/TD] [/TR] [/TABLE] Thời làm giả, làm nhái các loại điện thoại phổ thông và hàng giả phải “khiêm tốn” trà trộn vào hàng thật đã qua rồi. Ngày nay, điện thoại nhái phải khoác tên iPhone, HTC, BlackBerry… Và khi hàng nhái giống y hàng thật đến mức khó phân biệt thì người ta đường đường chính chính chào mời, rao bán theo kiểu hàng xịn. Nhan nhản trên các trang web là những lời giới thiệu đầy thuyết phục như: “Hàng copy chuẩn loại 1, sử dụng chip nhớ chứ không phải thẻ nhớ như loại 2”, “điện thoại fake, giá cực sốc, chất lượng tốt nhất trên thị trường, giá rẻ bất ngờ”… Các quảng cáo này tập trung chứng minh hai yếu tố là “giống hàng công ty” và giá siêu rẻ. Theo đó, điện thoại nhái giống hàng công ty từ kích cỡ, trọng lượng đến kiểu dáng. Về nguồn gốc, xuất xứ, có nơi bảo từ Hong Kong, có chỗ nói từ Singapore… nhưng phần lớn đều nghi ngờ là hàng Trung Quốc. Một chiếc iPhone 4 copy giá chỉ 1 – 2,5 triệu đồng, các dòng điện thoại copy khác, dao động khoảng vài trăm ngàn đồng đến trên dưới 2 triệu đồng, đắt lắm cũng không quá 3 – 4 triệu đồng. Đánh vào tâm lý thích xài đồ hiệu nhưng túi tiền có hạn của các bạn trẻ, các cửa hàng chuyên điện thoại copy không ngừng cập nhật những điện thoại mới “nay còn giống thật hơn”, cam kết giá “rẻ nhất nước” và hứa hẹn các chế độ bảo hành, khuyến mãi xem ra xôm tụ chẳng kém hàng chính hãng. Vừa xài vừa run Phạm Văn Mạnh, nhân viên giao nhận của một công ty tại quận 3, TP.HCM từng lao đao với “con” iPhone 3G hàng nhái, giá gần 2 triệu đồng, nên giờ biết ai có ý định mua là anh nhiệt tình “xin can”. Mạnh kể lúc mới mua cũng thích, nhưng khoảng một tháng sau có dấu hiệu chai pin, có lúc vừa sạc đầy, cắm vào lại sạc tiếp, dùng nhiều chỉ được khoảng hai tiếng là hết pin, mà công việc của anh không cố định để canh sạc. Khổ nhất là đôi khi đang nghe, gọi thì “hết pin ngang xương”... Đem bảo hành thì cửa hàng bảo tại Mạnh sạc không đúng kỹ thuật. Anh ngán ngẩm nói: “Bằng giá đó đã có thể mua được điện thoại mới chính hãng cũng có đủ chức năng, hoặc điện thoại chính hãng cũ, dù có “cùi bắp” một chút nhưng yên tâm, còn hơn rước thêm hồi hộp vào người, vừa xài vừa run, không biết hư lúc nào…” Anh Thanh Trung, chủ một cửa hàng sửa điện thoại di động giải thích: copy là hàng nhái theo thương hiệu, công nghệ của công ty khác, còn fake là những máy bị lỗi trong quá trình sản xuất, bị loại khỏi dây chuyền để “bán chui”(?). Thật ra, copy hay fake thì cũng đều là hàng nhái, không phải là hàng chính hãng, khi mua may nhờ rủi chịu, bởi những máy này đều thiếu sót trong phần mềm, phần cứng… Nếu hên, mua được máy xài tốt cũng không lâu, “chỉ ngon lành được một thời gian đầu, dần dần cũng hư hỏng hoặc xuống cấp chỗ này chỗ kia”, anh Trung nói. Một số bạn trẻ đã thử dùng qua các loại điện thoại copy này cho biết, tuy quảng cáo là có wifi nhưng thật ra bắt sóng chập chờn và rất chậm, chức năng chụp hình cho ảnh xấu, nghe nhạc hay bị rè, mà thiếu sót lớn nhất là không có hệ điều hành! “Mang tiếng là điện thoại thông minh mà không có hệ điều hành thì coi như… thôi rồi”, một bạn trẻ dí dỏm. Thử liên hệ một website rao bán điện thoại iPhone 4 copy, quảng cáo có cả hệ điều hành iPhone OS, người bán trả lời: “À, có chứ, nó có hệ điều hành Java”(?!) Biết giả, nhưng... Chủ nhân một cửa hàng chuyên bán điện thoại copy trên đường Lạc Long Quân, quận 11 (TP.HCM) khoe mỗi ngày anh bán được từ mười mấy đến 20 chiếc. Khi được hỏi thêm về sự vừa ý của những khách đã mua, anh ngập ngừng nói: “Dĩ nhiên cũng có người đem đến bảo hành hoặc đổi, nhưng là ở mức chấp nhận được”. Một số người là dân công nghệ cho biết mua các loại dế copy này để tìm hiểu mức độ “nhái siêu cấp đến đâu”. Đây chỉ là số ít, đa phần mua để thử cảm giác xài điện thoại đẳng cấp và “lấy le” cùng bạn bè, người yêu. Không ít cửa hàng bán điện thoại nhái nói đúng “tim đen” nhiều khách hàng trẻ, như: “… bảo đảm không ai phát hiện bạn đang xài dế copy”, hay “… cảm ứng cực đỉnh, thiết kế, khe sim, hình dáng, kích thước… đều giống iPhone 4 của Apple rất khó để phân biệt”. Hiện tượng này phần nào phản ánh tâm lý chuộng hình thức của một bộ phận giới trẻ, cố mua những vật dụng ăn theo thương hiệu, nhằm chứng tỏ ta đây cũng “xịn”.