I. THIẾT KẾ: 1/ Cấu tạo: Chiếc ASUS PB248Q mang vẻ bề ngoài cứng cáp nhưng khá linh hoạt, à mà phải nói là rất linh hoạt. Lý do bởi vì chân đế với trục quay có khả năng xoay đều hai bên một góc lên đến 60 độ, trên chân đế kèm theo thước đo giúp ta có thể có được lựa chọn góc phù hợp. Riêng màn hình có thể ngã ra đến 20 độ và gấp xuống 5 độ. Nếu trường hợp trên bàn làm việc của bạn chứa một mớ hồ sơ chất cao thì sao, liệu tầm nhìn có bị che khuất? Câu trả lời là không, vì trục chính của màn hình có thể tinh chỉnh, kéo dài thêm 10cm nữa để tăng chiều cao. Ngoài ra, màn hình còn có khả năng xoay vuông góc 90 độ theo chiều kim đồng hồ. Có thể nói, với độ linh hoạt như thế, màn hình PB248Q có thể đặt ở hầu hết các không gian, từ chiếc bàn bừa bộn cho đến những nơi sang trọng, vì tính thẩm mỹ của nó khá cao. Tuy nhiên, chính vì sự linh hoạt này nên vấn đề vận chuyển của mình khá là… vất vả, khi màn hình cứ xoay lung tung rồi lại dài ra. Rất nguy hiểm nếu va phải thứ gì đó. Nhưng có lẽ đây không phải là vấn đề vì công dụng của màn hình không phải là để mang đi. Chỉ cần một chút cẩn thận thì có thể giải quyết vấn đề này ngay. 2/ Tương tác: Vẫn còn một điểm nữa mình thích ở chiếc màn hình này, đó là việc trang bị 4 cổng kết nối USB 3.0. Với số lượng này, ta không cần phải ngọ ngoạy phía sau thùng máy để sử dụng cổng USB mà ta sẽ sử dụng trực tiếp trên màn hình, nơi có một không gian khá thoáng đãng. Cổng kết nối của màn hình hỗ trợ hầu hết tất cả các cổng phổ biến hiện nay như HDMI, VGA, DVI, USB, v.v… Kèm theo 2 cổng audio jack 3.5, một cổng input và một cổng output. Các nút tinh chỉnh trên màn hình có một vài điểm mạnh là cần điều khiển 4 chiều, ấn vào là nút chọn. Màn hình còn hỗ trợ 2 nút shortcut có thể đặt lại để truy cập nhanh đến những phần chúng ta hay dùng đến như độ sáng hoặc độ tương phản. Ngoài ra còn có nút để chuyển giữa các mode và các cổng tín hiệu. Những thiết kế này giúp việc thao tác với OSD dễ dàng hơn, đỡ mất thời gian hơn nhưng lại không tốn quá nhiều không gian để bố trí nút. 3/ Âm thanh: Màn hình có hỗ trợ loa ngoài, nằm ở mặt phía trên của thiết bị. Lúc đầu mình tự hỏi rằng vì sao ASUS không kèm theo một chiếc loa siêu trầm Subwoofer nữa!? Bây giờ mình đã có câu trả lời, đây là một chiếc màn hình chứ không phải một chiếc máy AIO hay những thiết bị chuyên về âm thanh. Vì thế, trang bị loa ngoài cho chiếc màn hình này như thế đã là quá đủ. Nếu sử dụng cho công việc thì không ai lại mở nhạc xập xình giữa văn phòng được, còn về game thủ thì có lẽ họ sẽ lựa chọn những chiếc headphone phù hợp. Với chiếc loa ngoài này, ít nhất chúng ta cũng có được cảm giác có âm thanh để khỏi phải lạc lõng, ví dụ trường hợp mình đã từng bị đó là cài một trò game, mình tiết kiệm thời gian và làm việc khác, do quá tập trung nên khi có thông báo cần đĩa tiếp theo thì mình không thấy mặc dù ứng dụng đang chạy vẫn chớp tắt đều đều dưới thanh taskbar nhưng thông báo vẫn hiện ngầm sau ứng dụng đang chạy. Nếu lúc đó có một chiếc loa để phát ra âm thanh báo thì có lẽ tiết kiệm được khối thời gian chờ đĩa mới. Ngoài ra , chiếc loa này có thể giúp bạn… chống cơn buồn ngủ nhất thời, hoặc tăng mức độ tập trung của bạn nếu bật một bài nhạc ưa thích ở âm lượng vừa phải. Riêng mình thì mình sẽ dùng nó để vỗ giấc nghĩ trưa ngắn trong giờ làm việc, đeo headphone hoài không tốt đâu các bạn à!!! I. KĨ THUẬT: 1/ Hình ảnh: Về mặt kĩ thuật, màn hình PB248Q 24” với độ phân giải 1920x1200 (16:10), góc nhìn ngang, dọc khoảng 178 độ, sử dụng panel IPS do đó độ sáng có thể gọi là… “nhức nhói” với mức tối đa là 300cd/m2. Mặc định, màn hình hỗ trợ 4 mode căn bản là Standard, sRGB, Scenery và Theater kèm theo 2 mode User cho người dùng tùy chỉnh. Với mode Standard, độ sáng hơi gắt, lên đến khoảng 211 cd/m2. Bản thân mình không thích sử dụng standard do độ sáng của nó quá cao so với quy định khoảng 120 cd/m2. Do đó mình thường sử dụng mode sRGB, độ sáng ít hơn, khoảng 170 cd/m2, và contrast của nó ít hơn so với mode Standard. Riêng mode Scenery, đúng như tên gọi của nó, mode “phong cảnh”, độ sáng ngang ngữa với mode Standard, tuy nhiên contrast của nó được đẩy lên mức rất cao, mục đích để “chiêm ngưỡng” phong cảnh một cách chân thực nhất và tươi tắn nhất. Còn về mode Theater, độ sáng dịu hơn chút ít, gần giống với mode sRGB, nhưng một điểm là contrast của nó khá cao, và hình ảnh có một chút… “ám xanh dương”, chính phần “ám xanh” ấy làm nên cái tên “theater” của nó, màu xanh xanh trông như cảm giác đang xem ở rạp vậy. Tuy nhiên, bạn có thể thấy rằng, điểm đen của nó (Luminance của Blackpoint) vẫn chưa thực sự thấp, tốt nhất là khoảng 1cd/m2 trở xuống. Ảnh dưới sẽ cho bạn thấy rõ hơn điều này. Ảnh được chụp trong môi trường tối, lúc này, màu đen được mở lên, tuy nhiên màu các bạn nhìn thấy sẽ là màu có chút xám xám chứ không hoàn toàn đen. Mặt khác, nếu nhìn vào 4 góc của màn hình, bạn sẽ thấy 4 góc này ửng sáng hơn những phần còn lại bên trong màn hình. Đây cũng chính là đểm yếu của công nghệ panel IPS. Nếu chỉ nói về điểm yếu của nó thì thật là không công bằng, bây giờ ta nói đến điểm mạnh của nó- đó là góc nhìn. IPS có góc nhìn vượt trội hơn hẵn panel TN. Hình bên dưới chụp tất cả 5 góc nhìn của màn hình, góc nhìn trên xuống và dưới lên tương đối ổn hơn so với góc nhìn từ hai bên. Quay trở lại vấn đề, để đảm bảo tính khách quan, mình cung cấp kết quả của tất cả các mode ở cả 2 dòng card đồ họa gồm NVIDIA và AMD để các bạn có thể tiện so sánh. Đối với mình thì không có gì khác mấy. Đó chỉ mới là những trải nghiệm sơ bộ với cấu hình mặc định của nhà sản xuất. Đã đến lúc cá nhân hóa màn hình theo ý của mình. Mình đang nói đến phần hiệu chỉnh (Calibrate) cho màn hình dùng thiết bị ngoài, sử dụng “con mắt” spyder 3 để đo độ sáng và tinh chỉnh lại màu sắc của màn hình để nó đúng theo tiêu chuẩn. Việc chỉnh lại màu sắc của màn hình là một việc cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những người làm đồ họa hoặc dựng phim. Chắc hẵn không ai muốn sản phẩm của mình trên máy khác với sản phẩm thực tế một trời một vực. Hỗ trợ điều đó, mục Hue và Saturation của màn hình cho phép tinh chỉnh đến 6 màu gồm Red, Green, Blue và Cyan, Magenta, Yellow, có thêm 3 màu so với những màu cơ bản. Từ đó người dùng có thể có nhiều kiểm soát hơn đối với việc chỉnh màu cho màn hình của mình. Để calibrate màu cho màn hình, cần phải chuyển sang mode USER. Và ảnh dưới là kết quả sau khi calibrate. Ngoại trừ việc điểm đen không cải thiện được thì những phần còn lại nhìn rất ổn. So với trước lúc chỉnh, ta có thể thấy độ chênh lệch màu đã không còn quá nhiều. DeltaE trung bình trong report là 0.3 và tối đa là 0.8. Các số này dưới 1 có thể thấy khả năng hiển thị màu của màn hình này sau khi chỉnh đạt mức tốt trở lên. Với kết quả như thế, bạn có thể an tâm xử lý đồ họa mà không ngại màu bị lệch so với thực tế; vẫn sẽ có lệch, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng đó là thời gian đáp ứng (Response time) của màn hình. Thời gian đáp ứng càng chậm thì sẽ thấy hiện tượng bóng mờ phía sau hình đang chuyển động do pixel chưa kịp chuyển sang màu mới. Mình sử dụng phần mềm Pixperan, một phần mềm nổi tiếng để test màn hình, dùng tính năng test Streaky Pictures, để tốc độ của hình chuyển động (tempo) mặc định là 16. Dùng camera ngoài chụp lại ở tốc độ rất cao (1/4000s) để chụp lại khoảnh khắc chuyển màu của các điểm ảnh trên màn hình. Hình bên trái là trường hợp tốt nhất trong chuỗi những ảnh được chụp lại, có một bóng đen mờ phía sau từng pixel ảnh, mắt thường hầu như không thể thấy hiện tượng này. Hình bên phải là trường hợp tệ nhất, hình ảnh trước đó vẫn chưa hoàn toàn biến mất trong khi ảnh mới đã xuất hiện. Ảnh trên dùng Trace Free với thông số 40 để đưa ra kết quả thực tế nhất. Công nghệ Trace Free hạn chế trường hợp “bóng ma” này. Khi giảm còn 0, bạn sẽ nhìn thấy ảnh mờ phía sau rất rõ, do ảnh mờ đó có màu. Khi tăng lên tối đa 100, thay vì ảnh mờ là ảnh màu, thì ta lại thấy đa số là ảnh có màu ngược lại (invert) với màu của ảnh gốc. Vì lý do đó, thông số tối ưu cho Trace Free thường là 40, nó sẽ dung hòa 2 tính năng này để tạo ra chiếc “bóng” hòa một chút vào ảnh gốc, hòa một chút vào nền. Ngoại trừ độ sáng của điểm đen, 4 góc bị sáng khi màn hình tối do hạn chế của công nghệ và trường hợp khó khăn trong di chuyển (là chuyện không đáng để bàn tới) như mình đã nói ở trên thì màn hình ASUS PB248Q thực sự là một sản phẩm hi-end cho người sử dụng. Những điều trên chỉ mang tính “lý thuyết”, phần còn lại có lẽ chính bạn mới là người trải nghiệm đáng tin nhất.
Bài review LCD tiếng việt chất nhất từ xưa đến giờ (ít nhất là cá nhân mềnh chưa thấy bài good hơn) Thanks chủ thớt nhiều!!!!!