http://www.zing.vn/zing/Index.aspx?ArticleID=7661&ChannelID=151 (Zing) - Với những lỗi ngớ ngẩn như thiếu phím bấm cần thiết, bố trí các phím bấm sai vị trí...10 bàn phím dưới đây đã bị liệt vào danh sách "tệ hại" nhất mọi thời đại. Commodore 64 (1982) Thiết kế của chiếc bàn phím Commodore 64 PC đến nay vẫn còn gây được rất nhiều “ấn tượng” với hàng triệu người dùng. Chỉ cần thoạt nhìn bất kỳ ai cũng có thể liệt kê ra được 3 lỗi thiết kế trên chiếc bàn phím này. Thứ nhất, có quá nhiều ký tự biểu tượng in trên phím. In trên mặt phím chưa đủ nhà sản xuất còn cho in lên cả thành phím. Thứ hai chiều cao của chiếc bàn phím này lên tới gần 5cm, khiến người dùng dễ bị mỏi tay nếu sử dụng trong thời gian dài. Và thứ ba là lỗi bố trí phím. Ví dụ phím Home/Clear lại nằm sát bên trái phím Delete (Backspace) khiến người dùng không ít lần gõ nhầm đưa con trỏ chuột về tận phía trên cùng màn hình. Ngoài ra trên bàn phím còn có một số phím thừa như Run/Stop hoặc Restore. Timex Sinclair 2068 (1983) Mặc dù được cải tiến rất nhiều từ “người anh em” Sinclair ZX Spectrum PC vốn rất nổi tiếng trước đó trên thị trường Mỹ nhưng Timex Sinclair 2068 lại làm một "cú té khá ngoạn mục". Điểm giống nhau duy nhất giữa “hai người anh em” này là đều sỡ hữu hệ thống nút bấm khó chịu như nhau. Thật không ngoa rằng nếu không được học trước thì việc sử dụng chiếc bàn phím này giống như bạn nhập dữ liệu trong tình trạng say rượu và bị bịt mắt. Người dùng bị lọt vào “một ma trận” vô số ký tự khác nhau in cả trên phím bấm lẫn nền bàn phím. Một số phím đảm nhiệm tới 6 chức năng khác nhau. Cuối cùng, bàn phím không có phím Backspace. Commodore PET 2001-32-N (1978) Chiếc bàn phím đi kèm Commodore PET được đánh giá là bước cải tiến vượt bậc của nhà sản xuất Commodore. Tuy nhiên, một số lỗi “cơ bản” vẫn tồn tại gây không ít khó chịu cho người dùng. Thứ nhất đó là sự tồn tại của phím Run/Stop đúng ngay vị trí lẽ ra phải thuộc về phím Return. Thứ hai phím Backspace vẫn “bặt vô âm tín”. Điểm đáng kể duy nhất là phím số đã được tách riêng sang khu vực bên phải tạo khá nhiều thuận tiện cho người dùng. Nhưng thế vẫn chưa đủ để Commodore PET “thoát” khỏi danh sách những bàn phím tệ nhất mọi thời đại. Texas Instruments TI-99/4 (1979) Chiếc bàn phím đi kèm Texas Instruments TI-99/4 trông giống như một bàn phím máy tính bỏ túi (calculator), trông khá gọn nhẹ. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể nhập được chữ hoa chứ không thể gõ chữ thường. Phím Shift cũng mất đi chức năng gõ chữ hoa và thay vào đó là chức năng khác. Ví dụ Shift + Q là tổ hợp phím thoát chương trình và khởi động lại PC. Rất nhiều người dùng đã nhầm lẫn, mất công mất sức làm lại từ đầu chỉ vì muốn gõ được ký tự Q hoa. Chiếc bàn phím này cũng thiếu mất phím Backspace. Tandy TRS-80 Micro Color Computer MC-10 (1983) Nhà thiết kế chiếc bàn phím này vẫn mắc lỗi phải dành thêm không gian để in ký tự lên trên nền phím khiến khung bàn phím mở rộng ra rất nhiều. Ngoài ra, một số phím phải đảm nhiệm tới 4 chức năng khác nhau. Phím Break dùng để huỷ tác vụ thực thi lại nằm đúng vào vị trí của phím Backspace. Không có phím Backspace và Left Key. Điều đáng chú ý là chiếc bàn phím này đã có phím Spacebar “ra hồn” một chút. Atari 400 (1979) Chiếc bàn phím đi kèm Atari 400 gần như phẳng, gờ của mỗi phím bấm chỉ nhô lên một chút xíu. Không những thế, sử dụng chiếc bàn phím này người dùng còn mất đi cảm giác được cảm nhận mỗi phím bấm bật nảy trên đầu ngón tay, khi bấm vào, phím chỉ nằm im. Người dùng không hề có cảm giác đã bấm đúng phím hay chưa. Về sau Atari “nâng cấp” bổ sung thêm phần mềm cho phép hệ thống phát ra tiếng bíp mỗi khi người dùng bấm phím. Một lỗi nữa là phím Break để huỷ tác vụ lại nằm ngay bên phải phím Backspace. Gõ nhầm phím là một điều hoàn toàn khó có thể tránh khỏi. Timex Sinclair 1000 (1982) Bán kèm với chiếc PC cá nhân đầu tiên ở Mỹ có giá bán dưới 100 USD là một chiếc bàn phím “chật hẹp, phẳng lỳ và rất khó sử dụng”. Do kích cỡ “khiêm tốn” nên sau đó nhà sản xuất đã lập trình phần mềm cho phép người dùng thay thế một số lệnh cơ bản bằng một phím chức năng duy nhất. Ví dụ phím P thay cho phải gõ cả lệnh Print. Nhưng nếu phải nhập những lệnh phức tạp thì đúng là một “cực hình” với chiếc bàn phím này. Mattel Aquarius (1983) Sử dụng chiếc bàn phím này, người dùng cũng không còn được trải nghiệm cảm giác bật nảy của phím bấm trên đầu ngón tay. Lỗi thiết kế thứ hai là phím Space quá nhỏ bố trí tít bên góc tận cùng bên trái của bàn phím - vị trí lẽ ra phải thuộc về phím Shift. Khó có thể nhập liệu nhanh nếu mỗi lần đều phải lần tìm vị trí của phím bấm này. Đối diện bên tay phải của phím Space là phím Return – phím được xem là phím bấm tệ nhất mọi thời đại và không nên xuất hiện ở đây. Commodore PET 2001 (1977) “Một chiếc bàn phím quá sức khủng khiếp”. Đó là những gì mà Commodore đã làm với chiếc bàn phím đi kèm Commodore PET 2001. Khó sử dụng, không đáng tin cậy, phím bấm không có khả năng bật, không gian chật hẹp … đó là những gì được nói về chiếc bàn phím này. Một lỗi nữa đó là phím Space dược thiết kế quá nhỏ. IBM PCjr (1984) Chiếc bàn phím đầu tiên được bán kèm với sản phẩm IBM PCjr cho đến nay vẫn rất nổi tiếng. Nó là một trong những sản phẩm góp phần trực tiếp làm nên thất bại của dòng sản phẩm IBM PCjr. Đây cũng là chiếc bàn phím không dây đầu tiên trên thế giới nhưng không thực hiện đúng chức năng của nó. Bàn phím thì di động nhưng nguồn cấp điện của nó lại nằm im. Lỗi thiết kế ở đây là mặt mỗi phím trống trơn, chức năng và ký tự mỗi phím đảm nhiệm lại được in lên nền bàn phím. Người sử dụng sẽ phải vừa gõ vừa phải chăm chút lần tìm từng vị trí phím.