Bán đảo Triều Tiên vẫn nóng lên từng ngày

Thảo luận trong 'Share everything' bắt đầu bởi mylove10, 7/12/10.

  1. mylove10

    mylove10 Member

    Bài viết:
    859
    Bên cạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, những cuộc tập trận rầm rộ với sự tham gia của Mỹ có thể khiến Bình Nhưỡng "nóng mặt" vẫn cấp tập diễn ra.

    [​IMG]
    Binh sĩ Hàn Quốc đang được báo động ở mức cao. Ảnh: AFP
    Các cường quốc đang đẩy mạnh những cố gắng ngoại giao nhằm tránh xảy ra bất cứ cuộc xung đột nào nghiêm trọng hơn tại Đông Á. BBC cho biết trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phối hợp với Washington gửi đi "thông điệp rõ ràng" tới Triều Tiên rằng các hành động khiêu khích của họ với Hàn Quốc là "không thể chấp nhận được".
    Bản thân việc nguyên thủ hai cường quốc điện đàm với nhau đã thể hiện mức độ quan tâm đặc biệt của Washington và Bắc Kinh đối với diễn biến căng thẳng tại Triều Tiên. Nội dung cuộc điện đàm được công bố cũng cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa hai bên. Trong khi Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và từ chối lên án Bình Nhưỡng về vụ tấn công, thì Washington lại muốn Bắc Kinh phải tác động đến Triều Tiên.
    Tuy đã có những nỗ lực ngoại giao, việc các nước Đông Á gồm Hàn Quốc và Nhật Bản liên tiếp có các cuộc tập trận với quy mô kỷ lục cùng sự tham gia của Mỹ vẫn có thể khiến bán đảo Triều Tiên rơi vào tình thế "bên bờ vực chiến tranh" bất cứ lúc nào.
    Mỹ đoàn kết với đồng minh Đông Á

    Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua nhắc lại yêu cầu của Washington đòi Triều Tiên phải chấm dứt "kiểu hành xử khiêu khích". Bà cho rằng đây là điều kiện để có thể nối lại các vòng đàm phán đa phương về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vốn bị đình trệ từ tháng 4/2009.
    Bà Hillary Clinton đưa ra quan điểm trên sau một cuộc gặp với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Washington. Sự kiện này diễn ra hai tuần sau vụ Bình Nhưỡng tấn công đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc bằng đạn pháo nhằm phản đối cuộc tập trận của miền nam, đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên vào thế căng thẳng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc chiến tranh 1950-1953.
    "Cuộc gặp ba bên lần này tái khẳng định những bước đi rằng Triều Tiên cần hành động vì các cuộc đàm phán 6 bên để đưa đến kết quả. Triều Tiên phải cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và chấm dứt cách hành xử khiêu khích. Triều Tiên cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và thực hiện những bước đi chắc chắn để thực thi những cam kết phi hạt nhân hoá", Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Washington.
    Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington đang mong đợi Trung Quốc đóng vai trò tối quan trọng của mình trong nền ngoại giao khu vực, trong đó nhấn mạnh việc Bắc Kinh "có quan hệ đặc biệt với Triều Tiên".
    Nhưng việc Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, không được mời tới Washington dự cuộc gặp ngoại trưởng lần này được cho là hành động nhằm thể hiện sự đoàn kết giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh có phần nghiêng về Bình Nhưỡng.
    Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cảnh báo Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể nằm ngoài tầm kiểm soát nếu không được giải quyết một cách thích đáng. Trong khi đó, Toà án hình sự quốc tế cho biết họ sẽ điều tra liệu vụ tấn công đảo Yeonpyong của Triều Tiên có cấu thành tội ác chiến tranh hay không.
    [​IMG]
    Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Washington. Ảnh: AFP
    Tập trận rầm rộ và liên tiếp

    Hiện bầu không khí chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên vẫn được đánh giá là cực kỳ căng thẳng. Hàn Quốc hôm qua tiếp tục một loạt cuộc diễn tập quân sự có bắn đạn thật, bất chấp các cảnh báo mang tính đe doạ của Triều Tiên. Cuộc tập trận trải dài trên khu vực ngoài khơi phía đông, phía tây và phía nam bờ biển Hàn Quốc, nhưng khu vực nhạy cảm dọc đường biên giới trên biển với miền bắc nhìn chung đã được tránh.
    Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập bắn đạn thật do các tàu chiến và đơn vị pháo thực hiện tại 29 địa điểm khác nhau. Đặc biệt trong số này có vị trí gần một trong 5 hòn đảo nhỏ nằm ngay sát ranh giới trên biển là Đường giới hạn phía bắc (NLL) vốn gây tranh cãi với miền bắc. Vụ Triều Tiên khai hoả hôm 23/11 vừa qua cũng bắt đầu từ một cuộc diễn tập bắn đạn thật tương tự của miền nam.
    Bên cạnh hành động thể hiện sự không nhượng bộ trước sức ép của miền bắc, Yonhap dẫn lời tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin còn tuyên bố nước này sẽ không kích miền bắc nếu họ tấn công dân thường một lần nữa. Theo đó quân đội Hàn Quốc có thể phản công ngay mà không cần tuân theo nguyên tắc giao chiến nếu Triều Tiên tấn công tiếp.
    Nói cách khác, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu giảm nhiệt nào sau hai tuần căng thẳng. Hàn Quốc vẫn tiếp tục tập trận, bất chấp sự "nóng mặt" của miền bắc. Trong khi miền bắc liên tục doạ sẽ có hành động đáp trả, trong bối cảnh miền nam đã thay đổi quy tắc giao chiến và điều này có thể đẩy hai bên đến "bờ vực chiến tranh" thực sự nếu sự kiện như trên đảo Yeonpyeong lặp lại.
    Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ cũng đang tập trận chung có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Sự kiện mang tên Keen Sword này có sự tham gia của 44.000 quân nhân, 400 máy bay và 60 chiến hạm các loại, nhằm kỷ niệm 50 năm khối đồng minh Mỹ-Nhật và sẽ kéo dài đến ngày 10/12. Tuy cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ trước khi Triều Tiên nã pháo xuống hòn đảo của Hàn Quốc, nhưng nó diễn ra vào thời điểm nhạy cảm vẫn góp phần khiến bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.
    Đình Nguyễn
     
    :

Chia sẻ trang này