ASUS Zenfone Zoom, một trong những chiếc điện thoại mới nhất của ASUS mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, đã tạo nên một cơn sốt khá lớn trong cộng đồng smartphone Việt với chất lượng ảnh chụp rất đẹp nhờ vào hệ thống ống kính 10 lớp đặc biệt cũng như giá chính hãng cho phiên bản cao nhất khá ngất ngưỡng 13.5 triệu đồng. Tuy nhiên mới đây một số nhà bán lẻ điện thoại di động đã tiến hành giảm giá cho chiếc smartphone này xuống, điển hình Hnammobile khi hệ thống này đã hạ giá Zenfone Zoom còn 10.990 triệu đồng. Trong bài viết đánh giá pin (Battery test) lần này, Amtech sử dụng một chiếc Zenfone Zoom chưa được bán tại thị trường Việt Nam. Chiếc smartphone này có mã ZX550 được xem là phiên bản thấp cấp hơn so với bản cao cấp ZX551ML được bán tại Việt Nam. Cụ thể, nó sử dụng chip xử lý Intel Atom Z3580 có xung nhịp 2.3GHz, RAM 4GB, bộ nhớ trong 64GB. Trong khi đó, Zenfone Zoom ZX551ML bán tại Việt Nam được sở hữu con chip Intel Atom Z3590 xung nhịp cao hơn với 2.5GHz, RAM 4GB cũng như bộ nhớ trong đến 128GB. Cấu hình cụ thể của Zenfone Zoom ZX550 như sau: Hệ điều hành: Android 5.0 Vi xử lý: Intel Atom Z3580, lõi tứ 2.3 GHz GPU: PowerVR G6430 Màn hình: 5.5" FHD 1080p, 403 ppi, kính cường lực Gorilla Glass 3 RAM: 4 GB Bộ nhớ trong: 64GB Kết nối: Wi-Fi a/b/g/n/ac, BT 4.0, A-GPS, GLONASS Camera: 13 MP, Laser AF, zoom quang học 3x (tiêu cự 28-84mm), khẩu độ theo dải f/2.4 - 4.8, LED flash 2 tông màu, quay phim 1080p@30fps, Camera trước: 5 MP, AF Pin: Li-Po 3000 mAh Thiết lập máy trước khi test: Hệ điều hành nguyên bản theo máy là Android 5.0 và không root. Độ sáng màn hình thiết lập ở mức cao nhất là 100%, không set Auto. GPS + Sync luôn trong trạng thái bật, WiFi và 3G chỉ được bật tùy theo bài test. Môi trường test là phòng làm việc, máy lạnh set ở mức nhiệt độ phòng dao động từ 27*C-30*C. Cài sẵn các app sử dụng trong bài test: Implosion, CPU-Z, CPU Spy Reborn, Battery Widget. Quy trình test như sau: Lần lượt làm mỗi bài test on-screen trong 30 phút rồi nghỉ off-screen trong 10 phút và lặp lại cho đến khi hết pin bao gồm các bài: lướt web (Chrome) bằng WiFi, lướt web bằng 3G, xem clip YouTube bằng WiFi, chơi game Implosion không mở WiFi lẫn 3G. Khi máy tắt hẳn, cắm sạc, mở máy và vào phần Battery trong Settings để xem mức độ tiêu hao năng lượng của máy. Ghi chú thời gian sạc pin từ 0% - 100%: 15 phút sẽ kiểm tra một lần để biết máy được sạc bao nhiêu % pin và ghi nhận lại thời gian sạc đầy pin. Trong quy trình test ZX550, tôi có một số thay đổi dựa trên thực tế khách quan của sản phẩm cũng như sự chủ quan của bản thân. Cụ thể, chiếc Zenfone Zoom này có điểm khá lạ lùng là khi tôi dùng hết pin (tức máy cạn sạch pin), tôi liền cắm sạc cho máy khoảng 5' để mồi pin sau đó là giữ phím mở nguồn để mở máy. Tuy nhiên, máy đã không khởi động được như những bài test pin trước đó mà tôi thực hiện trên những người anh em Zenfone của nó. Phải mồi đến tầm 15'-20' thì máy mới khởi động được, vì vậy để thực hiện bài test pin tôi chỉ rút pin xuống còn 2% là dừng lại thay vì rút cạn pin như thường lệ. Ngoài ra, trong quá trình test pin có việc gấp khiến tôi phải tạm dừng bài test giữa chừng để giải quyết. Vì thế, trong bảng thời lượng pin sẽ có phần thời gian trống máy nghỉ, và thời lượng pin được tính bằng cách lấy tổng thời gian pin trụ trừ đi phần thời gian trống đó. Thời lượng pin kéo dài từ lúc đầy pin 100% (14h) còn 2% (22h20). Trừ đi 4 tiếng 10' phần thời gian trống (từ 16h30' đến 20h40') thì máy trụ được 4h10', chỉ đủ để sử dụng mục đích làm việc. Như bạn đọc đã thấy, biên độ thời lượng pin ở khúc giữa có nguyên đường thẳng băng là do nguyên nhân khách quan trước đó tôi có đề cập. Trở lại với thời lượng pin 4h10' của ZX550, tôi cho rằng chiếc smartphone này sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình nếu người dùng chỉ sử dụng những chức năng dành cho văn phòng như lướt web, Facebook, v.v... Còn việc chơi game thì thời lượng pin như thế này thực sự là chưa đủ tốt để có thể trải nghiệm sản phẩm một cách thoải mái nhất. Có một điểm mà ZX550 không "kế thừa" từ Zenfone 2 phiên bản chip Intel trước đây là tình trạng hao hụt pin ngay cả khi đang nghỉ. Ở thời điểm mà tôi để ZX550 nghỉ để giải quyết việc riêng, thời lượng pin của máy lúc đó đang là 49%, và nó vẫn giữ nguyên mức pin này trong 4h10' sau đó. Đó là lý do vì sao mà biên độ pin trở nên thẳng tắp như vậy. Tôi cho rằng đội ngũ phần mềm của ASUS đã thực hiện quá tốt phần việc của mình trong việc viết ROM để tối ưu hiệu năng của con chip Intel Z3580 của ZX550 đặc biệt là việc giữ pin rất dai khi nghỉ của máy. Sau đây là bảng thời lượng pin mà tôi đã test các bài thực nghiệm trên Zenfone Zoom ZX550: Thời gian sạc đầy pin: 1h30'. Quá nhanh quá nguy hiểm! Theo công bố của nhà sản xuất ASUS, các phiên bản Zenfone Zoom đều trang bị tính năng sạc nhanh cũng như được bán kèm củ sạc nhanh trong phần phụ kiện kèm theo máy. Do đó, không có gì quá khó hiểu khi thời gian sạc đầy pin của Zenfone Zoom quá nhanh quá nguy hiểm như vậy. Đặc biệt trong khoảng mức pin từ 2% đến 70%, máy sạc rất nhanh. Cụ thể, chỉ trong khoảng 30', máy đã sạc lên đến 63% và 15' sau (tức là 45') thì % pin đã lên 78%. Tuy nhiên vì tốc độ sạc quá nhanh như thế nên trong khoảng thời gian này, ZX550 sẽ rất nóng và khó để chúng ta có thể vừa chơi game vừa sạc mà chỉ có thể lướt web mà thôi. Sau mức pin 70%, máy sẽ dần sạc chậm lại để hạ nhiệt bớt cho bản thân cũng như bảo vệ viên pin bên trong của nó. Chỉ trong 1h30', ZX550 đã được sạc đầy và chúng ta có thể mang nó đi chinh chiến game online hay mang đi chụp hình thoải mái rồi. Sau đây là biểu độ thời gian sạc đầy pin của ASUS Zenfone Zoom ZX550: Lời kết ASUS Zenfone Zoom được xem là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ đội ngũ mảng smartphone của ASUS trong việc mang đến cho người dùng một chiếc smartphone có khả năng chụp hình tốt với thiết kế tinh tế mỏng nhẹ nhất hết mức có thể. Với việc sử dụng chip xử lý Intel Atom Z3580, mẫu Zenfone Zoom ZX550 không mang lại được thời lượng pin tốt cần thiết để phục vụ nhu cầu làm việc kết hợp chơi game giải trí trong vòng 1 ngày. Bù lại cho khuyết điểm này là nhờ vào khả năng sạc rất nhanh của sản phẩm. Cụ thể, nếu ZX550 chỉ trụ được 4h10' trong bài test pin của tôi thì thời gian sạc đầy của máy chỉ tầm 1h30' hay 90' mà thôi. Hơn nữa, trong quá trình test, tôi nhận thấy máy có khả năng giữ pin rất tốt khi nghỉ khi trải qua 4h10' đồng hồ nhưng mức pin của máy vẫn giữ nguyên không đổi. Nên nhớ rằng đây là một trong những điểm trừ lớn của Zenfone 2 tức người tiền nhiệm của Zenfone Zoom. Vì thế, chúng ta cần dành cho đội ngũ kỹ thuật của ASUS một lời khen vì đã cải thiện tình trạng hao hụt pin ngay cả khi nghỉ của các thế hệ Zenfone sử dụng chip Intel trước kia của nhà sản xuất Đài Loan.
Cấu hình cao, camera chụp tốt nên hơi ngốn pin chút, bù lại có sạc nhanh, con này kết với Zenpower nữa thì đi phượt 3 ngày khỏi lo :D