Các bé khi mới học đàn đều sẽ có những “rắc rối” đến từ tâm lý là chủ yếu, nó có thể là tâm lí âu lo, buồn bực, vui vẻ, háo hức… Nếu là tâm lí theo hướng tích cực (vui vẻ, phấn chấn) thì quả là một tin vui cho bạn và bé. Nhưng nếu là tâm lí tiêu cực thì sao? Bài viết này sẽ giúp bạn cùng bé vượt qua những âu lo trong lúc tập đàn. 1. Những vấn đề thường gặp Đầu tiên, chúng ta hãy cùng điểm qua 1 số vấn đề thường gặp ở các bé khi tập đàn: Bé không thuộc nốt nhạc. Bé không đọc được bản nhạc. Bé không thuộc vị trí nốt trên cần/phím đàn. Bé chưa điều khiển độc lập giữa hai tay trái và phải. Bé nhịp chân sai nhịp phách. Bé nhầm lẫn giữa các giai điệu có phần giống nhau. Bé chán nản khi tập hoài một bản nhạc mà không xong. Bé thiếu tự tin khi đàn trước nhiều người. Những vấn đề trên nếu không được tìm ra giải pháp kịp thời sẽ hình thành tâm lí âu lo trong trẻ, điều đó dễ dẫn đến tâm lí sợ chơi nhạc, sợ đi học nhạc. Ngoài những vấn đề thường gặp đó vẫn còn rất nhiều những vấn đề khác đang tồn tại với mỗi bé, chúng ta không thể kiểm soát hết vì vậy bạn hãy kiên nhẫn quan sát thái độ, biểu cảm của các bé nhé! Bạn hãy cùng con tập đàn, việc đầu tiên để phát hiện ra “rắc rối” của bé là phải cùng bé chơi, cùng bé học. Bạn kiểm tra bài học của con thường xuyên bằng cách hỏi bé tên các nốt và vị trí các nốt đó, nghe bé đàn những bài tập được giao xem nó có mượt mà, tiếng đàn có đúng với từng nốt nhạc thể hiện trên bài không, nhịp phách có ổn định không hay lúc nhanh lúc chậm. Trong quá trình kiểm tra, bạn hãy chú ý cách bé trả lời các câu hỏi (bé trả lời nhanh hay chậm, trả lời đúng nhiều hay sai nhiều), điều đó sẽ giúp bạn định hình bé còn chưa vững phần nào, bạn có thể trao đổi cùng giáo viên đang dạy bé để có những giải pháp luyện tập khác. Mấu chốt ở đây là sự khéo léo và quan tâm chân thành, hãy cho bé hiểu bạn thật sự muốn biết bé cảm thấy thế nào với loại nhạc cụ đang học. 2. Xác định vấn đề của bé và cách giải quyết Xác định các vấn đề mà bé gặp phải là bước tiếp theo, bạn hãy hệ thống những vấn đề đó đến từ đâu, từ cá nhân bé hay ngoại cảnh để có hướng giải quyết chính xác đúng người – đúng chỗ. Với những vấn đề xuất phát từ cá nhân bé thì nỗi âu lo sẽ thiên về mặt cảm nhận, cảm xúc hay cả những tâm lí mặc cảm. Nếu bé gặp vấn đề về học lí thuyết, ví dụ bé không thể học thuộc nốt nhạc khi đã học được cả tháng rồi thì bé sẽ mang suy nghĩ: “Mình không có tố chất học nhạc” hay “mình không có khả năng học nhạc”. Suy nghĩ đó sẽ biến thành nỗi âu lo hoài nghi về bản thân, trở thành một bước “ngán đường” bé cố gắng tập luyện để vượt qua. Với trường hợp này, bạn hãy nói về những đứa trẻ cùng độ tuổi với bé hoặc thậm chí cả người lớn cũng gặp vấn đề trong việc học thuộc lòng loại ngôn ngữ âm nhạc (được viết bằng các nốt nhạc thay vì chữ cái). Giai đoạn đầu khi học một nhạc cụ đều không dễ dàng với tất cả mọi người, đa phần tất cả chúng ta đều phải “làm mới” đầu óc để thu nhận kĩ năng mới, ngôn ngữ mới. Bạn hãy giải thích cho con điều đó, hãy cho con thấy độ tuổi này là phù hợp để con học nhạc cụ, khi con càng lớn điều này sẽ càng khó. Một ví dụ khác, nếu bé không hiểu rõ nhịp phách để đàn đúng giai điệu: ngừng, nghỉ và chơi đàn đúng theo bản nhạc thì việc đầu tiên là bạn hãy bảo bé dừng đàn, bạn và con sẽ cùng nhau “soi” kĩ vào từng chi tiết để giải quyết vấn đề. Một gợi ý mà SEAMI muốn bạn thực hiện đó là tập cho bé xướng âm. Bạn hãy hỏi bé về trường độ của từng hình nốt, xác định số nhịp mà bé phải nhịp khi đàn mỗi nốt đó. Tiếp theo là vừa hát và vừa nhịp bằng tay, bạn hãy luyện tập cùng bé cho đến khi bé có thể hát và nhịp tay trôi chảy, không vấp. Sau đó mới để bé ôm đàn lên và chơi nhé. Các bậc cha mẹ cũng nên lưu ý rằng giữa nhịp bằng tay và bằng chân sẽ ít nhiều khác nhau, ngay cả việc điều khiển độc lập giữa tay và chân cũng là một vấn đề đấy. “Âu lo” sợ đến lớp vì bé không đàn được bài. Với vấn đề này thì các bậc cha mẹ hãy nói cho con hiểu lí do mà con cần lên lớp trả bài cho thầy cô dù con chưa thể đàn trôi chảy bài đó. Khi đi học thầy cô sẽ sửa những kĩ thuật sai cho con, con có thể nhìn bạn bè tập để rút ra kinh nghiệm. Bạn cũng đừng quên trao đổi với thầy cô mà con đang theo học để thầy cô có thể hỗ trợ bạn để ý bé nhiều hơn. “Âu lo” không tự tin đàn trước nhiều người. Thử nghĩ vào một dịp bạn muốn con tham gia tiết mục văn nghệ ở lớp hay chỉ đơn giản là đàn cho ông bà, cô dì trong họ hàng nghe nhưng bé lại rụt rè thiếu tự tin. Bạn đừng vội la mắng hay tỏ sự thất vọng với con ngay, hãy động viên bé, nói cho bé hiểu một người chơi đàn thì điều hạnh phúc nhất là có người nghe và mọi người trong gia đình, thầy cô, bạn bè trên lớp đều sẵn sàng nghe bé đàn, muốn “chiêm ngưỡng” tài lẻ đó của bé. “Âu lo” trước một bản nhạc mới thoạt nhìn có vẻ khó. Không phải chỉ với con nít, ngay cả người lớn vẫn xảy ra trường hợp bị đánh lừa bởi cảm giác trực quan đầu tiên khi đối mặt với một vấn đề. Bạn hãy giải thích cho bé những bài tập này là những bước đi mà bé phải đi để thành thạo nhạc cụ. Hãy chia bản nhạc thành từng trang, từng đoạn ngắn để bé luyện tập từng đoạn, đàn trôi chảy đoạn này xong sẽ qua đoạn khác. Nếu trong quá trình tập đàn, bé tập hoài vẫn không đàn được sẽ có cảm giác chán nản, khó chịu và bức bối trong người. Lúc đó bạn không nên ép bé tập tiếp, hãy cho bé thả lỏng người và giải trí. Hướng bé đến một không gian thư giãn, trò chơi khác để giải toả cảm giác bức bối đó. Sau đó cùng nhau luyện tập lại sẽ hiệu quả hơn đấy. Trên đây là những gợi ý được chia sẻ với bạn dựa trên kinh nghiệm mà thầy cô SEAMI trong quá trình giảng dạy các bé nhỏ tuổi đúc kết lại. SEAMI hi vọng rằng với những chia sẻ thực tế này, bạn sẽ giúp bé phần nào “triệt tiêu” những lo âu khi tập đàn nhé! Nguồn: https://seami.vn/giai-toa-nhung-au-lo-cua-be-khi-hoc-dan/