Rất ít người đổi đời với nghề lặn tìm đồ cổ mà phần nhiều ngư phủ đã phải “cá cược” bằng chính mạng sống của mình dưới đáy đại dương. "Cầm vàng lại để vàng rơi" Nghe câu chuyện về những ngư phủ hành nghề mò cổ vật dưới đáy đại dương, thoạt tiên chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng. Một phần vì thấy…tiền nhiều quá lại đang chìm nổi dưới đáy biển. Vậy mà ở huyện Bình Sơn, Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều ngư phủ nghèo khổ lại có thói “tiêu xài” khá lạ: “Ném những giá trị tìm được, nếu có quy ra thì cũng phải đong đếm bằng vàng ròng cho các….đại gia”. Thợ lặn đang ngụp lặn hành nghề lục tìm cổ vật dưới đáy biển Hơn 40 năm nay, lão ngư Dương Văn Diên (59 tuổi), thôn Định Tân (Bình Châu) đã gắn trọn với nghề cá. Và suốt quãng đời gắn bó với biển, ông cũng đã không ít lần vớt được đồ cổ. Trong một lần nghe một số chủ thuyền khoe lặn gặp tàu cổ bị chìm chứa nhiều cổ vật nên ông cũng tìm đến khu vực lân cận để tìm. Vừa để thoả mãn sự tò mò, vừa kiếm thêm thu nhập. Số đồ cổ ông tìm được không nhiều như những thuyền chuyên lặn cổ vật nhưng thỉnh thoảng ông cũng kiếm được vài triệu đồng từ những món đồ tìm được. Hiện trong nhà ông cũng trưng gần trăm cổ vật các loại như ấm trà, ly, đĩa với nhiều kích cỡ và niên đại khác nhau. Chính ông cũng không biết cụ thể nó có từ đời nào và nguồn gốc từ đâu. "Tôi không hiểu nhiều về cổ vật nhưng nghe giới săn cổ vật cho biết số cổ vật trên có từ thế kỉ 15, trị giá cả tỷ đồng"- ông Diên nói. Cũng theo ông Diên, chính vì không hiểu được giá trị của cổ vật nên nhiều ngư dân khai thác được bán đổ bán tháo để bù lại chi phí chuyến đi nên vô tình “làm giàu” cho giới săn cổ vật ở các địa phương. Những cổ vật được ông Diên tìm thấy dưới đáy đại dương Nhắc đến đồ cổ, anh Võ Văn Hân (32 tuổi) chủ tàu QNg 0737, ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn nói: “Năm 2003, đội thợ lặn của tàu anh trục vớt được một chiếc tàu cổ chứa gần 4.000 cổ vật gồm chén, đĩa, bình cổ… với nhiều kích cỡ khác nhau. Nhưng sau đó bị phát hiện lưu giữ cổ vật trái phép nên tôi đã giao lại toàn bộ số cổ vật trên cho cơ quan chức năng”. Trong một lần hành nghề, một số ngư dân trục vớt được một con tàu chìm mà trong đó chứa nhiều đồ vật gốm sứ. Nghe tin, một số người ở TP.Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định xuống tìm mua với giá cao. Thấy được lợi nhuận cao so với nghề khai thác thủy sản, anh chuyển sang hành nghề lặn tìm cổ vật. Ngư phủ không thể hiểu hết giá trị của những đồ cổ nên chỉ bán với giá hời. Hiện, tàu của anh có 12 lao động, phần lớn là ngư dân ở tỉnh Khánh Hoà, có thâm niên và kỹ thuật lặn tốt. Thời gian mỗi chuyến đi từ 2-3 tuần, có chuyến phải đi hơn 4 tuần mới cập bến. Địa điểm hành nghề chủ yếu ở vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Mỗi chuyến đi lặn mất chừng vài tuần, chủ yếu ở Cù Lao Chàm. Ngoài lặn cổ vật, anh cũng đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập chia cho các anh em trên thuyền. Thỉnh thoảng giới săn đồ cổ tìm đến, anh cũng bán dần. Mỗi vật dụng anh bán với giá từ hơn 100 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, cao thì vài chục triệu đồng. Thế nhưng, anh Hân cũng giống như những ngư phủ hành nghề tìm cổ vật khác, khi nhìn giá trị của đồ cổ mình bán được lái buôn đem đi tiêu thụ với giá hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ cứ tiếc ngẩn ngơ. Mạng người cuốn theo cổ vật Nghề lặn tìm cổ vật nếu gặp may cũng đổi đời. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là nhiều ngư phủ đã phải “cá cược” tính mạng của mình dưới đáy đại dương. Trước đây khi chưa có bình lặn khí ngư dân phải lặn đè. Người thợ lặn phải xuống sâu dưới đáy đại dương từ 30-70 mét để tìm hải sâm, cổ vật…nên rủi ro rất cao. Chỉ cần dây kéo bị đứt hay ống dẫn khí bị tắt nghẽn hoặc bị rượt đuổi. Vì lặn sâu dưới đáy đại dương nên khi kéo lên, đòi hỏi phải có sự giảm áp theo từng giai đoạn. Nếu bị rượt đuổi, bắt buộc phải kéo lên gấp, bỏ qua giai đoạn giảm áp làm thay đổi áp suất đột ngột dẫn đến liệt toàn thân hoặc tử vong. Dù gặp nguy hiểm... Ngư phủ Võ Văn Trọng ở huyện đảo Lý Sơn trong một lần đi tìm vận may đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương. Trong ngôi nhà của người đàn bà goá ấy giờ là nổi đau của người vợ tên Thanh phải thay chồng nuôi 3 đứa con. Hai đứa con đầu tâm thần bất ổn, đi lại khó khăn. Chỉ có mỗi cô con gái út là lành lặn và đang học lớp 6. Chị không kìm được nước mắt khi kể cho chúng tôi nghe về cái chết của chồng mình: “Năm đứa út một tuổi, anh Trọng đi lặn và bị sức ép của áp suất nước biển làm vỡ tim, khiến anh chết ngay trong lòng biển. Từ đó, chị phải một mình nuôi con. May nhờ có hàng xóm cưu mang giúp đỡ nên 4 mẹ con chị mới sống được đến ngày hôm nay”. ...Nhưng vì ước vọng đổi đời, nhiều ngư phủ sẵn sàng "cá cược" tính mạng của mình với đại dương Anh Trịnh Văn Quý, thôn An Hải, huyện Bình Châu (Quảng Ngãi) từng được xếp hạng trong danh sách các thợ lặn giỏi của làn chài. Vậy nhưng, trong một lần đi lặn cùng 3 người bạn lặn khác, đột nhiên toàn thân đau nhức dữ dội; chợt như có luồng điện chạy qua làm người anh mềm nhũn. May nhờ anh em đem đến bệnh viện kịp thời nên vẫn giữ được tính mạng. Và giờ, anh phải sống trong tình trạng tê liệt toàn thân trong suốt 10 năm qua, mọi sinh hoạt đều phải có người chăm sóc. Đã không ít lần những ngư phủ ở các làng chài chứng kiến những cái chết thương tâm của bạn lặn trên tàu. Nhưng vì mưu sinh và những khát vọng ngoài biển khơi nên các thợ lặn vẫn chấp nhận đánh đổi tất cả. Trịnh Phương- Giang Uyên Theo Bưu Điện Việt Nam