Có thể bạn cảm thấy quay cuồng giữa rất nhiều quảng cáo và những chiêu tiếp thị hết sức tinh vi của các nhà sản xuất card tăng tốc đồ họa (ở đây gọi là card AGP cho nó gọn) để thu hút người mua. Nhưng đừng vội lựa chọn mà hãy bình tĩnh xem xét một cách cẩn thận để có thể mua được sản phẩm phù hợp cả nhu cầu và túi tiền của bạn. Một câu hỏi rất thường gặp là liệu với một loại card X nào đó, máy của bạn sẽ chạy game nhanh hơn bao nhiêu? Trước hết, có lẽ bạn nên xem qua bảng so sánh hiệu năng của site Tom’s Hardware Guide tại www17.tomshardware.com/graphic/20021218/index.html và www17.tomshardware.com/graphic/20030120/index.html Hiện nay, hai đại gia về chip xử lý đồ họa là nVIDIA và ATI chiếm phần lớn thị trường thông qua nhiều nhà sản xuất thứ ba như Asus, Abit, Albatron, Gigabyte... Dòng cao cấp của ATI thường được đánh dấu bởi ký hiệu XT hay Pro sau tên sản phẩm, còn cấp thấp là SE, ví dụ đối với ATI RADEON 9800 thì tốc độ và hiệu năng sẽ được sắp xếp giảm dần theo RADEON 9800XT, RADEON 9800Pro, RADEON 9800SE. Đối với nVIDIA, thứ tự lại là Ultra/Ti/Pro/SE và XT. Hãy chú ý ký hiệu XT đối với ATI thể hiện sự cao cấp còn đối với nVIDIA lại là dòng rẻ tiền nhắm vào thị trường cấp thấp. nVIDIA chỉ tập trung vào sản xuất GPU (Graphic Processing Unit, bộ xử lý đồ họa), nên 100% card là của những hãng thứ ba. Còn ATI vừa sản xuất card, vừa bán GPU của mình cho các nhà sản xuất khác nên có nhiều lựa chọn hơn. Vì thế, các card AGP sử dụng GPU ATI được phân làm hai loại: BBA (Built by ATI, card do chính ATI sản xuất và bảo hành) và PBA (Powered by ATI, card do các hãng khác sản xuất với GPU ATI). Nhận xét chung: Trên thị trường hiện nay, card AGP được chia làm 3 cấp: cấp thấp có giá dưới 100USD, thông dụng có giá khoảng 100-250USD, còn cao cấp thì từ 250USD trở lên. Vào thời điểm này, đối với nVIDIA, bạn có khá nhiều lựa chọn từ GeForce2 cho tới GeForce FX mới nhất. Tuy nhiên, những dòng card TNT2 và GeForce 256, GeForce2 đã quá cũ và trở nên lỗi thời, chỉ thích hợp với công việc văn phòng và game đơn giản. Sự lựa chọn hiện tại đa phần là GeForce4 MX và Ti hoặc GeForce FX. Tuy nhiên, có rất nhiều điều cần phải để ý. Ở dòng cơ bản, nVIDIA co GeForce4 MX 420, 440 và 460. Bạn có thể nghe thấy MX 480 hay MX 485 nhưng đây chỉ là một cách quảng cáo của Albatron chứ không phải là tên chính thức của nVIDIA, MX480 thực chất là MX440 giao diện AGP8x còn 485 là phiên bản 480 có thêm một số tính năng cao cấp. Hãy để ý kỹ một vài thông số kẻo “dính chưởng” tiếp thị của một số hãng, trước hết là về loại GPU. - Đối với nVIDIA, nếu sắp xếp theo thứ tự về hiệu năng game nói chung, ta sẽ có thứ tự như sau (tăng dần): TNT2 –> GeForce2 MX 200/MX/MX 400/GTS/Ti –> GeForce4 MX 420/MX 420+ AGP8x -> GeForce4 MX 440SE – GeForce3 Ti 200/ GeForce FX 5200 -> GeForce4 MX 440 / MX 440+AGP8x –> GeForce4 MX 460 –> GeForce3 Classic/ GeForce FX 200Ultra –> GeForce3 Ti 500 –> GeForce4 Ti 4200/ Ti 4200 + AGP8x/ GeForce FX 5600 -> GeForce4 Ti 4400/ Ti 4800SE -> GeForce4 Ti 4600, Ti 4800, FX 5600Ultra -> GeForce FX 5700/5700 Ultra -> GeForce FX 5800/FX 5800Ultra -> GeForce FX 5900/FX 5900Ultra -> GeForce FX 5950/FX 5950Utra. - Đối với ATI, sẽ là RADEON 7000 -> RADEON 7200 -> RADEON 7500 -> RADEON 9000/9000Pro/9200/9200SE -> RADEON 8500/8500LE/8500LELE/9100/9100Pro -> RADEON 9500/9600 -> RADEON 9500Pro/9600Pro -> RADEON 9600XT/9700/9700Pro/9800SE -> RADEON 9800/9800Pro -> RADEON 9800XT. Việc quyết định mua card xài GPU ATI hay nVIDIA phụ thuộc vào nhu cầu và túi tiền của bạn. Ưu điểm lớn nhất của ATI RADEON là giá khá rẻ so với nVIDIA GeForce. Ví dụ card Gigabyte ATI RADEON 9600Pro giá khoảng 180USD, rẻ hơn khá nhiều so với card nVIDIA là FX5600 Ultra (giá khoảng 250USD), mà hiệu năng gần như tương đương. Nếu bạn có ý định mua hàng ở nước ngoài, chỉ có hai thứ bạn nên mua: Một là những loại thiết bị cực kỳ cao cấp mà VN chưa có (High-End) hoặc đồ lặt vặt loại hiếm... Còn những thứ thông thường tốt nhất là nên mua trong nước để tiện bảo hành và đơn giản trong việc mua bán trao đổi. Những thứ sau đây bạn khó có thể mua được trừ khi đặt hàng: nVIDIA: GeForce 4 Ti4800/ GeForce FX 5200Ultra/ FX5900Ultra/ FX5700/FX5700Ultra/FX5800/FX/5800Ultra và FX5950/Ultra. ATI: RADEON 9500/9500Pro/9800XT/9800SE. * Nếu có dưới 100 USD, bạn có thể lựa chọn giữa một số card dòng rẻ tiền. Giá của GeForce3 từ chỗ gần 500USD khi mới ra lò nay đã giảm xuống dưới 100USD, tuy nhiên hơi khó tìm hàng. Nếu muốn dạo qua thị trường, bạn nên tới các cửa hàng có uy tín, tuyệt nhất là tới thẳng nhà tổng đại lý tại VN. Hiện có hai lựa chọn sáng giá nhất cho dân mê game mà hầu bao lép kệp là ATI RADEON 9000Pro của Gigabyte và GeForce4 MX 440 + AGP8x. Dòng card ATI RADEON 9000 Pro ở Việt Nam, chủ yếu là của Gigabyte. Card MX 440 rất đa dạng, bạn có thể chọn lựa tùy thích, nhưng cố gắng lấy loại của các hãng nổi tiếng. Nói chung card GeForce của MSI và Asus khá tốt, nhưng giá hơi cao. Hiện nay, cả hai “đại gia” Asus và Gigabyte đều bắt đầu sản xuất cả hai dòng card AGP ATI và nVIDIA. Các card của Albatron “ngon bổ rẻ”, nhưng khi mua, bạn phải lựa chọn cẩn thận do có rất nhiều dòng card khác nhau, cố gắng chọn MX480 không có tên đuôi đằng sau hoặc cũng lắm là MX480E. Còn các loại như MX480EP hay MX480EN thường chạy khá chậm. * Với mức giá từ 100 -150 USD, bạn có thể mua được một số card GeForce4 Ti 4200 64MB với giá từ 118USD trở lên, có chất lượng hơn hẳn những card trên. Nhìn chung card GeForce 4 dòng Titanium có chất lượng rất tốt, tốc độ cao và đặc biệt tính tương thích tốt, hầu như không bị game nào “chê” cả. ATI tuy nổi tiếng nhưng lại hay bị lỗi về tương thích và về hình ảnh trong một số game nhất định. Các card từ những hãng khác như SIS hay S3 lại còn kém hơn. * Có khoảng 180 - 200 USD, bạn sẽ khó lựa chọn giữa GeForceFX 5600 của nVIDIA hay ATI RADEON 9600Pro. Xin nói thêm, bắt đầu từ dòng FX, nVIDIA đã gặp nhiều vấn đề trong việc thiết kế trình điều khiển (driver), do đó đã ảnh hưởng tới những ưu điểm vốn có về sự ổn định. Trong khi đó, ATI - với sự ra đời của RADEON 9700 từ hơn một năm trước, đã có những bước tiến đáng kể trong việc sửa lỗi driver và đã đạt đến sự ổn định. Hơn nữa, những card như FX 5600 do chịu nhiều khuyết điểm từ kiến trúc của FX 5800 (NV30) nên hiệu năng không được cao, giá lại đắt. FX5700 và FX5900 mới ra, có nhiều cải tiến hợp lý, nhưng giá còn quá cao. Do đó với giá 188USD, ATI RADEON 9600Pro là ứng cử viên sáng giá. * Từ 200 USD trở lên, bạn đã đặt chân vào thị trường cao cấp của card đồ họa dành cho game, tiếp xúc với những đứa con cưng mới nhất của nhưng nhà sản xuất danh tiếng. Khởi đầu rẻ nhất với FX 5600 Ultra khoảng 240USD và kết thúc với FX5900 Ultra + FX5950 Ultra có giá từ 700 – 1.000 USD, ở khoảng này giá cả chênh nhau khá lớn. Những card có thể mua được tại VN là GeForce FX 5600 Ultra, RADEON 9700/Pro , GeForce FX 5900, ATI RADEON 9800/9800Pro của các hãng như Albatron, MSI, Abit, Asus, Gigabyte, Sparkle... Nếu tài chính có hạn, tôi nghĩ bạn nên mua ATI RADEON 9600Pro và đầu tư khoản còn lại vào RAM hệ thống hay hệ thống âm thanh, bởi đầu tư thêm vài chục USD vào những card thấp nhất trong dòng này như FX 5600Ultra (240 USD) hay RADEON 9700 Pro (300 USD) thì hơi lãng phí mà hiệu năng không cải thiện bao nhiêu (chỉ khoảng 7%). Đó là chưa kể đến việc dòng 9600Pro sử dụng công nghệ 0.13 micron rất nhanh và hiệu quả, overclock tốt hơn so với dòng FX 5600. Còn RADEON 9700 dùng công nghệ 0.15 và 0.18 đã lỗi thời. Nếu tài chính dư dả, hãy tiến lên một bước và đem về nhà một con FX 5900 hay RADEON 9800 Pro, bạn sẽ không thất vọng đâu. Nói chung ở khoảng này, ATI luôn chiếm ưu thế hơn nVIDIA do giá thành hợp lý so với hiệu năng. Những card cao cấp như FX5900 Ultra hay 5950 Ultra và RADEON 9800 XT mới nhất chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam. Hơn nữa những card này do là sản phẩm mới nhất (flag-ship) nên giá thường rất cao, khoảng 800 USD tức là gấp đôi anh em sát vách của nó trong khi hiệu năng lại không được như vậy. Lưu ý: - Hiện nay nhiều người căn cứ vào dung lượng RAM của card để đánh giá sức mạnh. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm. Hãy hình dung một card đồ họa tiên tiến ngày nay có cấu trúc giống như một máy tính, cũng có bộ xử lý (GPU) và RAM (Memory). Do đó, một card mạnh hay yếu cái chính là ở GPU, và tuyệt nhất là sự kết hợp tối ưu giữa GPU và RAM. Một bộ Pentium II cho dù cắm tới 1GB RAM cũng không thể chạy nhanh hơn Pentium 4 cắm 256MB RAM. Card đồ họa cũng vậy, GeForce4MX 420 với 128MB RAM cũng chỉ bằng 30% card Ti 4200 có 64MB RAM mà thôi. Nói gọn, bạn hãy nhìn vào loại GPU mà card sử dụng chứ đừng nhìn vào dung lượng RAM mà nó có. - Đối với những người muốn mua card cao cấp, nếu băn khoăn giữa 128MB và 256MB, nên chọn loại 128MB, trừ khi giá cả chênh nhau không quá 40 USD. Tại sao ư? Bởi hiện tại không có một game nào đòi hỏi Frame Buffer quá 100MB đâu, và cho đến khi game cần tới 256MB RAM để làm bộ đệm thì ngay cả những GPU cao cấp hàng đầu bây giờ như FX5950 Ultra hay 9800XT cũng không thể xử lý nổi. Vậy thì hà cớ gì để tốn tiền một cách vô ích như vậy? - Bạn cũng cần lưu ý đến chuẩn giao tiếp AGP của card (bao gồm 1X, 2X, 4X, 8X). Về mặt băng thông có lẽ không có gì cần bàn (tốc độ giao diện càng lớn, càng có lợi). Điều quan trọng là sự tương thích và điện thế mà card sử dụng, bởi nếu không cẩn thận thì nó có thể thiêu rụi cả máy tính của bạn. Trước hết, tất cả mainboard và card màn hình đều có sự tương thích ngược, có nghĩa là 8X có thể cắm vào 4X, 2X thậm chí 1X. Nhưng cắm card AGP 1X, 2X vào 4X hay 8X thì dứt khoát là không được. Do khe AGP 4X trên các mainboard sử dụng CPU Pentium 4 đều dùng điện thế 1.5v còn 8X là 0.8v, nếu bạn cắm card 1X, 2X (dùng 3.3v) vào, có thể gây cháy cả card lẫn mainboard. Mainboard AMD thoải mái hơn về vấn đề card AGP, nhưng bạn cũng nên cẩn thận xem xét cho kỹ, vì còn tùy ở hãng sản xuất nữa chứ. Theo eChip
giờ này làm gì còn MX440 hay Ti nữa , bèo lắm cũng tòan 6200 , R9550 ặc ặc , bài này viết từ lúc chưa có PCI-E nữa :24:
hình như báo Tuổi Trẻ đã từng đăng bài này đâu năm nảo ấy, mình search ra lâu rùi. Mà Ng Th H Linh có nhiều bài hay thật đấy. Đề nghị có tài liệu khác hay hơn đi, tới 7800gtx luôn đi, crossfire nữa ...???