A8-7650K thuộc thế hệ APU thứ tư có tên mã Kaveri hướng đến nền tảng desktop, tích hợp đồ họa Radeon R7 cùng cơ chế truy cập bộ nhớ hUMA mang lại hiệu năng tốt hơn thế hệ trước. Thiết kế chip ứng dụng quy trình sản xuất 28 nm, có 12 nhân xử lý gồm 4 nhân CPU Steamroller và 6 nhân GPU Radeon R7, hứa hẹn mang lại hiệu năng tốt hơn cho những cấu hình game nhỏ gọn, hoạt động êm đồng thời mức tiêu thụ điện năng thấp. A8-7650K có giá tham khảo 2,15 triệu đồng, thấp hơn một chút so với mức 2,2 triệu đồng của mẫu chip tầm trung Kaveri A8-7600 và giá 2,5 triệu đồng của Kaveri Refresh A8-7670K. Xét tỷ lệ giữa hiệu năng và giá thì đây là một trong các lựa chọn hấp dẫn, phù hợp với đa số người dùng. Sản phẩm cũng đi kèm bộ tản nhiệt mới 95W Thermal Solution hoạt động êm và hiệu suất làm mát hiệu quả, giúp bạn tiết kiệm chi phí do mà không phải mua thêm tản nhiệt rời. Ưu điểm • Tỷ suất hiệu năng/giá cao • Chơi mượt game ở độ phân giải 720p với chất lượng đồ họa cao • Tản nhiệt hiệu quả, quạt chạy êm cả khi tải nặng • Mức tiêu thụ điện năng thấp. Khuyết điểm • Hỗ trợ socket cũ FM2+ nên không thể nâng cấp về sau Thiết kế, tính năng kỹ thuật Như đề cập trên, A8-7650K thuộc phân khúc tầm trung trong dòng chip tích hợp đồ họa (APU - Accelerated Processing Unit) dành cho máy tính để bàn. Thiết kế chip thiết kế dựa trên kiến trúc Steamroller cùng công nghệ sản xuất SHP 28nm (super-high performance), hứa hẹn mang lại hiệu năng tốt hơn đồng thời mức tiêu thụ điện năng cũng thấp hơn một chút so với chip thế hệ trước. Theo bảng thông số kỹ thuật AMD công bố cho thấy 7650K có xung nhịp thấp hơn một chút so với mẫu A8-7670K mà mình từng thử nghiệm. Cụ thể xung nhịp mặc định của chip là 3,3GHz và có thể tăng tốc đạt 3,8GHz nhờ công nghệ Turbo Core trong khi 7670K chạy ở xung nhịp 3,6GHz và 3,9 GHz khi tăng tốc. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng kế thừa ưu điểm của chip dòng K là không khóa hệ số nhân nên hỗ trợ người dùng ép xung linh hoạt, dễ dàng hơn. Một trong các điểm nhấn quan trọng của thế hệ APU Kaveri này là việc áp dụng cơ chế truy cập bộ nhớ hUMA (heterogeneous Uniform Memory Access, tạm dịch truy cập bộ nhớ đồng nhất phức hợp). Cơ chế truy cập bộ nhớ này được xây dựng dựa trên nền tảng HSA (Heterogeneous System Architecture, kiến trúc hệ thống phức hợp), cho phép CPU và GPU truy cập và sử dụng toàn bộ địa chỉ bộ nhớ hệ thống, kể cả bộ nhớ ảo. Nhờ vậy quá trình xử lý lệnh nhanh hơn, khối lượng công việc được phân bố và xử lý cùng lúc sẽ chính xác và hiệu quả hơn do bỏ qua bước sao chép dữ liệu giữa các vùng bộ nhớ. Chẳng hạn với APU không hỗ trợ hUMA như chip Richland trước đây, bộ nhớ GPU và CPU được phát triển dựa trên những công nghệ khác nhau và chúng hoạt động độc lập. Để GPU xử lý một tác vụ thì trước tiên CPU cần phải sao chép dữ liệu vào vùng bộ nhớ dành riêng cho GPU. Sau khi GPU hoàn tất việc tính toán, CPU tiếp tục chép trả kết quả về bộ nhớ riêng trước khi sử dụng. Trong khi với APU Kaveri, GPU có thể đọc dữ liệu trực tiếp từ bộ nhớ CPU và ngược lại. Nhờ vậy, quá trình xử lý lệnh nhanh hơn, khối lượng công việc được phân bố và xử lý cùng lúc sẽ chính xác và hiệu quả hơn do bỏ qua bước sao chép dữ liệu giữa các vùng bộ nhớ. Tương tự nhân đồ họa tích hợp Radeon R7 kiến trúc Graphics Core Next cũng góp phần đáng kể cải thiện khả năng xử lý đa luồng của GPU, có thể tận dụng tốt hơn năng lực xử lý đồ họa với nhiều ống lệnh cùng lúc và ảnh hưởng không đáng kể đến hiệu năng tổng thể. Radeon R7 chạy ở xung nhịp 720 MHz, có tổng cộng 384 đơn vị xử lý dòng (stream processing unit), 24 đơn vị phủ vân bề mặt hình ảnh (texture unit) và 8 đơn vị ROP màu (color ROP unit). Các APU Kaveri mới cũng hỗ trợ giao diện lập trình ứng dụng (API) Vulkan dành cho các GPU và APU kiến trúc Graphics Core Next trở về sau. Giao diện lập trình Vulkan giúp quá trình phát triển game đơn giản hơn bằng việc tận dụng những tài nguyên chung của kiến trúc Graphics Core Next giữa máy tính cá nhân và game console. Các nhà lập trình sẽ không mất nhiều thời gian, công sức để tối ưu game chạy trên nhiều nền tảng khác nhau. Bảng so sánh thông số kỹ thuật giữa các APU Kaveri Đánh giá hiệu năng Để tiện tham khảo, mình sẽ thử nghiệm A8-7650K trên nền bo mạch chủ Gigabyte G1.Sniper A88X, RAM DDR3 Mushkin kit 8GB bus 2.133 MHz, SSD Corsair Force GS 240GB, nguồn Cooler Master Extreme Plus 550W và hệ điều hành Windows 10 x64 bản Pro cùng bộ Radeon Software Crimson Edition 16.15. Ngoài những công cụ benchmark chuẩn là PCMark 8 đánh giá tổng thể hiệu năng và 3DMark đánh giá năng lực xử lý đồ họa, mình cũng sử dụng một số phép thử chi tiết sức mạnh tính toán của riêng CPU và GPU cùng khả năng “chiến” game của cấu hình thử nghiệm ở độ phân giải chuẩn 720p và Full HD. Xét tổng thể hiệu năng A8-7650K khá tốt, trong đó GPU Radeon R7 với 6 compute unit (CU) và 384 bộ xử lý dòng đủ mạnh để chạy mượt một số game theo kịch bản xây dựng ở độ phân giải HD 720p với chất lượng đồ họa cao và bật khử răng cưa 4xAA. Kết quả này đủ để bạn có được trải nghiệm tốt với những cung đường bụi bặm, gai góc và không chút màu mè của DiRT 3 hoặc hoặc thót tim khi chứng kiến Lara Croft rơi vào những tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc trong Tomb Raider reboot; tất nhiên chỉ giới hạn ở độ phân giải HD 720p mà thôi. MÌnh thử đẩy lên độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, bạn vẫn có thể chơi được game với tốc độ khung hình/giây gần đạt ngưỡng 30 khung hình/giây nếu giảm các hiệu ứng đồ họa xuống mức thấp để đảm bảo việc chơi game không bị lag. Cụ thể Alien vs. Predator đạt trung bình 46,5 fps và giảm còn 32,2 fps với chất lượng đồ họa High. Tomb Raider - dòng game được phát triển một phần dựa trên công nghệ AMD Gaming Evolved cũng đạt 50,5 fps và giảm còn 32,6 fps. Riêng Thief 4, một tượng đài trong thể loại stealth action cũng đạt 24,2 fps ở độ phân giải 720p, chất lượng đồ họa bình thường. Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả bên dưới. Alien vs. Predator Tomb Raider Thief 4 Trong công cụ benchmark PCMark 8 đánh giá hiệu năng tổng thể, cấu hình thử nghiệm đạt 3.380 điểm trong phép thử Home và 3.837 điểm trong phép thử Creative. Với phép thử đồ họa 3DMark Cloud Gate, A8-7650K đạt 2.832 điểm Physics, 9.927 điểm Graphics và hiệu năng tổng thể đạt 6.376 điểm. Với PCMark 05 kiểm tra khả năng xử lý đa tác vụ liên quan đến nén/bung nén dữ liệu, mã hóa/giải mã dữ liệu, nén file âm thanh và bung nén file hình ảnh, điểm số trong mỗi phép thử tương ứng của Kaveri 7850K cũng thấp hơn 7670K từ 3,9 đến 10,28% tùy phép thử. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì Kaveri 7650K vốn có xung nhịp thấp hơn một chút khi so sánh. Với Cinebench R15 kiểm tra khả năng dựng hình 3D của bộ xử lý và đồ họa tích hợp, cấu hình thử nghiệm đạt 289 điểm trong phép thử multi-core, 73 điểm trong phép thử CPU single core và 41,96 khung hình/giây (fps) ở phép thử OpenGL. Tương tự trong Geekbench 3, mẫu APU của AMD đạt 2. 183 điểm trong phép đo hiệu năng đơn nhân và 6.954 điểm hiệu năng đa nhân. Về mức điện năng tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark, công suất hệ thống được ghi nhận trong môi trường văn phòng, nhiệt độ trung bình khoảng 28 độ C. Ở chế độ không tải, cấu hình thử nghiệm tiêu thụ khoảng 49,2W (tính theo trị số trung bình) và 112,7W trong phép thử đồ họa 3DMark, tức thấp hơn một chút so với thấp hơn so với khi thử nghiệm A8-7670K. Tham khảo thêm chi tiết các kết quả bên dưới. Lời kết Bên cạnh mẫu Godavari A8-7670K thì Kaveri A8-7650K là một trong các lựa chọn hấp dẫn, phù hợp với đa số người dùng. Với thế mạnh về chip xử lý đồ họa tích hợp, AMD vẫn có thể tạo được sự cạnh tranh qua việc phát triển các sản phẩm dòng phổ thông, hiệu năng tương đối và nhất là chi phí mua sắm của người dùng không quá lớn. Tuy nhiên một vấn đề thường gặp của các chip xử lý và cả card đồ họa của AMD là không phát huy được hết sức mạnh vốn có do thiết kế trình điều khiển (driver) chưa tối ưu cho sản phẩm. Trong trường hợp này, bạn cần thường xuyên theo dõi và cập nhật phiên bản driver mới để cải thiện hiệu năng tốt hơn.