ĐH Duy Tân mở ngành mới Quản trị Nhân lực cho khối Kế toán-Quản trị Cùng trò chuyện với NCS. Nguyễn Huy Tuân - Q. Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh của ĐH Duy Tân để hiểu hơn về đào tạo Quản trị Nhân lực tại trường. Góp phần vào thành công của doanh nghiệp, bên cạnh vốn, đa dạng các mối quan hệ đối tác,… còn có một yếu tố vô cùng quan trọng đó là nguồn nhân lực. Việc thu hút người tài đã khó, việc quản lý người tài, phân chia đúng người đúng việc để nâng cao hiệu suất công việc lại càng khó hơn. Bởi thế, Quản trị Nhân lực đang ngày càng trở thành một nghề “hot” được nhiều thí sinh lựa chọn theo học trong những năm gần đây. Trước nhu cầu rất thiết thực đó từ xã hội, Đại học (ĐH) Duy Tân đã chính thức mở chuyên ngành mới Quản trị Nhân lực từ năm 2019. PV: Đang trở thành ngành “hot” thu hút nhiều bạn trẻ theo học, Quản trị Nhân lực giờ đây được hiểu không chỉ là ngành nghề gắn với những công việc tuyển dụng nhân viên, chấm công, tính lương,... khá buồn tẻ như trước đây. Thầy có thể chia sẻ về vai trò và những điểm thú vị trong công việc của một nhân viên Quản trị Nhân lực? Thầy Nguyễn Huy Tuân: Đã có thời điểm, công việc của chuyên viên ngành Quản trị Nhân lực khá buồn tẻ và nhàm chán bởi chỉ xoay quanh các hoạt động chấm công hay tuyển dụng nhân viên cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngày nay, vai trò của những người làm công tác Quản trị Nhân lực đã thay đổi và ngày càng được coi trọng hơn. Không chỉ cần có tư duy mới, có mối quan hệ sâu rộng để thu hút người tài về làm việc cho doanh nghiệp, những người đảm nhận công việc trong lĩnh vực Quản trị Nhân lực còn góp phần không nhỏ trong những việc: • gắn kết các bộ phận làm việc trong tổ chức, • giải quyết xung đột giữa các nhân viên, • đưa ra các giải pháp nâng cao năng suất làm việc, • tạo động lực cho người lao động, và • có tầm nhìn chiến lược về định hướng phát triển của doanh nghiệp ở mảng nhân sự, • ... Bên cạnh đó, những công việc liên quan đến chuyện tìm hiểu và nắm bắt tâm lý của nhân viên, tổ chức các hoạt động ngoại khóa,... sẽ khiến người học thêm năng động và hoạt bát. Thầy Nguyễn Huy Tuân tại Khoa Quản trị Kinh doanh ĐH Duy Tân. PV: Như vậy, sinh viên theo học chuyên ngành Quản trị Nhân lực cần phải có rất nhiều kỹ năng “mềm” thì mới có thể đáp ứng được bản chất công việc rất đa dạng như vậy? Thầy Nguyễn Huy Tuân: Quản trị Nhân lực là ngành nghề không trực tiếp tham gia vào các khâu sản xuất, tạo ra sản phẩm hữu hình, nhưng lại là nghề tạo ra những “tài sản vô hình” có tác động đến lợi ích dài hạn của doanh nghiệp. Để trở thành một nhà Quản trị Nhân sự giỏi trong tương lai, ngoài kiến thức chuyên môn, người học cần có khả năng quan sát, giao tiếp tốt, biết lắng nghe và thấu hiểu tâm lý của người xung quanh. Bên cạnh đó, người học cũng cần có khả năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo, linh động để hỗ trợ đồng nghiệp và giúp công việc luôn được vận hành một cách thuận lợi. Với đội ngũ hơn 20 giảng viên của Khoa Quản trị Kinh doanh được đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín hàng đầu trong và ngoài nước cùng với sự nhiệt huyết, năng động, sẵn sàng cập nhật kiến thức mới theo xu thế phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các thầy cô sẽ cung cấp một hệ thống kiến thức chuyên môn cùng các kỹ năng “mềm” then chốt cho sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên học chuyên ngành Quản trị Nhân lực cũng sẽ có nhiều cơ hội học tập trực tiếp với các giảng viên nước ngoài nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh trong lĩnh vực Quản trị nói chung. PV: Với những bạn trẻ đang có ý định đăng ký theo học ngành Quản trị Nhân lực tại ĐH Duy Tân, thầy có thể chia sẻ thêm các thông tin về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, kỹ năng nghề nghiệp trong đào tạo ngành này tại Duy Tân, thưa thầy? Thầy Nguyễn Huy Tuân: ĐH Duy Tân đã xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng để cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về kinh tế, các kiến thức tổng quan và chuyên sâu về nguồn nhân lực, bao gồm các nguyên tắc điều hành, quản lý nguồn nhân lực, các kiến thức liên quan đến chính sách lao động, hoạch định nguồn nhân lực, đánh giá nhân sự, tuyển dụng và đào tạo nhân lực,... cùng các kỹ năng nghề nghiệp thực tế hữu ích cho công việc như: • xây dựng các chính sách, kế hoạch, dự án để thực hiện chiến lược nguồn lao động của doanh nghiệp; • kiểm soát, đánh giá, dự báo và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình quản lý nguồn nhân lực; • xây dựng chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực; • đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; • đánh giá và quản lý hiệu quả làm việc của nhân viên, • ... Đặc biệt, sinh viên học chuyên ngành Quản trị Nhân lực tại ĐH Duy Tân sẽ được tiếp cận phần mềm cũng như môi trường mô phỏng hoạt động doanh nghiệp về quản lý nhân lực.Tham gia thực hành trong môi trường doanh nghiệp ảo sẽ giúp sinh viên có cơ hội được trải nghiệm và thử sức như một nhân viên thực thụ. Sinh viên Duy Tân luôn nỗ lực trong học tập để tiếp nhận các vị trí làm quản lý tại doanh nghiệp. PV: Là một bộ phận không thể thiếu trong các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay, thầy có thể chia sẻ về cơ hội việc làm của các Cử nhân Quản trị Nhân lực sau khi tốt nghiệp tại ĐH Duy Tân? Thầy Nguyễn Huy Tuân: Khi các doanh nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng quy mô, đặc biệt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh sôi động thì vai trò của các Cử nhân Quản trị Nhân lực càng được đề cao hơn bao giờ hết. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, Quản trị Nhân lực là nghề đang “khát” nhân lực vững tay nghề, nhất là khi “cung” không đủ “cầu” như hiện nay. Đây chính là cơ hội vàng cho các bạn trẻ đang nỗ lực học tập để có một vị trí công việc tốt với mức lương hấp dẫn. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Quản trị Nhân lực của ĐH Duy Tân có thể lựa chọn các vị trí công việc hấp dẫn như: • Chuyên viên nghiên cứu và dự báo thị trường lao động, • Chuyên viên Quản lý đào tạo, • Chuyên viên Tuyển dụng, • Chuyên viên Chính sách Đãi ngộ, • Chuyên viên Chính sách Lương, • Chuyên viên Bảo hiểm, • Chuyên viên Truyền thông Nội bộ, • Chuyên viên Xử lý Quan hệ Nội bộ, • ... cũng như có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn như: • Trưởng phòng Nhân sự, • Phó tổng Giám đốc phụ trách Nhân sự, • Giám đốc Nhân sự. Ngoài ra, các bạn còn có thể trở thành giảng viên, chuyên gia nhân lực hoặc một “headhunter” chuyên nghiệp. PV: Xin cảm ơn thầy ! Thông tin học phí các chương trình đào tạo tại Đại học Duy Tân Mọi chi tiết liên hệ Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Duy Tân: 254 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng. Đường dây nóng: 1900.2252 - 0905.294390 - 0905.294391. Website:http://tuyensinh.duytan.edu.vn Email: [email protected] PV https://www.tienphong.vn/giao-duc/d...nhan-luc-cho-khoi-ke-toanquan-tri-1444101.tpo
Nhà khoa học ĐH Duy Tân được trao Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ lần thứ 10 Với các bài báo chất lượng được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học uy tín cùng những hoạt động tích cực trong lĩnh vực Vật lý, ThS. Lê Tấn Phúc - Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản & Ứng dụng (IFAS) của trường Đại học (ĐH) Duy Tân đã vinh dự được Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam trao Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ lần thứ 10 vào sáng 29/7/2019 vừa qua. Đây cũng là nhà nghiên cứu trẻ chỉ với học vị Thạc sĩ đầu tiên từng được trao giải thưởng này. ThS. Lê Tấn Phúc là Thạc sĩ đầu tiên được trao giải thưởng Nghiên cứu kể từ ngày trao giải Trong hơn 40 năm qua, Hội nghị Vật lý Lý thuyết đã trở thành diễn đàn khoa học thường niên uy tín góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Vật lý Lý thuyết cũng như các lĩnh vực liên quan. Năm nay, Hội nghị Vật lý Lý thuyết lần thứ 44 do Viện Vật lý (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam tổ chức đã diễn ra từ ngày 29/7 đến 1/8/2019 tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Gần 160 nhà khoa học và giảng viên đến từ các trường đại học trong cả nước đã đến Hội nghị để trình bày các kết quả nghiên cứu cũng như các hướng phát triển mới trong các lĩnh vực: · Vật lý Năng lượng cao; · Hạt cơ bản, Hạt nhân, Thiên văn; · Vật lý Phân tử, Nguyên tử, Quang lượng tử, Thông tin Lượng tử; · Vật lý các Chất cô đặc (các Hệ điện tử, Vật liệu khối, Hệ thấp chiều, Cấu trúc nano,…); · Vật lý các Chất mềm; · Vật lý Sinh học; và · Vật lý Liên ngành. Để động viên, khích lệ đồng thời ghi nhận và tôn vinh các nhà nghiên cứu trẻ có những kết quả nghiên cứu xuất sắc, Hội Vật lý Lý thuyết đã thống nhất trao giải thưởng Nghiên cứu trẻ thường niên cho các nhà khoa học dưới 35 tuổi, có thành tích nghiên cứu xuất sắc trong 3 năm gần nhất. Giải thưởng này được trao lần đầu tiên vào năm 2010 và tới nay đã có 10 nhà khoa học trẻ được nhận giải thưởng này. Trong số đó, từng có 3 nhà khoa học đến từ trường ĐH Duy Tân đã từng được trao giải thưởng này là: · PGS. TS. Trần Hoài Nam: năm 2016; · PGS. TS. Phan Văn Nhâm: năm 2014; · PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng: năm 2012. Điều đặc biệt nhất năm nay là Hội đồng giải thưởng đã quyết định trao giải cho ThS. Lê Tấn Phúc, một nhà nghiên cứu trẻ chưa có học vị Tiến sĩ (hiện đang học Nghiên cứu sinh năm thứ 3) bởi những thành tích nghiên cứu rất xuất sắc của anh. GS. TS. Bạch Thành Công, Chủ tịch Hội Vật lý thuyết Việt Nam (bên phải) trao Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ cho ThS. Lê Tấn Phúc tại Hội nghị Vật lý Lý thuyết 2019 ThS. Lê Tấn Phúc đã đạt được rất nhiều thành tích đáng trân trọng. Trong đó có: · Giải thưởng Odon Vallet năm 2018 cho Nghiên cứu sinh xuất sắc nhất khu vực phía Nam, và tiếp tục “góp mặt” trong danh sách các ứng viên cho giải Odon Vallet năm 2019. Ngoài ra, ThS. Lê Tấn Phúc còn “sở hữu” 4 bài báo nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí Physical Review C - Tạp chí hàng đầu về Vật lý Hạt nhân của Hội Vật lý Hoa Kỳ (American Physical Society), trong đó có 2 bài báo ThS. Lê Tấn Phúc là tác giả liên hệ và 2 bài báo là đồng tác giả, cụ thể bao gồm: • Bài báo “Renormalizing random-phase approximation by using exact pairing” đăng trên tạp chí Physical Review C 99, 064322 (2019); • Bài báo “Study of bubble nuclei within the self-consistent Hartree-Fock plus exact-pairing approach” đăng trên tạp chí Physical Review C 97, 024331(2018); • Bài báo “Level density and thermodynamics in hot rotating 96Tc nucleus” trên tạp chí Physical Review C 96, 054326 (2017); • Bài báo “Effective restoration of dipole sum rules within the renormalized random-phase approximation” công bố trên tạp chí Physical Review C 94, 064312 (2016). Tham dự Hội nghị Hội Vật lý Lý thuyết lần thứ 44 tại Quảng Bình, ThS. Lê Tấn Phúc đã được ban tổ chức mời trình bày báo cáo có chủ đề “Renormalizing random-phase approximation by using exact pairing” (tạm dịch: Công trình tái chuẩn hóa gần đúng pha ngẫu nhiên sử dụng lời giải chính xác bài toán kết cặp). Trong niềm vui nhận giải thưởng danh giá, ThS. Lê Tấn Phúc chia sẻ: “Cảm giác khi biết tin mình được nhận giải thưởng Nghiên cứu Trẻ của Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam 2019 của tôi rất đặc biệt. Đó là sự vui mừng, đó còn là một sự vinh hạnh. Một điều đặc biệt khác tôi muốn nhấn mạnh ở đây, đó là trong số 3 nhà khoa học của trường ĐH Duy Tân từng được trao giải thưởng này trước đó, có 2 người thầy mà tôi rất ngưỡng mộ và thân cận là PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng và PGS. TS. Trần Hoài Nam đến từ Viện nghiên cứu Khoa học Cơ bản và Ứng Dụng (IFAS) của ĐH Duy Tân, nơi tôi đang làm việc. Cả ba chúng tôi đều thuộc nhóm Vật Lý của IFAS và là 3 thành viên đầu tiên của nhóm này từ khi thành lập. Trong đó, thầy Hưng là người hướng dẫn Nghiên cứu sinh của tôi. Đây chính là một điều rất đặc biệt và vinh dự khi tôi đang trải qua con đường như các thầy của mình từng đi và lấy đó làm động lực để kiên trì trên con đường nghiên cứu”. Là thành viên của Hội đồng xét Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ của Hội Vật lý Lý thuyết, GS. TSKH. Lê Văn Hoàng - Phó Chủ tịch, Ban Chấp hành Hội Vật lý Lý thuyết cho biết: “Nghiên cứu sinh Lê Tấn Phúc có 4 công trình nghiên cứu đăng trên Physical Review C là tạp chí hàng đầu thế giới về Vật lý Hạt nhân và Năng lượng cao. Với năng lực nghiên cứu như vậy, Luận án Tiến sĩ của Lê Tấn Phúc hoàn toàn sẽ hoàn thành ở một level cao. Riêng với công trình được trao Giải thưởng Nghiên cứu Trẻ, ThS. Phúc đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về một hiện tượng quan trọng là tạo bong bóng trong hạt nhân. Để nghiên cứu vấn đề này, Phúc cùng các cộng sự đã dựa trên các lý thuyết hiện đại, một phần được phát triển bởi chính PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng. Ban Chấm giải đã bỏ phiếu 100% khi chọn trao giải năm nay cho ThS. Lê Tấn Phúc, dù đây là trường hợp rất đặc biệt khi ứng viên chưa có học vị Tiến sĩ. Khi trao giải, các thành viên trong Ban Chấm giải tin tưởng Lê tấn Phúc sẽ thành công và sẽ là nhà khoa học có tầm trong tương lai, đóng góp vào sự phát triển của Vật lý Hạt nhân nói riêng và Vật lý Lý thuyết nói chung cho cộng đồng Việt Nam. Tại Hội nghị, tôi có vinh dự được chủ trì chuyên đề về Vật lý Hạt nhân. Trong đó, có rất nhiều báo cáo chất lượng đến từ các nhà khoa học người Việt và người Nhật đang làm việc tại ĐH Duy Tân. Điều này cho thấy, ĐH Duy Tân đang quy tụ rất nhiều các nhà khoa học tài năng cũng như ngày càng có nhiều nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam để cống hiến, góp phần thúc đẩy lĩnh vực Vật lý Hạt nhân phát triển hơn nữa trong thời gian tới”. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về nghiên cứu khoa học của trường ĐH Duy Tân tại đây: Đại học Duy Tân: 840 Công bố Quốc tế trong năm học 2018-2019 TÂM THÔNG https://www.tienphong.vn/giao-duc/n...-thuong-nghien-cuu-tre-lan-thu-10-1450568.tpo