Điểm báo ngày 17/3/2011

Thảo luận trong 'Share everything' bắt đầu bởi gau con, 17/3/11.

  1. gau con

    gau con New Member

    Bài viết:
    404
    Những điều cần biết về tuyển sinh đã có trên mạng. Doanh nghiệp được phát hành hóa đơn điện tử. Công viên Phần mềm Quang Trung kỷ niệm 10 năm thành lập. Về việc tăng cước Internet của FPT…
    Những điều cần biết về tuyển sinh đã có trên mạng
    Ngày 16/3/2011, Bộ GDĐT đã đưa toàn bộ dữ liệu quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh 2011” lên website của Bộ tại địa chỉ: http://www.moet.gov.vn/?page=1.26&view=3294. Toàn bộ nội dung quyển sách được đưa lên mạng nhằm cung cấp những thông tin quan trọng như bảng ký hiệu các đối tượng ưu tiên; bảng phân chia khu vực tuyển sinh của 63 tỉnh, TP; mã tuyển sinh tỉnh, TP, quận, huyện; mã đăng ký dự thi; danh sách các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi nhưng sử dụng kết quả thi theo đề thi chung của Bộ để xét tuyển… (Pháp luật TP.HCM 17/3/2011)
    Doanh nghiệp được phát hành hóa đơn điện tửBộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 32/2011 cho phép các doanh nghiệp được khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, sau khi quy định cho doanh nghiệp tự in hóa đơn, Bộ Tài chính tiếp tục cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa. Theo Thông tư 32/2011, hóa đơn điện tử gồm các loại: hóa đơn xuất khẩu; hóa đơn VAT; hóa đơn bán hàng; hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm…; phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không, chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng… (Pháp luật TP.HCM 17/3/2011)
    Công viên Phần mềm Quang Trung kỷ niệm 10 năm thành lập
    Ngày 16/3/2011, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập (16/3/2001 – 16/3/2011). Đây là công viên phần mềm đầu tiên trong cả nước và cũng là công viên khoa học thành công nhất tại Việt Nam. Tới dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ TP.HCM mở rộng mô hình hoạt động của QTSC để tận dụng kinh nghiệm của QTSC cho việc phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong giai đoạn tới. Sau 10 năm hoạt động, QTSC đã thu hút được hơn 100 đơn vị CNTT vào hoạt động, trong đó có 43 nhà đầu tư nước ngoài, số lượng nhân lực làm việc và sinh viên học tập lên tới gần 23.000 người, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 78 triệu USD. Nhân lễ kỷ niệm, UBND TP.HCM đã trao giấy phép đầu tư cho tập đoàn Hewlett Packard (HP) nhằm thiết lập trung tâm phần mềm và dịch vụ toàn cầu của HP tại QTSC. Dự án này có tổng vốn đầu tư 15 triệu USD. Đây là cơ sở thứ ba của HP tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. (Tuổi Trẻ 17/3/2011)
    Bầu chọn vịnh Hạ Long qua điện thoại
    Tổ chức NewOpenWorld vừa bổ sung thêm hình thức bầu chọn mới thông qua cuộc gọi điện thoại (bên cạnh e-mail) trong cuộc tìm kiếm 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Theo đó, người dân ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng có thể điện thoại bầu chọn cho một trong 28 kỳ quan lọt vào chung kết. Tổ chức này đưa ra 4 đường dây điện thoại, mở 24/24 để người bình chọn gọi. Để bình chọn cho vịnh Hạ Long, cần bấm số +1 649 339 8080, sau khi nghe hết hướng dẫn và một tiếng chuông, tiếp tục bấm 4 chữ số ký hiệu của vịnh Hạ Long là 7712. Cuộc bầu chọn cho 7 kỳ quan sẽ kết thúc vào 11/11/2011. (Thanh Niên 17/3/2011)
    Chủ tịch Tập đoàn FPT đi Nhật Bản để cứu trợ nhân viên
    Trước tình hình động đất và sóng thần tại Nhật Bản cộng thêm chuyện một số nhà máy điện nguyên tử bị sự cố, sáng 16/3/2011 tập đoàn FPT đã cử đoàn công tác do Chủ tịch Trương Gia Bình dẫn đầu sang Tokyo mang theo các vật dụng, thực phẩm cần thiết như mì ăn liền, chè xanh và khẩu trang hoạt tính để hỗ trợ nhân viên FPT Japan. Cũng theo FPT, trước khi gặp gỡ các đối tác như Hitachi Solution, Hitachi Medical, Softbank Investment, NTT Data Financial Core, Fujifilm để thăm hỏi và chia sẻ khó khăn với khách hàng, thì vào chiều 16/3/2011, Ban lãnh đạo FPT đã có buổi gặp mặt với toàn thể cán bộ, nhân viên tại Nhật Bản để nắm bắt tình hình, ra quyết định mới nhất phù hợp với những diễn biến phức tạp đang diễn ra tại nước này. Được biết, tại Việt Nam, FPT cũng đã lập đường dây nóng thông qua số điện thoại 0979010272 để khi cần thiết, gia đình của các cán bộ FPT đang làm dự án tại Nhật có thể liên lạc trực tiếp, nắm bắt tình hình. (ICT News 16/3/2011)
    Đà Nẵng: Sẽ lắp đặt 10 trạm cảnh báo sóng thần
    Sau một thời gian khảo sát thực tế, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho xây dựng 10 trạm cảnh báo sóng thần tại những khu vực “nhạy cảm” dễ bị ảnh hưởng nặng khi có sóng thần. Cụ thể tại các địa điểm: P. Mân Thái (Sơn Trà), Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), Đài Truyền thanh Ngũ Hành Sơn, Đài TT Liên Chiểu, P. Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn), P. Hòa Minh (Liên Chiểu), P. Xuân Hà (Thanh Khê), P. Phước Mỹ (Sơn Trà), BQL bán đảo Sơn Trà, KS Furama. Theo ông Đỗ Phong Doanh – Phó Giám đốc chi nhánh Viettel Đà Nẵng, đơn vị cung cấp, lắp đặt hệ thống cảnh báo cho biết, tại 2 điểm đầu tiên sẽ có anten thu sóng cao nhất từ 30 – 35m. Bên cạnh đó còn có hệ thống còi hú, công suất lớn như thời chiến tranh. Sở dĩ phải lắp cao thế để thu sóng tốt hơn và hệ thống còi báo động xa hơn.
    Ngay sau khi có nguy cơ sóng thần, các trạm này sẽ thu sóng, hệ thống còi sẽ báo động để người dân tắm biển, tàu bè, các gia đình ven biển biết, cảnh báo trước 30 phút, khẩn trương triển khai phương án phòng tránh. Tại 8 điểm còn lại, hệ thống sẽ phát âm thanh với các dữ liệu thông tin cảnh báo người dân. Cụ thể, sẽ phát cho người dân, chính quyền địa phương biết sóng thần mạnh thế nào, bao lâu sẽ ập vào bờ biển, vùng nào ảnh hưởng mạnh nhất, cần di chuyển đến nơi có độ cao bao nhiêu mét so với mực nước biển... Sau khi lắp đặt thí điểm tại Đà Nẵng, 1.000 điểm cảnh báo sóng thần sẽ tiếp tục được lắp đặt tại các địa phương ven biển cả nước. (Văn Hoá 16/3/2011)
    Quảng Ngãi: Họp trực tuyến về công tác bầu cử
    Sáng 16/3/2011, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc họp họp trực tuyến với Ban chỉ đạo công tác bầu cử của 14 huyện và thành phố của tỉnh để triển khai công tác bầu cử Quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp. Đây là lần đầu tiên Quảng Ngãi áp dụng hình thức họp này. Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hoà Bình khẳng định, đây là cách làm hay vì tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, tiện lợi và nên tiếp tục duy trì. Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi, trong đó có 2 huyện Bình Sơn và Đắc Phổ cách xa tỉnh lỵ tới 70 km. Vì thế, việc họp trực tuyến sẽ tiếp kiệm chi phí đi lại, ăn ở. (Tuổi Trẻ 17/3/2011)
    Cán bộ Đoàn phải online nhiều hơn
    Tham gia cuộc vận động “Hiến kế cho Đoàn” của báo Tiền Phong, một sinh viên đã cho biết là thanh niên ngày nay tiếp xúc với Internet hàng ngày. Internet có khả năng làm thay đổi lối sống, khiến chúng ta phải suy nghĩ về các phương pháp tập hợp thanh niên. Thiết nghĩ, cán bộ Đoàn phải online nhiều hơn và Đoàn cần xây dựng một mạng xã hội dành riêng cho thanh niên để lắng nghe ý kiến qua thế giới ảo. Nhờ đó, cán bộ Đoàn có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm của thanh niên, định hướng lý tưởng, lập trường cho họ một cách khéo léo, uyển chuyển. Cán bộ Đoàn ngày nay phải có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng và phương pháp làm việc hiện đại, trong đó phải thành thạo những kỹ năng cụ thể như tin học, ngoại ngữ, thuyết trình, giao tiếp... (Tiền Phong 17/3/2011)
    Kêu gọi đào tạo CNTT bằng ngoại ngữ
    Các doanh nghiệp phần mềm đang kêu gọi ngành giáo dục nhanh chóng có cải tổ mạnh mẽ về đào tạo ngoại ngữ trong CNTT, đưa ra yêu cầu bắt buộc dạy tiếng Anh trong các cơ sở đào tạo nhân lực phần mềm. Mặc dù được coi là quan trọng, là không thể thiếu với người làm CNTT, tuy nhiên ngoại ngữ vẫn đang là một trong những điểm yếu cơ bản của nhân lực CNTT. Khảo sát nhỏ do phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam thực hiện với gần chục doanh nghiệp phần mềm trong nước sử dụng nhân lực CNTT cho thấy, chỉ khoảng 25% - 40% người làm CNTT đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng về ngoại ngữ.
    Theo các doanh nghiệp, sự yếu kém kiến thức ngoại ngữ của nhân lực CNTT khiến họ tốn kém khá nhiều tiền bạc và thời gian để đào tạo bổ sung, thậm chí ảnh hưởng đến cơ hội mở rộng kinh doanh khi cần nâng số lao động làm việc với khách hàng nước ngoài. Ngoài các chương trình đào tạo tại chỗ, các doanh nghiệp CNTT có nhiều hình thức khác để cải thiện vấn đề ngoại ngữ như quy định sử dụng giao tiếp nội bộ, báo cáo công việc, tài liệu công ty bằng tiếng Anh; thưởng tiền, tăng lương cho người giỏi ngoại ngữ; mở các câu lạc bộ học và trao đổi tiếng Anh.
    Tuy nhiên, các doanh nghiệp thừa nhận việc đào tạo ngoại ngữ dễ thất bại do kết quả cần nhiều thời gian và phụ thuộc chủ yếu vào tính chủ động học hỏi của nhân viên. Chính vì vậy, theo các doanh nghiệp, giải pháp tổng thể cho vấn đề ngoại ngữ của người làm CNTT phải đến từ các cơ sở đào tạo. “Phải đưa tiếng Anh trở thành một công cụ sử dụng được trong đời sống thì mới có thể cải thiện được vấn đề ngoại ngữ”, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT nói.
    Ngành giáo dục hiện chưa có quy định về đào tạo ngoại ngữ trong các trường đào tạo CNTT. Nhưng theo ông Tùng, nếu có sức ép rất lớn từ các doanh nghiệp tuyển dụng thì có thể nhanh chóng thúc đẩy các cơ sở đào tạo nhân lực CNTT chuyển biến về vấn đề ngoại ngữ. Ví dụ, các các hiệp hội hoặc các công ty lớn trong lĩnh vực CNTT có thể ra thông điệp không tuyển dụng nhân lực từ các trường không giải quyết được vấn đề ngoại ngữ. “Nếu có những thông điệp mạnh mẽ như vậy, chắc chắn các trường đào tạo về CNTT sẽ phải thay đổi để bảo tương lai việc làm cho các sinh viên của họ”, ông Tùng nói.
    Ngoài việc đào tạo bằng tiếng Anh, theo các doanh nghiệp, việc thi tuyển sinh viên đầu vào của các trường đào tạo CNTT cũng nên có yêu cầu về tiếng Anh. Một số ý kiến góp ý nên thay đổi các môn đầu vào ngành CNTT từ toán, lý hoá hiện nay thành toán, lý và ngoại ngữ. (Bưu điện Việt Nam 16/3/2011)
    Việc tăng giá gói dịch vụ truy cập Internet của FPT là điều bất khả kháng
    Từ ngày 16/3/2011, công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom) bắt đầu điều chỉnh chính sách của một số gói dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao. Cụ thể, FPT Telecom sẽ nâng tốc độ truy cập trong nước tối đa lên đến 8Mbps (mức tăng phụ thuộc vào gói dịch vụ khách hàng sử dụng) và điều chỉnh tăng thêm từ 25 nghìn đồng/tháng – 30 nghìn đồng/tháng (tuỳ theo gói dịch vụ).
    Người phát ngôn của FPT Telecom cho biết: “Trong năm 2010, FPT Telecom đã tăng tốc độ truy cập và dung lượng kết nối cho các gói dịch vụ từ 30% đến 50% và hệ thống hạ tầng của FPT Telecom đã được kết nối trực tiếp tới các trung tâm dữ liệu lớn nhất trên thế giới, đáp ứng tối đa các nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet theo xu hướng hiện đại, như: mạng xã hội, chia sẻ âm nhạc, video, hình ảnh, download và xem phim với chất lượng cao như chuẩn HD... Năm 2011, FPT Telecom có kế hoạch đầu tư nâng cấp thêm 50 Gbps, nâng tổng dung lượng ra quốc tế của FPT Telecom lên đến 100 Gbps. Với dung lượng kết nối này, FPT Telecom hoàn toàn tin tưởng sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong việc tăng tốc độ kết nối, sử dụng các dịch vụ trên nền tảng Internet. Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách dịch vụ ADSL hiện nay cũng là một phần trong kế hoạch đầu tư nâng cấp băng thông của FPT Telecom trong năm 2011”.
    Ngoài ra, trong tình hình kinh tế hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ Internet, trong đó có FPT Telecom đều bị ảnh hưởng vì giá điện và tỷ giá. Thực tế, khi tỷ giá USD tăng mạnh cũng đồng nghĩa chi phí đầu vào sẽ tăng theo. Với việc tăng giá điện, chi phí thuê đài trạm, duy trì điện lưới cho hạ tầng kỹ thuật mạng, tiền thuê băng thông quốc tế với các nhà cung cấp nước ngoài… và cả việc mua cáp cũng đều bị ảnh hưởng lớn. Nhưng dù thị trường biến động thế nào chăng nữa thì nhu cầu của người dân vẫn cần phải được đáp ứng và luôn được FPT Telecom đặt lên hàng đầu.
    Trước khi quyết định tăng giá ADSL, FPT Telecom đã gửi thông báo trước đến khách hàng bằng e-mail, thư tay, trên website www.fpt.vn… cũng như tại các văn phòng giao dịch. Đồng thời, FPT Telecom đã thiết kế và cung cấp nhiều gói cước với băng thông và giá cước đa dạng để khách hàng có thể lựa chọn tuỳ theo nhu cầu sử dụng của mình, phù hợp với các cam kết đã thoả thuận với khách hàng. (QĐND Online 16/3/2011).


    (pcworld)
     
    :

Chia sẻ trang này