DYLAN ATX-550W P4(24PIN) — PowerLAB DYLAN ATX-550W P4(24PIN) Hôm nay, tôi giới thiệu đến các bạn mẫu Dylan ATX550W tuy nhiên nó lại không phải là mẫu xe tay ga mới kế tiếp của kiểu xe Dylan 150 của Honda,.. nó là chỉ làm một bộ nguồn máy tính mới xuất hiện gần đây trên thị trường. Có vẻ như nhà sản xuất có tham vọng PSU đạt được chất lượng như chiếc xe tay ga có giá vài ngàn đô trong một sản phẩm máy tính chỉ có giá bán 155,000 đồng!!! Không có thiết kế gì nổi bật, đơn giản với thiết kế như các PSU bình dân khác với vỏ kim loại tráng kẽm. Quạt 120 mm với các lưới thoát nhiệt phía sau hình tổ ong. Sử dụng với điện áp duy nhất phù hợp với điện áp lưới là 220VAC, phía sau ngoài ổ lấy điện thì không còn bất kì thiết kế nào đáng phải chú ý. Với cách trình bày của tem ghi công suất như hình trên thì không thể nói PSU này do một tay chuyên nghiệp làm ra. Ngoài thông tin dòng cung cấp tối đa của từng đường điện ra thì bạn không thể biết gì hơn, kể cả công suất hiệu dụng của PSU chỉ có thể đoán mò qua tên gọi ATX-550W …là 550W!? Có thể chứ nếu lấy tổng công suất tối đa có trên mác cộng lại thì còn hơn mức mong muốn 550W. Do đó hầu như trên các báo giá đều quảng cáo đây là một PSU có “công suất thật” 550W một cách tự tin. Công suất, hiệu suất và hệ số công suất PF Loay hoay thay đổi cách thử nghiệm từ tiêu chuẩn ATX phiên bản 1.3 tới phiên bản 2.01. Kết quả vẫn không thể qua được mức công suất 200W một cách an toàn. Khi thử nghiệm ở mức 200W với tiêu chuẩn ATX phiên bản 2.01, nhằm tạo lợi thế cho công suất đường +12V thì giá trị điện áp luôn nằm ở mức nguy hiểm tới thiết bị. Ngược lại khi thử theo mô tả của phiên bản 1.3 thì công suất đường +12V rất thấp. Kết quả cuối cùng là PSU này nên chạy ở mức công suất tối đa là 180W mới đảm bảo sự an toàn cho các thiết bị mà nó cung cấp năng lượng. Sự ổn định điện áp Dylan ATX-550W có mạch ổn áp rất tệ, giá trị điện áp bị thay đổi khi có sự gia tăng tải. Đường nào tải tăng lên thì sụt áp đường đó và ngược lại đường nào giảm tải thì tăng áp. Khi sử dụng PSU như thế này rất nguy hiểm cho các thiết bị nhậy cảm như HDD hay VGA. Khám phá bên trong Không có bất kỳ mạch chống nhiễu điện từ EMI nào. PSU được nối trực tiếp với điện lưới hay nói cách khác điện lưới AC đi thẳng tới diode nắn điện chính và chỉ bị khống chế duy nhất bởi cầu chì. IC điều khiển PWC sử dụng IC SD6109 của Silan (China), nếu chiếu theo thông tin kỹ thuật của IC này được công bố thì nó là một IC khá tốt với các tính năng ưu việt, Nhưng khi gắn vào trong Dylan này thì nó không hề phát huy được bất kỳ tính năng nào như quảng cáo, có thể do việc thiết kế các linh kiện ngoại vi đã không đúng, hay đã bị lược bớt để có giá thành giảm đến kinh ngạc. Đánh giá chung Tôi không khuyến khích các bạn mua sản phẩm này. Vì thực tế trên thị trường các PSU có giá, công suất và chất lượng tương đương như Dylan ATX-550W cũng khá nhiều. Trong khi đó mức độ nguy hiểm của PSU này lại khá cao khi tính năng ổn áp làm việc không hiệu quả và mất ổn định theo từng mức tải trên từng đường điện. Với cấu trúc và thiết kế mạch bên trong rất đơn giản gần như là một mạch công suất nguyên lý nên PSU này vẫn còn đất sống, đây là một công cụ dạy học rất tốt cho các trường Trung cấp Kỹ thuật Điện-Điện tử giúp học sinh nắm bắt và hiểu được nhanh chóng nguyên lý hoạt động của một PSU là như thế nào thông qua việc dò mạch một cách nhanh chóng. Ưu điểm - Khẳng định đây là một thương hiệu kém chất lượng, có công suất danh định không rõ ràng, công suất thật đạt 180W. - Hiệu suất tốt trên 78,5% ở mức công suất là 180W. Khuyết điểm - Thiết kế và chất lượng linh kiện kém. - Mạch ổn áp hoạt động tệ, có thể gây nguy hiểm cho thiết bị khi hoạt động. - Không có gì nổi bật để có thể giới thiệu cho bạn đọc. Giá bán tham khảo - 155,000 đồng. Bảo hành 1 năm (vài chổ bán chấp nhận 1 đổi 1 trong suốt thời gian bảo hành) Giá trị đầu tư - 861 đồng/1 Watt DYLAN ATX-550W P4(24PIN) — PowerLAB
tui thường kiểm tra nhanh chất lượng của PSU bằng cách xem trọng lượng,chưa thấy cái PSU xịn nào nhẹ cả