Từ bỏ công việc với mức lương "trong mơ” 1.000 USD mỗi tháng, Hải Nhân (sinh viên Đại học Công nghệ thông tin – ĐHQG TPHCM) quyết định cùng bạn mở một quán cafe sinh viên để thỏa khao khát được làm chủ bản thân. Lê Hồng Hải Nhân là sinh viên khóa 2006. Với kinh nghiệm làm việc tích lũy thời sinh viên, ngay từ năm thứ 3, Nhân đã được nhận vào làm việc ở một công ty nước ngoài với vị trí lập trình viên. Công việc đúng chuyên môn với mức lương lý tưởng không đủ thỏa mãn khao khát làm chủ bản thân của Nhân. Vốn ham thích sáng tạo và đam mê đặc biệt với cafe, năm thứ 4 đại học, Nhân cùng nhóm bạn thân nuôi ý tưởng mở một quán cafe dành riêng cho sinh viên. Ý tưởng cuối cùng cũng đến giai đoạn “chín muồi” khi nhóm tìm được một căn nhà lý tưởng để làm địa điểm. Công việc chuẩn bị cho quán cafe quá bận rộn khiến Nhân phải đi đến một quyết định khó khăn: xin nghỉ việc. Nhớ như in cảm giác của buổi sáng ngày nộp đơn xin nghỉ việc, Nhân bồi hồi: “Ngày tụi mình kí hợp đồng thuê căn nhà ấy cũng là ngày mình quyết định bỏ việc ở công ty để tập trung cho quán. Sáng hôm đó, mình thức dậy mà sợ đến nỗi hai chân cứ va lập cập vào nhau. Suốt thời gian sống tự lập của mình, chưa bao giờ mình cảm thấy sợ đến như vậy. Cảm giác giống như vứt bỏ đi tổ ấm bình an để đến với một thứ đầy rủi ro”. Nhân cho biết, lương của cậu lúc ấy, sau gần 2 năm làm việc là 1.000 USD/tháng. Những sự lựa chọn khắc nghiệt như thế là cái giá đầu tiên mà những sinh viên ước ao khởi nghiệp phải trả. Đinh Ngọc Linh (21 tuổi, Bình Thuận) lại có một câu chuyện khác. Năm thứ hai ở Đại học Sư phạm TP.HCM, cô sinh viên Đinh Ngọc Linh sau khi đến trình bày ý tưởng mở quán ăn với hơn 10 nhà đầu tư và thất bại, đành ngậm ngùi nhận ra mình cần bắt đầu từ những điều nhỏ hơn. Từng là một hướng dẫn viên làm đồ handmade trên truyền hình, Linh mày mò tự làm những món đồ độc đáo và tập tành rao bán trên mạng. Những con búp bê xinh xắn được làm từ chung rượu, bóng bàn và giấy được Ngọc Linh chọn để khởi nghiệp. Sản phẩm búp bê làm từ chung rượu, bóng bàn và giấy của Linh sau một thời gian dần trở nên “hút hàng”. Bận rộn với công việc và nhận ra niềm yêu thích của mình với kinh doanh, Linh quyết định nghỉ học ở Đại học Sư phạm trong sự lo ngại của gia đình và bạn bè. Nhớ lại quyết định táo bạo của mình, Linh nói, đầy kiên quyết: “Quyết định bỏ luôn thời gian 2 năm học chứ không bảo lưu là cách để tạo động lực cho riêng mình. Nếu cứ làm và nghĩ rằng không được thì quay về học lại, mình biết mình sẽ không thể toàn tâm toàn ý cho kinh doanh”. Cách đây 2 tháng, cậu sinh viên năm 3 khoa Triết học, trường Đại học KHXH&NV TPHCM Nguyễn Anh trở thành ông chủ của một tiệm photo trong khuôn viên Kí túc xá Đại học Quốc gia TPHCM. Từng là nhân viên ở đó một thời gian dài, khi ông chủ có ý định sang nhượng, cậu quyết định thuê lại tiệm để kinh doanh. Nhìn tiệm photo luôn đông khách, ít ai ngờ Anh đã từng phải cầm xe máy và vay mượn đến cả gia đình bạn gái để có đủ tiền. Thời gian đầu, không dễ để cạnh tranh với các tiệm photo mọc như nấm ở xung quanh, Nguyễn Anh mở cửa tiệm từ 6h sáng và chỉ đóng cửa sau 22h30, nhằm có thêm lượng khách cần photo gấp. Nguyễn Anh trong tiệm photocopy của riêng mình. Lấy công làm lời, thời gian đi chơi, đá bóng ngày xưa của Nguyễn Anh dành hoàn toàn cho công việc bên máy móc và giấy tờ, cả việc học cũng bị ảnh hưởng vì không còn nhiều thời gian lên lớp. “Bắt đầu kinh doanh rồi mới thấy, những áp lực lúc học hành thực sự không là gì cả!”, Nguyễn Anh nói. Những bước đầu gian nan Hải Nhân – ông chủ trẻ của quán cafe - gọi những khó khăn khi sinh viên bắt đầu khởi nghiệp là những hòn đá tảng. Hòn đá đầu tiên và lớn nhất buộc phải nghĩ đến là vốn. Ước tính số vốn để mở quán là hơn 700 triệu đồng, cả nhóm của Nhân dường như rơi vào bế tắc. Chủ trương không kinh doanh bằng tiền của người khác, Nhân đã phải thuyết phục từng thành viên và cùng họ lập ra một bản kế hoạch để xin đầu tư từ phụ huynh. Niềm tin của cậu lúc ấy dựa trên kinh nghiệm bản thân là, sinh viên đi học xa luôn được bố mẹ luôn dành cho một khoản dự trữ. “Chỉ cần chứng minh bằng một kế hoạch thật thuyết phục, ba mẹ sẽ không ngại ngần để đầu tư”, Hải Nhân tự tin. Hải Nhân (ngồi ngoài cùng bên trái) và các thành viên của Niche Cafe. Thuyết phục được phụ huynh, huy động được vốn, nhóm lại phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác. Mê cafe là thế, nhưng Nhân kể, đến bây giờ cậu vẫn còn ám ảnh cái lần phải thử hàng trăm ly cafe đen suốt mấy ngày trời để chọn ra nguyên liệu phù hợp cho quán mình. Sau đó là hàng loạt công việc khác, thiết kế menu, lên giá cho món, thiết kế quán, nhất là các vấn đề thủ tục, giấy tờ khiến Nhân và nhóm bạn không kịp “đỡ”. “Quán biến thành nhà, những bạn gái trong nhóm cũng xắn tay áo xông vào sửa điện, ốp gỗ”, Nhân cười, nhớ lại. “Nhiều bạn sinh viên đến quán vẫn hay xuýt xoa khen tụi mình nhiều tiền, mình chỉ cười. Các bạn ấy đâu có biết là đến bây giờ, sau khi quán đã hoạt động được 8 tháng, nhóm vẫn đang phải bù lỗ mỗi tháng 15 - 20 triệu đồng. Có những khó khăn phát sinh chỉ khi làm rồi mình mới biết được”, Hải Nhân chia sẻ. Ngọc Linh cũng kể ra vô số khó khăn khi cô bắt đầu nhận đặt hàng sản phẩm búp bê. “Những con búp bê nhìn thì cứ nghĩ là dễ làm, nhưng không khéo thì keo sữa sẽ lem vào đen thui khi quấn giấy. Thời gian đầu, tiền nguyên liệu quá đắt cộng với tiền vận chuyển theo xe khách khiến giá sản phẩm cao ngất”, Linh “kể khổ”. “Đấy là chưa kể, cả gần một tháng sau ba mẹ mới chịu bỏ qua chuyện mình tự ý bỏ học đi làm”. “Xưởng” chế tạo búp bê Yaki của Ngọc Linh tại Bình Thuận. Niềm vui khi có nhiều đơn đặt hàng biến thành "ác mộng" khi Linh và nhóm bạn phải làm ngày làm đêm cho kịp giờ giao. “Lúc chỉ còn hai chị em Linh làm với nhau, hai đứa sợ đến mức phát khóc và chỉ muốn bỏ cuộc. Em gái Linh thì phải nghỉ hẳn việc học thêm để giúp cho máu kinh doanh của mình. Giờ nghĩ lại, mình luôn thấy áy náy”, Linh chia sẻ. Mùa hè này, những ông chủ, bà chủ trẻ đang ấp ủ những kế hoạch riêng, vừa để phát triển việc kinh doanh, vừa "khắc phục hậu quả" của những quyết định ngày xưa. Hải Nhân và nhóm sẽ có một chiến dịch quảng cáo hoành tráng đến sinh viên ở các trường đại học; Ngọc Linh thì đang bận rộn với việc mở một cửa hàng nhỏ trưng bày sản phẩm của mình và sẽ quay lại trường đại học để tiếp tục học hành; còn Nguyễn Anh, sau khi về quê giúp mẹ việc buôn bán, sẽ quay lại để tiếp tục mở cửa quán photo đặc biệt, sẵn sàng mở cửa suốt 17 tiếng một ngày…