Giới thiệu về công nghệ J2ME -------------------------------------------------------------------------------- Sun Microsystems đã xây dựng 3 nền tảng công nghệ để phát triển ứng dụng là J2SE, J2EE và J2ME để phục vụ cho các môi trường ứng dụng khác nhau. Sự ra đời của J2ME là đáp ứng nhu cầu của thị trường trong việc việc phát triển các ứng dụng nhúng cho các lọai thiết bị khác nhau. Các nhà sáng lập J2ME đã chia các lọai thiết bị có hỗ trợ J2ME thành 2 nhóm chính là: các thiết bị họat động trong môi trường mạng có kết nối không liên tục (nhóm 1) như máy điện thọai di động, PDA, máy nhắn tin và nhóm các thiết bị họat động trong môi trường mạng có kết nối cố định (nhóm 2) như truyền hình qua Internet… Sự phân biệt của hai nhóm thiết bị này chủ yếu dựa vào năng lực xử lý thông tin, thông thường nhóm 1 thường có nhiều ràng buộc về tài nguyên của thiết bị hơn là nhóm 2 như bộ vi xử lý yếu hơn, bộ nhớ, khả năng lưu trữ thấp hơn. Các thiết bị của nhóm 1 thường rơi vào các chủng lọai thiết bị họat động trong môi trường không dây. Trong khuôn khổ bài này chúng tôi chỉ giới thiệu sơ lược về kiến trúc của công nghệ J2ME. Cấu trúc của J2ME gồm ba phần chính là : configuarations, profiles và optional packages. . Bạn không thể phát triển các ứng dụng J2ME mà không hiểu một cách tường tận các khái niệm trên, các khái niệm này giúp bạn hiểu được các đặc điểm của ngôn ngữ Java được sử dụng trong môi trường này, các API nào của Java được sử dụng và làm sao để đóng gói ứng dụng sau khi phát triển Configurations Configuration là một môi trường thực thi Java (Java runtime enviroment) gồm có 1.Máy ảo Java (Java Virtual Machine - VM) 2.Phần giao tiếp được đến hệ thống của thiết bị 3.Tập các lớp Java cơ bản Để có thể tích hợp được các configuration nêu trên, thiết bị phải có những cấu hình tối thiểu được nêu trong tài liệu chỉ tiêu kỹ thuật của Sun. Mặc dầu J2ME là môi trường trường Java nhưng các lớp nó cung cấp rất là giới hạn và có bổ sung thêm các lớp mới bởi các profiles (được nêu ở phần sau) hay là các nhà sản xuất thiết bị di động. Các configurations không bao giờ cung cấp cho người phát triển ứng dụng các lớp xây dựng giao diện của ứng dụng, các lớp này thường được cung cấp bởi các profiles. J2ME định nghĩa 2 configurations là CLDC (Connected Limited Device Configuration) dành cho các thiết bị nhóm 1 được nêu ở trên và CDC (Connected Device Configuration) cho các sản phẩm nhóm 2. Máy ảo của cấu hình CLDC bỏ qua các tính năng quan trọng của Java như finalization, tập các lớp Java chỉ là phần nhỏ của J2SE chỉ bao gồm java.lang, java.io và java.util và các lớp từ gói mới được cung cấp javax.microedition.io. Trái lại CDC bao gồm đầy đủ các thuộc tính của Java VM và tập các lớp Java CDC cung cấp cũng lớn hơn, vì vậy thiết bị hỗ trợ CDC phải có cấu hình mạnh hơn. Profiles Thật ra configuration chỉ cung cấp phần lõi của cấu trúc J2ME, vì vậy yêu cầu cần phải có các gói cung cấp các lớp phục vụ cho việc phát triển ứng dụng mà configuration không cung cấp. Hầu hết các profiles cung cấp các lớp hỗ trợ trong việc phát triển giao diện cho các ứng dụng tương tác với người dùng. Giống như configuration, để sử dụng được các profiles các thiết bị phải có cấu hình tối thiểu được nêu trong các tài liệu yêu cầu đặc tính kỹ thuật của Sun. Mobile Information device Profile (MIDP) là profile cho CLDC phục vụ cho các ứng dụng trên thiết bị di động. Personal Digital Assistant Profile (PDAP) là mở rộng của MIDP.Đối với các CDC có các profile như : Foundation Profile (FP), Personal Basis Profile (PBP). MIDP Đây là Profile được định nghĩa dành riêng cho các thiết bị di động và là thành phần chính trong J2ME. MIDP cung cấp các chức năng cơ bản cho hầu hết các dòng thiêt bị di động phổ biến nhất như các máy điện thoạI di động và các máy PDA. Tuy nhiên MIDP không phải là cây đũa thần cho mọi lập trình viên vì như chúng ta đã biết, MIDP được thiết kế cho các máy di động có cấu hình rất thấp. Trong phần sau tôi sẽ liệt kê qua các tính năng mà MIDP cung cấp và những giới hạn của nó. Những chức năng MIDP - Các lớp và kiểu dữ liệu: Phần lớn các lớp mà các lập trình viên Java quen thuộc vẫn còn được giữ lại ví dụ như các lớp trong gói java.util như Stack, Vector và Hastable cũng như Enumeration. Tuy nhiên, mong bạn đọc chú ý là tôi nhấn mạnh từ “phần lớn” vì bạn KHÔNG THỂ dùng Iterator. Trong phần phụ lục, tôi sẽ liệt kê các gói (package) cũng như số lượng của chúng được hỗ trợ trong môi trường J2ME bao gồm CLDC, CDC và MIDP. - Hỗ trợ đối tượng Display: Đúng như tên gọi một chương trình MIDP sẽ hỗ trợ duy nhất một đối tượng Display là đối tượng quản lý việc hiển thị dữ liệu trên màn hình điện thoại. - Hỗ trợ Form và các giao diện người dùng. - Hỗ trợ Timer và Alert - Cung cấp tính năng Record Management System (RMS) cho việc lưu trữ dữ liệu Ngoài ra vào tháng 11 năm 2003 Sun đã tung ra MIDP 2.0 với hàng loạt tính năng khác được cung cấp thêm so vớI bản 1.0 (Hiện nay tại Việt Nam đã có những đời điện thoại hỗ trợ MIDP 2.0 ví dụ như Nokia 6600 hay Sony Ericsson P900). Tôi xin trình bày các cải tiến nổi bật so với MIDP 1.0 Nâng cấp các tính năng bảo mật: - Download qua mạng an toàn hơn qua việc hỗ trợ giao thức HTTPS. - Kiểm soát việc kết nối giữa máy di động và server: ví dụ như các chương trình không thể kết nối tới server nếu thiếu sự chấp thuận của ngườI sử dụng. - Thêm các API hỗ trợ Multimedia. Một trong nhưng cải tiến hấp dẫn nhất của MIDP 2.0 là tập các API media của nó. Các API này là một tập con chỉ hỗ trợ âm thanh của Mobile Media API (MMAPI). - Mở rộng các tính năng của Form. Nhiều cải tiến đã được đưa vào API javax.microedition.lcdui trong MIDP 2.0, nhưng các thay đổi lớn nhất (ngoài API cho game) là trong Form và Item. - Hỗ trợ các lập trình viên Game bằng cách tung ra Game API: Có lẽ Sun đã kịp nhận ra thị trường đầy tiềm năng của các thiết bị di động trong lĩnh vực Game. Với MIDP 1.0 thì các lập trình viên phải tự mình viết code để quản lý các hành động của nhân vật cũng như quản lý đồ họa. Việc này sẽ làm tăng kích thước file của sản phẩm cũng như việc xuất hiện các đoạn mã bị lỗi. Được hưởng lợi nhất từ Game API trong MIDP 2.0 không chỉ là các lập trình viên Game mà còn là các lập trình viên cần sử dụng các tính năng đồ họa cao cấp. - Ý tưởng cơ bản của Game API là việc giả định rằng một màn hình game là tập hợp các layer (lớp). Ví dụ như: trong một game đua xe thì màn hình nền là một layer, con đường là một layer và chiếc xe được xem như đang nằm trên layer khác. - Với Game API nhà phát triển còn được cung cấp các tính năng như quản lý các thao tác bàn phím - Hỗ trợ kiểu ảnh RGB: một trong những cải tiến hấp dẫn cho các nhà phát triển MIDP là việc biểu diễn hình ảnh dưới dạng các mảng số nguyên, cho phép MIDlet thao tác với dữ liệu hình ảnh một cách trực tiếp. Nguồn : DASIS IT Solution Company