[Guide] Hướng dẫn ép xung card đồ họa ASUS GTX 960 Strix và các card đồ họa dòng Kepler và Maxwell

Thảo luận trong 'Card Đồ họa - Video Cards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 28/5/15.

By umbrella_corp on 28/5/15 lúc 16:22
  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Khi nhắc đến ép xung, thông thường các tín đồ PC chỉ thường quan tâm đến ép xung CPU hay RAM, 2 linh kiện quan trọng có thể ảnh hưởng hiệu năng sử dụng máy tính lâu dài. Tuy nhiên, cũng có một thành phần nữa cũng quan trọng không kém, chính là VGA hay card đồ họa. VGA luôn giữ vai trò chính trong hầu hết các ứng dụng cần phải xử lý đồ họa như game và một số phần mềm liên quan như 3DSMax, Maya, Blender... Tuy nhiên, chúng ta lại rất ít khi nào ép xung VGA.

    [​IMG]

    Thông thường, ép xung VGA sẽ dẫn đến hậu quả là card "lên đường" do nhiệt độ quá cao hay các thành phần linh kiện cấp nguồn của VGA phải làm việc hết công suất trong thời gian dài. Điều này đúng nhưng chỉ đúng với các thế hệ card đồ họa đời trước, ít nhất là trước đời card Kepler bên NVIDIA và GCN 1.0 bên AMD. Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ trình bày phương pháp ép xung card đồ họa GTX 960 Strix sử dụng nhân Maxwell 2.0 của NVIDIA, bên phía AMD tôi sẽ có một bài khác tương tự vào thời gian sau này.

    Sở dĩ tôi chọn GTX 960 Strix để làm bài hướng dẫn ép xung là vì 2 lý do chính:
    • Nhân GPU của GTX 960 Strix là Maxwell 2nd Gen là một trong những nhân đồ họa có nhiệt độ sinh ra rất thấp cũng như mức độ tiết kiệm điện của nó rất cao. Qua đó, chúng ta có thể ép xung card một cách dễ dàng với những card đồ họa sử dụng kiến trúc này.
    • Cơ chế ép xung tự động của GTX 960 là GPU Boost 2.0 được nâng cấp từ phiên bản 1.0 có trên các card đồ họa Kepler. 2.0 sẽ ràng buộc người dùng vào yếu tố nhiệt độ còn 1.0 thì ràng buộc về số TDP (tạm gọi là thông số tiêu thụ điện). Theo đó, 2.0 sẽ tự động hạ xung xuống khi nhiệt độ card chạm mức 80*C và 1.0 sẽ tự động hạ xung khi mức TDP đã chạm mức quá tải. Tuy khác nhau là vậy nhưng phương pháp ép xung cho các card đồ họa dùng GPU Boost 1.0 hay 2.0 là tương đối giống nhau.
     
    :
    Mẹ gọi em là sơn thích bài này.

Bình luận

Thảo luận trong 'Card Đồ họa - Video Cards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 28/5/15.

    1. umbrella_corp
      umbrella_corp
      I - Những việc cần làm trước khi ép xung VGA

      Theo tôi, trước khi bạn ép xung VGA chúng ta cần phải trả lời những câu hỏi sau:
      1. Bộ nguồn sử dụng cho VGA có công suất tiêu thụ dư dả so với mức tiêu thụ điện tối đa của card không?
      2. Liên quan đến bộ nguồn liệu bạn có kiểm tra được khả năng tụt áp khi chạy tải nặng trên các đường điện chính của bộ nguồn như đường 12V, 3.3V và 5V không?
      3. VGA bạn đã được làm vệ sinh sạch sẽ chưa?
      4. Keo tản nhiệt VGA của bạn đã được thay mới chưa?
      Đối với câu hỏi số 1, nếu thực sự chưa rõ ràng về công suất tiêu thụ của VGA mình đang dùng thì bạn hãy truy cập vào trang TechPowerUp, tìm kiếm bài đánh giá về card đồ họa của mình và xem phần test công suất tiêu thụ. Đối với chiếc card ASUS GTX 960 Strix của tôi thì độ tiêu thụ điện năng khi tải nặng tối đa là 147W.

      [​IMG]

      Còn nếu card của bạn chưa có bài đánh giá trên trang này thì bạn có thể dựa vào mức tiêu thụ điện năng trung bình khi tải và mức xung nhịp nhân và bộ nhớ của phiên bản card gốc để ước tính mức tiêu thụ điện xấp xỉ cho card mình. Ví dụ như tôi đang có chiếc GTX 960 Strix có xung nhịp nhân và bộ nhớ lần lượt là 1253/1800MHz và phiên bản GTX 960 gốc là 1127/1753MHz. Thông qua nhiều trang web review card (cụ thể là TechPowerUp) tôi biết được là phiên bản gốc có mức tiêu thụ điện trung bình là 120W. Qua đó tôi có thể ngầm đoán xấp xỉ mức tiêu thụ điện trung bình của GTX 960 Strix sẽ vào trong khoảng 130 - 160W. Và thực tế thì theo TechPowerUp thì GTX 960 Strix có mức tiêu thụ điện trung bình là 129W. Tất nhiên dự đoán xấp xỉ có thể cao hoặc thấp so với thực tế một chút.

      [​IMG]

      Bạn nên nhớ là đấy chỉ là mức tiêu thụ điện của card khi chưa ép xung mà thôi. Nếu bạn còn gắn thêm nhiều thiết bị khác nữa vào thì bạn phải tính toán tổng công suất cho nguồn thế nào để đảm bảo các thiết bị gắn trên hệ thống đều hoạt động tốt khi ép xung lẫn chạy mặc định. Thường thì với nhiều bạn phần này có thể hơi khó hiểu nhưng chúng ta có thể dùng các trang web tính toán công suất nguồn để giúp bạn chọn được bộ nguồn tốt cho hệ thống của mình. Ví dụ như trang này: http://powersupplycalculator.net/

      1.jpg

      Hệ thống tôi dùng để ép xung GTX 960 Strix sẽ có bộ nguồn được trang này tính ra là 420W. Tuy nhiên chúng ta sẽ lấy bộ nguồn có công suất cao hơn chút để phòng hờ khả năng chạy quá tải, và theo tôi đẹp nhất là bộ nguồn 500-550W là đẹp nhất.

      Với câu hỏi số 2, bạn sẽ phải tìm đến những bài đánh giá về nguồn của mình trên Internet và đặc biệt chú ý về phần test các đường điện áp 12V, 5V và 3.3V. Bạn có thể tìm đến TechPowerUp, GURU3D, TechReport hay KitGuru để tìm các bài đánh giá về nguồn.

      Câu hỏi số 3 thì bạn phải tự trả lời vậy. Nếu chưa vệ sinh thì hãy tập tành ngồi tháo bộ heatsink của VGA ra và lau chùi sạch sẽ các vết bụi bẩn bám trên đó và các quạt làm mát đi kèm, còn trên thân card thì hãy chú ý vào những khu vực như GPU, các chip nhớ và bộ phận cấp nguồn VRM. Đó là những vị trí quan trọng sẽ ảnh hưởng đến khả năng ép xung nếu chúng không được sạch sẽ.

      Câu hỏi số 4 thì bạn có thể tham khảo thêm mục A phần I của bài viết này. Nếu keo tản nhiệt của bạn vẫn còn mới thì khỏi cần thay keo còn không thì bạn hãy làm sạch sẽ bề mặt nhân GPU và trét keo tản nhiệt mới lên (với chiếc card GTX 960 Strix của tôi thì nó vẫn còn mới nên không cần phải thay keo làm gì).
    2. umbrella_corp
      umbrella_corp
      II - Chuẩn bị các phần mềm dùng trong quá trình ép xung

      Các chương trình để ép xung card GTX 960 Strix bao gồm:
      • GPU-Z: Ứng dụng này dùng để xem thông tin card đồ họa cũng như giám sát ghi nhận lại nhiệt độ hoạt động cũng như các mức điện thế card. Tải về.
      • ASUS GPU Tweak: chương trình ép xung card chính chủ do ASUS lập trình. Tải về.
      • MSI Afterburner: có tác dụng như ASUS GPU Tweak nhưng trong bài viết này tôi dùng nó để xem nhiệt độ trực tiếp khi đang chơi game và benchmark. Tải về.
      Lưu ý: sở dĩ tôi dùng MSI Afterburner chỉ để xem nhiệt độ trực tiếp khi chơi game hay benchmark là vì phần mềm này có tích hợp Riva Tuner - ứng dụng xem nhiệt độ - trong khi GPU Tweak của ASUS thì không có.
      Chỉnh sửa cuối: 29/5/15
    3. umbrella_corp
      umbrella_corp
      III - Giao diện ASUS GPU Tweak

      Tất nhiên, trước khi đi sâu vào ép xung, chúng ta cần phải hiểu rõ phần mềm ép xung card ASUS GPU Tweak trước đã. Đầu tiên là về phần giao diện chương trình.

      1.png

      Trước tiên là mục Tuning, đây sẽ là mục mà chúng ta sẽ phải thao tác thường xuyên trong quá trình ép xung card. Tuy nhiên đây chỉ là chế độ hiển thị cơ bản của mục này, vì thế nó thiếu đi nhiều tùy chọn về điện thế, do đó tôi chỉ giải thích các tùy chọn đang có mặt trên mục này:
      • GPU Boost Clock (xung GPU tăng tốc): đây chính là nơi chúng ta thiết lập mức xung tăng tốc, lưu ý là mức xung tăng tốc nhé. Nó khác hẳn với mức xung gốc của card. Cụ thể khi xem bằng trình GPU-Z thì GPU Boost Clock nó nằm ở cột thứ 3 từ trái sang của mục GPU Clock (Xem hình dưới).
      specs_amt.png


      Lưu ý đây chỉ là mức xung thể hiện trên GPU-Z còn thực tế khi vào game thì xung nhịp sẽ hiển thị khác, cụ thể với mức xung Boost trên GPU-Z là 1317MHz thì vào trong game sẽ là 1380MHz.

      16153642230_3f3629cc1c_o.png

      Chúng ta cũng nên lưu ý đến mức xung bộ nhớ VGA nữa. Mức xung hiển thị ngoài GPU-Z của GTX 960 Strix là 1800MHz nhưng trong game nó thể hiện là 3600MHz, gấp đôi 1800MHz. Hãy lưu tâm điều này khi ép xung bộ nhớ VGA.

      • Memory Clock: Xung bộ nhớ VGA thể hiện ở đây là 7200MHz. Theo quy tắc tính xung bộ nhớ GDDR5 bằng xung hiệu dụng nhân với 4. Ở đây con số 7200MHz chính là xung bộ nhớ GDDR5 của GTX 960 Strix, và mức xung bộ nhớ hiệu dụng được thể hiện trên GPU-Z sẽ bằng 7200/4=1800MHz. Vì thế khi ép xung bằng GPU Tweak chúng ta phải lưu ý điểm này.
      • Tốc độ quạt (Fan Speed): được thể hiện bằng con số %. Ở đây tốc độ quạt là 0% do công nghệ 0dB của dòng card Strix của ASUS. Khi ép xung chúng ta sẽ kéo tốc độ tối đa 100% để đảm bảo khả năng tản nhiệt nhanh cho GPU cũng như bộ nhớ.
      2.png
      3.png

      Ở dưới mục Tuning là mục con Profile. Đây là nơi sẽ chứa các profile ép xung của người dùng. Lưu ý là GTX 960 Strix nó sẽ có 2 profile xung nhịp có sẵn là Power SavingOver Clock. Power Saving sẽ hạ xung tăng tốc GPU xuống để tiết kiệm năng lượng và Over Clock sẽ tăng xung boost GPU lên. Tuy nhiên với việc nhân GPU của GTX 960 Strix là Maxwell 2nd Gen vốn nổi tiếng ở khả năng tiết kiệm điện và mát mẻ thì profile Power Saving là profile vô nghĩa. Chút nữa thì quên mất, có thể nhiều card ASUS nền tảng Kepler sẽ không có 2 profile này.

      4.png

      Chuyển qua mục kế tiếp là Live Update. Theo kinh nghiệm nhiều lần dùng GPU Tweak thì chức năng dường như chỉ được ASUS để cho có, ít khi nào tôi cập nhật được phiên bản GPU Tweak mới hơn thông qua mục này cả, và BIOS cũng không phải là ngoại lệ.

      5.png

      Tiếp theo là mục Settings. Mục này là mục để cho chúng ta tùy chỉnh các thông số liên quan đến GPU Tweak. Ở tab Main, GPU Tweak sẽ cho chúng ta chỉnh cửa sổ chương trình được phép chạy khởi động cùng Windows hay không (tôi không khuyến khích các bạn để GPU Tweak luôn chạy khởi động cùng Windows), Skin Behavior cho phép chuyển về giao diện 2D của chương trình (tôi không khuyến khích bạn tắt tính năng này), Tool Tip sẽ giải thích cho chúng ta biết ý nghĩa của từng vị trí chức năng mà chúng ta rê chuột vào (nên để chức năng mở).

      6.png

      Qua tab tiếp theo là Tune, ở đây là nơi chúng ta mở các thông số bị ẩn ở mục Tuning trước đó. Như bạn đã thấy, ở mục con Display Priority tôi chưa tick mở nhiều thông số trong phần Tuning, tuy nhiên lúc này chưa phải là lúc nên tick mở các thông số này, lý do tại sao thì hồi sau sẽ rõ.

      7.png

      Chuyển qua tab con Tune Setting, chúng ta chỉ cần quan tâm dòng tick "Giữ lại thông số card khi mở máy" mà thôi, phần còn lại không cần quan tâm. Dòng tick này tùy theo mỗi người muốn tíck hay không, riêng tôi thì tôi sẽ không tick dòng này.

      8.png

      Tab Live Update, thực sự thì chúng ta không cần quan tâm tab này.

      9.png

      Tab Hotkey dành cho những ai thích chuyển đổi nhanh các profile ép xung hay tùy chỉnh xung nhịp lên cao thấp ngay trong game. Tuy nhiên tôi không khuyến khích các bạn mở tính năng này, nhất là với những người hay chơi game chiến lược theo thời gian thực, vì thể loại game này thường phải setup combo nút nhiều khả năng sẽ đụng chạm đến các nút shortcut của phần Hotkey.

      10.png

      Tiếp theo là mục GPU Info, khi click vào GPU Tweak sẽ mở ra một cửa sổ ứng dụng GPU-Z tích hợp bên trong phần mềm để người dùng xem thông số card. Tuy nhiên tôi cũng không khuyến khích bạn mở cái này vì nó không có khả năng hiển thị xung nhịp bị thay đổi trực tiếp như GPU-Z thông thường. Ví dụ như tôi đang mở cửa sổ GPU-Z tích hợp đó lên, và tôi thay đổi xung nhịp card rồi nhấn Apply, nhưng khi nhìn qua cửa số GPU-Z tích hợp thì xung nhịp vẫn như cũ không thay đổi. Nó chỉ thay đổi khi tôi tắt cửa sổ đó và mở một cửa sổ mới. Bất tiện hơn rất nhiều so với GPU-Z bản thường.

      11.png
      12.png

      Nhìn ở phía dưới bên trái của GPU Tweak là icon Monitor. Khi click vào icon này thì GPU Tweak sẽ mở 1 cửa sổ giám sát nhiệt độ, xung nhịp và điện thế card giúp người dùng giám sát trực tiếp các thông số này.

      13_1.png

      Phía trên icon Monitor là icon Advanced Mode, khi click vào icon này thì các thông số quan trọng của card sẽ được mở ra trong phần Tuning.
      • Max GPU Voltage: điện thế tối đa mà người dùng cấp cho nhân GPU của VGA.
      • Power Target: thể hiện bằng số %, chức năng tương đương với LLC bên mainboard.
      • GPU Temp Target: nhiệt độ tối đa mà card sẽ phải giảm xung, theo GPU Boost 2.0 thì 80*C card sẽ phải hạ xung. Tuy nhiên GPU Temp Target sẽ giúp bạn kéo giới hạn đó lên mức 95*C.
      14.png

      Ngoài ra, Advanced Mode còn mở các thông số Frame Rate Target (FPS) và Display Refresh Rate (Hz):
      • Frame Rate Target (FPS): đây là thông số nhằm ép VGA khi chạy game luôn phải xử lý đồ họa như thế nào đó để đạt được số FPS như người dùng thiết lập. Tuy nhiên chức năng này gần như không bao giờ hoạt động chính xác 100% cả vì nhiều lý do, trong đó hầu hết là do chính bản thân VGA đang sử dụng không đủ năng lực để làm việc này.
      • Display Refresh Rate (Hz): chức năng cũng giống như trên nhưng nằm ở tần số quét hình hay nói cách khác, đây là thông số giúp chúng ta "ép xung" tần số quét màn hình. Chức năng này phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng màn hình vì thế tôi sẽ không đụng đến nếu tôi là bạn.
      15.png

      Và đây mới là lúc chúng ta tick hết các thông số trong mục con Display Priority trong tab Tune của mục Settings như tôi có nói trước đó.

      16.png

      Chuyển qua mục con TuneSetting, chúng ta sẽ có thêm tick "mở rộng giới hạn ép xung", tick này chỉ có khi chúng ta mở Advanced Mode. Và chúng ta cần phải tick vào tùy chọn này và Apply.

      Như vậy chúng ta đã được xem qua về giao diện GPU Tweak cũng như những thiết lập trước khi ép xung. Sau đây sẽ là phương pháp ép xung của tôi sẽ trình bày với các bạn.
    4. umbrella_corp
      umbrella_corp
      IV - Phương pháp ép xung

      Thực ra có rất nhiều phương pháp ép xung: ép xung nhịp nhân GPU, ép xung nhịp bộ nhớ, ép cả hai thành phần trên. Rieng tôi thì sẽ chọn phương pháp ép cả xung nhịp GPU và bộ nhớ luôn, trong đó tôi sẽ ưu tiên xung nhịp GPU. Vì xung nhịp GPU sẽ có mức ảnh hưởng cao hơn đến số khung hình trên giây của game, còn bộ nhớ đảm bảo cho việc dựng hình (render) được diễn ra nhanh chóng. Tới đây sẽ có người hỏi, tại sao lại ưu tiên ép xung nhịp GPU mà không ép xung tối đa cho cả hai thành phần luôn? Xin thưa đấy là hầu hết khả năng phần cứng sẽ không đáp ứng nổi yêu cầu đó của bạn. Bạn chỉ có thể chọn một: GPU hoặc bộ nhớ. Ép xung cao GPU sẽ dẫn đến khả năng ép xung thấp của bộ nhớ và ngược lại. Bạn có thể cho rằng đấy là do khả năng tản nhiệt của card không tốt, nhưng đấy là do chất lượng phần cứng của card quyết định, yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng rất ít, nhất là với nền tảng Maxwell vốn rất mát mẻ kể cả khi ép xung.

      Giống như bên phía CPU, cùng CPU Intel i7-4790K, cùng bộ tản nhiệt khí, nhưng có người lên được mức xung 5GHz có người thì chỉ có 4.7GHz là tối đa trên tản nhiệt khí. Đó hoàn toàn là do chất lượng của CPU vì quá trình sản xuất hàng loạt thông qua nhiều quy trình nên chất lượng của CPU luôn khác nhau dù cùng một nền tảng. Bên VGA mọi chuyện cũng tương tự vậy.

      Sau đây là cách mà tôi ép xung VGA trong các bài đánh giá card đồ họa áp dụng cho GTX 960 cũng như các card đồ họa khác nền Kepler và Maxwell.

      Đầu tiên là thử nghiệm mức xung boost 1350MHz. Đây có thể nói là mức xung mà bất cứ chiếc GTX 960 custom nào cũng có thể lên được.

      1.png

      Để có được mức xung này chúng ta vào GPU Tweak thiết lập như sau:

      1_3.png
      1_2.png

      Tới đây sẽ có bạn thắc mắc lý do gì mà tôi kéo điện maximum cho 2 thông số điện cấp thấp nhất và cao nhất lần lượt là 1162mV và 1212mV khi mức xung boost chỉ là 1350MHz. Thực ra đây chỉ là chiêu tiết kiệm thời gian khi ép xung mà thôi, với mức điện như vậy, tôi có thể loại trừ trường hợp card chạy không được mức xung 1350MHz với lý do không đủ điện cấp, và qua đó tôi có thể từ từ nâng mức xung lên mà không cần phải chỉnh điện thế nữa. Và tôi sẽ chỉnh lên đến một mức xung nào đó mà với điện thế đã kéo max như vậy nhưng không chạy được thì sẽ dừng lại và ghi chú lại, sau đó sẽ chọn mức xung trước đó đã chạy tốt làm mức xung ép tối đa cho GPU. Thông thường khi ép xung, chỉnh điện áp quá cao cho mức xung nhịp ép thấp là điều tối kỵ, tuy nhiên với thế hệ Kepler và Maxwell thì chuyện này đã không còn là vấn đề lớn nữa, do thời nay card VGA luôn được các nhà sản xuất cài đặt cơ chế tự bảo vệ cho card bằng các cầu chì nằm xuyên suốt trên bảng mạch của card cũng như NVIDIA tung ra cơ chế tự động ép xung GPU Boost 1.0 và 2.0 để hạn chế nhiều trường hợp chết card.

      Sau khi thiết lập xong các thông số trên GPU Tweak, chúng ta Apply và minimize lại cửa sổ GPU Tweak rồi mở chương trình MSI Afterburner lên.

      3.png

      Lưu ý là MSI Afterburner cũng là chương trình ép xung VGA vì thế các thông số chúng ta đã Apply bên GPU Tweak sẽ được MSI Afterburner đồng bộ qua, tuy nhiên thay vì thể hiện số xung nhịp như GPU Tweak thì chương trình này thể hiện bằng các trị số cộng với giá trị mặc định là 0. Do đó MSI Afterburner dù được nhiều người tin dùng khi ép xung card nhưng nó không thực sự thân thiện với những người không chuyên về VGA hay mới bắt đầu tập ép xung VGA.

      Mục đích của tôi khi mở Afterburner lên là để mở chức năng giám sát các thông số xung nhịp, điện thế, nhiệt độ... của VGA hiển thị trong khi chơi game hay benchmark. Để mở các thông số này, chúng ta sẽ nhấn vào Settings nằm bên dưới cạnh Reset.

      4.png

      Ở tab General, chúng ta tick hết vào các tùy chọn trong mục Compatiplity properties.

      5.png

      Sang tab Monitor, đây là nơi chúng ta sẽ quyết định những thông số card nào được phép hiển thị trên màn hình khi chơi game hay benchmark. Hãy chọn các thông số như hình trên. Ví dụ ta chọn Power (tức số % điện năng tải), muốn hiển thị thông số này ta phải click thêm vào dòng "Show in On Screen Display" ở dưới. Tiếp tục đánh dấu các thông số như hình trên và các hình tiếp theo ở dưới.

      6.png
      7.png
      8.png

      Giải thích các thông số được tíck ở trên:
      • Power: số lượng % điện năng nguồn cấp dành cho VGA thể hiện bằng số %
      • GPU temperature: nhiệt độ hiện thời của card
      • GPU Usage: số lượng % tài nguyên GPU mà card sử dụng cho ứng dụng game hoặc benchmark thể hiện bằng số %
      • Fan Speed: tốc độ quạt hiện thời của VGA thể hiện bằng số %
      • Core Clock: xung nhịp GPU hiện thời của VGA thể hiện bằng số xung nhịp tính bằng MHz
      • Memory Clock: xung nhịp bộ nhớ hiện thời của VGA thể hiện bằng số xung nhịp tính bằng MHz
      • Memory Usage: số lượng % tài nguyên bộ nhớ mà card sử dụng cho ứng dụng game hoặc benchmark thể hiện bằng dung lượng bộ nhớ tính bằng MB
      • Framerate: số khung hình trên giây hiện thời của game hoặc benchmark thể hiện bằng số FPS
      • Frametime: thời gian để dựng được một khung hình cho game hoặc benchmark thể hiện số ms
      • GPU voltage: hiển thị mức điện thế cấp hiện thời cho GPU tính bằng V
      Thế là xong phần thiết lập trong MSI Afterburner. Cuối cùng chúng ta sẽ mở Riva Tuner lên để chỉnh vị trí xuất hiện các dòng thông số trên lên màn hình game hoặc benchmark.

      Để mở Riva Tuner thì ta phải vào chỗ phần thanh thông báo của Windows để mở.

      9.png

      Sau khi mở chúng ta sẽ thiết lập như hình dưới:

      10.png

      Con số 60 ở trên hình vẽ màn hình của Riva Tuner là nơi chúng ta sẽ nhìn thấy các thông số hiển thị đã được ta thiết lập trong MSI Afterburner khi chơi game hoặc benchmark. Lúc đầu tiên khi mở, nó nằm phía góc trên bên tay trái, nhưng vị trí đó rất khó theo dõi khi hầu hết các game đều để HUD nằm ở vị trí này. Vì thế để các thông số nằm ở phía phải góc trên, tôi click chuột vào hướng mũi tên xanh bên phải góc trên hình vẽ màn hình monitor.

      Sau khi thiết lập xong xuôi, chúng ta sẽ mở các chương trình và game sau để test thử ép xung:
      • Unigine Heaven DX11 Max Settings 1080p
      • Unigine Valley DX11 Max Settings 1080p
      • Metro Last Light Max Settings, PhysX ON, 1080p
      • Tomb Raider Ultimate Settings 1080p
      • GRID Autosport Max Settings 1080p
      Chạy ít nhất mỗi game/benchmark 2 lần, mỗi lần khoảng 15-20 phút, nếu game/benchmark không xảy ra hiện tượng như chạy được khoảng 1-2 phút thoát ra và thông số card bị trả về mặc định thì chúng ta cứ tiếp tục kéo xung GPU lên chừng nào game/benchmark bị hiện tượng trên thì dừng lại, lấy thông số xung GPU trước đó chạy được làm mốc tới hạn ép xung của card.

      Với phương pháp này tôi đã kéo được xung boost GPU GTX 960 Strix lên đến 1420MHz.

      2.png
      1.png
      Tiếp theo chúng ta sẽ tiến hành ép xung thành phần cuối cùng là bộ nhớ VGA. Phần này cũng được thực hiện theo phương pháp y hệt như phần ép xung nhân GPU. Tức là bạn hãy kéo xung memory mỗi lần khoảng 50MHz và test thử với các game và benchmark trên ít nhất 2 lần xem có gặp lỗi rác hình (artifact) không? Nếu không chúng ta cứ kéo mỗi lần 50MHz như vậy, chừng nào bị rác hình thì dừng.

      Với cách này tôi đã kéo mức xung bộ nhớ của GTX 960 Strix là 8000MHz tương đương với xung hiệu dụng là 2000MHz.

      2.png
      1.png

      Và thế là tôi đã tìm được mức xung nhịp ép ổn định cho GPU và bộ nhớ của GTX 960 Strix là 1420MHz/2000MHz. Nên nhớ là các card đồ họa Kepler cũng có phương pháp ép tương tự như Maxwell, do đó với bài viết này bạn vẫn có thể tham khảo cho việc ép xung các card đồ họa Kepler đời cũ có hỗ trợ GPU Boost 1.0.
      Chỉnh sửa cuối: 29/5/15
    5. Tot
      Tot
      Chi tiet nhung neu the ban nen test la mot chut
    6. giaqua
      giaqua
      đang tìm hiểu cám ơn vì bài viết khá chi tiết
    7. quiyeu
      quiyeu
      con 960 này nhìn cũng đẹp phếch ra nhỉ ^^
    8. motngay
      motngay
      sài nguồn 420W vẫn chạy tốt thế cơ á, ngon lành cành đáo luôn
    9. metmoi
      metmoi
      con này hỗ trợ ep xung nên chỉnh cũng nhanh quá hén

Chia sẻ trang này