Vô tình đi mua card đồ họa nhân dịp thằng em mới đậu đại học, mình được giới thiệu em HIS Radeon RX 460 4GB, nhưng thằng em bảo là nó thích nVidia GTX 750Ti. May sao gặp ngay “xếp” lúc đó đi ra, “xếp” bảo là thôi em cầm luôn 3 con HIS Radeon RX 460 4GB, nVidia Geforce GTX 750Ti 2GB, nVidia Geforce GTX 950 2GB về test rồi thích con nào thì lấy con đó. (Cash & Carry ) Kết quả có thể thấy được ở trên tên thread này nhưng khoan đã, vì sao lại chọn HIS Radeon RX 460 4GB? Xin mời đọc tiếp nhé H.I.S là ai? (Dành cho các bạn chưa biết H.I.S như em mình chẳng hạn) H.I.S được viết tắt từ Hightech Information System Limited là một công ty Hồng Kông chuyên sản xuất card đồ họa AMD được thành lập từ năm 1987. Sản phẩm của HIS có chất lượng tốt, kèm theo những giải pháp tản nhiệt ưu việt nổi tiếng ở VN như IceQ, IceQX, iCooler, … Tuy vậy giá của card đồ họa HIS lại rất tốt giành cho những bạn thích ngon – bổ - rẻ. Đập hộp HIS Radeon RX 460 4GB Mặt trước hộp là hình ảnh con hổ (giấy) Trên mặt trước cũng ghi rất rõ thông tin: Radeon RX 460, phiên bản 4GB, dùng tản nhiệt iCooler. Cùng với đó là một loạt công nghệ HDR, FreeSync, DirectX 12 và FinFET 14 Mặt bên chúng ta có tem thông tin sản phẩm và dòng sản phẩm Radeon RX 460 4GB. Ngó hộp thế là đủ, đập cái hộp. Chúng ta có con card (tất nhiên rồi), dây chuyển nguồn 6 pin, sách hướng dẫn và đĩa driver (cơ mà mình không còn dùng ổ DVD nên cứ lên mạng download bản mới nhất vậy). Nhân vật chính, con card, nó đây. Hòa chung vào "xu thế kim loại hóa" lan từ điện thoại di động sang đến con card thì HIS Radeon RX 460 cũng sử dụng kim loại cho mặt trước của mình. Vẫn hình dáng con hổ (lần này là kim loại). Mặt được hoàn thiện bằng sơn tĩnh điện rất tốt. (Thích à nha ). Bản này dùng 1 quạt lớn 92 mm (lấy thuớc đo muốn chết ) để làm mát cho GPU RX 460. Còn cánh quạt thiết kế bla bla thì để bạn nào chuyên ngành khí động học nhận xét. Riêng mình trong quá trình test thử thấy êm ái. Còn nóng hay không thì thôi để phân dưới. Card này có 3 cổng giao tiếp khác nhau gồm DVI-D, HDMI và Display Port. Nghe đồn là HDMI 2.0b và Display Port 1.4 thì phải. Nhìn dưới đít em nó lên thì nguyên 1 khối nhôm tản nhiệt lớn. Ở góc này chúng ta thấy được chi tiết khối tản nhiệt của con HIS Radeon RX 460 này. Card sử dụng 1 đầu nguồn PCI-E 6 pin (Wt... à thôi), tiêu thụ điện thì có ở phần sau nhé. (Hức, tốn hết 460k đi mua thiết bị đo điện để test) Mặt sau của em nó, cũng chẳng thấy đẹp xấu gì. chỉ toàn thấy linh kiện nhỏ li ti. Cấu hình test và settings CPU: Intel Core i7 5820K Mainboard: MSI X99S GAMING 7 RAM: Gskill Ripjaws V 16GB (4x4GB) 2133Mhz SSD: Samsung 850Evo 250GB HDD: WD Blue 2TB PSU: FSP Aurum S 500W VGA đem ra test: - HIS Radeon RX 460 4GB - Gigabyte Radeon R9 285 Windforce 2GB - Geforce GTX 950 2GB (Base 1024 Mhz/Boost 1188Mhz) - Geforce GTX 750Ti 2GB (Base 1020 Mhz/Boost 1085Mhz) GPU-Z Driver: - AMD Crimson 16.8.3 - nVidia Geforce 372.70 Game và Settings * Tất cả các game sử dụng là game bản quyền, đã được cập nhật lên phiên bản mới nhất ở thời điểm benchmark. - Dota 2: DX11 - 1080p - Best Looking. Xem 1 trận đấu giống nhau. Dùng Fraps benchmark lại giữa trận. - Counter-Strike: Global Offensive: 1080p - Very High Preset. Xem 1 trận đấu giống nhau. Dùng Fraps benchmark lại 3 round đầu. - Overwatch: 1080p - Ultra Preset. Dùng fraps benchmark giữa - cuối trận. (có thể chênh lệch 5% nhé, vì cảnh và diễn ra không giống nhau giữa các lần chơi) - Battlefield 1: 1080p - High Preset (Link). Dùng fraps benchmark khi vào trong camp (giữ flag). (có thể chênh lệch 5% nhé, vì cảnh và diễn ra không giống nhau giữa các lần chơi) - Battlefield 4: 1080p - High Preset (Link). Dùng fraps benchmark trong màn Singapore lúc đổ bộ. (có thể chênh lệch 5% nhé, vì cảnh và diễn ra không giống nhau giữa các lần chơi) - Thief: 1080p, Very High (Link) - The Witcher 3: Wild Hunt: 1080p, High Preset, nVidia Hair: Off (link) - Rise of the Tomb Raider: DirectX 12 - 1080p - High Preset (Link) - Grand Theft Auto V: 1080p - Medium - High - Hitman 2016: 1080p - High (Link) - Total War: Warhammer - 1080p - Ultra Preset - Ashes of the singularity: 1080p - High Preset Bug BIOS Đầu tiên là bug này không làm ảnh hưởng hiệu năng. Nhưng nó sẽ khiến điện áp bị sai. Các bạn để ý State 6 (1179Mhz) và State 7 (1219Mhz) và điện áp tương ứng sẽ thấy điện áp state 6 bị sai. Mình set lại mức điện state 6 là 1080 và state 7 để 1100 là ok. Mình đã benchmark thử thì không thấy chênh hiệu năng. 3DMark: Bắt đầu từ test tiêu chuẩn nhất hiện nay là 3DMark FireStrike. Chúng ta thấy RX 460 hơn GTX 750Ti tầm 1200 điểm nhưng thua GTX 950 tầm 600 điểm. Riêng R9 285 vẫn cho điểm số vượt trội với nhóm còn lại. Qua đến 3DMark TimeSpy, phát triển trên DirectX12. Chúng ta thấy khoảng cách giữa RX 460 và GTX 950 đã thấp lại chỉ cò 60 điểm chênh lệch. Khoảng cách giữa RX460 và GTX750Ti vẫn rất xa đến 470 điểm. R9 285 vẫn cho thấy khoảng cách rất xa đến nhóm còn lại bên dưới. Counter Strike: Global Offensive Với game thể thao eSport CS:GO, chúng ta thấy rằng khung hình trung bình của RX460 vượt qua một chút so với GTX950 trong khi khung hình thấp nhất của 2 card này là tương đương. GTX750Ti bị nhóm GTX950 và RX 460 bỏ lại khá xa. Dẫn đầu vẫn là R9 285 với sức mạnh trội hơn. DOTA 2 Một game thể thao với tiền thưởng liên tục tăng trong những năm gần đây với những series giải được tổ chức rộng khắp thế giới. Trong game DOTA2 này chúng ta thấy GTX950 vượt lên hoàn toàn RX460, tuy nhiên RX460 vẫn giữ một khoảng cách an toàn với GTX 750Ti. R9 285 vẫn tiếp tục dẫn đầu tuy không còn khoảng cách xa với nhóm còn lại. Overwatch Một game ra mắt từ đầu năm nay và nhanh chóng là một trong những game có lượng người chơi đông đảo nhất hiện nay ở Hàn Quốc, sức nóng của game đang lan tỏa mạnh ở Việt Nam. Chúng ta thấy RX460 và GTX950 tiếp tục so kè nhau trong game này nhưng GTX950 vượt lên 1 chút với 5fps. Bám sát RX460 là GTX750Ti với 3 fps thấp hơn. Vượt trội với nhóm dưới, R9 285 cho thấy sức mạnh kinh khủng ở game Overwatch này. Battlefield 1 (Open Beta) Loạt game nổi tiếng Battlefield đã được "reset" lại với chiến tranh lấy bối cảnh từ thời chiến tranh thế giới thứ 1, chúng ta có ngựa, vũ khí thô sơ nhưng gameplay vẫn rất đỉnh. RX460 và GTX950 vẫn so kè cực kì quyết liệt nhưng chiến thắng lần này lại thuộc về RX460 với khoảng cách 3fps. GTX750Ti đuối hơn chút nhưng vẫn được 43.2 fps, thua 10 fps so với GTX950. Vẫn nằm trên đỉnh là R9 285 được 69 fps. Battlefield 4 Phiên bản đạt được thành công lớn của loạt game Battlefield. Battlefield yêu cầu cấu hình cao để có thể có được hình ảnh đẹp nhất. Ở settings High thì RX 460 nằm giữa GTX950 và GTX750Ti, Riêng R9 285 vẫn duy trì sức mạnh vượt trội. Thief Nhận game lúc mua R9 285, mình đem ra bench luôn. RX460 ngang ngửa GTX950 trong game này khi chênh lệch chỉ là 1-2fps. Tuy nhiên GTX750Ti lại tuột lại khá xa với GTX950 và RX 460. Bất ngờ là R9 285 lại đánh mất phong độ và chỉ hơn GTX950 3fps. The Witcher 3: Wild Hunt Một game open world đẹp và thu hút rất nhiều người chơi ở Việt Nam cũng như thế giới. RX460 và GTX950 tiếp tục so kè nhau sát ván với khoảng cách chỉ là 1-2 fps nghiêng về RX460. Đặc biệt là R9 285 có lẽ vì bị tràn VRAM nên bị "thọt" lại. Về chót lại là GTX 750Ti với khoảng cách đến nhóm đầu là khá xa đến 8 fps. Grand Theft Auto V Một game Open World làm mưa làm gió tại Việt Nam trong năm 2015, GTA V với hình ảnh đẹp và siêu nặng tiếp tục làm những card đồ họa mới nhất lê lết. Vì chỉ có 2GB VRAM nên chỉ đế được cấu hình trung bình. RX460 và GTX950 tiếp tục so kè sát với phần thắng lần này lại là GTX950 với khoảng cách 4 fps. Nằm cuối bảng lại là GTX750Ti với khoảng cách 14 fps với RX460. R9 285 tiếp tục dẫn đầu nhưng khoảng cách không lớn. Rise of The Tomb Raider Game này mình sẽ test ở DirectX 12, game có hình ảnh rất đẹp, đây có lẽ sẽ là game hay nhất năm nay. Vẫn không có gì đổi khi GTX950 và RX 460 tiếp tục thành một cặp song hành với khoảng cách chênh lệch là 3fps và tiếp tục bỏ xa GTX750Ti đến 8fps. Sức mạnh vượt trội giúp R9 285 vượt hẳn so với nhóm RX460/GTX950. Hitman 2016 Game về điệp viên Hitman, game này mình tiếp tục test DirectX 12. Lần này thì RX460 vượt hẳn với GTX950 và GTX750Ti nhờ khả năng hỗ trợ DirectX12 tốt hơn. RX460 đem đến hiệu năng gần ngang cơ R9 285. Total War: Warhammer Nằm game nổi tiếng Total War, game thủ yêu thích loạt game này muốn trải nghiệm mức Ultra settings thì sẽ cần card đồ họa như RX460. Ở phép thử này mình tiếp tục test trên nền DirectX 12. Chúng ta thấy RX 460 tiếp tục vượt xa GTX950. R9 285 tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình. Riêng GTX750Ti không thể chạy game này ở chế độ DirectX 12. Ashes of the Singularity Tựa game DirectX 12 "đầy đủ" được ra mắt. Chúng ta thấy hiệu năng GTX950 và RX460 hoàn toàn tương đương. GTX750Ti tiếp tục thua 5 fps với nhóm GTX950 và RX460. R9 285 vượt trội hoàn toàn với nhóm còn lại. Update: Driver Crimson 16.9.1 cải thiện hiệu năng chút ít trên RX 460 HEVC Video Player Setup đơn giản là dùng Windows Media Player chơi file HEVC trực tiếp sau khi cài driver . Nhưng mình thì lại muốn có thông số để show lên cho anh em. Ban đầu cài đặt K-Lite Codec thì mình chọn DXVA2 (Copy-back) như mọi khi thì giật 1 giây và không play-back được 200Mbits trở lên. Sau khi được hướng dẫn chọn lại DXVA2 (native) lúc cài đặt thì mở lên ngay và play-back cực mượt cực tốt. Hình ảnh đẹp, chi tiết, sáng. Nói chung là cực kì hài lòng. HEVC 10 bit 60fps 123Mbits HEVC 10 bit 29.97 fps 200Mbits Tiêu thụ điện Nhờ xuống 14nm FinFET nên tiêu thụ điện của RX460 là rất tốt, dù hơn 2GB VRAM nhưng vẫn tiêu thụ điện ít hơn GTX950 và chỉ nhiều hơn GTX750Ti khoảng 13 Watt trong phép thử 3DMark FireStrike. Nhiệt độ Nhiệt độ trong phòng của mình được duy trì ổn định quanh mức 26 độ C. Mình test trên benchtable. Quạt của RX 460 không quay. Nhiệt độ Idle xoay quanh mức 33-35 độ. Rất mát. Khi Stress Test với 3DMark FireStrike liên tục trong 7 phút thì nhiệt độ tối đa ghi nhận là 69 độ. Khi so sánh với 750Ti 1 quạt và GTX950 2 quạt thì RX460 mát hơn 1 chút. Tổng kết - HIS Radeon RX 460 4GB cho hiệu năng DX11 kém một chút so với GTX950 nhưng với DirectX 12 thì RX 460 4GB vượt lên trên một chút. Nên tổng hợp lại mình cho kết quả hòa giữa RX 460 và GTX950. Nếu chọn thì nên chọn RX 460 vì giá rẻ hơn, có thể lựa chọn giữa 2GB hoặc 4GB VRAM, tiêu thụ điện thấp hơn GTX950. - Về media thì RX460 cũng hỗ trợ HEVC 10 bit với màu sắc tốt hơn (GTX 950 chỉ hỗ trợ 8bit và màu sắc thì không tốt bằng dù đã chỉnh Full Range 0-255, Digital Vibrance 50% - chỉnh lên cao hơn màu không còn chuẩn xác). - RX 460 hỗ trợ Full DirectX 12 / Vulkan sẽ là điểm cộng cho các bạn muốn trải nghiệm những game được phát triển trên công nghệ này trong tương lai. - RX 460 hỗ trợ Display Port 1.4 và HDMI 2.0b sẽ giúp bạn xem được HDR Movie trong tương lai. - Điểm trừ đầu tiên đó chính là thiết kế 1 quạt không bắt mắt, nhưng nhờ vậy chúng ta có 1 mức giá rất dễ chịu. - Điểm trừ thứ 2 là card cần phải có nguồn phụ PCI-E 6pin. Nhưng hãy vui vẻ bỏ qua điểm trừ này vì tiêu thụ điện chỉ nhỉnh hơn 1 chút không đáng kể so với GTX 750Ti và chúng ta không cần nguồn có PCI-E 6 pin khi nhà sản xuất đã tặng cho chúng ta sẵn đầu chuyển trong hộp. Nguồn: Vozforums.com