HTC One X+: Bản nâng cấp “nhẹ” từ One X

Thảo luận trong 'Thông tin Tổng hợp' bắt đầu bởi am_kingsp, 17/1/13.

  1. am_kingsp

    am_kingsp smaller ^^ Thành viên BQT

    Bài viết:
    1,813
    Ra mắt ngót 10 tháng, HTC One X dường như đã lu mờ bởi hình bóng của chiếc Samsung Galaxy S III, Note II hay sự đình đám của iPhone 5, sản phẩm mới nhất của Apple. Có một điều bất lợi là tuy không phải tất cả, nhưng một bộ phận lớn người dùng và các trang tin công nghệ đều đem One X vào cuộc so tài giữa màn hình, camera, thời lượng pin, hiệu năng…và phần thua thường được dành cho One X.

    Không thể phủ nhận rằng One X đang là chiếc smartphone có màn hình đẹp nhất nhì thế giới, nhưng chỉ mỗi màn hình thôi thì chưa đủ. Chính vì vậy mà 8 tháng sau, HTC đã cho ra mắt một phiên bản nâng cấp dành cho One X - HTC One X Plus, để tiếp nối cuộc đua cấu hình chưa bao giờ hạ nhiệt giữa các smartphone Android. Vậy One X+ có gì khác biệt so với One X? Bản nâng cấp này có phải “big update” không hay chỉ đơn giản là nâng cấp nhẹ? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về điều này.

    Thiết kế: Đẹp, sang trọng và tinh tế

    Rõ ràng ngôn ngữ thiết kế của HTC đã bắt đầu thay đổi từ dòng sản phẩm One. Không còn mặt lưng có thể tháo ra được, một phần của nắp lưng mở ra được để dựng điện thoại xuống bàn, hay chất liệu nhựa trông có vẻ rẻ tiền nữa. One X và One S đều được thiết kế nguyên khối, sử dụng vỏ kim loại (One S) hay polycarbonate như One X. Tiêu chí này tiếp tục nhìn thấy ở HTC 8X, 8S và chiếc điện thoại màn hình fullHD sắp ra mắt của hãng, HTC Butterfly.

    [​IMG]

    HTC One X+ có ngoại hình gần như giống hoàn toàn so với One X, ngoại trừ một số thay đổi nhỏ. Chất liệu HTC sử dụng trên One X+ vẫn là Polycarbonate, tuy nhiên đã được phủ một lớp cao su mỏng chứ không phải bề mặt trơn bóng như người tiền nhiệm. Lớp cao su mờ giúp X+ trông sang trọng hơn rất nhiều, tuy nhiên nó vẫn mắc một điểm yếu cố hữu là khá bám vân tay. Dù vậy, người dùng hoàn toàn có thể xóa sạch bằng một chiếc khăn tay.

    [​IMG]

    Một điểm khác biệt nữa là cụm phím Navigation (back, home, recent app) trên X+ có màu đỏ thay vì trắng như trước. Camera sau giờ đây có một viền đỏ bao quanh khá đẹp. Nhìn chung X+ trông có vẻ tinh tế hơn người đàn anh One X ở tông màu đỏ mang tính điểm nhấn trên nền đen của thiết bị.

    [​IMG]

    Với thiết kế nguyên khối và chút đỏ - đen, tôi đánh giá One X+ là một trong những chiếc smartphone đẹp nhất trên thị trường hiện nay. Chất lượng gia công sản phẩm rất tốt, gần như không thể tìm thấy bất cứ vị trí nào “ọp ẹp” trên thiết bị.

    Cụm lỗ vi khoan của loa thoại (và cả loa ngoài phía mặt lưng) cũng là một chi tiết tôi khá ưng ý trên HTC One X+. Nó không phải đơn giản chỉ là “làm cho có” giống như một số smartphone khác trên thị trường, mà chi tiết này cũng góp phần khiến sản phẩm trông đẹp mắt hơn.

    [​IMG]

    Có một chi tiết khá thú vị bắt đầu xuất hiện từ những sản phẩm thuộc dòng One, đó là đèn notification. Trên chiếc X+, đèn này nằm ở một lỗ nhỏ của loa thoại. Nhưng dường như HTC vẫn chưa rút kinh nghiệm khi thiết kế đèn báo “nhỏ xíu” như thế này. 8 tháng trước khi One X ra mắt, người dùng đã chê khá nhiều khi hãng tích hợp đèn báo quá nhỏ, hơn nữa lại còn nằm sâu trong lỗ vi khoan khiến chỉ cần nghiêng điện thoại đi một chút đã không nhìn thấy được nữa.

    [​IMG]

    Không hiểu sao dù đã rút kinh nghiệm trên chiếc HTC 8X (đèn notification của 8X cũng nằm trong cụm lỗ vi khoan của loa thoại, nhưng đã to và sáng hơn) nhưng HTC lại không áp dụng điều đó với One X+? Có lẽ nếu HTC chịu lùi ngày ra mắt của X+ thêm 1 tháng, cùng lúc với 8X (tháng 9/2012) thì mọi thứ đã khác.

    Đáng tiếc là camera, một trong những điểm yếu từ thời One X vẫn chưa được HTC sửa đổi. Camera 8MP mặt sau vẫn nhô cao hơn rất nhiều so với tiết diện của mặt lưng, khi đặt điện thoại xuống mặt bàn thì lớp kính của camera là nơi bị tiếp xúc nhiều nhất và có nguy cơ xước rất cao. Thực tế thì 1 tuần sử dụng thiết bị, kính chắn camera trên chiếc X+ đã xuất hiện vài vết xước dăm mặc dù tôi sử dụng máy khá cẩn thận.

    [​IMG]
    Camera trên X+ rất dễ xước.

    Cảm giác cầm: Chưa thực sự tốt

    Với 135 gram, HTC One X+ chỉ nặng hơn One X 5 gram, không đáng kể và tôi không nhận ra có gì khác biệt khi cầm One X rồi đổi sang X+. Máy vẫn khá đầm tay và chắc chắn. Thứ khác biệt duy nhất khi bạn cầm sang X+ có lẽ chỉ là cảm giác “mịn tay” hơn bởi máy được phủ một lớp cao su mỏng mà thôi.

    Tuy thiết kế khá đẹp và sang trọng, nhưng HTC One X+ không phải là một chiếc điện thoại cho cảm giác cầm tốt. Trước khi nhận chiếc X+ từ HTC, điện thoại tôi sử dụng là chiếc Samsung Galaxy S III. Mặc dù phải thừa nhận là S III có thiết kế không đẹp, build quality khá tệ nhưng S III cho cảm giác cầm rất tốt, ôm tay và thoải mái mặc dù màn hình lớn hơn X+.
    [​IMG]

    Cất S III vào hộp, điều đầu tiên tôi nhận thấy khi chuyển sang X+ là cảm giác máy rất to và cầm khá ngượng tay. Thật vậy, HTC vẫn giữ y hệt kiểu dáng thiết kế từ One X nên hai bên được vát khá vuông thành sắc cạnh. Điều này gây ra cảm giác cấn tay khi cầm vào One X+, và sẽ hơi “chới với” khi sử dụng điện thoại bằng 1 tay.

    Cảm giác bấm phím: Chưa thực sự tốt

    Trước tiên phải nói tới việc thiết kế vị trí phím bấm trên One X+. Như đã đề cập ở phần trên của bài viết, X+ có kích thước khá to. Nhưng HTC lại đặt nút nguồn ở tận cạnh trên của thiết bị, việc người dùng cầm một cách thoải mái X+ trên tay mà vẫn bấm được nút nguồn (một cách thoải mái) là điều không thể. Mỗi khi rút điện thoại ra bằng một tay và nhấn phím nguồn để mở khóa, tôi đều phải với ngón tay trỏ khá nhiều để có thể bấm vào phím power.

    [​IMG]
    Khi cầm bình thường.
    [​IMG]
    Bạn sẽ phải với ngón tay nếu muốn bấm nút nguồn.

    HTC thiết kế phím power có chút vướng víu bởi nó được đặt hơi nghiêng, người dùng sẽ cảm thấy phím khá chìm bởi các cạnh được bo khá sắc chứ không bo tròn.

    Cụm phím tăng/giảm âm lượng cũng tỏ ra hơi khó nhấn và gần như không có hành trình phím. Cũng với lý do của phím nguồn, HTC thiết kế cụm tăng/giảm âm lượng hơi chìm và các cạnh bị bo khá sắc chứ không phải bo tròn, nên việc nhấn một cách thoải mái các phím cứng trên thiết bị sẽ hơi khó.

    Tuy nhiên, đó là cái giá phải trả cho một thiết kế nguyên khối, chắc chắn và quan trọng là “nhất quán”. Thiết kế phím cứng nhô hẳn ra khỏi form của thiết bị giúp việc nhấn nút dễ dàng hơn, nhưng bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ các nút đó do nhô cao sẽ dẫn tới ọp ẹp và lung lay giống như nút chụp ảnh 2 hành trình phím trên 1 số smartphone).

    Màn hình: Trong trẻo, mịn và sắc nét

    Vẫn Super IPS LCD2 4,7 inch độ phân giải 720 x 1280 pixels và mật độ điểm ảnh 312 ppi, màn hình trên HTC One X+ chỉ nâng cấp ở mặt kính cường lực Gorilla Glass 2. Tuy không có gì thay đổi ở công nghệ màn hình, nhưng X+ vẫn được mệnh danh là một trong những smartphone có màn hình đẹp nhất thế giới, hình ảnh cho ra khá sắc nét, đẹp và trong trẻo.

    Một điểm tôi buộc phải khen ngợi khi chuyển từ màn hình Super AMOLED sang HTC One X+ là hình ảnh trên chiếc điện thoại này hiển thị rất có chiều sâu và mịn màng, ngay cả khi đặt điện thoại vào gần hơn mức bình thường cũng khó có thể phát hiện ra tình trạng hạt. Khó có thể chê điểm gì ở Super IPS LCD2.

    [​IMG]
    Màn hình hiển thị dưới nắng khá tốt.

    X+ hiển thị ngoài trời khá tốt. Khi đem ra ngoài trời nắng, vẫn có thể nhìn rõ các icon, hình ảnh và sử dụng bình thường. Tuy nhiên bạn cần lựa chọn góc nhìn hợp lý, bởi lớp kính trên X+ trơn và bóng, sẽ phản chiếu rất nhiều hình ảnh xung quanh ở một số góc nhìn.

    Khả năng chụp ảnh: Tốc độ chụp nhanh, chất lượng ảnh chưa tốt

    Nói về máy ảnh trên HTC One X+, tôi sẽ đề cập tới 2 vấn đề: Tốc độ chụp ảnh và chất lượng ảnh chụp. Vẫn 8MP và giao diện chụp ảnh gần như không thay đổi, nhưng điểm sáng giá trên chiếc X+ là tốc độ chụp đã nhanh hơn đáng kể so với người đàn anh One X. Khi ấn vào icon Máy ảnh, giao diện chụp bật ra gần như tức thời, và việc tự động lấy nét được thực hiện ngay sau đó. Tốc độ chụp được cải thiện rất nhiều, việc chụp liên tục 20 tấm ảnh trên One X+ mất ít thời gian hơn so với One X.

    Tuy nhiên, chất lượng ảnh chụp cho ra có phần kém cạnh hơn so với các siêu phẩm ngang tầm trên thị trường. X+ chụp trong điều kiện đủ sáng chỉ tạm được, chứ chưa thể nói là đẹp. Màu sắc tái hiện chưa tốt và có phần nhợt nhạt, độ tương phản không cao. Tất nhiên việc đó không có nghĩa là bạn không thể chụp đẹp, mà để chụp ra một tấm ưng ý sẽ tốn thời gian căn chỉnh hơn một chút.

    [​IMG]
    (ấn vào hình để xem ảnh lớn).
    [​IMG]
    (Ấn vào hình để xem ảnh lớn).
    [​IMG]
    Màu trời thể hiện chưa được tốt.

    Chất lượng ảnh nội cảnh và thiếu sáng khá tệ, ảnh noise và tình trạng flare (ảnh bị lóa sáng thường gặp khi chụp nguồn sáng mạnh) khá trầm trọng.

    [​IMG]
    Ảnh chụp nội cảnh khá noise (Ấn vào hình để xem ảnh lớn).
    [​IMG]
    (Ảnh chụp đêm bị lóa sáng và noise cao).

    Camera trước đã được nâng lên thành 1,6MP. Nhìn chung, không có gì khác biệt lắm so với camera trên One X. Đối với việc quay phim cũng vậy, người dùng có thể chụp ảnh trong khi quay, chất lượng video cho ra ở mức tạm ổn. Chỉ có một điều là quay fullHD có vẻ hơi “quá sức” bởi trong quá trình quay đôi lúc hơi giật.

    HTC Sense 4+: Chỉ là nâng cấp nhẹ

    Cùng với hệ điều hành Android 4.1.1, HTC đem đến cho One X+ giao diện HTC Sense 4+ mới nhất của hãng. Tuy nhiên, đây không phải là một đột phá từ giao diện, mà đơn giản chỉ là một nâng cấp nhẹ từ Sense 4.0 mà thôi. Điều tôi cảm nhận thấy rõ ràng nhất ở Sense 4+ là nó hoạt động nhanh và mượt mà hơn Sense 4, nhưng có lẽ do chạy cùng HĐH 4.1 với Butter Project.

    Điều tôi khá thích trên HTC Sense là mục “Cá nhân hóa điện thoại”. Ở đây bạn có thể chỉnh nhiều thứ, nhưng thứ thu hút tôi nhất là Phong cách màn hình khóa và Giao diện nền. HTC bổ sung thêm Theme Thép, Than Chì và Bê tông cho Sense 4+, trông khá đẹp mắt và ấn tượng.

    [​IMG]

    Tuy nhiên những gì xuất hiện khi kéo thanh notification vẫn khá đơn điệu. Không có tùy chỉnh nhanh bật/tắt wifi hay Data, Bluetooth, xoay màn hình ở đây. Chỉ có duy nhất thông tin về ngày ngờ, nút setting và tùy chọn bật tiết kiệm pin hiện ra. Bạn sẽ phải ấn tiếp vào Setting, hoặc kéo từng widget ra màn hình chính.

    [​IMG]
    Giao diện khi kéo thanh notification xuống khá đơn điệu.
    [​IMG]
    Bạn phải kéo widget ra màn hình nếu muốn nhanh hơn.

    Nhìn chung trái với giao diện TouchWiz của Samsung, TimeScape của Sony hay Android gốc, thay vì “show” càng nhiều tùy chỉnh càng tốt ra ở khu vực notification, HTC cố gắng gói gọn hết chúng lại trong Sense 4+ (và các giao diện Sense đời trước).

    [​IMG]
    Phần setting.

    Có một số điểm tôi thấy chưa hợp lý trong giao diện này. Vẫn giống như Sense 4.0, phím Recent App khi nhấn vào sẽ hiện những ứng dụng đang chạy, nhưng vẫn chưa có tùy chỉnh Task Manager. Điều này có phần hơi bất tiện đối với những người dùng muốn “clear RAM”. Thay vào đó bạn sẽ phải tìm icon “Quản lý tác vụ” để vào Task Manager.

    Hiệu năng: Nhanh hơn, nhưng nóng máy

    Phần cứng trên HTC One X+ đã được cải thiện đôi chút. Máy sử dụng vi xử lý NVIDIA Tegra 3 AP37 bốn nhân, xung nhịp 1,7 GHz, và chip đồ họa ULP GeForce 2, mạnh hơn so với Tegra AP33 và ULP GeForce trên One X. Trong suốt quá trình sử dụng tôi không cảm thấy máy giật ở bất kì thao tác nào, kể cả chơi game hay chạy đa nhiệm nhiều ứng dụng nặng.

    Tuy nhiên X+ khi chơi game rất nóng. Toàn bộ khu vực gần camera nóng lên nhanh chóng ở mặt sau, và chỉ 15 phút chơi game máy đã nóng tới mức bạn không muốn đặt tay vào vỏ máy nữa. Tôi có sử dụng phần mềm Battery Booster để đo nhiệt độ, và đây là kết quả sau khi chơi game:

    [​IMG]
    Máy rất nóng khi chơi game.

    Tôi không sử dụng nhiều phần mềm benchmark, ở đây chỉ có kết quả của Antutu Benchmark:

    [​IMG]

    Pin: Có cải thiện

    Nhưng không nhiều. Thời lượng pin được tăng lên 2100 mAh, ít ra cũng khá hơn One X. One X bị chê là thời lượng dùng pin quá tệ. Trong suốt quá trình sử dụng HTC One X+, có những ngày tôi dùng điện thoại rất nhiều, qua thực tế sử dụng có thể đánh giá thời lượng pin của X+ tạm ổn.

    HTC One X+ onscreen được khoảng trên dưới 5 tiếng. Tôi bắt đầu sử dụng điện thoại để lướt web liên tục qua wifi từ 7 giờ 30 sáng, tới khoảng gần 12 giờ, máy chỉ còn trên 20% pin 1 chút. Đến trưa về nhà tôi bắt buộc phải sạc tiếp để có thể dùng đến hết ngày.

    Cũng một buổi sáng khác, tôi onscreen liên tục từ 7 giờ 30 đến khoảng 10 giờ, máy lúc này còn 54% pin và chuyển qua chơi game. Dragon Slayer, một game đồ họa khá đẹp được download free trên Play Store được chọn để test pin. Khi chơi game máy tụt pin rất nhanh (đi kèm theo đó là vỏ máy khá nóng). Chỉ đến gần 11 giờ, One X+ đã báo battery low (dưới 15%) và tôi buộc phải dừng lại.

    [​IMG]
    Onscreen từ 7 giờ 30 tới hơn 10 giờ, máy còn khoảng 54% pin.

    Nhìn chung với thời lượng cầm máy lướt web liên tục, bạn sẽ khó có thể duy trì được lâu. Nhưng onscreen khoảng trên dưới 5 giờ cũng không quá thấp.

    Với những ngày sử dụng điện thoại ít, nghe gọi ở mức bình thường, nhắn tin nhiều, check mail nhiều và check Facebook thường xuyên thì One X+ trụ được tới hơn 6 giờ chiều với thời lượng pin xuống dưới 30% một chút. Với hiệu suất sử dụng như vậy, X+ hoàn toàn có thể trụ tiếp tới hết ngày nếu bạn không quá bận rộn vào buổi tối.

    Kết luận

    Tóm lại, HTC One X+ chỉ là một bản nâng cấp nhẹ so với HTC One X, sáng giá nhất là thời lượng dùng pin và tốc độ chụp ảnh. Thiết kế có phần sang trọng với lớp nhung mờ và không kém phần tin tế bởi màu đỏ của camera, logo Beat, cụm phím Navigation.

    Nếu người dùng đang có ý định mua một chiếc smartphone cao cấp, hãy bỏ qua One X và chọn HTC One X+. Tuy nhiên nếu đang dùng chính One X hay một chiếc smartphone khác cùng phân khúc cao cấp thì tốt nhất hãy để dành tiền cho tới đầu năm 2012, khi những siêu phẩm khác như HTC Butterlfy hay Samsung Galaxy S IV, iPhone 5s ra mắt.

    Ưu điểm:

    - Thiết kế đẹp, sang trọng, tinh tế.
    - Android 4.1.1 và HTC Sense 4+ nhanh và mượt mà.
    - Camera chụp ảnh và lấy nét rất nhanh.
    - Màn hình đẹp, hình ảnh hiển thị có chiều sâu, sắc nét.

    Khuyết điểm:

    - Các phím cứng bố trí chưa hợp lý, phím bấm khó.
    - Chất lượng ảnh chụp chưa tốt.
    - Giao diện Sense 4+ chưa hẳn là một nâng cấp sáng giá.
    - Máy rất nóng khi chơi game hay các tác vụ nặng.

    (Ảnh: Họa Hổ).
    genk
     

Chia sẻ trang này