Khác những phần cứng khác, việc nâng cấp (thay mới) card đồ họa và bo mạch chủ (BMC) thường không đơn giản chút nào. Ngoài lựa chọn theo khả năng tài chính hoặc theo yêu cầu công việc, bạn cũng cần xét đến những yếu tố khác như khả năng hỗ trợ của BMC, không gian bên trong thùng máy, công suất nguồn và số đường cấp nguồn cần đáp ứng v..v... PHẦN CỨNG [TABLE] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [/TABLE] Lựa chọn thông minh Nâng cấp card đồ họa mới, mạnh mẽ hơn sẽ cải thiện đáng kể khả năng xử lý đồ họa của hệ thống, nhất là với game thủ, có thể “phá băng” được nhiều game hơn. Tuy nhiên, dù không quan tâm đến vấn đề giá cả thì bạn cũng nên cân nhắc chọn card đồ họa phù hợp với cấu hình hiện tại, không quá mạnh hoặc quá yếu để tránh lãng phí. Hơn nữa, card đồ họa còn là 1 trong những phần cứng có tốc độ “đề mốt” nhanh; chẳng hạn vào thời điểm hiện tại, AMD và NVIDIA đã đưa ra thị trường những dòng card đồ họa thế hệ thứ 2 hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 11, bổ sung 1 số tính năng mới và có hiệu năng tốt hơn. Kết quả thử nghiệm tại Test Lab cho thấy card tầm trung (giá từ 200 – 300 USD, khoảng 4 – 6 triệu đồng) có sức mạnh tương đương hoặc cao hơn so với 1 số card dòng cao cấp (giá 500 USD, khoảng 10 triệu đồng) xuất hiện cách đây 1 – 2 năm. Kế tiếp, bạn cần xem xét khả năng hỗ trợ card đồ họa của BMC. Bỏ qua những BMC cũ hỗ trợ chuẩn giao tiếp AGP 8x đã lỗi thời, bài viết chỉ đề cập đến việc nâng cấp card đồ họa chuẩn PCI Express (PCIe) x16 phổ dụng hiện nay. Trường hợp hệ thống sử dụng đồ họa tích hợp, bạn cần kiểm tra xem BMC có sẵn khe cắm PCIe x16 không; tham khảo chi tiết trong tài liệu đi kèm BMC hoặc xem thông tin trên website nhà sản xuất (NSX). Nếu máy tính của bạn đang sử dụng card đồ họa rời thì hãy bỏ qua bước này. [TABLE] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [/TABLE] Tiếp theo, kiểm tra khả năng hỗ trợ của thùng máy. Cụ thể là khoảng cách từ khe gắn card mở rộng ở mặt sau cho đến vị trí gắn ổ cứng của thùng máy phải lớn hơn chiều dài card đồ họa. Dòng card đồ họa kích thước “full size” chỉ thích hợp với thùng máy chuẩn mid-tower (thùng đứng, cỡ trung) hoặc tốt nhất là full-tower (thùng đứng, cỡ lớn) với cấu hình CrossFire, SLI. Ngoài việc đảm bảo công suất cần đáp ứng cho toàn hệ thống thì bộ nguồn phải có đường cấp nguồn +12V (riêng cho card đồ họa) đạt mức khuyến cáo của NSX. Có thể dựa vào thông số kỹ thuật của phần cứng hoặc sử dụng tiện ích như extreme.outervision.com/psucalculatorlite.jsp, thermaltake.outervision.com/index.jsp hoặc antec.outervision.com để tính được tổng công suất bộ nguồn cần đáp ứng. Bạn cũng cần kiểm tra số đường cấp nguồn +12V PCIe của bộ nguồn. Dòng card đồ họa phổ thông thường không yêu cầu hoặc chỉ cần 1 đường cấp nguồn bổ sung trong khi dòng card tầm trung cần từ 1 đến 2 đường +12V PCIe (loại 6 chân và 8 chân). Dòng card cao cấp cần đến 2 đường cấp nguồn loại 8 chân và đặc biệt là dòng card đồ họa hàng “đỉnh” như Asus ARES cần đến 3 đường cấp nguồn (PCIe 8 chân, 1 PCIe 6 chân) đạt mức 40A. [TABLE] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [/TABLE] Cấu hình tham khảo Từ các lưu ý ở phần trên, để tiện bạn đọc tham khảo cách ra quyết định đầu tư vào loại card đồ hoạ nào chúng ta xét cấu hình dùng để thực hiện bài bài viết: BMC Asus P5K Pro (chipset Intel P35, socket 775LGA); BXL Intel Core 2 Extreme QX9650 (3,0GHz, 12MB cache L2, bus 1333MHz, socket 775LGA). RAM Corsair Dominator Twin2x4096-8500C5DF; Card đồ họa Gigabyte GV-N26OC-896H-B (Geforce GTX 260, 896MB GDDR3); Ổ cứng WD Caviar Black 2x1TB (RAID 0); Thùng máy Cooler Master Centurion 5; Bộ nguồn Corsair TX750W và HĐH Windows 7 Ultimate 64 bit. Cách đây vài năm, cấu hình trên có thể được xếp vào hạng cao cấp nhưng với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ phần cứng thì hiện nay cấu hình này chỉ được đánh giá “thường thường bậc trung”. Nâng cấp BXL hoặc card đồ họa mới sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất hệ thống. Tuy nhiên, BXL QX9650 là 1 trong những BXL mạnh nhất (chỉ sau QX9770 và QX9775) trong thế hệ BXL socket 775LGA của Intel. Vì vậy, nâng cấp card đồ họa là lựa chọn tốt hơn với cấu hình này. Với cấu hình trên thì chúng ta có thể chọn những card đồ họa như Asus EAH6850 DC/2DIS/1GD5/V2 hoặc Gigabyte GV-R685OC-1GD (sử dụng GPU AMD Radeon HD 6850) nếu ngân sách của bạn chỉ khoảng 4 triệu đồng hoặc Asus ENGTX560 Ti DCII/2DI/1GD5 (Geforce GTX 560 Ti), giá khoảng 5,5 triệu đồng. Asus ENGTX560 TI DCII TOP/2DI/1GD5 và Gigabyte GV-N560OC-1GI (pcworld.com.vn/A103_46) cũng sử dụng GPU Geforce GTX 560 Ti nhưng có giá cao hơn (khoảng 6-6,3 triệu đồng) vì đã được NSX ép xung sẵn trước khi xuất xưởng. [TABLE] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [/TABLE] Xét tỷ lệ giữa hiệu năng/chi phí, cấu hình và thông tin tham khảo từ nhiều nguồn thì Asus ENGTX560 Ti DCII/2DI/1GD5 là lựa chọn tốt. Card sử dụng kiến trúc Femi, sản xuất trên công nghệ 40nn với 384 “nhân” CUDA, xung nhịp (shader clock) 1.660MHz, tốc độ phủ vân (texture fill rate) đạt mức 52,5 tỉ/giây. Chip đồ họa Geforce GTX 560 Ti (GF114) chạy ở xung nhịp 830MHz, bộ nhớ GDDR5 dung lượng 1GB, xung nhịp đạt 1.200MHz và giao tiếp bộ nhớ là 256 bit. Card hỗ trợ thư viện đồ họa DirectX 11 và OpenGL 4.1. Tuy chưa có điều kiện thử nghiệm thực tế nhưng theo một số thử nghiệm của một số diễn đàn chuyên về công nghệ, mức độ cải thiện về hiệu năng đồ hoạ khi nâng cấp bằng card đồ hoạ này có thể đạt đến 50%. Hy vọng những bạn có kinh nghiệm quý báu về việc nâng cấp đồ hoạ cho những cấu hình khác sao cho “ngon, bổ, rẻ” sẽ chia sẻ thêm. Lắp ráp 1. Tải về trình điều khiển (driver) card đồ họa mới từ website NSX. 2. Gỡ cài đặt driver card cũ. Thậm chí cả khi card đồ họa cũ và mới sử dụng chip đồ họa của cùng NSX. [TABLE] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [/TABLE] 3. Tắt máy và rút cáp nguồn điện, cáp tín hiệu (VGA hoặc DVI) kết nối giữa card cũ và màn hình. 4. Tháo nắp đậy bên hông thùng máy. 5. Rút cáp PCIe cấp nguồn của card cũ. Tháo vít (hoặc chốt gài) giữ card đồ họa với thùng máy. 6. Đẩy chốt gài (của khe PCIe x16) giữ card đồ họa sang 1 bên và tháo card ra khỏi thùng máy. 7. Với card mới, ấn chặt card vào khe PCIe x16, bảo đảm các chân giao tiếp của card nằm hoàn toàn trong khe cắm trên BMC, sử dụng vít hoặc chốt gài để giữ card chặt vào thùng máy. 8. Gắn cáp cấp nguồn (2 PCIe loại 6 chân). Dùng các dây rút để buộc cáp nguồn gọn gàng, tạo sự thông thoáng bên trong thùng máy. 9. Gắn cáp tín hiệu giữa card mới và màn hình. Ưu tiên sử dụng DisplayPort hoặc DVI nếu màn hình hỗ trợ. [TABLE] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [/TABLE] 10. Trước khi kết thúc quá trình lắp ráp máy tính, hãy kiểm tra lại để đảm bảo cáp nguồn, cáp dữ liệu đã gắn kết đầy đủ. 11. Cấp nguồn và khởi động máy tính để kiểm tra. Cài đặt driver mới và chạy thử 1 vài game để đánh giá sức mạnh của card đồ họa mới. Hãy chắc chắn mọi thứ hoạt động tốt trước khi đóng nắp thùng máy. Lưu ý - Đeo vòng khử tĩnh điện (nếu có) hoặc chạm vào thùng máy để cân bằng tĩnh điện trong người. - Giữ card đồ họa trong túi bảo vệ cho đến khi cần sử dụng. Tham khảo: PC World Mỹ ,Test Lab, PC World VN