Nguồn thu từ hoạt động đào tạo chính quy của các cơ sở đào tạo đại học sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn ở góc độ xuyên quốc gia, song sẽ mở ra cơ hội cho các hình thức đào tạo trực tuyến. Sự phát triển của đào tạo trực tuyến tại Việt Nam trong 15 năm qua cho thấy đã mang lại nhiều lợi ích và đóng góp đáng kể cho kinh tế - xã hội của đất nước. Tinh thần ham học hỏi của người dân cũng như các ưu điểm đáng kể của đào tạo trực tuyến dự báo sẽ thúc đẩy hình thức đào tạo này phát triển mạnh trong thời gian tới nếu chúng ta giải quyết triệt để các vấn đề sau: Xem thêm: học đại học online Học quản trị kinh doanh online Học đại học từ xa đại học Mở Một là, việc cung cấp các hình thức đào tạo trực tuyến với các phương thức kết nối đa dạng và học liệu bao hàm cả lý thuyết và ứng dụng thực tiễn vào trong các học phần, học liệu đã được thực hiện. Một số cơ sở đào tạo đại học trong nước có lồng ghép thêm các chương trình giảng dạy của nước ngoài để đa dạng hóa nội dung học tập, tuy nhiên hiệu quả của việc ứng dụng trên thực tế vẫn chưa cao. Do đó, các cơ sở đại học cần lưu ý làm sao để đưa các chương trình tiên tiến quốc tế làm phong phú và nâng cao chất lượng cho chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo trong nước mà vẫn đảm bảo được sự chủ động và sáng tạo cho người dạy và người học, giữ được bản sắc riêng của chương trình cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong đào tạo trực tuyến. Hai là, đào tạo trực tuyến yêu cầu người học phải có phương pháp tiếp cận chủ động hơn trên mỗi học liệu, người học phải tự chủ trong việc ôn luyện, trao đổi và đặt các câu hỏi trên cơ sở lý thuyết đưa ra. Nếu như đối với việc học tập ở lớp học truyền thống, học viên có thể tranh luận và phản biện cùng nhau (và với giảng viên) thì trong môi trường trực tuyến, việc thảo luận đôi khi sẽ có độ trễ nhất định, hoặc các học viên sẽ ít có động lực để trao đổi và tương tác trong các diễn đàn trực tuyến. Để học viên không còn có tâm lý e dè khi thảo luận, cần nâng cao hiệu quả của các diễn đàn trực tuyến, khẳng định vai trò tương tác khi đánh giá khóa học và kết quả của người học, đánh giá được vai trò và trách nhiệm của quản trị viên và các kỹ thuật viên cũng như những người hướng dẫn kỹ thuật. Ba là, hạ tầng tốt đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công việc triển khai dạy - học trực tuyến, trong khi việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ E-Learning với việc cải cách và nâng cấp không thể diễn ra trong ngắn hạn. Vì thế, các cơ sở đào tạo cần có sự phân bổ cụ thể về tài chính cũng như sắp xếp về thời gian hợp lý để vẫn tiếp tục thực hiện đồng thời 2 hoạt động giảng dạy và nâng cấp hạ tầng mà không ảnh hưởng tới người học. Bốn là, để chuẩn bị cho một đội ngũ nhân lực có trình độ cao sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới, vai trò của giáo dục - đào tạo, trong đó các cơ sở đào tạo đại học ngày càng được đề cao. Trong đó, mô hình đào tạo trực tuyến cũng cần có sự chuyển biến tích cực, lấy đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu chính. Ở đây, việc tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp thu kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục trên thế giới là cần thiết, đặc biệt là các mô hình đào tạo kép của Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác với tiêu chí “học đi đôi với hành” là các mô hình chúng ta có thể học hỏi và áp dụng [3]. Bên cạnh đó, bám sát các chương trình đào tạo hàn lâm, ứng dụng của các nước tiên tiến để có sự cập nhật, bổ sung cho chương trình đào tạo trực tuyến trong nước hiện đại và tương thích với sự phát triển của KH&CN, đặc biệt là các chuyên ngành khoa học mới. Năm là, bên cạnh việc thay đổi học liệu, học phần, chất lượng học viên cũng như chất lượng đội ngũ (giảng viên, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, chuyên viên thiết kế web và đồ họa…) cũng là một vấn đề đáng quan ngại trong đào tạo trực tuyến [4]. Các cơ sở đào tạo trực tuyến có uy tín và kinh nghiệm trong nước cần nghiên cứu mở thêm các khóa đào tạo định kỳ về phương pháp học tập cho người học hay các lớp nâng cao kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ người hướng dẫn, người giảng dạy nhằm hướng tới sự thay đổi toàn diện cả về chất và lượng cho đào tạo trực tuyến. Đây cũng là cách thu hút rộng rãi người học trực tuyến của các cơ sở đào tạo từ xa thuộc các trường đại học trong dài hạn. Sáu là, thực hiện các chiến dịch marketing hiệu quả cho các chương trình E-Learning là một giải pháp mà các cơ sở đào tạo đại học nên lưu ý. Việc làm này góp phần đưa E-Learning đến với mọi tầng lớp dân cư, từ đó khuyến khích tinh thần học tập cũng như rút ngắn những rào cản mà đào tạo truyền thống mang lại.