Ngày nay, điện thoại thông minh, đặc biệt là điện thoại Android đã trở thành một trong những vật dụng không thể thiếu đối với nhiều người bởi sự tiện ích trong giải trí cũng như công việc. Chính vì sự tiện dụng đó, xu hướng lưu trữ dữ liệu cá nhân trên điện thoại ngày càng nhiều hơn, và điều này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để đánh cắp dữ liệu, đe dọa tới an toàn thông tin của người dùng. Vậy làm thế nào để giữ cho thiết bị của mình luôn được an toàn, sẽ có một số chia sẻ nhỏ cùng với các bạn. 1. CÓ MỘT MÀN HÌNH KHÓA AN TOÀN Sử dụng các phương pháp bảo mật trên màn hình khóa như yêu cầu mật khẩu, mã PIN,...để mở máy đồng nghĩa với việc bạn đã giúp cho chiếc điện thoại của mình trở nên an toàn hơn. Việc làm đơn giản này có thể giúp ngăn chặn những người tò mò "lục lọi" chiếc điện thoại của bạn, hay làm cho kẻ lấy cắp gặp rắc rối với việc mở khóa, trước khi bạn kịp tìm ra chiếc máy của mình đang ở đâu. 2. CHỈ CÀI ĐẶT NHỮNG ỨNG DỤNG ĐÁNG TIN CẬY Một tính năng được tích hợp cùng Android đó là khả năng sideload ứng dụng từ bên ngoài, đây là một tùy chọn tốt tuy nhiên lại ẩn chưa nhiều hiểm họa về độ an toàn của các ứng dụng được cài vào. Google cũng cho phép người dùng có thể đăng kí cho mình tài khoản lập trình viên để upload ứng dụng lên cửa hàng, và họ sẽ kiểm tra độ an toàn của ứng dụng trước khi cho phép upload. Tuy nhiên, việc kiểm tra này không phải lúc nào cũng chính xác và đầy đủ, do đó việc để lọt các ứng dụng độc hại lên cửa hàng là điều không thể tránh khỏi. Do đó, trước khi cài đặt ứng dụng vào máy của mình, hãy tìm hiểu kĩ nguồn gốc ứng dụng đó. Amazon hay các OEM như Samsung hay LG cũng có kho ứng dụng của mình, đây đều là các ứng dụng đáng tin cậy. 3. CHỈ ROOT KHI THỰC SỰ CẦN THIẾT Việc root điện thoại android cho phép bạn tùy biến nhiều thứ trên hệ thống của mình, tuy nhiên lại ẩn chứa những mối hiểm họa khó lường. Nếu các ứng dụng được sideload vào ẩn chứa các đoạn mã độc và các đoạn mã này không thể làm việc được khi thiết bị chưa được root, thì việc root máy sẽ tạo điều kiện cho chúng thực hiện nhiệm vụ của mình. Hãy cận trọng khi root thiết bị của mình, chỉ thực hiện khi thật sự cần thiết, nhưng cũng cần chú ý tới mọi tinh chỉnh và bất cứ thứ gì cài đặt vào máy. Còn nếu không, hay giữ nguyên để đảm bảo an toàn. 4. MỘT BOOTLOADER AN TOÀN LÀ MỘT BOOTLOADER ĐƯỢC KHÓA Việc khóa bootloader là biện pháp bảo vệ sự an toàn cho chiếc điện thoại của bạn, đặc biệt là khi có ai lấy cắp nó. Nếu như mở khóa bootloader, kẻ cắp có thể tiến hành root và phá mật khẩu trên máy, khi đó, mọi dữ liệu cá nhân của bạn sẽ bị lấy cắp. Khi bootloader được khóa, việc dành quyền quản trị để lấy cắp dữ liệu sẽ trở nên khó khăn hơn. Khi đó, kẻ cắp sẽ cần phải mở khóa bootloader, đồng nghĩa tất cả dự liệu sẽ bị xóa sạch. 5. CHỈ CLICK VÀO CÁC LIÊN KẾT ĐÁNG TIN CẬY Nếu bạn nhận được một đường dẫn từ email, tin nhắn, Facebook hay bất kì đâu từ một người không quen biết, thì đừng vội click vào đó. Việc đánh lừa bạn click vào đường dẫn trên internet là cách hiệu quả để kẻ xấu cài đặt ứng dụng của họ trên thiết bị của bạn, phá hủy các tập tin media, hay nghiêm trọng hơn là phát tán các lỗ hổng bảo mật, như Stagefright chẳng hạn. Do đó, đừng bao giờ click vào các liên kết được gửi từ một người không quen biết. 6. CẬP NHẬT CÁC BẢN VÁ LỖI Thường xuyên cập nhật các bản vá lỗi là một trong những cách để đảm bảo cho điện thoại của bạn tránh được các lỗ hổng bảo mật. Như Google luôn phát hành các bản cập nhật định kì cho những chiếc Nexus của mình. Samsung, LG hay HTC cũng đang nỗ lực trong việc bảo vệ người dùng, tuy nhiên do số thiết bị Android quá đa dạng, việc phát hành các bản vá lỗi cho các dòng sản phẩm trở nên mất thời gian và chậm trễ hơn.