Trước kia ,AMD chỉ là một 'tí hon' so với Intel - nhà khổng lồ đang thống lĩnh thị trường BXL. Nhưng những gì AMD đang làm không thể không gây sự chú ý cho những người hoài nghi và buộc Intel cũng phải luôn để mắt tới. Giờ đây, vai trò của AMD đã được nâng lên, có vị trí xứng đáng trên thị trường BXL. Sau mấy thập kỷ nhái theo kiến trúc Intel, kiến trúc AMD64 – là cơ sở của các chip Opteron và Athlon 64 – đã làm cho Intel thay đổi chiến lược và công bố Nocona, phiên bản 64-bit của Intel Xeon . Bộ xử lý 64-bit Nocona là sự điều quân cấp tốc của Intel để đối phó với AMD khi Intel cảm nhận được mối đe dọa từ Opteron (BXL 64-bit dành cho máy chủ, nhưng có thể chạy trên các hệ thống 32-bit hiện tại; tham khảo “BXL AMD Hammer với công nghệ x86-64bit”, TGVT-PCW VN A số tháng 11/2002, trang 64) trên thị trường máy chủ, nơi mà Intel đang đặt hi vọng vào Itanium (BXL 64-bit dành cho máy chủ, không tương thích với các hệ thống 32-bit). Với những nỗ lực mạnh mẽ từ Intel, liệu AMD có đứng vững trên thị trường cạnh tranh quyết liệt? Bất kỳ ai có nhu cầu mua sắm máy chủ đều cần phải cân nhắc rất kỹ sự lựa chọn này. Opteron mở ra hướng đi mới, tiếp tục nhắm vào các hệ x86 truyền thống. Còn Itanium thì hầu như rũ bỏ cấu trúc cũ. Để hiểu được vấn đề và những tác động của nó, chúng ta hãy cùng xem xét một cách thấu đáo về công nghệ cũng như vai trò trên thị trường của hai công ty từ trước tới nay. Vừa là bạn, vừa là đối thủ AMD đã có chỗ đứng và tác động được đến thị trường kể từ khi có Opteron. Trước đó công ty luôn phải theo sau Intel. Sự việc bắt đầu từ khi AMD đưa ra chip 8080A, phiên bản nhái lại của Intel 8080. Ngay sau đó, Intel và AMD đã đi đến những thỏa thuận về bản quyền kéo dài 17 năm, cho phép AMD trở thành nhà cung cấp chip dự phòng của Intel trong trường hợp nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp. Mặc dù đạt được những thành công và không ít các sáng chế giá trị về sản phẩm và công nghệ bán dẫn, AMD chỉ được coi như một nhà sản xuất chip nhái ăn theo Intel. AMD là một trong số các nhà sản xuất được cấp phép kiến trúc x86 bao gồm Cyrix, NEC và Nexgen. Điều tồi tệ đã xảy ra với AMD khi Intel chấm dứt thỏa thuận cấp phép trước thời hạn bởi Intel đã quá mạnh để không cần tới những nguồn dự phòng như AMD nữa. Cuối cùng, AMD buộc phải tự đứng lên. Với việc giới thiệu chip Athlon vào năm 1999, AMD đã cho thấy một hứa hẹn thực tế là họ có thể đi theo con đường riêng của mình. Trước khi có Athlon, về khía cạnh công nghệ, bộ xử lý của AMD nằm đâu đó ở giữa dòng 80486 và các chip Pentium đời đầu. Athlon đã phá vỡ truyền thống này để theo hướng khác sau khi Intel ra mắt Pentium II. Đây là bước ngoặt đầy mạo hiểm. Trước hết, Athlon không phải là sản phẩm thay thế với chip xử lý của Intel. Mặc dù Athlon đòi hỏi bo mạch chủ và chipset riêng nhưng lại tương thích về phần mềm với chip Intel, buộc các nhà sản xuất phải thiết lập dây chuyền sản xuất và kiểm nghiệm riêng cho BXL Athlon. Điều này đã tạo điều kiện dễ dàng cho Intel cầm chân AMD bởi Intel đang kiểm soát phần lớn các nhà sản xuất thiết bị cơ bản (OEM) chủ chốt; mà hầu hết các OEM này đều ngần ngại đầu tư sản xuất thiết bị tương thích AMD và đối đầu mạo hiểm với Intel. Khi Microsoft bắt đầu nghiêm túc bước vào lĩnh vực xí nghiệp bằng việc tung ra Windows 2000 Server thì Intel đã có Pentium II, Pentium III và Xeon sẵn sàng cho thị trường các hệ máy chủ cấp thấp, nơi mà các nhà sản xuất máy chủ Unix như HP, IBM và Sun Microsystems không mấy quan tâm. Và ở đây, với ưu thế của mình, Intel đã chiếm được thị phần lớn, không để một cơ hội nào cho AMD. Giải thoát Chiến lược của AMD nhằm thoát khỏi sự phong tỏa của Intel cũng khá độc đáo. AMD nhắm tới các nhà bán lẻ giá trị gia tăng (VAR – value added reseller) nhỏ và những người tự lắp ráp máy tính - trong đó phải kể đến giới say mê công nghệ và các tay chơi game chuyên nghiệp. Các “nhà sản xuất” nhỏ này tự thiết kế hệ thống của mình từ các thành phần chuẩn và bo mạch chủ của các nhà sản xuất châu Á rất được ưa chuộng. Không thể thuyết phục được các nhà sản xuất bo mạch chủ phá vỡ sự ràng buộc với Intel, AMD buộc phải tự thiết kế bo mạch chủ và cung cấp chúng đến các website dành cho giới say mê công nghệ để những nơi này có thể chạy thử chip Athlon và công bố kết quả thử nghiệm. Nhờ những sự so sánh, đánh giá khách quan giữa Pentium và Athlon mà hình ảnh AMD không bị Intel che khuất. Nỗ lực của AMD cuối cùng cũng được đền đáp. Dần dần, trước đòi hỏi của thị trường, các nhà cung cấp bo mạch chủ, trước tiên là một số nhà cung cấp nhỏ, sau đó là các nhà cung cấp lớn hơn như MSI, Supermicro và Tyan đã đưa ra bo mạch chủ dành cho Athlon nhưng vẫn coi sản phẩm này như một lựa chọn bổ sung bên cạnh dòng sản phẩm Intel. Và AMD cũng đã có được phần của mình ở thị trường máy chủ với BXL kép Athlon MP. Với mục đích bước sâu hơn vào thị trường máy chủ, AMD đã đặt cược vào Hammer, chip xử lý đầu tiên của AMD có kiến trúc hệ thống hoàn toàn khác Intel. Tháng 4/2003, AMD công bố BXL 64-bit Opteron (tên chính thức của Hammer). Sự có mặt của Opteron, chip 64-bit nhưng có khả năng chạy trên các hệ 32-bit ở chế độ mô phỏng, đã tác động đến thị trường máy chủ, làm Intel thay đổi chiến lược, tung ra chip Nocona (bản Xeon 64-bit) để đáp trả, và Microsoft cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ kiến trúc của AMD trong các phiên bản Windows 64-bit. Cuộc chiến 64 - bit đang nóng và chưa ai có thể nhìn thấy điểm kết thúc. Theo http://www.nhatthanh.com.vn