Sau mốt thiếu gia sắm siêu xe lại là trào lưu đại gia "đốt tiền" mua chuyên cơ riêng, mà đều là những phi cơ không phải hạng "xoàng". Chiếc Beechcraft King Air 350 của ông Đoàn Nguyên Đức là thế hệ máy bay mới kế tiếp King Air 350, với khả năng bay lượn trên cả tuyệt vời. Có thể xem đây là một loại máy bay VIP hiện đại đáp ứng mọi mong muốn của các đại gia thế giới hiện nay. Trong khi đó, trực thăng EC135P2i của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cũng không thuộc loại thường. Sau khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sở hữu chiếc Beechcraft King Air 350 trị giá khoảng 7 triệu USD (khoảng 157,5 tỷ đồng), ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cũng "chi" khoảng 5 triệu USD cho chiếc trực thăng thuộc mẫu EC135P2i. Và mới đây đến lượt ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch tập đoàn T&T "rậm rịch" lên kế hoạch sắm phi cơ riêng. Xu hướng thời thượng Người "khai sáng" cho trào lưu này là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Khi quyết định mua, ông Đức dùng tiền cá nhân và không thông qua đại hội cổ đông. Đại gia này khẳng định: "Tôi sắm máy bay bằng tiền túi nên không phải giải trình trước cổ đông. Toàn bộ chi phí thuê phi công, bảo dưỡng máy bay, xăng dầu, kiểm tra kỹ thuật, giấy phép... đều là tiền cá nhân". Ông Đức bỏ ra 7 triệu USD để sở hữu phi cơ riêng. "Bầu" Đức cho biết, tổng số tiền mà ông phải bỏ cho vụ mua bán này vào khoảng 7 triệu USD, trong đó giá trị thật của máy bay là 5,1 triệu USD. Số còn lại là chi phí môi giới, đào tạo phi công, bến bãi... Tổng chi phí mỗi năm mà ông Đức phải chi cho chiếc máy bay khoảng 400.000 USD và không tính vào chi phí của công ty. "Khi mua bằng tiền túi và tự chịu các khoản chi phí, mình có quyền được sử dụng trong việc đi lại hoặc cho anh em bạn bè mượn khi họ cần", ông Đức nhấn mạnh. Thời điểm mà ông Đức quyết định mua chiếc Beechcraft King Air 350 thì Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa niêm yết. Người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2009 cũng tỏ ra rất thoải mái với báo chí khi trả lời về việc mua máy bay riêng của mình. Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, quyết định mua máy bay trực thăng riêng khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Dù dùng tiền cá nhân nhưng do thông tin có thể gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Hòa Phát nên ông Long phải công bố thông tin tại đại hội cổ đông. Ông này cũng không mấy thoải mái khi bị hỏi quá nhiều về chiếc máy bay riêng. Còn với ông chủ của Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển, sự việc đơn giản hơn. Ông này phê duyệt đề xuất mua máy bay của một công ty con thuộc tập đoàn. Công ty dự kiến mua cũng như công ty mẹ là T&T chưa phải là đơn vị niêm yết nên sự chú ý cũng như sức ép từ phía các cổ đông chưa lớn. Chủ tịch của T&T cho rằng, khi phân tích thấy có nhu cầu mua máy bay phục vụ công việc thì nó cũng đơn giản như việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hay nhà máy. Số tiền thực chi để sở hữu chiếc máy bay phục vụ hoạt động sản xuất của công ty cũng chưa được ông Hiển tiết lộ, tuy nhiên theo phỏng đoán của giới chuyên môn, chắc chắn không dưới vài triệu USD. Trong khi đó, một nguồn tin cho hay, ngoài ông Đức, Long và Hiển thì một "đại gia" khác trong ngành kinh doanh thực phẩm TP HCM cũng chi 12 triệu USD để mua sắm máy bay riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đại gia này vẫn chưa chịu tiết lộ thông tin. Trực thăng EC135P2i của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát rất tiện nghi. Chịu chơi "hàng khủng" Bỏ ra số tiền không nhỏ nên phi cơ của các đại gia Việt đều thuộc "hàng khủng". Chiếc Beechcraft King Air 350 của ông Đoàn Nguyên Đức là thế hệ máy bay mới kế tiếp King Air 350, với khả năng bay lượn trên cả tuyệt vời. Có thể xem đây là một loại máy bay VIP hiện đại đáp ứng mọi mong muốn của các đại gia thế giới hiện nay. Loại máy bay dài hơn 10m và sải cánh hơn 15m này có từ một đến hai phi công, chở tối đa 11 người. Nó có thể bay liên tục 3.500 km với tốc độ nhanh nhất đạt 583 km một giờ. Máy bay với nội thất cabin thuộc hàng cao cấp nhất và được lắp đặt các hệ thống công nghệ điều hòa nhiệt độ, điều áp hàng đầu. Thùng xăng hai bên cánh máy bay có thể đáp ứng tầm bay 2.400km, như vậy ông Đức có thể thoải mái ngao du với "con chim sắt" khắp vùng Đông Nam Á và Trung Quốc. Máy bay cũng khá cơ động khi yêu cầu đường băng cất hạ cánh chỉ khoảng một km, giúp nó có thể bay tới được hầu hết các địa phương miễn là có đường băng đủ dài. Ngoài ra, máy bay có khả năng hãm phanh nhanh như chớp do nó được trang bị hai động cơ chong chóng phản lực Pratt & Whitney PT 6-60 A. Khi hãm đà thì chong chóng sẽ xoay góc của lá cánh quạt và tạo ra lực đẩy ngược giúp máy bay ghìm lại thật nhanh khi đã đáp hạ cánh. Trong khi đó, trực thăng EC135P2i của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cũng không thuộc loại thường. Trực thăng được trang bị động cơ kép Pratt and Whitney 206B2 và buồng lái hiện đại. Hơn nữa, EC135P2i có thể chở 5 khách VIP hay tối đa 6 - 7 vị khách thông thường. Hành khách sẽ có được cảm giác thoải mái khi di chuyển với EC135P2i bởi tiếng ồn và rung được hạn chế tối đa. Ngoài ra, khoang hành lý thoáng đãng cùng cửa lên xuống được thiết kế đẩy ngang rất nhẹ nên thuận tiện trong những trường hợp khẩn cấp. Không kém cạnh, chuyên cơ 7 chỗ ngồi của đại gia giấu mặt tại TP HCM cũng được thiết kế riêng với đầy đủ phòng tắm, phòng ăn, giường ngủ... và có thể bay được các trục đường dài, không chỉ trong khu vực châu Á mà tới cả châu Âu. Nếu không có gì thay đổi, chiếc phi cơ thiết kế đặc biệt này sẽ có mặt ở Việt Nam chậm nhất là năm 2012. (zing.vn)