Đây là những nơi mà mọi chuẩn mực kinh doanh đều bị phá vỡ. Khách hàng không còn là thượng đế hay thậm chí họ không có nhu cầu được đối đãi như một thượng đế. Họ đến quán vì món ăn quá ngon, vì nghe lời đồn thổi hoặc kỳ quặc hơn là muốn thưởng thức những “đặc sản văn hóa” không giống ai tại các quán ăn này. Bún mắng cháo chửi Để thưởng thức “đặc sản” này, hẳn bạn phải đến Hà Nội, nơi có nhiều món ăn hàng mê hoặc và lẩn trong số đó là những hàng quán suốt ngày nghe tiếng chửi rủa của chủ quán nhưng khách khứa vẫn cứ kéo tới nườm nượp. Nào quán bún lưỡi trên phố Ngô Sỹ Liên, phở đêm Cầu Giấy, phở Bát Đàn, cháo Nguyễn Như Đổ. Nếu ai có máu tự ái trong người thì không nên đến quán bởi những lời xúc xiểm từ các chủ hàng dễ khiến khách nổi đóa và một đi không trở lại. Không có chuyện bạn được chào đón như những thượng khách ở đây. Đến đây, bạn chỉ việc xếp hàng, chờ đợi và ăn. Bất kỳ một phản ứng khó chịu nào từ bạn cũng sẽ được đáp trả bằng những màn chửi bài bản của chủ quán mà đôi khi, bước ra khỏi quán rồi, bạn cũng khó mà hoàn hồn. Có một chuyện vui mà tôi nghe được từ một người bạn tận mắt chứng kiến thế này. Có một lần, một nhà văn lớn ở trong Nam ra, ghé quá phở đêm Cầu Giấy ăn hàng cùng cô bạn. Cô này ăn ngon quá, cũng dạng người thoải mái, gọi thêm tô thứ hai, thế là bị chủ quán quở cho đến ê mặt: “Ăn gì mà ăn lắm thế, người thế thảo nào ăn khỏe”. Nghe đến đây, khỏi phải nói, cô đành rút thẳng và rút luôn cái kinh nghiệm là không phải lúc nào sự ủng hộ của mình cũng được hưởng ứng. Còn khi thực khách đến quán, ai lỡ miệng hỏi những câu vớ vẩn như: để xe đâu? ở đây có món gì hay đại loại là xin thêm ít hành ít ớt thì lập tức, một tràng chửi xổ ra từ phía bà bán hàng mà những lời chửi ấy, không tiện ghi ra ở đây. Nhưng lạ đời một nỗi, khách đến quán vẫn cứ đông, càng xua lại càng kéo đến bởi dường như, chửi đã trở thành món khuyến mãi mà nếu thiếu nó, khách ăn mất ngon. Nhưng cũng phải công nhận, món ăn ở những quán này thuộc hàng ngon hiếm, lại rẻ nên dù có cố bất lịch sự thế nào thì người ta vẫn cứ thế mà xếp hàng dài dài. Nhưng cũng có vài người, vì hiếu kỳ mà tới nhưng có lẽ không quen tai nên từ đó xin kiếu, không quay lại lần thứ hai. Người bán hàng thừa biết thói chửi của mình là… kém văn hóa nhưng ngặt nổi, khách không vì thế mà thưa. Hơn nữa, quán đã định hình “phong cách” ấy bấy lâu, nay đổi ra ôn hòa, tử tế, không chừng khách kéo đi cả. Âu là, chửi cũng là thương hiệu, cũng là cách câu khách tuy lạ đời nhưng hiệu quả và quan trọng là, khách xem những lời chửi đó giống như kiểu vu vơ, bông đùa vui tai lạ lẫm nên cũng chẳng ai màn đến chuyện… tẩy chay. Bà chủ quán bún này chỉ chờ khách đến ăn thôi, có chửi bới cũng không làm khách vãn đi Lẩu pê đê Quán lẩu bờ kè trên đường Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM có tên hẳn hoi nhưng nếu nói trắng tên quán ra là Thúy Linh thì chẳng ai biết tới, phải gọi là quán lẩu pê đê thì mới nhiều người ngộ ra. Gọi thế hẳn bạn cũng biết “đặc sản” của quán là gì rồi. Đó là các anh chàng pê đê áo ngắn cũn cỡn, ưỡn à ưỡn ẹo phục vụ khách. Mà có điều vui là, các chị đến quán thì nhớ dẫn các anh theo bởi nếu đi một mình, mấy chàng phục vụ này khó mà tận tình cho được. Quán chỉ quái ở người phục vụ, còn lại món ăn thì không có gì đặc sắc, cũng hải sản, cũng lẩu mà đôi khi còn dở và mắc hơn ở những quán thường. Nhiều thực khách còn phàn nàn, quán không mấy vệ sinh và các chàng phục vụ thì đôi khi cũng tùy hứng bởi họ nói năng lịch sự thì ít mà phàn nàn, cự nự khách thì nhiều. Và như đã nói, các quý cô đến quán thì dễ bị xếp vào hàng thừa, ở đây không có việc phụ nữ được ưu tiên. Lý do phổ biến để khách khứa kéo đến có lẽ chỉ nằm ở dàn phục vụ ngồ ngộ, ăn mặc mát mẻ, nói năng giọng ồ ồ nhưng điệu đà mà thôi. Bún nhàn rỗi Đó là quán bún nằm trên đường Đinh Công Tráng, Q.1 mà chủ nhân của nó là những cụ ông, cụ bà, mở quán cũng chỉ vì quá… nhàn rỗi. Nhưng phải công nhận, món bún ở đây đúng gốc Bắc, nước lèo có vị thanh, ít dầu mỡ, không nhiều gia vị nhưng đậm đà và thơm ngon từ bún chả, bún thang, bún mọc cho đến bún cá. Món nào cũng kỳ công và ngon tao nhã. Nhưng cũng đừng vì thấy ngon quá mà lại gọi nhiều bởi vì các cụ đi chợ mỗi ngày, chỉ mua nguyên liệu vừa đủ bán, chăm chút tỉ mỉ như nấu ăn tại nhà. Quán chỉ bán từ sáng đến trưa, ngày nghỉ thì không mở hàng. Qủa là, nếu không có cái tinh tế thưởng thức ẩm thực khi ăn thì không cảm hết sự chăm chút của người nấu và đã ăn thanh tao thì không ăn nhiều, ăn vội mà phải thưởng thức từ từ, vừa đủ. Bún ở đây được chăm chút khá kỹ lưỡng từ nguyên liệu cho đến các loại rau Không biết, bạn đã từng “may mắn” thưởng thức qua những món ăn tại các quán kỳ quặc này chưa? Nếu có, hãy chia sẻ thêm còn nếu chưa thì có thể… tránh hoặc đến, tùy bạn vậy.