Olympic Việt Nam đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên vượt qua vòng bảng tại một kỳ ASIAD. Thế nhưng cách thầy trò HLV Calisto góp mặt ở vòng knock - out chưa hẳn thuyết phục, đó là lý do khiến người hâm mộ đón chào không mấy hào hứng… Đội bóng của HLV Calisto đã đạt tới điều kiện cần là tấm vé đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp, nhưng nhìn lại thất bại 0-1 trước Olympic Iran có thể thấy rõ vô số những điểm yếu vẫn còn phơi bày, tấm vé đi tiếp của Olympic Việt Nam có dấu ấn sâm đậm của yếu tố may mắn. Olympic Việt Nam chỉ hoàn thành chỉ tiêu, khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Bahrain sảy chân, còn Jordan và Panestine (bảng C) cùng thất bại. Phòng ngự vẫn là điểm yếu ở Olympic Việt Nam - Ảnh: Mạnh Hoàng Với sự góp mặt của thầy “Tô” trong BHL, trong trận thua Olympic Iran, có một vài thời điểm các tuyển thủ Olympic Việt Nam thi đấu đầy hứng khởi. Nhưng đó chỉ là những đốm sáng hiếm hoi, khi đối thủ thi đấu có phần chủ quan vì chắc chắn có được ngôi đầu bảng bất chấp tỷ số trận đấu bao nhiêu. Nhưng việc tìm ra đường vào khung thành đối thủ vẫn là nhiệm vụ “bất khả thi” với Olympic Việt Nam. Sau những buổi tập căng thẳng dưới sự điều hành khắt khe của thầy “Tô”, hàng phòng ngự Olympic Việt Nam đã thi đấu chắc chắn hơn trận thua tủi hổ 2-6 trước Olympic Turkmenistan ở lượt đấu thứ 2. Tuy nhiên, để nói là xuất sắc hoặc tiến bộ vượt bậc cũng chẳng đúng. Trong bàn thua duy nhất Olympic Việt Nam hứng chịu tối qua, thủ môn Tấn Trường là người phải chịu trách nhiệm chính vì lỗi đoán sai điểm rơi pha phạt góc. Nhưng suốt 90 phút thi đấu, các đồng đội thi đấu thi đấu trên hàng phòng ngự cũng liên tục mắc lỗi kèm người, bóc lót trước các đường lên bóng tấn công rất đơn giản của Olympic Iran. Nếu đối thủ thi đấu tập trung hơn, có lẽ số bàn thua Olympic Việt Nam phải nhận chẳng dừng lại ở con số 1. Ngoại trừ trận thắng Olympic Bahrain 3-1, khả năng dẫn nhịp lối chơi và duy trì áp lực của những cầu thủ thi đấu ở khu trung tuyến Olympic Việt Nam chưa thể nói là đã đạt yêu cầu mà BHL đề ra. Hàng tiền vệ luôn tỏ ra yếu thế trong các pha tranh chấp tay đôi - Ảnh: Mạnh Hoàng Phan Thanh Hưng tỏ ra yếu thế ở những tình huống tranh chấp tay đôi với tiền vệ Olympic Turkmenistan, rồi tới Olympic Iran. Ngọc Điều không còn cho thấy khả năng gây đột biến, trong khi đó 2 mũi nhọn tấn công trên hàng tiền vệ là Thành Lương - Trọng Hoàng không thể phát huy hết khả năng, khi đối phương chủ động chơi áp sát. Sự lúng túng đã hiện rõ ở hàng tiền vệ suốt 45 phút thi đấu đầu tiên gặp Olympic Iran, bằng chứng những đường chuyền nóng vội như “đặt” cho đối phương băng xuống tấn công xuất hiện không dưới 6 lần, đẩy khung thành thủ môn Tấn Trường liên tục trong tình trạng nguy cấp. Khi các tiền vệ thi đấu phía dưới không thể kiến tạo ra những đường chuyền thuận lợi, việc trung phong cắm Anh Đức luôn ở trong tình trạng đói bóng, hoặc đơn lẻ khi có thời cơ phản công nhanh trên phần sân Olympic Iran chẳng phải là điều khó giải thích. Olympic Việt Nam đã vượt qua vòng đấu bảng, nhưng màn trình diễn thể hiện ở những trận đấu vừa trải vẫn chưa hẳn thuyết phục. Quãng thời gian chuẩn bị còn lại cho trận đấu loại gặp CHDCND Triều Tiên là cơ hội thuận lợi nhất để thầy trò HLV Calisto nhìn ra những hạn chế, có phương án khắc phục những “tử huyệt” đang tồn tại. Đó cũng là cách tốt nhất giúp các tuyển thủ nâng cao niềm tin của chính mình trước cuộc đối đầu “sinh - tử” sắp diễn ra, trận đấu mà Olympic Việt Nam sẽ phải hứng chịu rất nhiều áp lực. Quang Vinh Theo dantri.com.vn