Tin ông qua đời được đăng trang trọng vài dòng trên các tờ báo lớn vài ngày qua nhưng sức nặng của nó vẫn dễ làm đau lòng nhiều thế hệ nghe nhạc. [attach]6922[/attach] Paul Mauriat, cái tên gắn liền với những con đường Paris, Sài Gòn, Hà Nội, New York, Roma, gắn liền với những cuộc dạo chơi cuối tuần bằng xe đạp, vespa, bằng những cơn gió cuối thu, bằng những nụ hôn kỷ niệm của những người giờ đã trạc tứ tuần, của những người vừa chớm biết lắng nghe những tinh âm của dòng nhạc xưa cũ... Con người ấy vừa ra đi, bỏ lại sự hoài niệm trong con tim của những người đã một thời cùng ông lắc lư với những giai điệu đến giờ vẫn có thể huýt sáo không sai một nốt. Người Việt, ít ra với những ai yêu âm nhạc, đều đã từng ghi vào sổ-tay-ký-ức mình một bài hát nào đó với cái tên Paul Mauriat. Ông không phải thánh, cũng chẳng phải thiên thần nhưng ông là chiếc đèn vàng ngay ngã tư đường, đủ làm giảm tốc những cuốc đi vội vã của những xu thế mới. Paul không vội vã cũng chẳng thích làm cách mạng hay tạo nên một xu thế nhưng ông đủ sức tạo nên sự khác biệt để bây giờ khi ông đã ra đi những giai điệu của ông vẫn in trong tâm trí của những kẻ mê âm thanh thuần khiết. Nhắc đến Paul Mauriat là nhắc đến sự pha lẫn điện tử và dàn dây căng độ bè hài hòa, là tiếng vọng của cả một dàn violin trong tiếng bass điện tử nghe bập bùng như bọt nước trồi trên mặt hồ... Trước ông, nhiều người đã có sáng tạo đột biến. Sau ông, những xu hướng mới đã tạo ra rất nhiều lối đi mới nhưng chưa bao giờ ông lạc thời bởi những thanh âm ông tạo ra là sự tụ ghép của những điều cũ mới. Những bản tình ca, những tinh hoa cổ điển được Paul chơi lại bằng thế giới của riêng ông và ai đã lạc vào đó sẽ khó lòng dứt ra được. Paul Mauriat mất (chính xác là hôm 04/11/2006), thọ 81 tuổi. Lý lịch ông cũng chẳng có gì đáng nói hơn những nhạc sĩ tên tuổi khác ngoài thống kê cho thấy cuộc đời đi biểu diễn của ông dài gần 800.000 km, từ Âu sang Á, từ Tây về Đông, tức lớn hơn 2 lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng. Nhắc đến mặt trăng để nhớ lại những thanh âm Paul Mauriat từng tấu lên ca ngợi chị Hằng, để bay lên cung trăng, nô giỡn giữa các vì sao, chiếu vàng những dòng sông xanh cổ tích... Ánh trăng trong thế giới của Paul không lung linh trầm mặc nhưng có độ co giãn cho những cảm giác đi - về. Cũng như thế, nhạc của Paul hợp với khí hậu thời tiết mọi mùa và xa hơn, phù hợp với mọi loại cảm giác trong ngày và chưa bao giờ đẩy nó đi quá xa. Ngày đông lạnh giá nghe Tombe La Neige, ngày hè rộn rã nhảy nhót trong tiếng El Bimbo trong những quán cafe mùa hè. Ngày thu đi câu cá trong tiếng giun dế ngắt quãng của Pearl Fishers, đêm về làm một cuộc hành trình tưởng tượng với Jours en France hay day dứt với tiếng nắn nót piano trong Last summer day... Nhạc của Paul dễ nhớ, dễ yêu bởi nó len lỏi con tim bằng giai điệu. Paul không đi tìm những trúc trắc để người nghe suy ngẫm, ông chỉ bày lên bàn những món ngon của mình và mời người nghe thưởng thức. Cho đến giờ nghe lại, những giai điệu của ông vẫn đẹp, cao rộng dù rằng với những đôi tai chọn lọc, đây vẫn chưa phải là món sơn hào hải vị. Cùng thời với Paul còn khá nhiều nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc tên tuổi khác như Montovani, Frank Pourcel, Ray Conniff, nhưng Paul vẫn được nhớ nhiều nhất ở tầm mức phổ thông. [MEDIA][MEDIA][/MEDIA][/MEDIA] 20 năm sau, những chương trình trực tiếp bóng đá trên truyền hình ở Việt Nam vẫn tiếp tục mở Alla figaro của Paul Mauriat khi chờ trận đấu bắt đầu. Hơn 30 năm sau, bản hòa tấu Those were the days của ông vẫn được yêu thích, thậm chí còn làm mờ đi cả giọng hát của Mary Hopkins. Gần 40 năm trôi qua, người ta vẫn nhớ L'Amour est bleu của Paul hơn là phần ghi âm nguyên thủy của Vicky Leandros... Paul đến và ở lại Việt Nam từ rất lâu, từ khi bài hát Tình xanh (L'Amour est bleu) của ông nổi đình nổi đám trên các bảng xếp hạng ở Mỹ hồi năm 1969, dù rằng trước đó ông đã nổi từ 1961 với album đầu tay Paris by night hay xa hơn nữa, từng làm dàn nhạc trong các buổi biểu diễn của các giọng ca đại thụ như Charles Aznavour hay Maurice Chevalier. Từ đó dân Việt mê ông và săn tìm các đĩa nhạc mới nhất của ông. Ở Việt Nam khi những đĩa nhạc Paul còn rất khó mua ở thời bao cấp đã từng có người bỏ cả chỉ vàng hoặc cầm cố cả chiếc xe máy chỉ để sở hữu một chiếc đĩa nhựa mà Paul đã xuất bản khá lâu trước đó. Chỉ cần chiếc đĩa có nhãn hiệu Phillips đó về tới Việt Nam là những tay máu me sẽ tìm mọi cách để giành giật và xem đó là một kỳ tích của riêng mình. Paul qua đời, những người xưa cũ bỏ cả chỉ vàng, bán cả xe đạp, cầm cố xe máy để có chiếc đĩa than, tối về ngẩn ngơ nghe lại giờ có buồn? Và chiếc đĩa than mang nhãn hiệu Phillips đó giờ tồn tại nơi đâu? Sẽ có những tiếc nuối ngẩn ngơ khi Paul qua đời dù rằng gần 10 năm qua ông không đụng đến chiếc đũa chỉ huy và cho dù thực tế đang có rất nhiều tên tuổi mới xuất hiện và thành công. Sơ lược tiểu sử Paul Mauriat [attach]6923[/attach] - Sinh ngày 4/3/1925 tại Marseilles (Pháp). - Có năng khiếu piano từ năm 4 tuổi. Hoạt động âm nhạc từ đệ nhị thế chiến, có cộng tác với nhiều giọng ca huyền thoại nhưng chỉ được thật sự biết đến từ khi lập ra dàn nhạc hòa tấu của riêng mình. - Phát hành rất nhiều album, tính đến nay phát hành chính thức khoảng hơn 100 album. - Ông trình diễn ở rất nhiều nơi. Ở Nhật người ta xem ông là 1 tượng đài âm nhạc. - Là một phong cách riêng và ảnh hưởng đến khá nhiều nhạc sĩ đương đại. - Bắt đầu nghỉ biểu diễn từ năm 1998 do sức khỏe không tốt. - Mất ngày 04/11/2006. Theo vietnamnet.vn