Cuối cùng thì Intel cũng đã cho ra đời dòng sản phẩm vi xử lý cao cấp tiếp theo kế thừa nền tảng Haswell-E, Broadwell-E với các đại diện Core i7-6950X, 6900K, 6850K và 6800K. Trong đó, cũng như i7-5960X trước đây của nền tảng Haswell-E, i7-6950X hiện đang đóng vai trò chip xử lý đầu bảng thuộc nền tảng Broadwell-E vì thế cái giá mà người dùng bỏ ra để có thể sở hữu con chip này không hề rẻ. Theo một số nguồn tin từ báo chí nước ngoài cũng như Việt Nam trong thời gian gần đây, Core i7-6950X đã đội giá hơn 1700$ không như mức khởi đầu 1000$ như người tiền nhiệm Core i7-5960X cùng vai trò. Thay vào đó, với 1000$, người dùng đã có thể tậu được chip xử lý cấp thấp hơn một chút nhưng cũng thuộc hàng top của nền tảng Broadwell-E. Đó là Core i7-6900K với các thông số cấu hình không thua kém quá xa so với người đàn anh đầu bảng của mình. Bạn đọc có thể xem bảng thống kê dưới đây để biết thêm về sự khác biệt cấu hình giữa các thành viên trong họ Broadwell-E. Amtech đã có một số bài thử nghiệm mẫu vi xử lý Intel Core i7-6900K trên bo mạch chủ X99A Gaming Pro Carbon do MSI Việt Nam cung cấp. Vì thời gian dành cho việc giữ sản phẩm khá ngắn ngủi nên tôi chỉ có thể có một bài viết mang nặng tính Preview cho bộ đôi sản phẩm này. Amtech chân thành cảm ơn MSI Việt Nam cũng như Intel Việt Nam đã cho mượn sản phẩm thực hiện bài viết này. I - Đôi điều về Broadwell-E cũng như Core i7-6900K Chúng ta đã biết gì về Broadwell-E? Trước tên hãy nói về cái tên trước đã, bạn đọc đã từng nghe qua về cái tên Broadwell chưa? Cũng như vi xử lý phiên bản máy bàn đầu tiên sử dụng nền tảng này? Nếu bạn đọc chưa nghe thì tôi xin được trả lời đó là Core i7-5775C. Đây là vi xử lý cực kỳ hiếm hàng và gần như không thấy các kênh phân phối ở Việt Nam cũng như nước ngoài nhập về. Tất nhiên, Intel cũng biết về tình trạng này và để giải quyết thì họ đã có động thái mà chúng ta đã biết sau đó, chuyển tiếp lên thế hệ kế tục Broadwell là Skylake. Trước khi đi tiếp, chúng ta hãy cùng nhau quay trở lại thời kỳ mà nền tảng Sandy Bridge đang làm mưa làm gió trên thị trường vi xử lý. Các chip xử lý thuộc nền tảng này đều được sản xuất dưới tiến trình 32nm và vào thời điểm ấy, nền tảng Sandy Bridge sử dụng kiến trúc mới hoàn toàn so với thế hệ trước với rất nhiều điểm nổi bật mà cho tới giờ Intel vẫn còn áp dụng trên các sản phẩm mới của hãng. Người kế thừa Sandy là Ivy Bridge cũng kế thừa vài điểm nổi trội từ người tiền nhiệm và thêm thắt nhiều tính năng mới. Khi so sánh Sandy và Ivy Bridge, đặc điểm dễ nhận biết nhất chắc chắn phải là tiến trình sản xuất, Ivy Bridge sử dụng tiến trình 22nm so với 32nm của Sandy Bridge. Kế tục Ivy Bridge là Haswell cũng với tiến trình xử lý 22nm và đóng vai trò tick trong chu kỳ phát triển tick-tock nổi tiếng của Intel, và theo đó, Ivy Bridge đơn giản chỉ là quá trình hạ tiến trình sản xuất từ 32nm của Sandy xuống 22nm mà thôi. Và lại nói đến Broadwell vốn có vai trò là tick theo lịch trình ra mắt sản phẩm của Intel và kẻ đóng vai trò tock chính là Skylake. Tiến trình sử dụng để sản xuất cho Broadwell là 14nm và nền tảng Broadwell-E trong bài viết này cũng thế. Những vi xử lý thế hệ thứ 5 này tất nhiên sẽ có những sự khác biệt so với những người anh em thuộc phân khúc phổ thông như Sandy / Ivy / Haswell về số nhân xử lý, số luồng cũng như khả năng hỗ trợ chạy RAM 4 kênh thay vì 2 kênh. Chưa hết, nếu so sánh với thế hệ tiền nhiệm Haswell-E, Broadwell-E kế thừa nhiều ưu điểm từ nó và sử dụng tiến trình 14nm tiên tiến hơn để cải thiện hiệu năng (Haswell-E dùng tiến trình 22nm). Với nền tảng Broadwell-E, Intel đã tung ra 4 thành viên đầu tiên mà tôi có nhắc đến ở đầu bài viết, đó là Core i7-6950X, 6900K, 6850K và 6800K. Mỗi vi xử lý đều có xung nhịp khác nhau và dung lượng cache L3 không hơn kém nhau quá xa. Core i7-6850K và 6800K là chip 6 nhân trong khi chip xử lý đầu bảng 6950X có đến 10 nhân xử lý. Các công nghệ hỗ trợ khác bao gồm Turbo boost 3.0, siêu phân luồng, hỗ trợ chạy RAM 4 kênh xung nhịp từ 2400MHz, tập lệnh hỗ trợ AES SSE 4.1 và 4.2. Bên dưới là bảng thông tin khá chi tiết về thành phần cấu hình của từng chip xử lý. Về cách đặt tên và phân biệt các sản phẩm, Intel sử dụng 3 hậu tố sau tên của từng model sản phẩm vi xử lý. Theo đó, chúng ta sẽ có vi xử lý hậu tố X, K và non X/K (không kèm hậu tố X, K). Hậu tố X dành cho các vi xử lý thuộc dòng Extreme cao cấp nhất của Intel. Hậu tố K dành cho các vi xử lý cấp thấp hơn chút so với Extreme nhưng có khả năng mở khóa hệ số nhân để ép xung. Non X/K dành cho các vi xử lý thuộc phân khúc phổ thông và không kèm theo tính năng mở khóa hệ số nhân để ép xung. Nhân vật chính của chúng ta, Core i7-6900K, đứng thứ hai sau 6950X, có cấu hình dù cắt giảm đôi chút so với 6950X với 8 nhân 16 luồng xử lý cũng như dung lượng cache L3 chỉ là 20MB nhưng cái giá bỏ ra cho nó chỉ là 1000$, rẻ hơn đến 700$ so với người anh em đầu bảng của mình. Chưa hết, số lượng lanes PCIe 3.0 của 6900K vẫn được giữ nguyên là 40 như 6950X không như 6800K bị cắt xuống chỉ còn 28. Vì thế, những game thủ sử dụng hệ thống đa card đồ họa cực kỳ thích điều này, đặc biệt là khi chạy SLI/CF 3-4 way, băng thông sẽ được chia đều cho phép hiệu năng chơi game luôn giữ ở mức cao và ổn định. II - MSI X99A Gaming Pro Carbon Để sử dụng các vi xử lý Broadwell-E nói chung cũng như Core i7-6900K nói riêng, chúng ta chỉ cần dùng một chiếc bo mạch chủ chipset X99 đã được cập nhật BIOS mới nhất từ nhà sản xuất là được. Trong trường hợp này, tôi sẽ sử dụng bo mạch chủ X99A Gaming Pro Carbon đã được cập nhật BIOS mới nhất của MSI để kiểm tra hiệu năng của con chip xử lý khủng này. Cũng theo đại diện bên phía MSI Việt Nam cho biết thì mẫu BIOS đang hiện hành trên chiếc bo mạch chủ X99A Gaming Pro Carbon của hãng chỉ là phiên bản Beta, do đó nó sẽ có một số lỗi nhỏ xảy ra trong quá trình thực nghiệm sản phẩm với vi xử lý Core i7-6900K. Và quả thật, chiếc bo mạch chủ này tỏ ra khá thiếu ổn định đặc biệt là các cổng USB 3.1 hay gặp tình trạng mất kết nối cũng như khả năng ép xung CPU bị hạn chế phần nào. Vấn đề ép xung sẽ được tôi trình bày trong phần dưới của bài viết này. Bạn có thể xem cấu hình chi tiết của bo mạch chủ này tại đây. Như thường lệ, tôi sẽ bắt đầu unbox chiếc bo mạch chủ này xem thử nó có những gì đặc biệt? Ngay từ cái nhìn đầu tiên, MSI X99A Gaming Pro Carbon đã tỏ ra rất nguy hiểm nhưng cũng không kém phần nghệ sĩ khi nhấn rất mạnh vào bức ảnh siêu xe màu đen carbon, màu chủ đạo của bo mạch chủ cũng như logo RGB LED hướng đến xu hướng đổi màu đèn LED hiển thị trên bo mạch đang rất chuộng tại thời điểm này. Một chút hơi ngoài lề, hình ảnh chiếc siêu xe này có thể là sự kết hợp từ bộ đôi Regera và Agera đến từ nhà sản xuất lừng danh Koenigsegg Thụy Điển. Mặt sau của hộp giới thiệu rất nhiều công nghệ tiên tiến mà MSI đã tích hợp vào model X99A Gaming Pro Carbon nhưng có vẻ như chúng đã phai mờ bởi công nghệ đèn LED Mystic Light thể hiện qua hình ảnh chiếc bo mạch chủ rực sáng đầy màu sắc trong khung hình minh họa. Theo MSI, chúng ta có thể dùng trình điều khiển hệ thống trên Windows hoặc ứng dụng trên điện thoại để thay đổi màu đèn LED của bo mạch chủ. Có thể với game thủ, đây là một tính năng cực kỳ thú vị nhưng với đối tượng chú trọng đến hiệu năng như tôi thì công nghệ này có cũng được mà không có cũng không sao cả. Phần phụ kiện của bo mạch chủ có rất nhiều nhưng nếu loại trừ đi sách hướng dẫn cũng như giấy tờ liên quan thì bao gồm: Dĩa driver Bộ tem SATA Miếng treo phòng Bộ sticker dán case Miếng chắn I/O 1 cầu CF 1 cầu SLI 6 cặp cáp SATA III 1 bộ header dành cho front panel thùng máy 1 dây cáp Mystic Light nối dài Mặt trước và sau của bo mạch chủ X99A Gaming Pro Carbon. Như đã nói ở trên, màu sắc chủ đạo của bo mạch chủ này là đen carbon vì thế nó mang vẻ ngoài rất ngầu và càng đậm chất game thủ hơn khi bên dưới nó là dãy đèn LED đầy màu sắc đang chờ đợi người dùng tùy chỉnh. X99A Gaming Pro sở hữu hệ thống pha nguồn 8 con dành cho CPU và 2 con dành cho bộ nhớ RAM. Nói về bộ nhớ, X99A Gaming Pro cho phép người dùng có thể gắn tối đa 8 thanh RAM DDR4 với tổng dung lượng 128GB và xung nhịp cao nhất hỗ trợ lên đến 3466MHz. Sử dụng socket 2011-3, X99A Gaming Pro Carbon hoàn toàn tương thích với toàn bộ chip xử lý nền tảng Haswell-E cũng như một số chip thuộc nền tảng mới Broadwell-E. Thông qua việc cập nhật BIOS, tôi đã có thể sử dụng được chip xử lý Intel Core i7-6900K nền tảng Broadwell-E nhưng tôi chưa chắc lắm liệu nó có tương thích với những người anh em Broadwell-E còn lại của 6900K hay không. Chuyện đó hãy để tương lai gần trả lời nếu tôi có dịp được trên tay những vi xử lý Broadwell-E kia và thử nghiệm chúng trên bo mạch chủ này. Phía trên khu vực 4 khe RAM bên phải bo mạch chủ là đèn LED báo lỗi giúp cho người dùng có thể đoán bệnh cho nó một cách dễ dàng. Đây gần như là tính năng bắt buộc phải có ở bo mạch chủ nền tảng chipset cao cấp như X99. Phần dưới của bo mạch chủ có rất nhiều điều để nói. Đầu tiên có thể kể đến là chip cầu nam X99 được tản nhiệt bởi miếng heatsink rồng khá đẹp mắt ở phía dưới bên phải của bo mạch chủ. Bên dưới chip cầu nam là 3 nút cứng bao gồm Power, Reset và ép xung tự động. Đối với người dùng bình thường nếu chưa biết ép xung, họ có thể sử dụng nút ép xung tự động để BIOS tự thiết lập các thông số CPU và RAM cần thiết để cải thiện hiệu năng. Nhưng với tôi thì rất ít khi nào tôi phải sử dụng đến nút này, chính xác hơn là tôi thích tự mình được tùy chỉnh thông số để có thể kiểm soát tốt được hệ thống của mình hơn. Dàn cổng SATA III của bo mạch chủ này được phân ra thành 2 khu vực: trên bo mạch chủ và cạnh bên phải của nó. Trên bo mạch chủ chúng ta sẽ thấy có đến 4 cổng SATA III và 2 trong số đó kết hợp cùng 1 cổng mini để trở thành 1 cổng SATA Express. Còn cạnh bên phải của X99A Gaming Pro có tổng cộng 6 cổng SATA III, đặc biệt hơn nữa là bo mạch chủ này còn hỗ trợ cả cổng USB 3.1 Gen 1 Type-C cùng cổng U.2 dành cho các SSD 2.5" chuẩn NVMe (Intel 750 SSD là một ví dụ điển hình). Ngoài ra, cũng ở phía cạnh phải này chúng ta sẽ có thêm 2 cổng Front Header USB 3.1 Gen 1 Type A nối ra dàn cổng USB 3.1 Type A phía trước của thùng máy. Bên cạnh 4 cổng SATA III phía mặt trên bo mạch chủ còn có thêm 2 đầu Front Header USB 2.0 và 1 đầu header dành cho dây cáp Mystic Light trong phần phụ kiện. Đến khu vực các khe cắm mở rộng PCIe, X99A Gaming Pro Carbon cung cấp cho chúng ta tổng cộng 4 khe PCIe 3.0 x16 và 2 khe PCIe 2.0 x1. Điểm đặc biệt ở những khe cắm PCIe 3.0 x16 là chúng được MSI bọc kim loại để bảo vệ chống hư tổn khi lắp một số card đồ họa đặc thù có trọng lượng nặng hơn bình thường. Ngoài ra, ở giữa 2 khe PCIe 3.0 về phía bên tay phải gần khu vực chip cầu nam là cổng M.2 PCIe 3.0 x4 cho phép kết nối được SSD M.2 chuẩn PCIe lẫn SATA III. Và tất nhiên nó cũng được bọc kim loại bảo vệ khu vực đầu cắm. Về chip xử lý âm thanh, X99A Gaming Pro Carbon được MSI tích hợp chip âm thanh cao cấp Realtek ALC1150 được bảo vệ chống nhiễu bởi lớp giáp Audio Boost để giữ nguyên chất lượng xuất ra của âm thanh. Chưa hết, MSI còn dùng thêm cả tụ âm thanh Nichicon nằm bên dưới lớp giáp Audio Boost để giảm độ méo của âm thanh ở mức cao cho phép người dùng có thể trải nghiệm âm nhạc bằng tai nghe hoặc dàn loa tốt hơn. Cổng kết nối mặt sau của X99A Gaming Pro Carbon từ trái qua phải bao gồm: 1 cổng PS/2 2 cổng USB 2.0 màu đen Nút Clear CMOS 2 cổng USB 3.1 Gen 1 1 cổng LAN 1Gbps 2 cổng USB 3.1 Gen 1 2 cổng USB 2.0 màu đen 1 cổng USB 3.1 Gen 2 Type-A 1 cổng USB 3.1 Gen 2 Type-C 5 cổng âm thanh 8 kênh cùng 1 cổng quang âm thanh S/PDIF Thực sự mà nói thì tôi không thích lắm về cách sử dụng màu trên các cổng USB 3.1 mặt sau của MSI trên mẫu X99A Gaming Pro khi họ sử dụng duy nhất một tông màu đỏ để thể hiện. Nếu không nhìn sách hướng dẫn hoặc lên trang chủ MSI để xem thì liệu bạn đọc có phân biệt được các cổng USB 3.1 Gen 1 và Gen 2 đầu kết nối Type-A với nhau? Tôi cho rằng MSI nên đổi màu cổng USB 3.1 Gen 2 Type-A để dễ phân biệt hơn, có thể là màu cam chẳng hạn, vì ít nhất màu này cũng thuộc tông nóng tương tự như màu đỏ nhưng không gây cảm giác lệch lạc tông màu cho dàn cổng phía sau của bo mạch chủ. Cuối cùng thì không thể không nhắc đến dải đèn LED RGB cùng công nghệ Mystic Light mà MSI đã tích hợp trên bo mạch chủ X99A Gaming Pro. Tiếc rằng trong quá trình thực nghiệm rất gấp gáp của mình tôi đã không thể quay phim lại cho bạn đọc xem về tính năng này nhưng các bạn có thể xem video minh họa trên của thành viên YouTube. III – Hệ thống thử nghiệm và hiệu năng 1 – Hệ thống thử nghiệm 2 – Hiệu năng *** Hiệu năng CPU *** A - SuperPi 32M B - AIDA64 CPU Queen Memory Benchmark C - Cinebench 15 D - Vray Rendering *** Hiệu năng 3D *** A - 3DMark 2013 B - PCMark 8 C - Metro Last Light D - Rise of Tomb Raider E - The Witcher 3 *** Hiệu năng thiết bị lưu trữ và âm thanh *** A - SanDisk X300 128GB (Đã cài Windows + Phần mềm) B - RightMark Audio Analyzer (Realtek ALC1150) IV - Khả năng ép xung và lời kết Về khả năng ép xung i7-6900K trên bo mạch chủ MSI X99A Gaming Pro Carbon, như tôi đã nói ở phần trên bài viết, bản BIOS mà MSI cập nhật cho chiếc bo mạch chủ này chỉ dừng ở mức Beta chưa phải là chính thức. Do đó nó đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc ép xung và với BIOS này, tôi chỉ có thể kéo được i7-6900K chạy mức xung 4.3GHz mà thôi. Còn về bộ nhớ RAM thì tôi không đụng đến vì linh kiện này khi ép xung thì tác động của nó vào hiệu năng hệ thống không lớn như CPU và VGA. Dưới đây là ảnh chụp CPU-Z mức xung 4.3GHz mà tôi đã ép i7-6900K chạy trên bo mạch chủ X99A Gaming Pro Carbon. Và thời gian quá gấp gáp cũng như MSI cũng đã lấy lại sản phẩm nên tôi không thể thực hiện lại hết các bài test trên để xem hiệu năng hệ thống cải thiện như thế nào. Chỉ duy nhất bài test dựng hình Vray là được thực hiện khi Core i7-6900K chạy mức xung 4.3GHz. Để có sự so sánh, bài test Vray ở mức xung mặc định đã cho kết quả gần 7' để dựng hình, vậy thì thời gian này sẽ được rút ngắn đến đâu với mức xung 4.3GHz của Core i7-6900K? Thời gian đã được rút xuống còn 5'42s, hơn được 1' mấy so với kết quả của mức xung mặc định. Thực sự thì đây là kết quả chưa ấn tượng lắm, đơn giản là BIOS của X99A Gaming Pro Carbon chưa được hoàn thiện, do đó để có thể phát huy tiềm năng ép xung của 6900K có lẽ tôi phải chờ đến khi MSI họ phát triển bản BIOS chính thức cũng như chip i7-6900K được bán tại thị trường Việt Nam.