PSU Seasonic M12D 850w

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi PowerLAB, 26/5/10.

  1. PowerLAB

    PowerLAB Member

    Bài viết:
    42
    PowerLAB dot vn
    Tác giả: SUSU
    Xem nội dung đầy đủ: Seasonic M12D 750/850 — PowerLAB
    Dưới đây là tóm tắt nội dung chính.
    _________________



    Là một hãng sản xuất thiết bị chuyển đổi năng lượng khá lâu đời (1975), Seasonic hầu như chỉ khoái làm một món duy nhất là bộ nguồn cho các thiết bị phục vụ ngành CNTT. Nhờ sự tập trung duy nhất vào một món nên chất lượng của các món do Seasonic tạo ra rất tốt và giá của nó hoàn toàn không rẻ chút nào. Trước đây hãng cũng chỉ làm OEM cho các thương hiệu máy tính lớn và không sản xuất các sản phẩm cho người dùng cuối, tuy nhiên gần đây do sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ, Seasonic đã đem sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng thông qua các nhà phân phối trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, công ty KAS đang là nhà phân phối chính thức của Seasonic, nhờ vậy mà hôm nay tôi mới có dịp giới thiệu đến bạn đọc một sản phẩm khá đặt trưng của Seasonic là Bộ nguồn máy tính dòng M12D với 2 model 750W và 850W.

    Hình thức bên ngoài

    [​IMG][​IMG]

    Lưng hộp là nơi ghi các thông tin tính năng nổi bật của Seasonic M12D. Có quá nhiều thông tin để phải đọc ở đây;

    - Super High Efficiency [up to 90%] - Hiệu suất siêu cao có thể lên tới 90% → Wow …việc này coi bộ rất khó đạt được, cần phải kiểm chứng lại lời nói của Seasonic.

    - DC to DC Converter Design – Mạch chuyển đổi DC qua DC → Một thiết kế mới giúp người dùng có thể khai thát triệt để năng lượng cung cấp từ PSU.

    - Practical Dual +12V Rails – Thiết kế với 2 đường 12V.

    - Tight Voltage Regulation – Sự ổn định điện áp cao.

    - Highly Reliable 105ºC Japanese Brand Capacitors – Sử dụng tụ Nhật với khả năng chịu đựng nhiệt độ lên tới 105ºC.

    - Conductive Polymer Aluminum Soild Capacitor – Sử dụng tụ thể rắn

    - Active Power Factor Correction [99% PF Typical] - Điều chỉnh hệ số công suất chủ động với hệ số công suất tới 99% → Thêm một thông số đáng thèm, tuy nhiên vẫn là do Seasonic nói thế…Tôi không tin nó có thể đạt được như vậy.

    - Dual Sided PCB Layout - Sử dụng mạch in 2 lớp nhằm tối ưu diện tích thiết kế để đạt được hiệu năng cao nhất.

    - Detachable Modular Cables – Cáp tháo rời.

    - San Ace Silent Fan [SANYO DENKI] – Quạt êm ái được dùng của Sanyo Denki (Japan).

    - Smart & Silent Fan Control [S2FC] - Mạch điều chỉnh tốc độ quạt thông minh theo nhiệt độ hoạt động của PSU làm cân bằng hiệu quả làm mát và độ ồn, đối với Seasonic thì được gọi là tính năng S2FC.

    - Ultra Ventilation [Honeycomb Structure] - Cấu trúc lưới thoát nhiệt tổ ong, siêu thông thoáng cho PSU.

    - Multi-GPU Technologies Supported - Hỗ trợ các hệ thống máy tính sử dụng nhiều VGA card với hệ thống đầu nguồn PCI-E 6 pin và 8 pin.

    - All – in – One DC Cabling Design – Điện áp DC được thiết kế tương thích hầu hết với các hệ thống máy tính để bàn, server, máy trạm hay máy tính công nghiệp.

    - Universal AC Input [Full Range] – Tương thích tất cả các mức điện lưới AC trên thế giới.

    - Patented Easy Swap Connector – Thiết kế đầu cắm tháo nhanh chóng và an toàn.

    - 5 Year Warranty - Bảo hành 5 năm → Với Việt Nam thì là 3 năm

    Phù…liệt kê hết các tính năng này mỏi cả tay. Khá ấn tượng khi thấy Seasonic khoe các tính năng của M12D nhưng còn có nhiều vấn đề cần phải chứng minh qua thử nghiệm như hiệu suất hay hệ số PF. Trong đó tôi còn thấy thêm các tính năng sáng giá khác như thông số kỹ thuật và chứng nhận 80Plus Silver.


    Không còn đủ kiên nhẫn để săm xoi bên ngoài chiếc hộp nữa, tháo tung ra nào…xem bên trong hộp Seasonic cho người mua những gì hơn… một PSU. Không nhiều phụ kiện lắm, sách hướng dẫn sử dụng với vài thứ tiếng thông dụng (không có tiếng Việt), cáp điện AC, ốc gắng PSU, decan dán và một túi vải to to chứa cáp rời.

    [​IMG][​IMG]

    Dài hơn nguồn chuẩn ATX tới 2cm, phủ bên ngoài một màu đen nhám, làm cho M12D đầy vẻ nam tính và mạnh mẽ. Là bộ nguồn hỗ trợ việc quản lý cáp với cáp tháo rời, đương nhiên phía trước nó sẽ cho ta thấy các cổng kết nối cáp. Seasonic bố trí các cổng cắm cáp này thành một hàng duy nhất, điều này thuận tiện cho việc tháo ráp cáp một cách nhanh chóng, dễ dàng bấm tay vào ngàm cài đầu cắm để tháo hay lắp. Ở đây tôi thấy có 2 loại đầu cắm; một loại dùng 8 pin dành cho cáp PCI-E với 2 đầu, một loại dành cho cáp ổ cứng SATA và IDE với đầu cắm 6 pin, do vậy không thể cắm nhầm 2 loại này với nhau. Một nữa số ổ cắm là đường +12V1 và một nữa còn lại là +12V2, việc bố trí các rail được mo tả như trên hình – đúng ra đây là một điểm trừ cho M12D khi mà nó không có đánh dấu các rail +12V này.

    [​IMG]

    Thông số kỹ thuật của 2 model có công suất 750W và 850W hầu như giống nhau hoàn toàn, chỉ khác duy nhất ở khả năng cung cấp năng lượng ở đường +12V – Với mức công suất 750W thì là 30A+38A (tối đa 744W cho 2 rail) còn 850W là 40A+40A (tối đa 840W cho 2 rail). Xem có gì ở đây, nếu trên một công suất tổng là 750W với 2 đường +12VDC có khả năng kéo được 38A cho mỗi đường, tổng công suất của 2 đường này đạt gần bằng tổng công suất của cả PSU (744W) điều này có thể không? Có thể lắm chứ, là vì M12D sử dụng công nghệ chuyển đổi DC to DC cho 2 đường +3.3VDC/+5VDC do đó nó sẽ tận dụng được công suất tối đa của đường +12V nếu tải thực tế không tiêu thụ năng lượng nhiểu trên 2 đường +3.3VDC/+5VDC. Tuy chỉ được thiết kế trên chuẩn ATX12V phiên bản 2.2 nhưng khả năng cung cấp năng lượng và các tính năng của nó rất tốt. Ở đây tôi thấy, giới hạn 240VA bị Seasonic phá vỡ trên đường +12VDC.

    Thử nghiệm

    Công suất, Hiệu suất và hệ số công suất FP

    Thử nghiệm công suất dựa theo phiên bản ATX12V ver 2.2 với tổng công suất hai đường +3.3VDC và +5VDC là 130W. Nhiệt độ môi trường được đặt tương đương với đẳng cấp Seasonic là 45ºC.

    [​IMG]

    Rất xứng đáng với logo 80Plus Bạc, hiệu suất còn cao hơn chứng nhận đó và có thể phong cấp lên tới mức 80Plus “Vàng”. Một PSU giúp tiết kiệm nhiều năng lượng hao phí nhất là với các cấu hình khủng đi với nó. Hệ số công suất tuy không đạt 0.99 như Seasonic muốn nhưng với mức từ 0.9 cho tới 0.96 thì tôi thấy là rất tốt rồi.

    Sự ổn định điện áp

    [​IMG]

    Trên công nghệ điều khiển và ổn định điện áp mới có vẻ đã phát huy được tác dụng tốt tới các đường điện. Đường +12VDC có sai số rất tốt >1.1% và chỉ giao động ở mức 0.08V từ mức thử công suất thấp nhất đến cao nhất. Mạch DC to DC tuy gim không cho điện áp vượt quá tiêu chuẩn ATX12V nhưng lại có sai số cao hơn đường +12VDC gần gấp đôi. Tuy nhiên, đường -12V lại là con sâu làm rầu nồi canh M12D khi mà sai số của nó lại khá cao lên tới con số 8.8% (tiêu chuẩn tối đa 10%) không thì tôi đã có thể khen PSU này có sai số điện áp rất tuyệt. Tuy nhiên, phải nói PSU này ổn định điện áp trên các mức tải không thể chê được, với điện áp của đường +3.3VDC/+5VDC trong suốt quá trình thử chỉ lên xuống ở mức dưới 0.04VDC. Một PSU có điện áp cực kỳ ổn định.

    Nhiệt độ hoạt động:

    [​IMG]

    Thật sự không hiểu được tại sao M12D-850 lại có nhiệt độ hoạt động thấp hơn công suất 750W của M12D-750, trong khi tốc độ quạt là bằng nhau?

    Khám phá bên trong

    [​IMG][​IMG]

    Có vẻ với kích thước cộng thêm 2cm vẫn không đủ sức chứa cho đống linh kiện bên trong PSU. Kích thước mạch in chiếm hết diện tích của PSU. Hệ thống làm mát – sử dụng quạt 120mm, tuy to nhưng kích thước quạt nhìn vẫn không cân xứng so với kích thước của PSU. Tôi thấy Seasonic nên dùng quạt có kích thước lớn 140mm thì mới tương xứng và không những vậy nó còn giúp PSU hoạt động êm ái hơn nhiều nhờ có CFM cao hơn khi cùng một tốc độ với quạt 120mm.

    [​IMG][​IMG]

    [​IMG][​IMG]

    Thiết kế rất chuyên nghiệp với phần mạch lọc nhiễu điện từ đầu tiên. Các linh kiện mạch EMI được gắn trên một mạch in đàng hoàng. Mạch này còn được phủ thêm một lớp đồng có tráng lớp cách điện và được hàn với mass nhằm chống nhiễu điện từ bị bức xạ ra. Thiết kế này tốt hơn nhiều PSU thương hiệu mà tôi từng biết, chỉ thua PSU Delta 700W với bộ EMI được đóng thành khối. Mạch lọc EMI thứ 2 trên mạch in chính. Thiết kế mạch này cũng không kém mạch thứ nhất là mấy, có tới 3 cuộn dây lọc lớn, nhiều hơn 1 so với các loại PSU khác, tụ lọc và các thành phầm MOV chống sét đều có đủ ở đây.

    [​IMG][​IMG]

    Mới nhìn tôi lại tưởng phiến tản nhiệt đầu tiên là nơi gắn các MOSFET phần PFC giống như kiểu thiết kế của FSP. Nhưng khi tháo ra thì đây là nơi gắn 2 diode nắn điện AC chính. Khá hào phóng, với mức công suất chỉ có 750W nhưng M12D lại có tới 2 diode nắn điện với khả năng chịu dòng tổng cộng lên tới 16A trên điện áp hiệu dụng 420V ở nhiệt độ 100ºC (có gắn tản nhiệt). Với thông số như vậy, thực tế nó có thể chịu được một công suất lên tới 3520W@220VAC, một khả năng dư thừa cho một mức công suất đầu vào chỉ đạt tối đa 864W như kết quả thử nghiệm.

    Chất lượng lọc điện áp DC trong Seasonic M12D 750W được đảm bảo bằng tụ hóa của của Nippon Chemi-Con (Japan). Tụ lọc chính ở đầu vào công suất PFC có tổng dung lượng là 720uF/400VDC do 2 tụ 390uF/400VDC và 330uF/400VDC ghép lại, nhiệt độ hoạt động được ghi trên thân tụ là 105ºC. Các tụ lọc khác ở phần thứ cấp DC sau biến áp PWM cũng được dùng duy nhất tụ của Nippon Chemi-Con.

    [​IMG]

    Tôi khẳng định chắc chắn là M12D 750W chạy “Twin PFC” khi xem tới số lượng MOSFET cho mạch PFC này. 2 cặp MOSFET FQP13N50C của Fairchild Semiconductor Corporation tương ứng với 2 cuộn dây PFC. Khả năng chịu tải của 4 MOSFET này với dòng DC liên tục ở 100ºC đạt 31.6A, đương nhiên trong chế độ hoạt động dạng xung nhưng PFC thì dòng này còn cao hơn rất nhiều. Rõ ràng với công nghệ mới này, việc điều chỉnh PFC sẽ đạt được một tầm cao mới, hiệu quả cao hơn so với cách chạy Single thông thường.

    [​IMG]

    Phần điều khiển được giao cho IC CM6802 do Champion Microelectronic Corporation sản xuất. IC được gắn trên một module riêng và bao bọc cách điện và chít keo khá kỹ. Đây là IC điều khiển chung cho cả 2 phần công suất PWM và PFC

    [​IMG]

    Sau biến áp công suất chính PWM là 8 diode nắn điện, chúng chỉ làm 1 nhiệm vụ duy nhất là nắn điện DC cho đường +12V. Còn các đường điện khác thì sao? Vì M12D sử dụng công nghệ DC to DC, các đường điện áp khác như +3.3VDC và +5VDC sẽ được tạo ra từ một mạch ổn áp và mạch này lấy điện từ đường +12VDC.

    [​IMG]

    Mạch DC to DC được thiết kế trên một module riêng, nằm phía sau các diode nắn điện +12VDC. Module có tính năng hạ điện áp từ +12VDC xuống 2 mức điện áp thấp hơn là +3.3VDC và +5VDC, đồng thời ổn áp cho các đường điện này. Nếu nói chính xác nó tương đương với 1 IC ổn áp thông dụng trong các thiết bị điện tử dân dụng là IC 7805, tuy nhiên với 7805 là chỉ chịu được một dòng tối đa là 1 A – Module này chịu tới 24A cho đường +3.3VDC và 30A cho đường +5VDC. Có công suất lớn như vậy là nhờ sự kết hợp giữa IC điều khiển PWM ổn áp SPW7073 và 7 MOSFET APM2556N.

    Đánh giá chung

    Đây là một PSU không thể chê được về chất lượng linh kiện và công nghệ chế tạo ra nó. Ứng dụng các công nghệ mới nhất trong thiết kế PSU hiện nay, linh kiện chất lượng cao của các hãng sản xuất tên tuổi. Việc đó đã đem lại cho người dùng một PSU có hiệu suất cao >85%, điện áp ổn định, công suất thật trong điều kiện hoạt động thực tế đúng với công suất danh định, có các tính năng bảo vệ hiệu quả và độ bền cao nhờ linh kiện được tuyển chọn từ các thương hiệu có uy tín. Ngoài ra còn phải kể tới các tiện ích khác như cáp tháo rời, số lượng đầu cắm thuộc loại dư thừa,…Seasonic dòng M12D thật sự thích hợp cho những tay chơi phần cứng và phù hợp nhất cho các tay chơi game chuyên nghiệp với các cấu hình máy tính “khủng”, không những vậy nó còn dư sức đáp ứng được cho các nhu cầu cung cấp năng lượng cho các hệ thống sever hay máy trạm làm các công việc nặng tính render như đồ họa 3D, dựng phim,… Tuy nhiên, bạn phải coi lại túi tiền của mình trước khi rờ tới các sản phẩm PSU mang thương hiệu Seasonic vì nó không phải rẻ chút nào.

    Ưu điểm

    - Hiệu suất >85%.

    - Twin Active PFC.

    - Hệ số PF >0.92 giúp giảm công suất VA.

    - Điện áp rất ổn định.

    - An toàn với các tính năng bảo vệ OCP, OVP và SCP.

    - Chất lượng linh kiện tốt có độ bền cao.

    - Quạt làm mát chạy êm.

    - Cáp tháo rời.

    Khuyết điểm

    - Với mức thu nhập trung bình còn thấp của người dùng Việt Nam hiện nay thì theo tôi khuyết điểm duy nhất của PSU Seasonic M12D 750W là giá bán còn cao.

    Giá bán tham khảo

    - 3,610,000 đồng cho công suất 750W và 4,370,000 đồng cho mức công suất 850W – thời gian bảo hành 3 năm.

    Giá trị đầu tư

    - 4,813 đồng /1 Watt cho loại 750W.

    - 5,141 đồng/1 Watt cho loại 850W.

    Seasonic M12D 750/850 — PowerLAB

     
    :

Chia sẻ trang này