HOT [Quick Test] Cidooo CD302 - Tay chơi mới với switch quang học Flaretech

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 8/10/18.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Trong thế giới bàn phím cơ, khi nhắc đến switch quang học, người dùng sẽ nhớ đến một loại switch có độ bền cao, dễ dàng thay thế cũng như khả năng bảo vệ trước các tai nạn thường trực như nước đổ tốt hơn so với nhiều loại switch khác. Hầu hết các mẫu bàn phím cơ sử dụng switch quang hiện nay đang sử dụng LK switch. Đây là loại switch quang học trục ngang sử dụng cơ chế hoạt động trục là một bộ thu phát hồng ngoại đặt ngang switch để nhận tín hiệu khi ấn xuống với độ bền khoảng 50 triệu lần nhấn.

    Tuy nhiên, vẫn còn một loại switch quang học khác có tên gọi là Flaretech Prism hội tụ những điểm mạnh như thay nóng switch, tốc độ phản hồi cực nhanh, đặc biệt là khả năng truyền tín hiệu tương tự như núm analog trên tay cầm chơi game. Hiện nay trên thị trường Việt Nam đã có hai cái tên lớn trong ngành phím cơ ứng dụng loại switch này là Gigabyte và BenQ Zowie với hai mẫu phím lần lượt là Aorus Gaming K9 và Celeritas 2. Điểm chung của hai bàn phím này là chúng đều có giá thành khá cao từ 3 triệu đồng trở lên và không dễ tiếp cận đối với đa số người dùng phím cơ phổ thông. Dù vậy, chúng ta vẫn còn sự lựa chọn thứ ba đến từ nhà sản xuất Cidooo đến từ Trung Quốc với mẫu bàn phím cơ CD302 do nhà phân phối Ninza đem về thị trường Việt Nam với giá khởi điểm khá rẻ chỉ tầm 2.3 triệu đồng.

    IMG_8827_res.jpg

    Thông số bàn phím cơ Cidooo CD302:

    I - Unbox và thiết kế






    Dù là nhà sản xuất mới nhưng Cidooo đã đầu tư cho chiếc hộp đựng sản phẩm của mình khá chỉnh chu không khác gì các hãng có danh tiếng hơn. Cụ thể hộp đựng này có quai xách tiện cho bạn mang bàn phím đi khắp nơi. Tuy nhiên, nếu là dân sành chơi bàn phím, nhiều người sẽ sử dụng túi riêng để đựng bàn phím thửa của mình. Phía trước hộp chúng ta có thể thấy mẫu CD302 có đến 3 tùy chọn về màu, và phiên bản tôi sử dụng là màu đen truyền thống. Phía sau hộp có rất nhiều thông tin nhưng hầu hết là tiếng Hoa phổ thông, chỉ có vài thông số bằng tiếng Anh được ghi rất nhỏ ở phần dưới bên trái hộp như sau:

    • Switch cho phép thay nóng
    • Switch cam với trải nghiệm như switch xanh (Cherry!?)
    • Độ ồn tương tự như switch đỏ (Cherry!?)

    Tất nhiên đây chỉ là thông tin quảng cáo từ nhà sản xuất Cidooo, còn việc trải nghiệm CD302 như thế nào thì đó là chuyện của nửa sau bài viết này.




    Trong hộp sản phẩm bao gồm:

    • Bàn phím CD302
    • Sách hướng dẫn và catalogue giới thiệu
    • 2 switch thay thế
    • 1 cây keypuller hai đầu tháo keycap và switch






    Điều đầu tiên mà tôi thể cảm nhận được từ CD302 là nó được nhà sản xuất Cidooo trau chuốt rất kỹ về độ hoàn thiện sản phẩm. Cảm giác cầm nắm CD302 trên tay rất đầm tay và chắc chắn chứ ko ọp ẹp hay rẻ tiền thường thấy ở những bàn phím cơ Trung Quốc điển hình dù chất liệu chính chỉ là nhựa. Chưa hết, CD302 sử dụng loại keycap nhựa ABS double shot giúp mặt chữ trên keycap không bị phai mờ theo thời gian nhưng bù lại khả năng xuyên LED không thực sự ấn tượng. Dù lên hình có vẻ sáng sủa là vậy nhưng thực tế khi sử dụng thì đèn LED của CD302 dù rất sáng nhưng vẫn khó xuyên qua nền keycap ABS double shot. Tuy nhiên, do sở hữu thiết kế layout 104 phím truyền thống, CD302 có thể tương thích với rất nhiều loại keycap khác nhau trên thị trường. Do đó bạn có thể dễ dàng thay keycap nếu như không hài lòng với keycap mặc định của CD302.

    Mặt sau của CD302 có đến 4 feet nhung cao su để giúp bàn phím có thể cố định trên mặt bàn mà không bị xê dịch khi sử dụng. Ngoài ra, nó còn có hai chân nâng độ cao cho phép người dùng trải nghiệm thoải mái trong thời gian dài. Về khả năng đi dây chống rối, bạn có thể đi dây theo 2 hướng trái phải và giữa, nhưng muốn đi theo 2 hướng đầu tiên bạn buộc phải tháo case của bàn phím ra nếu không thì dây sẽ bị case chặn lại, gây sự lòi lõm khi đặt bàn phím xuống mặt bàn. Đây là điểm trừ đầu tiên trong thiết kế bàn phím của Cidooo, cách khắc phục là bạn nâng độ cao bàn phím lên bằng 2 chân đế. Và cách này dẫn đến sai lầm thứ hai của Cidooo trên mẫu CD302 là khe đi dây dưới đáy bàn phím khá nông và không đủ sâu để giữ vững dây cáp. Cuối cùng, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy phía trên case của CD302, ngoài khe giữa để đi dây nó vẫn còn đến 2 khe trái phải nữa, nhưng tôi lại không thể đi dây theo hai hướng này được. Lý do nằm ở việc phần dây đi luồn dưới case quá cấn và về lâu dài sẽ làm case bị biến dạng rất mất thẩm mỹ.




    Hy vọng ở sản phẩm tiếp theo, Cidooo sẽ sửa các lỗi này trong thiết kế đế bàn phím để người dùng thuận tiện hơn khi sử dụng.









    CD302 có 2 profile tùy theo mục đích sử dụng của bạn, high-profile (gắn case) rất phù hợp nếu như bạn cần sử dụng CD302 làm công việc văn phòng trong thời gian dài. Trong khi đó, low-profile (tháo case) sẽ giúp bạn thao tác phím thoải mái và không vướng víu, cực kỳ phù hợp khi bạn chơi game, đặc biệt là với những tựa game mang tính thi đấu như PUBG, Fortnite hay CS GO. Nói về keycap mặc định của CD302 một chút, có một điểm khá phiền phức mà trong quá trình sử dụng bàn phím tôi gặp phải, đó là keycap của CD302 không in công dụng của các phím tắt kết hợp cùng Fn. Vì thế mỗi lần tăng giảm âm thanh hay đơn giản là chuyển chế độ đèn LED, tôi lại phải nhìn vào sách hướng dẫn để xem combo nút. Và mỗi lần như thế lại vô tình làm mất đi hứng thú của tôi khi dùng bàn phím. Có lẽ Cidooo cần chú ý hơn đến những thiếu sót này để tránh lập lại trên các sản phẩm bàn phím cơ sau này của mình.



    Nhằm tránh nhiễu cũng như truyền tín hiệu bàn phím tốt hơn, CD302 dùng đầu kết nối USB mạ vàng cũng như được trang bị cục Ferrite Bead chống nhiễu. Và để giảm thiểu hư hại, Cidooo đã sử dụng dây cáp bọc dù cho bàn phím CD302, nhưng cá nhân tôi thì thích dây cáp mềm hơn vì khả năng đi dây của dây mềm là tốt hơn hẳn so với dây dù.






    Như đã nói ở phần trên bài viết, Cidooo CD302 được tích hợp bộ switch bàn phím quang học Flaretech. Đây là loại switch quang trục dọc mà theo đó, nhà sản xuất sẽ đặt một cảm biến đo khoảng cách bằng hồng ngoại trên bảng mạch. Khi nhấn phím, cảm biến này sẽ nhận biết sự thay đổi khoảng cách và biết được phím đó đã được nhấn xuống. Điểm mạnh của switch này nằm ở khả năng thay thế nóng và nhanh khi nó không bị hàn chết lên bảng mạch như switch trên bàn phím cơ truyền thống, và người không thực sự chuyên về bàn phím như tôi vẫn có thể thay thế dễ dàng.

    Switch Flaretech có 2 loại đỏ và xanh trong đó:

    • Switch đỏ không có tiếng clicky, lực nhấn 56g, độ bền 100 triệu lần nhấn, tốc độ phản hồi 0.03ms
    • Switch xanh tương tự như switch đỏ nhưng có tiếng clicky

    Bàn phím Cidooo CD302 mà tôi thử nghiệm hôm nay sử dụng switch xanh nhưng lại được nhà sản xuất Flaretech sơn màu cam. Qua đó, nó cũng khiến tôi nhiều lúc bị nhầm lẫn, tất nhiên cái đấy là lỗi về phía cá nhân tôi nhiều hơn. Còn về khả năng nhận phím theo lực nhấn tương tự như analog tay cầm thì hiện tại chỉ mới có bàn phím Wooting One tận dụng được, còn trong phạm vi bài viết này thì Cidooo CD302 không hề có tính năng nói trên. Vì tôi đã thử khá nhiều game trong đó có cả PUBG thì khi nhấn nhẹ phím Shift trên CD302, game chỉ nhận đúng một lệnh là chạy nhanh. Có thể đây là vấn đề nằm ở phần mềm điều khiển, và hy vọng rằng trong tương lai Cidooo sẽ áp dụng tính năng thú vị này lên sản phẩm của mình.

    II - Thử nghiệm

    Trong phần này tôi sẽ làm 3 bài bao gồm khả năng nhận nhiều phím cùng lúc (Hay còn gọi là N-key rollover test), nghe tiếng clicky và đo âm thanh phát ra từ CD302 khi nhấn nút Space và các nút ký tự khác, cuối cùng sẽ là trải nghiệm khi trên game competitive là PUBG.

    N-key rollover test

    Bài test này tôi sẽ dùng chương trình Aqua'S Key Test và dùng hai bàn tay cố gắng đè càng nhiều phím càng tốt để xem thử CD302 có thể nhận được bao nhiêu phím.



    Và như bạn đã thấy, CD302 nhận được rất nhiều phím và chỉ bị miss phím P do ngón tay tôi đã vô tình thả phím ra sau khi đã đè xuống. Do đó, CD302 đã chính thức vượt qua bài test N-key rollover khá dễ dàng.

    Nghe và đo âm thanh phát ra từ bàn phím

    Trong bài này, tôi sẽ sử dụng máy đo âm thanh CEM Mini Sound Level Meter và hướng vào bàn phím trong lúc nhấn phím Space và các phím ký tự khác. Do sở hữu đến 2 profile nên tôi sẽ test CD302 trước và sau khi gắn case để xem có sự khác biệt rõ rệt về âm thanh hay không? Cần lưu ý là âm thanh môi trường thử nghiệm của tôi vốn đã nằm trong mức 50-55dB mà theo dải độ ồn cơ bản đó là trò chuyện bình thường (50-60dB).


    CD302 khi đã tháo case.


    CD302 khi đã gắn case.

    Nhìn chung ở cả hai trường hợp, máy đo âm thanh đều ghi nhận độ ồn tối đa phát ra từ bàn phím hơn 60dB một chút. Với độ ồn này thì bạn sử dụng trong môi trường văn phòng không thực sự phù hợp lắm, nếu như không muốn nói là bạn đang làm ô nhiễm tiếng ồn cho đồng nghiệp của mình. Điều này là không lạ với các loại switch xanh nói chung vốn có khả năng gây ồn do có tiếng clicky. Còn khi chơi game thì độ ồn phát ra hay không thì không quan trọng, vì lúc đó các game thủ thường mang tai nghe để chơi game nên tiếng ồn phần nào cũng bị hạn chế, giúp họ tập trung hơn vào trận đấu.

    Trải nghiệm chơi game PUBG



    Đối với những tựa game mang tính competitive rất cao như PUBG, cảm giác phím luôn là điều tối quan trọng nếu không muốn nói nó là một trong những yếu tố quyết định thành bại của trận đấu bên cạnh chuột cũng như trình độ chơi game. Với độ nặng switch xanh chỉ 56g cũng như keycap ABS double shot khá nhám, CD302 tạo cho tôi cảm giác rất thoải mái khi chơi game. Nhưng đó là khi tôi sử dụng bàn phím ở chế độ low-profile tức là tháo case ra, còn khi gắn case vào là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Các pha xử lý của tôi có phần vụng về và tỏ ra vướng víu, không thoải mái trong các thời khắc nhất định. Có thể đó là khi ở high-profile, CD302 không có phần kê tay khiến tôi thao tác tương đối khó chịu và dẫn đến các pha xử lý trong game thiếu quyết đoán và nhanh gọn. Thực ra thì như tôi đã nói ngay từ đầu bài viết, high-profile trên bàn phím Cidooo CD302 chỉ thực sự phù hợp với người dùng văn phòng khi đối tượng này không quá chú trọng đến sự thoải mái cần thiết như game thủ. Do đó, khi chơi game với CD302, bạn nên tháo phần case của nó ra thì hay hơn.

    III - Lời kết

    [​IMG]

    Bàn phím Cidooo CD302 được nhà phân phối Ninza đưa về thị trường Việt Nam với giá 2.3 triệu đồng.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Bài viết này có tham khảo một số thông tin từ Facebooker Nguyễn Hiếu với bài phân tích rất chi tiết về switch quang học Flaretech được anh đăng tải tại đây.

    [​IMG]
     

    Các file đính kèm:

    :
    Chỉnh sửa cuối: 9/10/18
  2. cohay

    cohay Well-Known Member

    Bài viết:
    2,243
    sao cùng là flaretech mà mình nghe con này y như blue hỉ, mấy con flare khách như Zowie thì im gu như brown á!
     
  3. dzinhdzuan

    dzinhdzuan Member

    Bài viết:
    330
    Hay nè, dụ bạn bè mua cùng loại, khi switch mình bị hỏng thì chôm của nó gắn qua hahahaha....

    Vãi switch cam, vừa clicky vừa nhẹ như red á!
     
  4. thienlnf

    thienlnf New Member

    Bài viết:
    1
    sao nghe giống Blue Switch quá.
     

Chia sẻ trang này