HOT [Review] Đánh giá chi tiết ROG G752VY - Khi game nặng đã không còn là một rào cản

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 3/5/16.

  1. umbrella_corp

    umbrella_corp AhhAhhhAhhhh Administrator

    Bài viết:
    3,170
    Nơi ở:
    Umbrella Corporation
    Trước đây, tôi đã từng trên tay và đánh giá ROG G752VT, sản phẩm được xem là khởi đầu cho series laptop chơi game G752 mới của ASUS trong năm 2016 nhưng tiếc rằng nó không về thị trường Việt Nam. Thay vào đó, ASUS sẽ trình làng model G752VY tại thị trường này và hãng điện tử Đài Loan cũng đã có buổi ra mắt và trải nghiệm sản phẩm hôm 14/4 vừa qua tại khách sạn Eastin Grand Hotel ở Sài Gòn.

    Về cơ bản ngoại hình của cả hai chiếc G752VT trong bài viết trước cũng như G752VY mà tôi sắp đánh giá là không có nhiều sự khác biệt ngoại trừ cấu hình cũng như hệ thống tản nhiệt. Cụ thể, cấu hình của G752VY sở hữu card đồ họa GTX 980M cũng như ổ cứng HDD HGST có số vòng quay 7200rpm cao hơn so với GTX 970M và 5400rpm ở chiếc G752VT. Hơn nữa, G752VY sử dụng dàn tản nhiệt buồng hơi khiến nó trở thành chiếc laptop chơi game đầu tiên trên thế giới trang bị hệ thống này thay vì tản nhiệt bằng ống đồng truyền thống như G752VT.

    [​IMG]

    Bạn đọc có thể xem cấu hình đầy đủ của chiếc máy này ở hình chụp dưới đây được tôi lấy từ trang chủ ASUS Việt Nam:

    [​IMG]

    Lưu ý, hình ảnh cấu hình phía trên của trang chủ ASUS có thể khác chút so với cấu hình thực tế của chiếc G752VY mà tôi sắp đánh giá tùy theo model. Vì vậy, tôi đã cẩn thận chụp lại hình CPU-Z, GPU-Z và AIDA64 Extreme Edition để bạn đọc có thể biết chính xác cấu hình mẫu G752VY trên tay tôi. Những hình này sẽ được tôi đưa ra ở phần dưới của bài viết.​

    I - Thiết kế

    Thiết kế của máy gần như tương tự chiếc G752VT trước đây tôi từng đánh giá nên bạn đọc có thể tham khảo tại đây. Trong phần này tôi chỉ liệt kê một số điểm khác biệt chỉ có mặt trên G752VY mà thôi.

    Đầu tiên là về hệ thống tản nhiệt. G752VY được ASUS trang bị bộ tản nhiệt buồng hơi 3D dành cho CPU và GPU giúp nó trở thành gaming laptop đầu tiên trên thế giới được sở hữu công nghệ tản nhiệt này. Tuy nhiên khi xem qua dưới đế máy thì rất khó để thấy rõ bộ tản nhiệt này nếu không mổ máy ra.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Thứ hai màu ở dàn khe thoát nhiệt của máy có sự thay đổi nhẹ. Thay vì là một dải màu đen như G752VT, G752VY sở hữu màu đỏ lai cam ở khu vực này. Sự thay đổi này có thể khiến cho nhiều game thủ cảm thấy hứng thú nhưng tôi thích ASUS giữ nguyên màu đen như G752VT hơn vì nó mang đến sự sang trọng quý phái cho chiếc gaming laptop này. Ngoài ra, ASUS còn tích hợp dàn đèn LED đỏ ở đây giúp G752VY phát sáng trong môi trường thiếu sáng nhìn khá bắt mắt trong khi đó người tiền nhiệm G752VT không có được dàn đèn này.

    [​IMG]

    Sau đây là gallery hình ảnh của G752VY ở những góc chụp khác nhau:

    Ngoài ra, ASUS còn tặng kèm cho người dùng chuột chơi game ROG có độ phâ giải DPI theo dải từ 1250 đến 5000 DPI và có thể được điều chỉnh dễ dàng bằng nút tắt trên thân chuột và báo lại trên màn hình máy.

    [​IMG]
    [​IMG]

    II - Những ứng dụng cài sẵn theo máy

    Cũng như G752VT, G752VY cũng được cài sẵn một số ứng dụng theo máy tương tự bao gồm:

    • ASUS Gaming Center
    [​IMG]
    [​IMG]

    Đây có thể xem là ứng dụng điều khiển trung tâm của toàn bộ hệ thống của G752VT. Nó cho phép bạn không chỉ xem tình trạng xung nhịp của CPU và GPU mà còn thể ép xung được GPU của máy, xem thông tin toàn bộ hệ thống, thiết lập profile hệ thống tùy theo nhu cầu người dùng, điều chỉnh đèn nền cũng như đèn LED logo... Chưa hết, ứng dụng này còn liên kết với các ứng dụng khác trên máy như ROG GameFirst III và ROG Macro Key cho phép bạn truy cập nhanh vào những ứng dụng này để tùy chỉnh cực kỳ tiện lợi. Riêng về phần ép xung GPU trên G752VY, tôi sẽ có bài hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới.
    • ROG GameFirst III
    [​IMG]

    Bạn có thể truy cập vào ứng dụng này thông qua icon trên màn hình Desktop hoặc ứng dụng điều khiển Gaming Center. GameFirst III dành cho gaming laptop có tác dụng không khác gì so với phiên bản máy bàn có mặt trên các bo mạch chủ của ASUS. Nhiệm vụ của ứng dụng này là tối ưu hóa đường truyền Internet phục vụ cho những nhu cầu đặc thù của người dùng nhưng Game, lướt web, v.v... Tuy nhiên, vì khả năng tối ưu của phần mềm quá cao sẽ dẫn đến chiếc laptop chơi game của bạn sẽ thu hút hết băng thông Internet nếu đang kết nối trong hệ thống mạng nội bộ. Vì vậy, bạn cần cân nhắc sử dụng phần mềm cho hợp lý.
    • ROG MacroKey
    [​IMG]

    Cũng như GameFirst III, bạn có thể vào ứng dụng này thông qua Gaming Center. MacroKey cho phép bạn gán các tổ hợp phím vào một nút Macro trên dàn nút Macro 5 phím trên bàn phím. Chưa hết, bạn có thể gán nút Macro thành phím tắt để mở nhanh ứng dụng đặc thù, hoặc mở thẳng trang web cần truy cập bằng trình duyệt mặc định Edge (bạn có thể thay đổi trình duyệt mặc định trong Windows 10 thoải mái, tuy nhiên khi khởi động lại máy thì lựa chọn này sẽ bị trả về mặc định).
    • Gaming Mouse
    [​IMG]

    Không như hai ứng dụng trên, Gaming Mouse chỉ có thể vào bằng icon trên Desktop và công dụng nó cũng gần như tương tự như MacroKey, chỉ khác là được áp dụng trên chính chuột chơi game do ASUS trang bị sẵn khi bán ra cùng G752VY.
    • Sonic Studio II
    [​IMG]

    Cuối cùng là Sonic Studio II. Không như phiên bản bên G752VT, bạn có thể vào ứng dụng này thông qua Gaming Center. Sonic Studio II cho phép bạn tùy chỉnh mọi thứ về chất lượng âm thanh của G752VY cho phù hợp với nhu cầu của mình. Không như những ứng dụng điều chỉnh về âm thanh khác, Sonic Studio II tối giản gần như hết mức những tùy chọn có thể điều chỉnh để mang lại trải nghiệm phần mềm thân thiện hơn cho đại đa số người dùng hiện nay. Vì thế, nếu bạn là người khắt khe về âm thanh, chắc chắn bạn không phải là đối tượng mà Sonic Studio II hướng đến rồi. Điểm bất cập ở phần mềm này là việc nó không nằm trong dĩa cài đặt của máy mà buộc người dùng phải lặn lội lên trang diễn đàn ROG của ASUS để lấy link tải về tại đây hoặc đây.​

    III - Màn hình

    G752VY cũng như G752VT, cả hai đều sở hữu màn hình 17.3" độ phân giải Full HD 1080p, tấm nền IPS chống chóa cùng công nghệ G-Sync của NVIDIA dành cho game thủ. Cá nhân tôi cho rằng, độ phân giải Full HD vẫn chưa xứng tầm lắm với card đồ họa khủng GTX 980M của máy. Và sẽ hay hơn rất nhiều, nếu G752VY được nâng cấp độ phân giải lên QHD 2560x1440 hoặc UHD 3480x2160 để có thể tận dụng hết sức mạnh từ nhân GPU khủng trên nền di động như GTX 980M.

    Với mắt đo Spyder3 cùng phần mềm đo màn hình LaCie BlueEye Pro, tôi sẽ đo thử chất luợng màn hình của G752VY như thế nào với thông số mặc định và độ sáng kéo lên tối đa:

    [​IMG]

    So với chiếc G752VT trước đây, G752VY có nhiệt màu Kelvin đỡ nóng hơn rất nhiều khi kết quả đo chỉ là 6976K so với mức gần 8400K của người tiền nhiệm, nhưng độ lệch màu delta E tối đa lại cao hơn (9.5 so với 8.5). Vì vậy rất khó để G752VY có thể giúp người dùng đồ họa có thể chỉnh sửa ảnh với màu sắc chính xác. Về độ sáng tối đa, G752VY cho ra kết quả rất tốt với 312 nit cao hơn mức chuẩn 300 nit ở những màn hình LCD.

    Bài thử nghiệm tiếp theo tôi sẽ tiến hành cân màu cũng như điều chỉnh độ sáng phù hợp nhất dành cho chỉnh sửa ảnh bằng mắt đo Spyder3 và ứng dụng BlueEye Pro. Lưu ý rằng, đa số các laptop đều không có khả năng điều chỉnh sâu vào thông số màn hình như độ tương phản cũng như mật độ màu RGB, vì vậy tôi đã bỏ qua hai thông số này khi thực hiện bài thử nghiệm.

    [​IMG][​IMG]

    Theo kỹ thuật chung của ngành in, mức delta E tối ưu nhất dành cho in ấn nằm ở khoảng nhỏ hơn hoặc bằng 2. Nhìn vào kết quả trên, mức delta E của máy đã bị hạ xuống dưới 2 cũng như nhiệt màu Kelvin và Gamma chỉ lệch một chút không đáng kể so với mức chuẩn. Qua đó, chiếc G752VY này đã sẵn sàng và người dùng đồ họa đã có thể an tâm chỉnh sửa ảnh thoải mái cũng như in ấn với chất lượng ảnh chính xác nhất có thể. Bạn đọc có thể tải về file ICC profile mà tôi đã cân màu sẵn cho G752VY tại đây.

    Tiếp theo tôi sẽ thử nghiệm tiếp khả năng hiển thị của màn hình G752VY qua các góc nhìn trên dưới, trái phải và chính diện. Màn hình của máy sử dụng tấm nền IPS vì vậy tôi có thể dự đoán rằng góc nhìn không phải là vấn đề lớn của G752VY. Sau đây là hình ảnh các góc nhìn màn hình của G752VY được tôi ghép lại thành 1 tấm hình duy nhất:

    [​IMG]

    Đúng như dự đoán của tôi, màn hình G752VY đã tái tạo hình ảnh rất chính xác ở các góc nhìn và gần như không có chuyện mờ hình xảy ra ở các góc khó như dưới, trái phải của máy. Rõ ràng tấm nền IPS của G752VY đã thể hiện vai trò của nó rất tốt trong bài test này.​

    IV - Hiệu năng

    Cũng như G752VT, G752VY sở hữu rất nhiều cấu hình nếu như bạn đọc đã có sự tìm hiểu trước trên trang chủ của ASUS. Hiện tại, mẫu G752VY sẽ được bán đợt đầu tại Việt Nam sẽ cấu hình theo hình chụp CPU-Z, GPU-Z và AIDA64 dưới đây:

    [​IMG]
    [​IMG]

    Hãy lưu ý rằng ngoài CPU, RAM, GPU và ổ cứng lưu trữ, các thành phần cấu hình khác trên các mẫu G752VY là như nhau. Như các bạn đã thấy, chiếc G752VY của tôi sở hữu vi xử lý Core i7-6700HQ, 16GB RAM DDR4 chạy xung nhịp bus 2133MHz, card đồ họa GTX 980M 4GB và hai ổ cứng lưu trữ bao gồm SSD NVMe Samsung SM951 128GB và HDD HGST dung lượng 1TB có số vòng quay 7200rpm. So với G752VT, ngoại trừ việc khác card đồ họa, G752VY có sự nâng cấp đáng kể khi được ASUS trang bị ổ HDD 7200rpm thay vì 5400rpm như G752VT. Do đó, tốc độ đọc ghi ổ cứng HDD sẽ nhanh hơn ít nhất là về mặt lý thuyết. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải lưu ý về xung nhịp card đồ họa một chút. GPU GTX 980M trên G752VY được GPU-Z báo xung nhịp lần lượt cho nhân GPU và bộ nhớ là 540MHz và 1253MHz. Tuy nhiên, đây không phải là mức xung thực của card, vì khi chạy game hay ứng dụng nặng liên quan đến đồ họa thì lập tức xung nhịp được đẩy lên ở mức cao hơn hẳn. Bạn đọc có thể xem hình chụp màn hình dưới đây là sẽ hiểu:

    [​IMG]

    Đây chính là công nghệ GPU Boost của NVIDIA chỉ khi nào chúng ta sử dụng ứng dụng cần nhiều đến năng lực xử lý của card đồ họa thì xung nhịp của nó sẽ tăng lên tối đa để tận dụng hết hiệu năng của card. Tuy nhiên, điểm yếu của công nghệ này là khi chạm đến ngưỡng 80*C thì ngay lập tức card đồ họa buộc phải giảm xung để hạ nhiệt vô tình làm giảm hiệu năng của nó. Dù vậy thì liệu công nghệ này có phải lợi bất cấp hại hay không thì tôi sẽ thử nghiệm game trên G752VY xem sao? Nhưng với những gì công nghệ này đã thể hiện trên mẫu G752VT trước đây với card đồ họa GTX 970M thì tôi nghĩ với GTX 980M thì cũng không thành vấn đề lắm.

    Các bài test trong phần thử nghiệm hiệu năng của G752VY không khác mấy so với G752VT tuy nhiên có một số bài test sẽ sự thay đổi về thiết lập cấu hình và tôi sẽ highlight chúng trong list ứng dụng và game dưới đây:

    • AIDA64 CPU Queen, Cache & Memory Benchmark
    • Cinebench R15 64bit
    • 3DSMax 2013 Vray
    • PCMark 8 (Creative, Applications, Storage)
    • Crystal Disk Mark 5.0.2 x64
    • 3DMark 2013 FireStrike, FireStrike Extreme và FireStrike Ultra
    • Unigine Valley Extreme HD
    • Battlefield 4
    • Crysis 3
    • GRID Autosport
    • Grand Theft Auto V
    • Rise of Tomb Raider
    • Rightmark Audio Analyzer 6.4.1 + Foobar2000
    Như tôi đã từng nhắc đến ở bài viết đánh giá G752VT, Grand Theft Auto V (GTA5) và Rise of Tomb Raider (ROTR) là hai game có thiết lập cấu hình phụ thuộc rất nhiều vào dung lượng VRAM của card đồ họa. Tôi đã thử thiết lập preset Very High của game ROTR để thử sức với card đồ họa GTX 970M 3GB trên G752VT lập tức game cảnh báo chế độ này chỉ dành cho VGA có dung lượng VRAM lớn hoặc bằng 4GB, đây cũng chính là mức dung lượng VRAM của card đồ họa GTX 980M có mặt trên chiếc G752VY. Còn ở bài test GTA5 thì game này không có preset cấu hình cụ thể nên tôi buộc phải thiết lập cấu hình cho game dựa trên mức dung lượng VRAM mà card cho phép. Với dung lượng 3GB, card đồ họa GTX 970M của G752VT sẽ có phần thiệt thòi hơn về độ chi tiết hình ảnh khi người đàn em G752VY sở hữu card đồ họa GTX 980M 4GB.

    Nói như thế là đủ rồi, chúng ta hãy cùng thử nghiệm hiệu năng của G752VY bằng những bài test nêu trên nhé! Đầu tiên sẽ là AIDA64 với mục CPU QueenCache & Memory Benchmark:

    [​IMG][​IMG]

    Tiếp đến là sẽ là Cinebench R15:

    [​IMG]

    Sau Cinebench R15, tôi sẽ mở tiếp ứng dụng 3DSMax 2013 để thử dựng một bức ảnh thông qua Vray. Đây sẽ là bài test thực nghiệm đầu tiên mà G752VY phải kinh qua như người tiền nhiệm G752VT trước đây.

    [​IMG]

    Thời gian dựng xong bức ảnh này là 14' 5.6s, không chậm là bao so với mức 13' 55s của G752VT vì chúng cùng dùng chung một CPU là i7-6700HQ nhưng lại nhanh hơn [email protected] cùng một bài test. Nói vậy chắc bạn đọc cũng hiểu được sức mạnh của con chip i7-6700HQ là không phải dạng vừa, nhất là nó là chip xử lý di động trong khi con chip i5-6600K là phiên bản máy bàn.

    Tiếp đến chúng ta sẽ thử nghiệm hiệu năng G752VY bằng PCMark 8 với các bài test tương tự như người tiền nhiệm G752VT bao gồm:
    • Creative
    • Applications: Office và Adobe CC
    • Storage

    Creative sẽ giả lập môi trường máy vừa làm việc vừa chơi game, trong khi đó Applications sẽ kiểm nghiệm khả năng thực chiến của máy khi sử dụng các trình ứng dụng Word, Excel, Powerpoint của Microsoft Office cũng như tốc độ xử lý Photoshop, Illustrator, After Effect và InDesign thuộc bộ phần mềm đồ họa Adobe CC. Cuối cùng là Storage, bài test này sẽ kiểm tra tốc độ băng thông của ổ SSD NVMe Samsung SM951 và ổ HDD HGST 1TB 7200 rpm.

    • Creative
    [​IMG]

    • Applications
    [​IMG]

    Microsoft Office.

    [​IMG]
    Adobe Creative Cloud.
    • Storage
    [​IMG]
    SSD NVMe Samsung SM951.

    [​IMG]
    HDD HGST 1TB 7200rpm.

    Không nói đến tốc độ của ổ SSD NVMe Samsung SM951 khi mà người tiền nhiệm G752VT được trang bị phiên bản dung lượng 512GB trong khi G752VY chỉ có 128GB, nhưng với HDD thì G752VY có cải thiện kha khá so với người tiền nhiệm khi ổ HDD của nó có tốc độ vòng quay cao hơn (7200 rpm so với 5400 rpm).

    Chuyển sang thêm một bài test nữa thuộc về thiết bị lưu trữ là Crystal Disk Mark 5.0.2 x64 (CDM), ở bài test này, bạn đọc có thể dễ dàng nắm được tốc độ đọc ghị tuần tự, ngẫu nhiên cũng như đọc ghi 4K của hai ổ SSD và HDD đang có mặt trên G752VY.

    [​IMG]
    SSD NVMe Samsung SM951.

    [​IMG]
    HDD HGST 1TB 7200rpm.

    Thật bất ngờ khi tốc độ ghi của SSD NVMe Samsung SM951 128GB của G752VY chỉ ở mức 154MB/s cho tất cả các bài test ghi báo trên CDM. Nó chậm hơn rất nhiều so với phiên bản 512GB của G752VT. Lúc đầu tôi tưởng rằng ổ SSD của máy đã bị lỗi, nhưng thực tế khi kiểm tra các bài đánh giá khác về G752VY trên các trang công nghệ nước ngoài thì ổ SSD của tôi không hề lỗi. Thực tế tốc độ ghi này sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến trải nghiệm người dùng khi họ chép dữ liệu từ ổ HDD qua SSD, nhưng nếu người dùng thay thế ổ HDD 1TB có sẵn của máy bằng ổ SSD 2.5" có dung lượng tương đương thì mọi chuyện sẽ khác đi nhiều. Trong khi đó, ổ HDD 7200 rpm của G752VY thì khá khẩm hơn với tốc độ đọc ghi tốt hơn so với người anh em G752VT dùng ổ HDD 5400 rpm.

    Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang các bài test liên quan đến khả năng xử lý đồ họa của máy. Đầu tiên là 3DMark 2013 với ba mục FireStrike, FireStrike ExtremeFireStrike Ultra tương ứng với các độ phân giải Full HD 1080p, QHD 2560x1440 và UHD 3840x2160.

    [​IMG]

    Nhìn chung, ở hai độ phân giải Full HD và QHD, card đồ họa GTX 980M 4GB của G752VY đủ sức gánh vát game nặng ở mức chi tiết cao. Nhưng có vẻ như với 4GB VRAM cũng như số lượng nhân CUDA bị cắt giảm so với phiên bản máy bàn, GTX 980M vẫn chưa sẵn sàng để chinh phục game nặng ở độ phân giải 4K như kết quả của phần test Ultra báo về. Theo kinh nghiệm bản thân cũng như đã từng đọc rất nhiều các bài đánh giá card đồ họa của tôi thì một hệ thống muốn chiến game ở độ phân giải 4K với thiết lập chi tiết cao thì điểm FireStrike Ultra khi test phải đạt cột mốc 5000 điểm trở lên. Do đó với số điểm 2300 thì G752VY rất khó để có thể chơi game ngon lành với thiết lập cao.

    Trước khi qua các bài test game, tôi sẽ thử trình benchmark đồ họa cuối cùng là Unigine Valley với preset Extreme HD và kết quả cho ra là rất đẹp với số điểm 2000 tròn trĩnh:

    [​IMG]

    Bây giờ chúng ta được kiểm nghiệm thực tế khả năng chơi game của G752VY thông qua các game Battlefield 4, Crysis 3, GRID Autosport, Grand Theft Auto VRise of Tomb Raider. Cấu hình của game được tôi đặt bên cạnh kết quả đo FPS để bạn đọc trực quan hơn trong việc theo dõi.

    Hầu hết các bài test đều cho số khung hình trung bình trên 50 FPS đều là mức tốt để trải nghiệm game hoàn hảo. Phần lớn các bài test đều thực hiện ở độ phân giải tối đa của màn hình G752VY là Full HD 1080p nên với tiềm năng của GTX 980M 4GB thì G752VY đã vượt qua một cách dễ dàng. Tôi cũng có thể sử dụng công nghệ DSR của NVIDIA để thử nghiệm lại các bài test này ở độ phân giải cao hơn là 2560x1440 hoặc 3840x2160, nhưng nếu làm vậy thì kết quả cho ra không có ý nghĩa vì dù sao cả hai độ phân giải này chỉ do card giả lập chứ không phải do mặc định màn hình hỗ trợ. Vì thế hiệu năng sẽ ảnh hưởng rất nhiều, qua đó tính khách quan đã không còn nữa.

    Sau khi đã trải qua những bài test hiệu năng liên quan đến hệ thống, bây giờ tôi sẽ chuyển qua bài test về âm thanh. Phần test gồm hai phần: kiểm tra chất lượng card âm thanh bằng phần mềm Rightmark Audio Analyzer 6.4.1 và nghe vài bài nhạc chất lượng Lossless bằng phần mềm Foobar2000.

    Với Rightmark Audio Analyzer 6.4.1, card âm thanh Realtek của G752VY được đánh giá khá cao với kết quả kiểm định Very Good.

    [​IMG]

    Qua kết quả trên, có thể thấy card âm thanh Realtek của máy có chất lượng khá tốt và tôi sẽ thử nghe vài bài nhạc Lossless bằng Foobar2000 được cấu hình như sau:

    [​IMG]

    Như bạn đọc đã thấy, card âm thanh Realtek của máy đã được ASUS tích hợp sẵn driver ASIO cho phép xuất âm thanh mộc từ file âm thanh định dạng Lossless. Vì thế, hầu hết các bài hát đều cho chất lượng âm thanh khá có chiều sâu và chi tiết. Đặc biệt, các bài nhạc thể loại Rock Alternative hoặc Indie Rock, tôi có thể tận dụng nguồn âm trầm rất tốt từ dải loa trầm Sonic Bass Woofer với một chút tinh chỉnh âm lượng để có thể trải nghiệm những bài hát dạng này hay hơn. Tôi đánh giá rất cao về âm thanh của chiếc máy này.​

    V - Nhiệt độ hoạt động

    Điều kiện test

    Kết quả thực nghiệm trên G752VY như sau:

    Đúng như ASUS đã từng giới thiệu tại buổi lễ ra mắt G752VY, chiếc laptop này được trang bị hệ thống tản nhiệt buồng hơi 3D (3D Vapor Chamber) cho cả CPU và GPU có hiệu năng tản nhiệt cao hơn tản nhiệt ống đồng truyền thống. Và thực tế cho thấy, G752VY có mốc nhiệt độ CPU và GPU không vượt qua mức 85*C an toàn dành cho linh kiện laptop. Với nhiệt độ như thế này, người dùng có thể vô tư chơi game trong thời gian dài và không cần phải lo lắng quá nhiều đến nhiệt độ hoạt động của CPU và GPU trên G752VY.

    Không những thế, hệ thống tản nhiệt mới này còn giúp cho khu vực bàn phím của máy trở nên mát mẻ hơn. Qua đó, nó sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn cho người dùng khi sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, khu vực đế máy lại không được mát mẻ cho lắm, tuy nhiên đó là khu vực gần như ít khi nào người dùng để ý nên tôi có thể bỏ qua khuyết điểm này của G752VY.

    [​IMG]

    VI - Thời lượng pin

    Các bước test pin laptop của tôi như sau:

    G752VY là laptop chơi game có cấu hình khủng hơn G752VT, và chiếc máy này khi test ra chỉ trụ được khoảng 1h33' trong bài đánh giá trước của tôi. Vì vậy, tôi có thể dự đoán rằng thời lượng pin của G752VY không khá hơn là bao so với G752VT. Nhưng liệu đó có là sự thực?

    [​IMG]

    Thật bất ngờ! G752VY đã trụ được gần 2h rưỡi đồng hồ và khi đó dung lượng pin còn khoảng 17%. Đây có thể xem là mức thời lượng pin quá ngon dành cho một chiếc laptop gaming khủng như G752VY. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn trải nghiệm chơi game tốt nhất trên G752VY thì tôi khuyên bạn nên sạc đầy pin rồi hãy chơi game. Vì lúc đó, máy sẽ dùng nguồn điện cấp từ adapter qua đó sẽ tránh tình trạng nóng pin dẫn đến mau chai pin khi chơi game. Còn khi sử dụng cho mục đích nhẹ nhàng như văn phòng hay giải trí số thì chúng ta mới nên để máy sử dụng pin.​

    VII - Lời kết

    Không có nhiều điều để nói về ROG G752VY vì chiếc gaming laptop này gần như được xem là hoàn hảo dành cho các tín đồ chơi game nặng độ phân giải Full HD cũng như một phần nào đó là QHD. Nó sở hữu một ngôn ngữ thiết kế hiện đại kết hợp hai tông màu đen platinum kết hợp cùng màu đỏ lai cam gần giống màu đồng giúp G752VY trông rất sang chảnh cũng như tinh tế. Chưa hết, máy còn được ASUS trang bị hệ thống tản nhiệt buồng hơi 3D khiến G752VY trở thành chiếc gaming laptop đầu tiên trên thế giới có được điều này. Nhờ vậy, khả năng tản nhiệt của máy là cực kỳ tốt, nó cho phép người dùng có thể vô tư chơi game thời gian dài mà không lo bị nóng.

    [​IMG]

    Không như người tiền nhiệm G752VT của mình, G752VY được ASUS ưu ái cho nó khả năng ép xung card đồ họa thông qua trình quản lý Gaming Center. Đây có thể nói là một điểm nâng cấp đáng chú ý vì rất ít mẫu gaming laptop trên thị trường được nhà sản xuất sẵn sàng mở khóa ép xung nhân đồ họa GPU trừ các mẫu máy đặc biệt sản xuất với số lượng có hạn. Chưa hết, trải nghiệm nghe nhạc hay xem phim của người dùng được nâng lên tầm cao mới với sự xuất hiện của dải loa trầm Sonic Bass Woofer ở dưới đế máy. Qua đó, người dùng sẽ không còn cảm giác ngán ngẩm khi xem phim hành động với âm thanh chát chúa mà không có chiều sâu thường thấy ở những mẫu laptop không có loa trầm. Ngoài ra, về khoản nghe nhạc, card âm thanh Realtek trên máy đã tích hợp sẵn driver ASIO cho phép người dùng có thể nghe nhạc chuẩn Lossless định dạng FLAC, APE, ... giúp dân sành âm thanh có thể thưởng thức những bài hát hay với chất lượng âm thanh khá trung thực cũng như độ chi tiết cao hơn so với mặt bằng chung của những chiếc laptop có mặt trên thị trường.

    Nếu như thời lượng pin kém khiến G752VT mất điểm trầm trọng thì hậu bối G752VY của nó thì khác. Chiếc máy này có thời lượng pin theo phép thử Battery Benchmark của PCMark 8 đo được là 2h22' cao hơn rất nhiều so với mức 1h33' của người tiền nhiệm. Nên nhớ rằng, dù phần lớn các linh kiện đều giống nhau nhưng về card đồ họa thì G752VY mạnh hơn G752VT vì sử dụng GPU GTX 980M thay vì GTX 970M, do đó theo lý thuyết thì card đồ họa càng mạnh sẽ tốn hao năng lượng nhiều hơn. Nhưng G752VY đã xóa bỏ quan niệm này bằng thời lượng pin ấn tượng của nó.

    Tuy có nhiều điểm cải thiện hơn so với người tiền nhiệm G752VT nhưng G752VY vẫn có một số hạn chế không đáng có. Cụ thể, máy không được cài sẵn hệ điều hành Windows 10 buộc người dùng phải cài đặt. Đây là điểm rất khó chấp nhận với một chiếc gaming laptop có giá thành khá chát vào khoảng 50 triệu đồng. Chưa kể, tốc độ ghi của SSD NVMe Samsung SM951 128GB cũng là một vấn đề. Chiếc SSD này có tốc độ ghi tuần tự quá chậm, do đó sẽ là thảm họa nếu người dùng chép dữ liệu vào chiếc SSD này từ một chiếc SSD khác. Thêm nữa, ứng dụng điều khiển chuyên về âm thanh của máy là Sonic Studios lại không có sẵn trên dĩa CD cài đặt, buộc người dùng phải lên diễn đàn hỗ trợ của ROG để lấy về.

    Ưu
    Khuyết
     
    :

Chia sẻ trang này