AMD từ lâu vốn đã có vị thế rất mạnh của mình trong phân khúc card đồ họa dưới 200 USD. Hơn thế nữa, đội đỏ còn có ý định chiếm luôn phân khúc trải dài từ 250 USD xuống 100 USD với kiến trúc đồ họa mới "Polaris" của mình đã cho thấy thị trường tầm giá này tiềm năng lớn đến mức nào. Bên cạnh giá thành hợp lý, những chiếc card đồ họa này đều có hiệu năng rất tốt cho các hệ thống thể thao điện tử e-Sports, qua đó làm sống lại thị trường máy tính PC vốn đang yếu dần trong nhiều năm trở lại đây. Những game e-Sports như Dota 2, Overwatch, League of Legends, CS: GO v.v... chạy rất tốt với những chiếc card đồ họa dưới 300 USD và sẽ là phí phạm nếu chúng ta đầu tư card đồ họa giá thành cao hơn mức giá đó chỉ để phục vụ nhu cầu chơi game e-Sports. Thực tế cho thấy, chỉ những tựa game AAA (Game bom tấn) với nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến được áp dụng vào trong quá trình phát triển game mới xứng đáng để chúng ta phải bỏ nhiều hơn mức 300 USD để sở hữu card đồ họa có sức mạnh tương xứng với chúng. Tuy nhiên, đây là phân khúc mà AMD chắc chắn sẽ khó có thể đối chọi với NVIDIA với dòng card đồ họa series 10 của họ. Các giải pháp card đồ họa tích hợp sẽ còn rất lâu nữa mới có thể gánh tốt các tựa game hiện nay. Các thế hệ chip xử lý Intel hiện nay như Haswell hay Skylake đã cho thấy hiệu năng card đồ họa tích hợp (Integrated GPU) của chúng có bước cải tiến vượt bậc so với các nền tảng trước đây còn hơn cả hiệu năng CPU nữa. AMD trước giờ vốn đã có nền tảng card đồ họa tích hợp tốt hơn Intel và hiện tại còn được hỗ trợ bởi công nghệ đồ họa Graphics CoreNext thường thấy ở card đồ họa rời cho khả năng tính toán không đồng bộ (Async-compute), công nghệ hình ảnh FreeSync (Tương tự G-Sync của NVIDIA nhưng dùng phần mềm thay vì phần cứng), v.v... Nhờ vào những bước nhảy vọt mạnh mẽ của hiệu năng card đồ họa tích hợp từ Intel và AMD đã trực tiếp làm tuyệt chủng card đồ họa rời cơ bản (Entry level) tầm giá khoảng 60 USD. Trong khi đó, các game e-Sports trong những năm gần đây đang dần góp phần giúp thị trường card đồ họa 100 USD trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Trước khi các tựa game online như "Overwatch" và "Paragon" xuất hiện, chúng ta đã có những game online có thể chạy tốt bằng card đồ họa tích hợp điển hình như Dota 2. Các tựa game MOBA mới ra gần đây cũng dùng kha khá tài nguyên GPU nhưng không nhiều. Sử dụng giải pháp nặng đô hơn như GTX 1070 thì lại phí trong khi card đồ họa tích hợp lại bắt đầu có dấu hiệu "tuổi tác" với các tựa game trên. Đánh đổi hàng trăm USD chỉ với việc hạn chế khung hình giảm trên game online có vẻ là một lựa chọn không khôn ngoan chút nào. Do đó, thị trường card đồ họa xuất hiện phân khúc dưới 200 USD như một điều tất yếu và phân khúc còn được chia nhỏ ra thành từng phân khúc nhỏ hơn nữa, hãy bắt đầu với tầm giá 100-110 USD. Ở phân khúc này, AMD mang đến cho người dùng chiếc card đồ họa Radeon RX 460 với giá mới đây đã được giảm xuống còn đúng 100 USD. NVIDIA tất nhiên có động thái phản ứng rất nhanh khi cho ra mắt bộ đôi card đồ họa GTX 1050 và 1050 Ti với giá thành lần lượt 109 USD và 139 USD. Chúng sử dụng nhân đồ họa nhỏ nhất trong hệ kiến trúc Pascal có tên mã GP107. GTX 1050 có ít nhân CUDA hơn GTX 1050 Ti với 640 nhân (so với 768 nhân) nhưng NVIDIA đã bù lại cho nó mức xung nhịp nhân cao hơn người đàn anh của mình (1354MHz và 1290MHz). Ngoài ra, GTX 1050 còn thua GTX 1050 Ti ở số TMU (40 và 48), số ROPs cân bằng đều là 32 và băng tần bộ nhớ 128-bit GDDR5, tuy nhiên dung lượng bộ nhớ (VRAM) chỉ là 2GB (GTX 1050 Ti có 4GB VRAM). Độ tiêu thụ điện năng của cả hai là tương đương khi NVIDIA đặt mức TDP (Thermal Design Power - Độ tiêu thụ điện năng) đều là 75W. Qua đó, cả hai card đều không sử dụng nguồn phụ PCIe 6 pin để hoạt động. Trong bài này, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá Zotac GTX 1050 Mini, phiên bản card đồ họa GTX 1050 custom của Zotac dành cho các hệ thống máy HTPC và phòng game. Hiện sản phẩm có giá trên Newegg là 120 USD tương đương với khoảng 2.7 triệu đồng. Dưới đây là bảng so sánh Zotac GTX 1050 Mini với các sản phẩm khác cùng tầm giá: I - Kiến trúc đồ họa GeForce GTX 1050 cũng như người anh em của nó, GTX 1050 Ti, đều được trang bị chip xử lý nhỏ nhất trong họ Pascal, GP107. Chỉ với diện tích 132 mm² và số lượng transistor khoảng 3.3 tỷ, con chip này thực sự rất nhỏ và rõ ràng NVIDIA đã hướng tới việc hạ giá thành phẩm khi có ý định sản xuất GP107. NVIDIA luôn đảm bảo rằng nếu thiết kế chip của họ không đi chệch khỏi mục đích xây dựng ban đầu là dựa trên giá thành, họ sẽ tiến hành sản xuất chip luôn. Một ví dụ điển hình cho điều này chính là sự ra đời của chip GP107, dù nó chỉ có số nhân CUDA thấp là 768 san sẻ đều trên 6 streaming multiprocessors (SMs), và được chia thành 2 dãy xử lý đồ họa (Graphics processing clusters - GPC) của 3 SMs trên tổng số 6 SMs. Tuy nhiên, trên card GTX 1050 chỉ có 5 trên 6 SMs là hoạt động do đó số nhân CUDA của nó là 640 thay vì 768 như người đàn anh GTX 1050 Ti. Quyết định đặt 6 SMs trên 2 GPC của NVIDIA có nghĩa là 3 SMs sẽ có 1 Raster Engine, đây là đơn vị xử lý đặc biệt thiên về hình học dạng lưới đa giác (geometry/tessellation units). Còn SM, đơn vị xử lý phụ không thể phân tách của GPU, thì có điểm tương đồng về thiết kế với đơn vị tương đương trên chiếc card đồ họa mạnh nhất họ Pascal của NVIDIA là Titan X. Mỗi SM sẽ chứa 128 nhân CUDA, 1 PolyMorph Engine và các thành phần xử lý hình học độc lập. Hai GPC sẽ được hỗ trợ bởi bộ nhớ đệm L2 dung lượng 1MB kết nối đến bộ GigaThread Engine thế hệ mới - vai trò của bộ Engine này tương tự như cảnh sát giao thông phân luồng dữ liệu của GPU vậy - và băng tần bộ nhớ GDDR5 128-bit. Ở mức xung nhịp gốc, nhân GPU sẽ có băng thông nhớ tổng cộng 112GB/s để sử dụng nhờ vào công nghệ nén bộ nhớ ít mất dữ liệu (Lossless memory compression tech) của NVIDIA, qua đó tăng cường băng thông hiệu dụng của GPU theo cách đơn giản và hiệu quả nhất có thể. Trên chiếc card đầu bảng GTX 1080, NVIDIA cho biết kỹ thuật này sẽ tăng cường hiệu năng ít nhất là 20% trong điều kiện lý tưởng. Và rất mừng là mẫu GTX 1050 mới nhất của gã khổng lồ xanh xứ Đài vẫn được tích hợp công nghệ này. Kiến trúc đồ họa Pascal trên GTX 1050 hỗ trợ công nghệ tính toán không đồng bộ (Asynchronous Compute) theo chuẩn của Microsoft. Ngoài ra, NVIDIA còn tích hợp thêm cả công nghệ tương tự do hãng tự phát triển là Dynamic Load Balancing. II - Unbox và thiết kế Vì là hàng mẫu từ NVIDIA gửi đến nên GTX 1050 Mini 2GB không có vỏ hộp ngoài mà chỉ có hộp đựng cùng card và không có bất kỳ phụ kiện gì thêm. Thiết kế của chiếc card này cũng y hệt như GTX 1050 Ti Mini ở bài viết đánh giá trước đó, và điểm tôi không thích lắm ở GTX 1050 Mini là nó cũng dùng bracket Low-profile. Nhược điểm của bracket này là sẽ khiến độ chắc chắn của card khi lắp thùng là không cao ngay cả khi bạn siết chặt ốc cố định. Để khắc phục, bạn cần thêm một con ốc cố định nữa lắp phía dưới bracket để đảm bảo tính chắc chắn cho nó trong quá trình hoạt động lâu dài. III - Hệ thống thử nghiệm Cấu hình giản lược Cấu hình chi tiết Chân thành cám ơn các đối tác Intel, NVIDIA, Zotac, ASUS, Kingston, SanDisk và AcBel đã hỗ trợ thiết bị để chúng tôi hoàn thành bài viết này. IV - Kết quả benchmark Các phép thử benchmark trong bài viết này cũng tương tự như bài đánh giá chiếc card GTX 1050 Ti Mini của Zotac trước đó của tôi. Bạn có thể xem toàn bộ các phép thử kèm theo thiết lập của chúng và kết quả hiệu năng ở dưới đây. Lưu ý rằng tôi có thêm vào hai card tiền nhiệm GTX 750 Ti và 950 của NVIDIA cũng như người anh em GTX 1050 Ti Mini để làm đối tượng so sánh với chiếc card GTX 1050 Mini của Zotac. Lưu ý hình ảnh settings của game được lấy từ card đồ họa GTX 1050 Ti có 4GB VRAM, vì vậy dù cho GTX 1050 Mini chỉ có 2GB VRAM nhưng tôi vẫn set đúng các thiết lập như vậy để đảm bảo kết quả so sánh hiệu năng của 4 card GTX 1050 Ti Mini, GTX 1050 Mini, GTX 750 Ti và GTX 950 là công bằng nhất có thể. Benchmarks Games Sau đây là kết quả test của 4 card GTX 1050 Mini, GTX 1050 Ti Mini, GTX 950 và GTX 750 Ti: So với GTX 1050 Ti Mini, GTX 1050 Mini có hiệu năng thấp hơn với cách biệt FPS lớn nhất nằm ở phép thử Rise of Tomb Raider thiết lập Very High dùng tập lệnh DX 12 (30 vs 43) và thấp nhất ở Dirt Rally 2015 (49 vs 53). Những con số này nói lên điều gì? Thứ nhất ở phép thử Rise of Tomb Raider thiết lập Very High dùng tập lệnh DX 12, với việc VRAM chỉ ở mức 2GB cũng như driver chưa được tối ưu tốt nhất cho card, GTX 1050 tỏ ra khá thua thiệt so với GTX 1050 Ti khi mà các thiết lập đồ họa cao cấp luôn đòi hỏi VRAM rất cao (Rise of Tomb Raider cũng cảnh báo mức thiết lập (preset) Very High sẽ tốn gần 4GB VRAM). Hơn nữa, theo kết quả mà tôi có được, GTX 1050 còn thua cả GTX 950 tầm 2 FPS đã cho thấy driver 375.63 ở thời điểm tôi test chưa thực sự hoàn thiện lắm, ít nhất là khi test cùng với GTX 1050. Thứ hai ở phép thử Dirt Rally 2015, GTX 1050 hoàn toàn vượt trội so với GTX 950 cũng như chỉ thua sút GTX 1050 Ti một chút về số FPS (40 vs 49 vs 53). Trong quá trình test game Dirt Rally 2015, bằng ứng dụng MSI Afterburner, 2GB VRAM của GTX 1050 đã cho kết quả khá ấn tượng như vậy, cho thấy đối với những game đòi hỏi nhiều VRAM như Rise of Tomb Raider ở thiết lập Very High dùng tập lệnh DX 12 chẳng hạn, GTX 1050 vẫn chưa thực sự đủ đô để có thể chiến các tựa game như thế này. Nhưng ở các game không đòi hỏi VRAM cao như Dirt Rally, GTX 1050 vẫn dư sức gánh tốt qua đó, nếu sử dụng chiếc card này cho những game online dạng như Overwatch hay Paragon thì bạn sẽ tiết kiệm được kha khá tiền nếu như ý định trước đó của bạn là đầu tư vào GTX 1050 Ti. Nói như thế không phải là tôi cho rằng các bạn không khôn ngoan thì đầu tư vào GTX 1050 Ti, chính xác hơn thì ý mà tôi muốn nói đến các bạn là GTX 1050 thực sự phù hợp nếu như nhu cầu của bạn chỉ hoàn toàn tập trung vào game online. Còn GTX 1050 Ti sẽ phục vụ tốt trải nghiệm game online cũng như một phần nào đó là game off-line tầm khá trở lên với sự hỗ trợ đắc lực từ công cụ tối ưu hóa GeForce Experience 3.0. Cũng trong bảng so sánh này, tôi cũng nhận thấy hiệu năng mặc định của GTX 1050 Mini của Zotac không thua quá xa so với GTX 1050 Ti (Ngoại trừ các game ăn VRAM nhiều). Do đó, trong phần thử nghiệm ép xung, thay vì so sánh với mức FPS trung bình ở xung mặc định, tôi sẽ tiến hành lấy hiệu năng ép xung của GTX 1050 Mini so luôn với GTX 1050 Ti để xem thử mức chênh lệch hiệu năng có bị thu hẹp lại không? Sau khoảng 1h đồng hồ nghiên cứu, tôi đã có được mức xung ép cho GTX 1050 Mini như sau: Mức chênh lệch sau khi ép xung GTX 1050 Mini là khoảng 18% đối với xung nhân và 14% xung bộ nhớ. Đây là mức xung có thể nói là khá cao so với mặt bằng chung các card đồ họa GTX 1050 trên thị trường. Dưới đây là hiệu năng sau khi ép xung của GTX 1050 Mini so sánh với hiệu năng mặc định của GTX 1050 Ti Mini: Sau khi ép xung, chúng ta có thể thấy rõ hiệu năng của GTX 1050 trên nhiều phép thử không còn quá chênh lệch nữa ngoại trừ các phép thử ăn VRAM nhiều. Thậm chí vài phép thử còn cho kết quả GTX 1050 cao hơn cả GTX 1050 Ti nữa. Qua đây, tôi cho rằng nếu NVIDIA có ý định tung ra thêm mẫu GTX 1050 biến thể với VRAM 4GB, chắc chắn GTX 1050 Ti sẽ vấp phải sự cạnh tranh đáng gờm đến từ chính gà cùng một mẹ. Tuy nhiên, viễn cảnh đó rất khó có thể xảy ra, và đối với các game sử dụng tài nguyên card đồ họa lớn như một xu thế tất yếu hiện nay thì GTX 1050 2GB nói chung cũng như GTX 1050 Mini 2GB của Zotac nói riêng, đòi hỏi người dùng phải có mức độ tùy chỉnh cấu hình đồ họa game hợp lý mới có thể tận dụng tốt tài nguyên phần cứng mà GTX 1050 mang đến. V - Nhiệt độ hoạt động Điều kiện test Do forum không cho post quá nhiều ký tự nên nội dung file log nhiệt độ được tôi upload lên MediaFire, các bạn có thể down về tham khảo và đối chiếu. Mặc định Mã: http://www.mediafire.com/file/oxyk06blcameba5/df%2829%29.txt Min: 33*C, Max: 61*C Ép xung Mã: http://www.mediafire.com/file/ns1blny63kxi0bb/oc%2829%29.txt Min: 36*C, Max: 56*C Theo kinh nghiệm của tôi thì nhiệt độ lý tưởng khi full load là < 79*C ở phòng bình thường và <75*C ở phòng máy lạnh. Với nền tảng Pascal tiết kiệm điện tiêu thụ thì chip GPU GP107 trên mẫu card GTX 1050 Mini 2GB của Zotac cực kỳ mát mẻ dù chỉ sở hữu duy nhất một card làm mát. Tuy nhiên, nếu để ý vào phần nhiệt độ thì tôi lại thấy nhiệt độ hoạt động cao nhất ở hai trường hợp mặc định và ép xung của GTX 1050 Mini lại nóng hơn so với GTX 1050 Ti Mini ở bài viết trước (61* vs 54* mặc định và 56* vs 51* ép xung) dù cả hai đều dùng chung một bộ tản nhiệt 1 quạt làm mát. Hơn thế nữa, GTX 1050 về lý thuyết sẽ mát hơn GTX 1050 Ti khi các thông số quan trọng như nhân CUDA và SM đều thấp hơn (640 vs 768 và 5 vs 6). VI - Độ ồn Điều kiện test Theo bảng dải độ ồn dưới đây, độ ồn tối đa mà GTX 1050 Mini trong cả hai trường hợp đo được nằm ở mức "Trò chuyện bình thường". Nhìn chung, cho dù bạn có dùng benchtable đi nữa thì độ ồn phát ra từ GTX 1050 Mini sẽ không gây ảnh hưởng mấy trong quá trình dùng máy của bạn cả. VII - Công suất tiêu thụ Điều kiện test Mặc định Ép xung Cũng như GTX 1050 Ti Mini, GTX 1050 Mini của Zotac không hao tốn quá nhiều điện năng tiêu thụ kể cả khi ép xung khi mức công suất tổng đo được chưa vượt qua mốc 200W. Vì vậy, khả năng nâng cấp của GTX 1050 Mini của Zotac nói riêng cũng như của các hãng khác nói chung là rất cao, nếu như hệ thống của bạn đã sở hữu bộ nguồn công suất thực tầm 300-350W. VIII - Lời kết Zotac GTX 1050 Mini 2GB sẽ được Zotac bán ra với giá khởi điểm 120 USD. Thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp môi trường phòng game. Không cần nguồn phụ. Mạnh hơn GTX 950 và GTX 750 Ti vốn là những vị vua không nguồn phụ ở thế hệ của chúng. Hiệu năng khá ở độ phân giải Full HD 1080p ở những game không đòi hỏi VRAM nhiều. Khả năng ép xung cao cho phép hiệu năng trong một số game cao hơn cả GTX 1050 Ti xung mặc định. Quạt quay êm khi hoạt động bình thường lẫn kéo tốc quạt tối đa. Độ tiêu thụ điện cực thấp. Nhiệt độ trong hai trường hợp quá ổn. Giá rẻ. Xung nhịp bộ nhớ lẫn nhân GPU bằng bản tham khảo nhưng giá lại cao hơn 10 USD. Các game đòi hỏi nhiều VRAM sẽ khiến GTX 1050 Mini 2GB bị giảm hiệu năng khá nhiều. Bracket low-profile cần sự cẩn thận khi lắp đặt vào hệ thống.