Cách đây ba ngày, NVIDIA đã chính thức ra mắt GeForce GTX 1650, chiếc card đồ họa phổ thông sử dụng nhân đồ họa nền tảng Turing nhỏ nhất của hãng. Cũng như những người anh em trong dòng GTX 16-series, GTX 1650 thiếu đi hai thành phần quan trọng là nhân RT và nhân Tensor dù nó sử dụng kiến trúc đồ họa Turing. NVIDIA định giá chiếc card này với giá khởi điểm là 149 USD (khoảng 3.5 triệu đồng) và hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu chơi game Full HD 1080p với thiết lập in-game hợp lý. Trái tim của GeForce GTX 1650 nằm ở nhân GPU TU117 thuộc kiến trúc Turing. GPU này có cấu hình gồm 896 nhân CUDA, 56 TMUs, 32 ROPs và băng tần bộ nhớ 128-bit GDDR5 chứa dung lượng bộ nhớ 4GB chạy xung nhịp 8Gbps, tương đương với băng thông 128 GB/s. Đặc tả thành phần nói trên vốn được xem khá đẹp trong phân khúc giá 149 USD, nhưng đó là trước khi AMD hạ giá thành những mẫu card đồ họa dòng Radeon Polaris sau khủng hoảng card đồ họa trâu cày tiền ảo vào năm ngoái. Cụ thể, chỉ tính riêng cấu hình của Radeon RX 570 4 GB, chúng ta cũng có thể thấy rõ chiếc card của AMD có phân cấp cao hơn hẳn GTX 1650 nhưng có giá thành rẻ hơn kha khá khi rơi vào tầm 2.5 đến 3 triệu đồng. Với công suất chỉ 75W, bằng một nửa so với RX 570, thông thường các mẫu card GTX 1650 tùy biến từ các hãng sản xuất không cần đến đầu nguồn phụ PCIe để hoạt động. Qua đó, GTX 1650 sẽ rất hữu ích khi bạn cần nâng cấp các hệ thống máy tính ráp sẵn vốn có bộ nguồn tương đối yếu và thiếu dây nguồn PCIe. Tuy nhiên, một số ít mẫu GTX 1650 cao cấp có thể sẽ được các nhà sản xuất card tích hợp thêm đầu nguồn PCIe để đảm bảo nguồn điện và khả năng ép xung cao của card. Các giao tiếp xuất hình tiêu chuẩn trên GTX 1650 bao gồm Display Port 1.4, HDMI 2.0b và DVI-D. Trong bài này, Amtech sẽ tiến hành đánh giá Gigabyte GTX 1650 OC 4 GB, chiếc card đồ họa có thiết kế đơn giản nhỏ gọn, sử dụng tản nhiệt WindForce 2X với 2 quạt làm mát 8cm cùng mức xung nhịp nhân tăng tốc được ép xung sẵn lên 1710 MHz cao hơn thông số gốc từ NVIDIA là 1665 MHz. Giá thành của chiếc card này là 4.850 triệu đồng từ nhà bán Xgear. Click for original size
I - Unbox và thiết kế Click for original size Trong hộp đựng GTX 1650 OC của Gigabyte, bạn sẽ có những thứ sau: Card đồ hoạ GTX 1650 Sách hướng dẫn sử dụng Dĩa driver Nếu như đã từng xem bài viết về mẫu GTX 1660 WindForce OC trước đó, bạn sẽ không lạ gì với thiết kế tản nhiệt của GTX 1650 OC của Gigabyte. Đây là điều dễ hiểu khi Gigabyte luôn nhất quán trong việc lựa chọn ngôn ngữ thiết kế dòng card WindForce của mình. Và không như chiếc card đàn anh, GTX 1650 OC không được trang bị backplate. Thực ra việc không được gắn backplate cũng không khiến GTX 1650 OC thiệt thòi trong việc sử dụng lâu dài. Lý do đến từ việc trọng lượng của chiếc card này rất nhẹ, qua đó việc sử dụng backplate chống cong gãy cho bo mạch PCB là không cần thiết. GTX 1650 OC có độ dày mỏng nhẹ cho phép nó có thể gắn vừa vào bất kỳ hệ thống thùng máy nào kể cả các miniPC vốn có không gian không thực sự lý tưởng. Tương tự như người đàn anh GTX 1660 WindForce OC, GTX 1650 OC cũng không hỗ trợ đèn LED RGB . Click for original size Hai quạt làm mát của GTX 1650 OC được Gigabyte sử dụng thiết kế chân vịt với 5 vạch trên cánh quạt để tạo luồng gió mát hiệu quả hơn. Chưa kể, 2 quạt này đều tích hợp công nghệ quay bán chủ động 3D Active Fan, qua đó hệ thống 2 quạt chỉ quay khi card đã đạt mốc nhiệt độ cao tầm 60*C giúp hạn chế độ ồn phát sinh từ card. Cuối cùng là khả năng điều hướng gió, Gigabyte sử dụng cơ chế điều hướng gió mới gọi là Alternate Spinning. Theo đó, quạt trái sẽ quay theo chiều kim đồng hồ và quạt phải sẽ quay ngược lại để thu được càng nhiều luồng gió mát thổi thẳng vào bộ tản nhiệt. Theo Gigabyte, cách điều hướng này sẽ giúp giải quyết tình trạng luồng gió hỗn độn ở các bộ tản nhiệt 2 quạt gây nên hiện tượng tản nhiệt không hiệu quả, làm hao phí công năng quạt không cần thiết. Click for original size Dàn cổng kết nối của card bao gồm 1 cổng DisplayPort 1.4a và 2 cổng HDMI 2.0b. Và không như các đại diện dòng RTX, các mẫu GTX 1650 nói chung và phiên bản của Gigabyte nói riêng đều không hỗ trợ kết nối USB-C trên thân card. NVIDIA đã cập nhật engine hiển thị với vi kiến trúc Turing, giờ đây cổng DisplayPort 1.4a đã hỗ trợ chuẩn hình ảnh gần như không nén Display Stream Compression (DSC) của VESA. Điều này có nghĩa là bạn có thể xuất được từ card đồ hoạ ra màn hình độ phân giải 8K@30Hz thông qua một dây DisplayPort, hoặc 8K@60Hz khi kích hoạt DSC. Tại CES 2019, NVIDIA đã thông báo rằng tất cả các card đồ họa của họ đều hỗ trợ công nghệ hình ảnh VESA Adaptive Sync (hay còn gọi là FreeSync). Tuy nhiên, số lượng màn hình hỗ trợ FreeSync tương thích với card đồ họa NVIDIA vẫn còn rất ít. Nếu đang sở hữu màn hình FreeSync nằm trong danh sách hỗ trợ của NVIDIA, bạn có thể kích hoạt tính năng G-Sync trong trình điều khiển Control Panel của card đồ họa. Click for original size GTX 1650 OC không hỗ trợ chế độ đa card SLI hay NVLink, tương tự 2 chiếc card GTX 1660 và 1660 Ti trong dòng GeForce 16-series. Click for original size GTX 1650 OC không có đầu nguồn phụ để hoạt động, qua đó trên lý thuyết chiếc card này tiêu thụ tối đa chỉ 75W. Với tình hình giá điện tăng phi mã như hiện nay, GTX 1650 OC có thể sẽ là giải pháp chơi game tiết kiệm trong thời điểm này.
II - Hệ thống thử nghiệm, các thiết lập game, trình benchmark và kết quả Cấu hình giản lược: Click for original size Cấu hình chi tiết: Click for original size Chân thành cám ơn AMD, Gigabyte, Corsair, MSI, Aerocool và đặc biệt là Xgear đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này. Các trình benchmark/game và thiết lập in-game: Để biết được sức mạnh của GTX 1650 OC như thế nào, tôi sẽ dùng các mẫu card trong dòng GTX như 1060 6GB, 1070 Ti, 1080, 1080 Ti bên cạnh các đại diện của dòng RTX là 2060, 2070, 2080, 2080 Ti cũng như những người anh em GTX 1660, GTX 1660 Ti để làm phép thử so sánh. Lưu ý là những chiếc card được đem ra so sánh với GTX 1650 OC đều là phiên bản gốc Founders Edition và bản GTX 1660 Ti/GTX 1660 có xung nhịp theo mẫu tham khảo từ NVIDIA. Dưới đây là biểu đồ hiệu năng của card đồ hoạ GTX 1650 OC: Click for original size Ở các bài test đồ họa đơn thuần như 3DMark hay Superposition, hiệu năng của GTX 1650 OC không thực sự cao như mong đợi và nó yếu hơn hẳn GTX 1060 6GB ra mắt được hơn 2 năm. Tiếc rằng tôi không mẫu GTX 1050/GTX 1050 Ti/GTX 1060 3GB để lấy dữ liệu. Vì chúng có vẻ là đối tượng so sánh vừa sức hơn đối với GTX 1650 OC hơn là các mẫu card từ GTX 1060 6GB trở lên. Click for original size Tiếp theo đến phép thử game đầu tiên là Final Fantasy XV. Ở mức thiết lập High trên cả 3 độ phân giải 4K/1440p/1080p, GTX 1650 OC cũng thua kém hơn về điểm số so với GTX 1060 6GB. Không tính đến 2 độ phân giải cao hơn là 4K và 1440p, chỉ xét riêng ở độ phân giải 1080p, GTX 1650 OC đạt số điểm 3854. Theo thang điểm của bộ công cụ benchmark Final Fantasy XV, chiếc card này sẽ cho bạn trải nghiệm tựa game này ở mức chuẩn theo thiết lập cấu hình High. Tất nhiên, để chơi Final Fantasy XV tốt với GTX 1650 OC, bạn buộc phải hạ một vài thông số đồ họa xuống mà điển hình các công nghệ hình ảnh độc quyền của NVIDIA như Hairworks, VXAO, TurfEffects và ShadowLibs. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc hạ thêm thông số Shadows từ High xuống Medium nếu như tốc độ khung hình vẫn chưa chuẩn theo nhu cầu của bạn. Đến các bài test game nặng nề hơn như bộ đôi Assassin's Creed Odyssey và Assassin's Creed Origins thì GTX 1650 OC vẫn chưa đạt yêu cầu FPS 60 chuẩn. Thậm chí ở tựa game Odyssey, GTX 1650 chỉ đạt mức trung bình 30 FPS như các hệ máy console PS4 và Xbox One. Origins khá khẩm hơn một chút khi đã đạt 45 FPS. Rõ ràng muốn chơi tốt tựa game này ở độ phân giải 1080p, bạn sẽ phải thay đổi khá nhiều thông số ingame của cả 2 tựa game với chiếc card GTX 1650 OC. Lưu ý là cả hai game của Ubisoft đều có phần thông số cấu hình đồ họa như nhau. Bạn có thể giảm thông số khử răng cưa (Anti Aliasing) xuống Medium, mật độ mây trời (Volumetric Clouds) xuống Medium, mức độ chi tiết môi trường (Environment Details) cũng như đổ bóng môi trường (Ambient Oclusion) của game xuống Medium thay vì Ultra High thì FPS trung bình sẽ tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tính năng Adaptive Quality của game. Với các mức 30 FPS, 45 FPS và 60 FPS, Adaptive Quality sẽ linh động điều chỉnh thiết lập đồ họa theo thời gian thực để giúp hệ thống duy trì được các mức FPS kể trên. Với hai bài test Far Cry 5 và Far Cry New Dawn, GTX 1650 OC cũng chưa đáp ứng được FPS 60 trung bình ở độ phân giải 1080p. Với tựa game Far Cry 5, bạn có thể hạ preset đồ họa từ Ultra xuống Medium và cân nhắc hạ các thông số Shadows, Environment và Terrain xuống thêm một mức nữa nếu vẫn cảm thấy FPS của game chưa cao. Còn Far Cry New Dawn, như bạn đã thấy, GTX 1650 OC cũng đã đáp ứng mức thiết lập High với FPS trung bình lên tới 53. Qua đó bạn chỉ cần hạ các thông số như Shadows, Environment, Terrain xuống một nấc và khử răng cưa là SMAA là đủ để FPS đạt 60 mà không phải hy sinh quá nhiều về chất lượng đồ họa. Cũng như 2 tựa game Assassin's Creed nói trên, bạn có thể dùng tính năng tự động tối ưu hình ảnh theo các mức FPS 30/60 có tên gọi là Adaptive Resolution (thay vì Adaptive Quality) để có trải nghiệm tốt hơn. Click for original size Kế tiếp là bài thử nghiệm có lẽ là nặng nhất trong danh sách của tôi, Metro: Exodus. Và câu trả lời ngắn gọn của tôi là GTX 1650 OC không đủ khả năng để chạy tựa game này ở độ phân giải 1080p với FPS 60 ngay cả ở mức thiết lập Medium chứ đừng nói là Extreme. Và mục tiêu 1080p@60FPS trên tựa game này gần như là bất khả thi khi tôi đã thử preset Medium, FPS trung bình chỉ đạt 40 FPS là cao. Qua đó, bạn sẽ phải hạ luôn cả độ phân giải xuống, nhưng làm vậy thì chất lượng hình ảnh vốn đã không đẹp lại càng khó chấp nhận hơn nữa. Có lẽ việc khóa FPS ở mốc 45 hoặc 50 bằng phần mềm RivaTuner Statistic Server kết hợp chất lượng hình ảnh trộn lẫn giữa Low và Medium ở độ phân giải 1080p có lẽ sẽ là giải pháp cho bạn khi chơi Metro: Exodus bằng card đồ họa GTX 1650 OC. Click for original size Click for original size Click for original size Cuối cùng là 3 tựa game Middle Earth: Shadow of War, Shadow of the Tomb Raider và Strange Brigade. Ở độ phân giải 1080p, GTX 1650 OC tiếp tục giữ vững "truyền thống" dưới 60 FPS trung bình ở mức thiết lập đồ họa cao nhất. Vì thế, đối với 3 tựa game này, bạn nên hạ xuống mức Medium để chơi game dễ chịu hơn với FPS xấp xỉ hoặc cao hơn 60. Tiếp theo tôi sẽ tiến hành ép xung chiếc card GTX 1650 OC của Gigabyte. Sau khoảng 1h đồng thử nghiệm, tôi đã tìm ra mức xung ép lý tưởng cho chiếc card này như sau: Click for original size Xung nhịp hiển thị trên GPU-Z. Click for original size Xung nhịp hiển thị khi ingame. Với xung nhân và bộ nhớ lần lượt cao hơn xung gốc 8% và 18%, đây là mức xung nhịp chênh lệch rất cao đối với một chiếc card đồ họa phổ thông như GTX 1650 OC. Liệu sau khi ép xung, chiếc card GTX 1650 OC của Gigabyte sẽ thể hiện ra sao? Chúng ta hãy chờ xem: Click for original size Click for original size Click for original size Click for original size Click for original size Click for original size Sau khi ép xung, điều đầu tiên tôi nhìn thấy ở GTX 1650 OC là sự thiếu hiệu quả ở những tựa game nặng. Với 2 tựa game Assassin's Creed Odyssey và Origins, FPS trung bình ở độ phân giải 1080p tăng rất ít thậm chí là thấp hơn 1 FPS như trường hợp của Origins. Trong khi đó, Far Cry 5 cũng tương tự như Odyssey, FPS trung bình chỉ tăng 2 FPS còn Far Cry New Dawn thì tốt hơn với 5 FPS, qua đó đã nâng FPS trung bình lên 58 FPS xấp xỉ gần 60 FPS. Chuyển qua Metro Exodus thì đây có thể nói là một trò cười khi FPS trung bình chỉ tăng 1 và không thể chơi tốt được với mức thiết lập Extreme. Còn giải pháp khóa FPS 45-50 kèm chất lượng Medium-Low cũng chỉ giúp game duy trì 45-50 FPS một cách vững chãi và ít bị dao động hơn mà thôi. Còn 3 tựa game còn lại như Middle Earth: Shadow of War, Shadow of the Tomb Raider và Strange Brigade thì hiệu năng cải thiện tốt hơn với mức chênh lệch 4 FPS trở lên. Tuy nhiên như đã nói ở trên, 3 tựa game này vẫn đòi hỏi bạn phải hạ thiết lập đồ họa xuống Medium để đạt mức FPS trung bình trên 60.
III - Nhiệt độ hoạt động Điều kiện test Do forum không cho post quá nhiều ký tự nên nội dung file log nhiệt độ được tôi upload lên MediaFire, các bạn có thể down về tham khảo và đối chiếu. Mặc định Mã: https://www.mediafire.com/file/c4p9hkod3nui090/df.txt/file Min: 37*C, Max: 64*C Ép xung Mã: https://www.mediafire.com/file/j1xwz5p2xoz9z3p/oc.txt/file Min: 38*C, Max: 59*C Theo kinh nghiệm của tôi thì nhiệt độ lý tưởng khi full load là < 79*C ở phòng bình thường và <75*C ở phòng máy lạnh. Ở bài test này, cả hai trường hợp tôi không có gì phải phàn nàn với chiếc card GTX 1650 OC của Gigabyte. Có lẽ một phần do nhân GPU của GTX 1650 nói chung và phiên bản OC của Gigabyte nói riêng đã được cắt giảm linh kiện đáng kể nên nhiệt độ khi hoạt động của card đồ họa giảm đi là điều dễ hiểu.
IV - Độ ồn Điều kiện test Lưu ý Click for original size Theo bảng dải độ ồn dưới đây, độ ồn tối đa mà Gigabyte GTX 1650 OC rất êm và không đáng kể. Nên nhớ tôi đang đo độ ồn khi tháo nắp thùng máy và độ ồn trên sẽ hạ xuống kha khá nếu như đóng thùng máy lại.
V - Công suất tiêu thụ Điều kiện test Mặc định Ép xung Với công suất đo được tối đa trong trường hợp ép xung còn chưa đến 200W, bạn chỉ cần một bộ nguồn công suất thực tầm 300W là đủ để cân GTX 1650 OC của Gigabyte. Qua đó, chiếc card này cũng góp phần giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền vì không cần phải nâng cấp bộ nguồn của mình. Cũng cần phải nói thêm rằng hệ thống của tôi vốn đã được ép xung CPU và RAM lên mức cao với Ryzen 5 1600 chạy [email protected] và Corsair Vengeance LPX [email protected], do đó khả năng tiết kiệm điện của chiếc card này còn cao hơn nữa nếu như bạn sử dụng nó trong một hệ thống máy tính không ép xung. Đây là yếu tố quan trọng giúp GTX 1650 OC ăn điểm trong mắt người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm giá điện tăng một cách thiếu kiểm soát cũng như số lượng người chơi hệ thống máy tính nhỏ gọn đang tăng dần thời gian gần đây.