I - Lời nói đầu
Gần đây đã có rất nhiều sản phẩm ROG nền tảng Intel Z97 và X99 xuất hiện trên thị trường, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thấy sản phẩm ROG nào nền tảng AMD ra mắt trong thời gian này? Liệu ASUS đã bỏ quên AMD rồi chăng? Tất nhiên là không, ít nhất là vào thời điểm này, khi mà chipset AMD A88X thuộc phân khúc tầm trung giá rẻ vẫn chứng minh được sự tồn tại của mình dù các chipset Intel vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Vì thế ASUS quyết định làm ra một bo mạch chủ ROG trên nền tảng này, và Crossblade Ranger đã ra đời.
Trước đó chúng ta đã từng biết đến ROG với những sản phẩm hướng cao cấp đến game thủ và người dùng cấp cao sử dụng các nền tảng chipset cao cấp đến từ Intel và AMD. Riêng với Crossblade Ranger thì tôi thấy có sự lạ lùng không nhẹ khi ASUS lại sử dụng chipset trung cấp A88X của AMD để thiết kế bo mạch chủ cho dòng ROG. Tất nhiên, đó không phải là vấn đề gì quá to tát nếu như bạn sở hữu bo mạch chủ ROG nền tảng chipset trung cấp nhưng được hưởng những gì tinh túy nhất từ dòng sản phẩm này từ ngôn ngữ thiết kế, chip âm thanh cao cấp, các nút điều khiển onboard dành cho người dùng benchtable, và bộ phần mềm hỗ trợ dành cho game thủ hay giao diện BIOS thông minh.
Chỉ với $153, Crossblade Ranger là một trong những bo mạch chủ rẻ nhất dòng ROG đồng thời bo mạch chủ này cũng đắt giá nhất trên thị trường chipset AMD A88X. Liệu Crossblade Ranger có được xem là bo mạch chủ đáng giá dành cho bạn hay không? Trước tiên chúng ta hãy xem qua về thiết kế của nó một chút.
Crossblade Ranger đã gây ấn tượng cho tôi ngay từ lúc lấy nó ra từ hộp đựng. Nó rất cứng cáp hoàn toàn không phải như hàng giá rẻ chút nào, một phần là vì trên Ranger có đến 3 miếng tản nhiệt khá to và dày bằng kim loại với 2 miếng ở phần khu vực VRM và miếng còn lại ở phần chipset A88X. Dù độ cứng cáp không phải là thước đo hiệu năng của bo mạch chủ, nhưng chắc chắn Ranger sẽ bền hơn so với các bo mạch chủ khác thuộc series chipset A88X. Những miếng tản nhiệt được chạm khắc khá tinh xảo, bo mạch chủ được phủ đen cùng tông đỏ đen truyền thống ROG, rõ ràng rất khó để tìm được bo mạch chủ nào trên thị trường chipset A88X có thể so với Ranger về mức độ thẩm mỹ. Trên bề mặt bo mạch của Ranger chúng ta sẽ thấy có rất ít chi tiết thừa xuất hiện để giữ cho bo mạch chủ trở nên sạch sẽ và tinh tế hơn. Ranger đúng là bo mạch chủ dành cho những người dùng thùng máy có window để show hàng họ.
Với những người thích tản nhiệt CPU to thì có thể an tâm khi lắp với Ranger. Chúng tôi đã đo đạc khoảng cách giữa các chi tiết khu vực VRM để tiện cho bạn theo dõi.
Các miếng tản nhiệt VRM khá lùn vừa đủ cho hầu hết các tản nhiệt CPU có thể lắp vào dễ dàng. Lưu ý là các bộ nhớ RAM có tản lớn có thể chạm vào phần đáy của tản CPU. Do đó bạn phải luôn chú ý điều này khi chọn lựa các linh kiện phù hợp để gắn vào Ranger.
ASUS có thêm vào các tính năng dành cho người dùng benchtable trên Ranger bao gồm nút Power có đèn LED đỏ, nút Reset, cần gạc chế độ Slow Mode và jumper mở khóa chế độ LN2 dành cho ép xung LN2. Nút Slow Mode này chỉ dành riêng cho các tay ép xung đỉnh cao, do đó người dùng bình thường chúng ta không nên nhúng tay vào. Nút nhỏ màu đỏ bên cạnh là MemOK! giúp sửa lỗi tương thích RAM cho Ranger.
Về khu vực cổng giao tiếp lưu trữ, Ranger có tổng cộng 8 cổng SATA III do chipset A88X điều khiển. Rất tiếc là Ranger không tích hợp khe M.2 do đó những ai đang sở hữu SSD M.2 nên mua kèm thêm adapter chuyển chuẩn PCI Express để gắn SSD M.2 lên rồi cắm adapter đó vào khe PCI Express, như SSD HyperX Predator của Kingston.
Là bo mạch chủ size ATX, Ranger có rất nhiều khe cắm mở rộng. Các khe PCIe màu đỏ chia sẻ 16 lanes PCIe Gen3 cho nhau, nếu chạy đơn card đồ họa thì băng thông sẽ là x16 còn chạy đôi như CrossFireX sẽ là x8/x8. Rất tiếc là SLI không được hỗ trợ trên bo mạch chủ này. Khe PCIe x16 màu xám cuối cùng có 4 lanes PCIe Gen2 có thể dùng cho card đồ họa thứ 3 trong hệ thống CrossFireX 3-way. Tất cả các khe PCIe x16 đều được điều khiển bởi APU nằm trong CPU Socket FM2+. ASUS còn thêm vào 2 khe PCIe 2.0 x1 do chipset A88X quản lý và 1 cặp khe PCI truyền thống.
Crossblade Ranger được hỗ trợ bộ xử lý âm thanh phần mềm lẫn phần cứng ASUS SupremeFX 2014. Bên dưới lớp vỏ bảo vệ chống nhiễu EMI SupremeFX là chip xử lý âm thanh Realtek ALC1150 thường thấy ở các bo mạch chủ cao cấp của ASUS ngoài ra còn có các tụ âm thanh cao cấp ELNA và cả 2 thành phần này đều được ngăn cách với phần còn lại của bo mạch chủ nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh không bị ảnh hưởng bị nhiễu tín hiệu. Chip ALC1150 trên Ranger còn tích hợp thêm cả tính năng DTS Connect và DTS Neo lần lượt cho phép Ranger có khả năng giả lập tín hiệu âm thanh 5.1 và 7.1 từ nguồn âm thanh không vòm thông qua cổng quang S/PDIF.
Vài tính năng khác từ SupremeFX cũng hoạt động khá hiệu quả với các kết nối âm thanh front panel. Đầu tiên là SenseAmp, chức năng này sẽ tự động nhận diện tai nghe trở kháng cao hay thấp kết nối vào cổng âm thanh front panel và điều chỉnh bộ khuếch đại tích hợp nằm trong chip ALC1150 cho phù hợp. Thứ hai là SoundStage, ứng dụng nền tảng Windows có tích hợp 4 profile âm thanh dành cho game thủ và có thể được chuyển đổi qua lại bằng nút bấm trên bo mạch chủ. Ý tưởng thì rất hay nhưng vấn đề là ít ai sẵn sàng mở thùng máy chỉ để bấm nút chuyển đổi profile âm thanh như vậy cả.
Với cảm giác nghe cá nhân của mình, SupremeFX có chất lượng âm thanh khá tương đồng với card âm thanh rời Xonar DG trên hệ thống máy làm việc của tôi. Tôi không hoàn toàn nhận ra bất kỳ khác biệt nào về chất lượng âm thanh giữa chip Realtek ALC1150 và Xonar DG. Có thể nói là ALC1150 có vẻ như tốt hơn chút xíu so với Xonar DG vốn là card âm thanh có chất lượng khá tốt. Nếu không thử nghiệm kỹ lưỡng khó có thể nói là ai hơn ai giữa ALC1150 và Xonar DG, nhưng với người dùng bình thường thì SupremeFX có chất lượng âm thanh là rất tốt rồi.
Xem qua khu vực I/O, chúng ta sẽ có 2 cổng USB 2.0 và 2 cổng USB 3.0 do chipset A88X điều khiển. 2 cổng USB 3.0 dưới cổng mạng LAN được điều khiển bởi chip ASMedia. Nếu các cổng kết nối USB phía sau quá ít thì Ranger có các đầu header USB 3.0 và USB 2.0 front panel trên bo mạch cung cấp thêm 2 cổng USB 3.0 và 6 cổng USB 2.0 tất cả đều được điều khiển bởi chipset A88X.
Các đầu xuất hình HDMI, DVI và VGA vẫn được hỗ trợ trên Ranger. Dù ít ai mua Ranger mà không dùng đến card đồ họa rời, nhưng cổng Display Port không xuất hiện trên Ranger là điều rất lạ. Đáng lý ra cổng VGA nên bỏ đi và thêm vào Display Port mới phải.
Các jack cắm âm thanh đều được mạ vàng bao gồm cả cổng quang S/PDIF. Cổng PS/2 cổ điển vẫn được hỗ trợ trên Ranger để mở rộng kết nối cho các thiết bị ngoại vi. Và cuối cùng là cổng mạng LAN 1Gbps được điều khiển bởi chip Intel.
Bạn có thấy nút BIOS nằm giữa cổng DVI và USB 3.0 không? Theo lẽ thường thì tôi sẽ nghĩ ngay tới nút clear BIOS tuy nhiên đấy lại là nút BIOS Flashback dùng để flash BIOS mù cho Ranger. Chức năng này sẽ rất hữu dụng khi bạn gắn các CPU socket FM2+ mới chưa tương thích với BIOS hiện tại của Ranger.
ASUS đính kèm rất nhiều phụ kiện vào Ranger như 4 cáp SATA III, 1 miếng che I/O Shield được mạ nikel đen, 1 bộ sticker đánh dấu phần cứng, 1 bộ đầu ra front panel, và 1 dĩa driver. Ngoài ra bạn còn được tặng thêm cả miếng treo phòng và 1 lót chuột ROG khá đẹp mắt.
[TechReport Review] ASUS ROG Crossblade Ranger
Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 11/6/15.
Bình luận
Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi umbrella_corp, 11/6/15.
-
Trang 1 của 2 trangTrang 1 của 2 trang