I - Lời nói đầu Ngày trước, X99-Deluxe đã cho chúng tôi nếm trải hương vị đầu tiên của nền tảng Haswell-E và chipset X99. Chiếc bo mạch chủ này cung cấp dải băng thông rất tốt dành cho nhiều thiết bị ngoại vi, module WiFi siêu nhanh cùng hàng tá tính năng hỗ trợ cùng phụ kiện đi kèm. X99-Deluxe dễ làm cho người ta liên tưởng đến một chiếc bánh hamburger với nhiều nhân bên trong như miếng chả, thịt nguội, hành phi, nấm xào, phô mai 3 kiểu, và trứng chiên... kết hợp lại cùng nhau để tạo nên một chiếc bánh tuyệt vời cho người dùng trải nghiệm. Mặc dù Deluxe ngon thật đấy tuy nhiên giá cả của nó thì quả thật hơi đắt. Cái giá gần $400 cho Deluxe rất khó nuốt đối với nhiều người mua bo mạch chủ về mà không khám phá hết tính năng của nó. Vì thế, X99-A ra đời nhằm giải quyết khó khăn về giá của Deluxe. Chiếc bo mạch chủ X99 giá rẻ của ASUS bị cắt giảm một số thành phần có từ Deluxe nhưng vẫn không khiến X99-A có sự cách biệt quá lớn về Deluxe. Về giá cả ư: chỉ có $275 mà thôi. Như người anh em Deluxe, X99-A cũng có ngôn ngữ thiết kế gần như giống hệt với tông trắng đen, và ASUS không chỉ cắt mất vài chip điều khiển từ bản Deluxe và rename lại sản phẩm. mà họ còn thiết kế lại bo mạch PCB với layout khe cắm mở rộng khác. Các thành phần linh kiện điện tử có thể giống nhau nhưng sự dàn trải các linh kiện trên bo mạch trong vài trường hợp có vẻ rất sơ sài. Một trong những điểm thay đổi lớn nhất về bố cục bo mạch chủ là vị trí của khe M.2. Thay vì cắm M.2 SSD theo khe chiều dọc gần khu vực cổng cắm nguồn 12V như Deluxe, X99-A đặt vị trí khe M.2 nằm song song với bo mạch chủ ở góc phải bên dưới. Vị trí này vẫn đủ không gian cho người dùng cắm M.2 SSD có độ dài lên đến 110mm. Cũng giống như các bo mạch chủ Haswell-E khác của ASUS, X99-A được trang bị bộ socket OC Socket với nhiều chân socket hơn so với socket chuẩn 2011-3 của Intel. Các chân này sẽ tiếp xúc với mặt dưới CPU vốn không được chạm bởi socket Intel, và như thế OC Socket sẽ chống được hiện tượng điện Vcore giảm khi ép xung cao. Thông tin PR của ASUS cho biết với OC Socket, CPU sẽ có thể được chích điện lên đến 1.8V, một mức điện khủng khiếp ngay cả khi dùng tản nhiệt LN2, vì thế chúng tôi vẫn chưa rõ là liệu việc này có lợi gì cho các tay ép xung bình thường chỉ dùng CPU mua sẵn ngoài tiệm hay đó chỉ có lợi cho những người chơi ép xung được hãng nào đó tài trợ CPU để thử nghiệm ép xung điện thế cao. Ngoài ra, ASUS còn cho rằng OC Socket sẽ cho khả năng chạy RAM xung nhịp cao và độ trễ thấp hơn. X99-A có thể hỗ trợ chạy RAM DDR4-3000MHz với đủ 8 cây RAM gắn trên bo mạch chủ. Khu vực khe RAM DDR4 có tổng cộng 8 khe chia đều 2 bên bo mạch chủ được ngăn cách bởi khu vực CPU nằm giữa. Bộ tản nhiệt VRM nằm ở phía trên socket CPU, còn khe cắm PCIe dành cho card đồ họa nằm sát bên dưới socket CPU, khiến khu vực CPU trở thành trung tâm của phần trên bo mạch chủ. Chúng tôi không thể test toàn bộ thành phần cứng để kiểm tra sự tương thích vì thế chúng tôi đã đo đạc kích thước phân bố các thành phần trên bo mạch chủ ở hình dưới. Chúng tôi sẽ tiến hành đo khoảng cách từ trung tâm socket và khoảng cách này sẽ giúp bạn có được sự lựa chọn tốt về tản nhiệt cho CPU trên bo mạch chủ này. Tản nhiệt VRM không cao lắm vì thế nó gần như sẽ không ảnh hưởng nhiều khi chúng ta lắp tản nhiệt CPU vào. Tuy nhiên, với những cây RAM có tản cao thì có thể bị cấn khi lắp cùng với tản nhiệt CPU từ các nhà sản xuất thứ ba. 6 khe cắm mở rộng là số lượng khe có trên X99-A tương tự với số lượng của Deluxe nhưng chỉ có khe đầu, khe số 4, và khe số 6 là lấy băng thông từ CPU nghĩa là khả năng hỗ trợ đa card đồ họa SLI/CF chỉ lên đến 3 card. Tuy không hỗ trợ SLI/CF 4 card nhưng ít nhất với hệ thống 3 card thì khả năng tản nhiệt của chúng sẽ tốt hơn do khoảng cách các card là khá xa nhau. Số lanes PCI Express được phân luồng như thế nào còn tùy thuộc vào CPU mà cụ thể là CPU 40 lanes hay 28 lanes (5960X và 5930K có 40 lanes trong khi 5820K chỉ có 28 lanes). Chúng tôi đã vẽ ra sơ đồ phân bố lanes của CPU 40 và 28 lanes ở dưới. CPU 40 lanes. CPU 28 lanes. Khe M.2 và khe PCIe x16 cuối cùng chia sẻ số lanes Gen 3 từ CPU. Tuy nhiên sự sắp xếp này giống việc chuyển đổi băng thông qua lại hơn là chia sẻ. 4 lanes dành cho khe M.2 có thể được chuyển qua để cấp cho khe PCIe x16, nhưng chúng ta không thể sử dụng 2 thiết bị cùng lúc trên cả 2 khe này. Về phía chipset, khe x1 đầu tiên và khe PCIe x16 thứ hai chia sẻ băng thông Gen 2 với chip USB controller. Gán 4 lanes cho khe PCIe x16 này sẽ đồng thời ngắt băng thông khe x1 và ngược lại thì khe x1 chỉ được chia sẻ 1 lanes băng thông Gen 2 mà thôi. Các lanes còn lại của chipset X99 được phân bổ cho khe PCIe x1 thứ hai, chip LAN controller và khe SATA Express.
II - Các giải pháp lưu trữ, cổng giao tiếp và vài thứ khác Vì chipset X99 hỗ trợ 10 cổng SATA III nên X99-A có thể được xem là giải pháp tốt cho những hệ thống nhiều ổ cứng và không sử dụng chip điều khiển bên thứ ba. Tuy nhiên chúng cũng có những điểm hạn chế. Chỉ có 6 cổng là được quản lý bởi phần mềm Intel RST tức là 6 cổng này có tích hợp chip RAID bên trong. Còn 4 cổng còn lại (4 cổng phía trái của hình dưới) là không thuộc sự quản lý của Intel RST. Những cổng này vẫn hoạt động tốt với các ổ cứng nhưng chút chỉ có thể tham gia vào mạng lưới ổ cứng RAID thông qua phần mềm quản lý bên thứ ba. Hai cổng SATA khác thuộc một phần của khe SATA Express khi tách rời chúng vẫn có tốc độ của khe SATA III nhưng khi kết hợp với khe mini SATA Express thì chúng sẽ trở thành kết nối SATA Express có tốc độ 1GB/s khi nó lấy số lanes từ 2 khe PCIe Gen 2. Khe M.2 của X99-A cũng là một phần trong các giải pháp lưu trữ có mặt trên bo mạch chủ tuy nhiên thay vì lấy băng thông từ chipset thì nó lấy từ CPU. Các SSD M.2 có thể có tốc độ truyền tải lên đến 4GB/s, một tốc độ rất cao vào thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần. Chỉ tiếc X99-A không hỗ trợ SSD M.2 chuẩn SATA vốn đang phổ biến trên thị trường hiện tại. Nhưng không sao vì SSD chuẩn PCIe có tiềm năng hơn. Bên cạnh đó, X99-A vốn cũng đã có nhiều cổng SATA để dùng rồi. Các cổng USB 3.0 mặt sau của X99-A được hiển thị rõ ràng ở dưới. Bảng trên cho chúng ta thấy chi tiết về các cổng kết nối phía sau của X99-A. Tất nhiên các cổng USB 3.0 do chip điều khiển ASMedia luôn có hiệu năng kém hơn các chip điều khiển khác, vì thế chúng tôi không khuyến khích các bạn dùng các thiết bị USB 3.0 trên các cổng này. Nói thì vậy nhưng chip ASMedia cũng cho ra tốc độ 250-260MB/s trong các bài test tốc độ tuần tự vì thế nó có thể dùng tốt với các ổ cứng cơ gắn thông qua cổng USB 3.0 này. Card mạng Intel Gigabit Ethernet? Check. Nút Clear CMOS? Không có. Có vẻ như nút có chữ BIOS xoay tròn là dùng để flash BIOS mù được gọi là USB Flashback. Về chất lượng âm thanh, X99-A được trang bị chip xử lý âm thanh Realtek ALC1150 cùng bộ khuếch đại âm thanh Texas Instrument R4580, và nó có hỗ trợ giả lập âm thanh vòm DTS UltraPC II và giải mã âm thanh đa kênh DTS Connect. Chất lượng âm thanh onboard thực tế khi test bằng cảm nhận tai nghe của tôi thì thấy khá bình thường và X99-A cho chất lượng âm thanh khá tốt trong phép thử Rightmark Audio Analyzer. Tuy nhiên nếu thực sự quan tâm đến chất lượng âm thanh thì tốt nhất bạn nên sắm card âm thanh rời hoặc bộ DAC USB thì hay hơn. Mặc dù chúng không thú vị gì lắm nhưng những tính năng thân thiện với người dùng dạng như miếng IO Shield được bọc mút mềm hay các bộ chấu đầu nối ra front panel giúp việc lắp ráp bo mạch chủ vào thùng máy dễ dàng hơn. Miếng IO Shield sẽ không làm đứt tay bạn hay bị cấn khi đụng vào các cổng mặt sau bo mạch chủ, còn bộ chấu đầu ra front panel sẽ giúp bạn không còn phải đắn đo khi lắp nối các dây tín hiệu từ mặt trước thùng máy vào bo mạch chủ. Ngay phía trên phần chấu đầu ra front panel là các cần gạc chức năng như chuyển đổi các profile XMP, tiết kiệm điện EPU và tự động ép xung TPU. Các tính năng này có thể được thiết lập trong BIOS nhưng có vài người trong số chúng ta lại thích chuyển đổi trực tiếp ngay trên bo mạch. X99-A cũng tích hợp các nút Power/Reset ngay trên bo mạch cùng với đèn LED báo lỗi, đầu chấu DirectKey để boot trực tiếp vào BIOS. Nếu không muốn phải dùng cây vít để chích vào đầu chấu này vào BIOS trực tiếp, bạn cần phải có một nút điều chỉnh tương tự như Power/Reset để dùng tính năng này dễ dàng hơn.
III - Giao diện BIOS và ép xung BIOS của X99-A rất tương đồng với X99-Deluxe. Loại trừ những thông số chỉ hỗ trợ cho nền tảng X99, BIOS có khá nhiều điểm giống với series bo mạch chủ Z97 của ASUS. Các bài đánh giá về X99-Deluxe cũng như Z97-A cũng đã chỉ ra rất nhiều thông số chi tiết có mặt trên bo mạch chủ này nên chúng tôi sẽ không đề cập nhiều ở đây. Tuy nhiên chúg tôi chỉ lưu ý cho các bạn những điểm cần biết trên BIOS bo mạch chủ X99-A mà thôi. Đầu tiên là giao diện BIOS. Các tùy chọn hệ thống đều hiển thị rất trực quan, chức năng điều khiển quạt theo giao hiện hình ảnh rất xuất sắc và trình thuật sĩ các bước điều chỉnh ép xung và thiết lập RAID rất dễ hiểu cho người dùng không chuyên. Sử dụng BIOS UEFI như vầy cho tôi cảm giác mình đang điều chỉnh hệ thống trên Windows chứ không phải trên BIOS thuần túy. Các tùy chọn sâu hơn đều thể hiện đầy đủ trên X99-A.. Các tùy chọn ép xung nâng cao cho CPU và RAM đều có thể dễ dàng truy cập đến, và phần điều chỉnh quạt cũng được thêm thắt nhiều chức năng hơn khi tùy chỉnh sâu. Ví dụ như người dùng có thể điều chỉnh tốc độ quạt cắm trên bo mạch chủ dựa trên mức nhiệt độ mà hệ thống đang sinh ra. Ứng dụng ASUS Dual Intelligent Processors 5 (DIP) sẽ mang tất cả những tính năng quản lý trên BIOS vào thẳng Windows. Ứng dụng này còn thêm thắt vài tính năng đặc biệt như khả năng điều chỉnh tốc độ vòng quay tăng hay giảm cho quạt điều khiển bằng nhiệt độ. Chức năng giám sát phần cứng cũng được tích hợp vào ứng dụng này và cho phép khả năng tùy chỉnh điện thế, nhiệt độ cũng như tốc độ quạt. Một trong những phần hay nhất của DIP 5 chính là tùy chỉnh tự động ép xung cho phép người dùng không chuyên có thể ép xung một cách dễ dàng và ổn định. Chức năng tự động ép xung này sẽ điều chỉnh các thông số liên quan đến CPU và điện thế và các profile quạt tự động, và nó cũng có thể ép xung cho card đồ họa nếu người dùng muốn. Khả năng ép xung Chúng tôi thử tính năng tự động ép xung của DIP 5 với CPU Core i7-5960X được tản nhiệt bởi tản nhiệt nước Cooler Master Nepton 280L. Sau một vài lần phải reboot hệ thống, tính năng ép xung tự động đã ép xung CPU lên 4.5GHz với hệ số nhân 45x và mức điện CPU 1.308V. Hệ thống chạy ổn định khi chúng tôi thử nghiệm các phép thử CPU và GPU và nhiệt độ luôn dưới 70*C. 4.5GHz là mức xung cao nhất mà chúng tôi đạt được với con CPU và bộ tản nhiệt này. Thực tế là chúng tôi đạt được mức này nhờ vào trình tự động ép xung thì điều đó là quá ấn tượng và điều này cũng hữu ích với những người dùng không chuyên về ép xung. Nói về ép xung, chúng tôi cũng bỏ ra nhiều thời gian để ép xung thử xem CPU của mình có lên được 4.6GHz không. Chúng tôi đã được mức xung này và boot vào Windows nhưng không có cách gì để ổn định hệ thống khi chạy các phần mềm test cả.
IV - Test hiệu năng Khi được trang bị cùng linh kiện với nhau và chạy mức xung như nhau, các bo mạch chủ thường không có sự khác biệt quá nhiều về hiệu năng. Tất nhiên cũng có vài ngoại lệ dù rất hiếm, và chúng tôi vẫn thử nghiệm các bài test hiệu năng để đảm bảo rằng mọi thứ trên bo mạch chủ đều hoạt động tốt, nhưng chúng tôi vẫn không tìm thấy điểm khác biệt đáng kể nào trên X99-A nếu phải so với X99-Deluxe. Gigabyte X99-UD4 cũng góp mặt trong phần so sánh hiệu năng với X99-A. Bo mạch chủ này hệ số nhân của RAM chỉ lên được có 26.66X vì thế UD4 không thể chạy các cặp RAM DDR4-2800 của chúng tôi mà không cần phải ép xung CPU. Chúng tôi đã test thử UD4 với mức xung RAM 2666MHz và xung nhịp CPU mặc định, và vì thế mức độ chênh lệch hiệu năng chỉ hiển hiện rõ ở các bài test RAM. Chúng tôi cũng đo luôn thời gian mà hệ thống boot Windows, và X99-A boot nhanh hơn 2 bo mạch chủ còn lại. Dù vậy, 3 hệ thống X99 trên đều phải chào thua thời gian boot Windows của các hệ thống Z97 với thời gian boot chỉ vào khoảng 13-16 giây với linh kiện tương tự nhau. Độ tiêu thụ điện năng Dù các bo mạch chủ đều không hơn kém nhau quá nhiều về hiệu năng, nhưng về độ tiêu thụ điện năng thì sẽ có sự khác biệt. Chúng tôi đo đạt tổng năng lượng tiêu thụ (ngoại trừ loa và màn hình) khi cho hệ thống nghỉ trong vòng 5 phút khi boot vào Windows, sau đó là chạy tải nặng Cinebench kết hợp cùng Unigine Valley. Riêng với các bo mạch ASUS chúng tôi còn test thêm cả chế độ tiết kiệm điện EPU. X99-A tiêu thụ khá nhiều năng lượng ngay cả khi hệ thống nghỉ khi nó ngốn hơn 3W so với người anh em Deluxe và 16W so với bo của Gigabyte. Sự chênh lệch thu hẹp lại khi test tải nặng, nhưng cả khi chế độ EPU được bật thì X99-A vẫn ngốn hơn 11W so với bo mạch dẫn đâù. Bo mạch chủ ASUS socket 2011 vốn đã có tiền sử tiêu hao điện năng lớn vì thế kết quả như vầy cũng không có gì lạ dù hơi thất vọng chút. Ít nhất thì bo mạch chủ này cũng đảm bảo là các bộ tản nhiệt gắn trên bo mạch này cũng không ảnh hưởng nhiều đến độ tiêu thụ năng lượng của toàn bộ bo mạch.
V - Cấu hình thử nghiệm và phương pháp test Đây là cấu hình thử nghiệm chi tiết ASUS X99-A: Phương pháp test Chúng tôi thiết lập tùy chỉnh hệ thống khi thử nghiệm như sau: Cám ơn các đối tác ASUS, Gigabyte, Cooler Master, Corsair, Intel và Samsung đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này. Các ứng dụng được sử dụng để test bao gồm:
VI - Lời kết ASUS Z97-A là bo mạch chủ mà tôi thích nhất trong thế hệ bo mạch chủ của nó, và tôi đã đặt kỳ vọng rất cao vào phiên bản X99 của nó. X99-A không gây thất vọng cho tôi. Nó có tất cả những gì mà chúng tôi yêu thích trên Z97-A đã từng sở hữu như cấu hình thông minh, lắp ráp dễ dàng, chất lượng âm thanh tốt, các tùy chọn ép xung tuyệt vời, và chức năng điều khiển quạt vô cùng xuất sắc... X99-A đã mang đến tất cả những tính năng mà một chiếc bo mạch chủ Haswell-E có thể mang đến cũng như người anh em của nó là X99-Deluxe. Chỉ tiếc là X99-A không hỗ trợ chế độ đa card SLI/CF 4-way, một tính năng mà người dùng X99 rất quan tâm bên cạnh khả năng ép xung. Ngoài ra còn 2 yếu tố nữa khiến tôi hụt hẫng với X99-A. Đầu tiên là độ tiêu thụ điện cao ngay cả khi hệ thống nghỉ nhưng đấy cũng không hẳn là vấn đề với những người dùng các hệ thống Haswell-E. Còn lại là cái giá $275 của nó, cái giá này cao hơn chút so với các bo mạch chủ X99 khác cùng cấu hình. Với tôi, X99-A vẫn là chiếc bo mạch chủ rất tốt và nó xứng đáng đoạt giải thưởng TechReport Editor's Choice. Nguồn: TechReport