Tiêu chuẩn hoá viễn thông bám đuôi công nghệ

Thảo luận trong 'Tin tức Công Nghệ - IT News' bắt đầu bởi freewarez, 24/11/04.

  1. freewarez

    freewarez New Member

    Bài viết:
    63
    18:58' 24/11/2004 (GMT+7)
    (VietNamNet) - Ngày 23/11/2004, Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã tổ chức Hội nghị Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chuyên ngành bưu chính, viễn thông và CNTT. Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng tiêu chuẩn hoá chuyên ngành BCVT và CNTT, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và chỉ ra định hướng để tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn chất lượng mạng và dịch vụ BCVT, CNTT.


    Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng tiêu chuẩn hoá chuyên ngành BCVT và CNTT.

    Ngành BCVT từ trước tới nay đã chú trọng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn ngành trong lĩnh vực viễn thông. Hiện Bộ BCVT (trước đây là Tổng cục Bưu điện) đã ban hành gần 100 tiêu chuẩn ngành để quản lý: tiêu chuẩn thiết bị đầu cuối viễn thông, thông tin vô tuyến điện, kết nối mạng, chất lượng dịch vụ, mạng lưới, tương thích điện từ, an toàn điện, chống sét. Trong lĩnh vực điện tử, CNTT Bộ Công nghiệp cũng đã ban hành 14 tiêu chuẩn ngành cho máy tính cá nhân để bàn, 48 tiêu chuẩn ngành cho các linh kiện, 8 tiêu chuẩn VN cho các sản phẩm và thiết bị kỹ thuật. Có thể nói hệ thống các văn bản tiêu chuẩn hoá trong lĩnh vực BCVT và CNTT tương đối lớn. Tuy nhiên Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ BCVT) cũng chỉ ra rằng: vẫn còn những tồn tại trong công tác tiêu chuẩn hoá.

    Thiếu...

    Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công tác tiêu chuẩn hoá (TCH) có vai trò hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý chất lượng. Nhưng theo nghiên cứu của Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Bưu chính Viễn thông), trong 8 loại tiêu chuẩn ngành (TCN) đã được công bố theo các quy định đã được ban hành, chỉ có ba tiêu chuẩn cho thiết bị đầu cuối viễn thông, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ mạng lưới và tiêu chuẩn trong lĩnh vực tương thích điện từ (EMC) là có đủ và đáp ứng yêu cầu quản lý hiện tại. Còn lại các loại tiêu chuẩn khác đều thiếu hoặc không còn phù hợp.

    Trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá, Pháp lệnh BCVT đã quy định bắt buộc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VN, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn nước ngoài và quốc tế (nếu phù hợp).

    Đối tượng áp dụng gồm: dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát thư, thiết bị viễn thông, mạng viễn thông, kết nối mạng, công trình và dịch vụ viễn thông.

    Đơn cử, ví dụ về tiêu chuẩn cho thiết bị thông tin vô tuyến, Bộ BCVT đã ban hành được một số tiêu chuẩn như: tiêu chuẩn máy di động GSM (pha 2 và 2+), máy đầu cuối PHS, máy di động CDMA, trạm gốc GSM và trạm gốc WCDMA. Ngoài ra còn có tiêu chuẩn đối với các thiết bị vô tuyến khác: điện thoại vô tuyến MF và HF, thiết bị vô tuyến UHF, thiết bị VSAT, Ra đa tìm kiếm và cứu nạn, phao vô tuyến… Tuy nhiên trong lĩnh vực này, vẫn còn thiếu các tiêu chuẩn trạm gốc hệ thống thông tin di động CDMA2000 1x, tiêu chuẩn máy di động W-CDMA. Thiếu các tiêu chuẩn cho các nghiệp vụ lưu động mặt đất khác: thiết bị vô tuyến công suất thấp (cự ly ngắn), máy bộ đàm... Thiếu tiêu chuẩn thiết bị thông tin vô tuyến đối với các nghiệp vụ khác: LAN không dây, thiết bị DECT, DCS 1800, thiết bị vô tuyến điểm - đa điểm...

    Hay như tiêu chuẩn phục vụ kết nối mạng, hiện đã có các tiêu chuẩn về giao diện, báo hiệu, đồng bộ. Tuy nhiên các tiêu chuẩn này chưa đầy đủ về nội dung và chưa thành một hệ thống. Mặt khác, đa số các tiêu chuẩn đã ban hành cần phải soát xét, sửa đổi về nội dung hoặc kết cấu lại.
    ... và yếu



    Theo đánh giá của Vụ Khoa học Công nghệ, việc thực hiện công tác quản lý chất lượng dịch vụ và mạng lưới BCVT còn rất nhiều hạn chế. Đầu tiên phải kể đến là hệ thống TCN còn chưa đủ cho công tác chứng nhận hợp chuẩn. Nhất là tiêu chuẩn cho thiết bị vô tuyến điện, tiêu chuẩn về kết nối mạng. Một số tiêu chuẩn đã có lại cần được xem xét, bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới.


    Khánh tham quan hàng điện tử trưng bày tại Telecomp và Electronics 2004.

    Bên cạnh đó, do công nghệ phát triển mạnh nên đã xuất hiện ngày càng nhiều chủng loại thiết bị viễn thông mới. Dẫn đến việc đánh giá chất lượng cho những thiết bị mới này cần phải có các chính sách và tiêu chuẩn tương ứng.

    Mặt khác, đa số các TCN xây dựng trước đây không phải dành riêng cho công tác xét cấp chứng nhận hợp chuẩn, mà còn cho cả việc khai thác, bảo dưỡng thiết bị trên mạng. Nên còn nhiều tham số phục vụ mục đích lựa chọn, lắp đặt thiết bị hoặc có tham số mang tính yêu cầu chung hay quá chi tiết. Vì vậy đa phần các kết quả đo kiểm không đáp ứng được đầy đủ các tham số theo các tiêu chuẩn này. Việc sử dụng các tiêu chuẩn tự nguyện (tiêu chuẩn cơ sở, nước ngoài) còn chưa có quy định chi tiết nên lúng túng trong việc chứng nhận hợp chuẩn tự nguyện.

    Hệ thống TCN về chất lượng dịch vụ là cơ sở kỹ thuật để thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ, mạng lưới. Một trong những yêu cầu quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng là phải bám sát vào nhu cầu của khách hàng, phải có tính khả thi trong thực tế đo kiểm. Tuy nhiên, hiện nay trong các TCN về chất lượng mạng lưới và dịch vụ mới chỉ quy định phương pháp đo. Trong giai đoạn hiện tại việc quy định cụ thể bài đo, quy trình đo khả thi là rất khó khăn. Vì phụ thuộc vào năng lực đo kiểm của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

    Doanh nghiệp và Nhà nước cùng vào cuộc
    Theo Vụ Khoa học Công nghệ, các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng sẽ ngày càng được tối thiểu hóa theo từng thời kỳ. Trách nhiệm đảm bảo chất lượng vật tư, thiết bị sẽ chuyển dần cho các doanh nghiệp chủ động. Trong môi trường cạnh tranh, các yêu cầu về chất lượng thiết bị và tiêu chuẩn tự nguyện thường cao hơn các yêu cầu bắt buộc.

    Để có thể áp dụng có hiệu quả các TCN về chất lượng dịch vụ và mạng lưới, cơ quan quản lý, cơ quan thực thi và doanh nghiệp cần phối hợp để nghiên cứu áp dụng các biện pháp như: Cùng xây dựng và thống nhất bài đo đánh giá theo TCN, các kết quả đo đánh giá có giá trị so sánh qua các lần đánh giá khác nhau, báo cáo công bố kết quả đo. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động xây dựng bài đo, xử lý kết quả đo theo phương pháp xác suất thống kê để có thể báo cáo được độ chính xác, độ tin cậy và mức độ điển hình của kết quả đánh giá.

    Sắp tới, Bộ BCVT sẽ rà soát điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn ngành theo các định hướng quản lý mới. Theo đó, sẽ huỷ bỏ hiệu lực đối với những tiêu chuẩn ngành không phù hợp, đặc biệt sẽ huỷ bỏ áp dụng những tiêu chuẩn ban hành trước năm 1994. Sau đó, Bộ BCVT sẽ tiến hành cập nhật danh mục các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tự nguyện áp dụng. Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo soát xét và xây dựng bổ xung tiêu chuẩn ngành. Sau khi Nghị định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá được Chính phủ phê chuẩn, Bộ BCVT sẽ đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn VN, nâng cấp các tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn VN...

    Bên cạnh đó, Bộ BCVT sẽ lựa chọn các đối tượng tiêu chuẩn phù hợp cho việc công bố áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến là các tiêu chuẩn về vô tuyến, tiêu chuẩn kết nối mạng, tiêu chuẩn CNTT... Việc công bố áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm mục đích phục vụ kịp thời cho nhu cầu quản lý chất lượng.

    Thuỷ Nguyên - Thương Thương
    http://www.vnn.vn/cntt/xalo/2004/11/349410/
     
    :

Chia sẻ trang này