Không xuất hiện ở series Maximus VII, những tưởng Extreme đã vĩnh viễn dừng ở Maximus VI, nhưng không, ít nhất là vào lúc này, khi mà series Maximus VIII sử dụng chipset mới Z170 thì ASUS quyết định cho sản phẩm trùm cuối của series này tái xuất giang hồ với tên gọi Maximus VIII Extreme. Đã được gọi là "Extreme" tức là đỉnh cao kiệt tác, chắc chắn chiếc bo mạch chủ này có rất nhiều thứ cũng như tính năng xứng đáng với cái danh này và hãy cùng chúng tôi mở hộp siêu phẩm Maximus VIII Extreme này của ASUS.
Tất cả phụ kiện của Maximus VIII Extreme như sau:
- Sách hướng dẫn
- I/O Shield
- 8 cáp SATA III
- Đai ốc vặn cho M.2 SSD
- Ngàm gắn CPU
- Dĩa driver
- Module WiFi song tần 3x3 chuẩn 802.11ac
- Card mở rộng chấu cắm quạt 4 pin
- Bộ ốc gắn card mở rộng chấu cắm quạt
- Cầu SLI
- Cầu CrossFire
- Bộ đầu ra header front panel
- 3 cáp cảm biến nhiệt
- Sticker ROG kim loại
- 12 nhãn ROG dành cho cáp kết nối
- 3 nhãn ROG dành cho quạt làm mát
- Cáp kết nối 5-pin to 5-pin
- Miếng treo phòng ROG
- Bộ điều khiển OC Panel II
- Khay 5.25" dành cho OC Panel II
- Cáp cho OC Panel II
- Bộ ốc dành cho OC Panel II
Nếu người dùng thực sự nghiêm túc về vấn đề tản nhiệt thì ASUS có kèm thêm card mở rộng chấu cắm quạt làm mát thêm 3 chấu nếu như người dùng đã sử dụng hết 6 chấu cắm quạt có sẵn trên bo mạch chủ. Ngoài ra, với việc bản lề CPU Skylake quá mỏng manh khiến cho việc tháo lắp CPU ngày càng khó khăn hơn, ASUS tích hợp thêm cho người dùng chiếc ngàm gắn CPU giúp người dùng thao tác lắp ráp CPU dễ dàng hơn. Hơn nữa, nếu người dùng đã sử dụng chế độ đa card màn hình thì Maximus VIII Extreme cũng có sẵn 2 cầu SLI và CrossFire dành cho người dùng. Có điều tôi vẫn chưa rõ là hiện tại AMD đã sử dụng cơ chế CrossFire thông qua bus PCI Express tức là khai tử việc sử dụng cầu CrossFire vật lý trong các hệ thống đa card, vậy ASUS trang bị cho Maximus VIII Extreme cầu CrossFire để làm gì?
Nếu người dùng là dân cuồng ép xung thì OC Panel II là dụng cụ đắc lực giúp họ tiện lợi hơn trong việc ép xung. OC Panel II đóng vai trò là một màn hình thông báo tình trạng hệ thống và kiểm tra lỗi POST khi được gắn trên khay 5.25". Khi tháo rời, OC Panel II cho phép người dùng có thể chỉnh tay các thông số liên quan đến điện thế, tần số và nhiều hơn nữa với độ chính xác rất cao, giúp người dùng chủ động trong việc ép xung hơn.
Nằm ẩn dưới các linh kiện trên bo mạch chủ là dải đèn LED linh động làm đẹp cho sản phẩm. Người dùng có thể tùy chỉnh hành vi cho dải đèn LED này thông qua phần mềm Lighting Control như tĩnh (Static), nhấp nháy theo nhịp (Pulsating), nhấp nháy ngẫu nhiên (Strobe) và cầu vòng (Rainbow). Đặc biệt, màu của dải đèn LED này có thể được tùy chỉnh tùy theo nhu cầu của người dùng.
Maximus VIII Extreme có kích cỡ E-ATX sử dụng chipset Intel Z170 mới nhất dành cho các vi xử lý socket 1151 như Core i3, i5 và i7, dung lượng RAM DDR4 hỗ trợ lên đến 64GB xung nhịp ép xung 3866MHz chạy kênh đôi.
Sát mép rìa bên phải phía trên của bo mạch chủ, gần khu vực 4 khe RAM, chúng ta sẽ thấy có vài nút bấm rất quen thuộc dành cho dân chơi benchtable như Power, Reset ngoài ra còn các nút khác hỗ trợ cho dân chơi ép xung như nút ReTry (cho phép người dùng reset máy tức thì thay vì phải nhấn giữ nút Power khi máy bị treo), Safe Boot (giúp người dùng reset lại máy với thông số an toàn nhưng không xóa hết tất cả các thông số khác như Clear CMOS). Để hỗ trợ người chơi ép xung LN2, ở khu vực này ASUS có tích hợp thêm chấu jumper tắt mở LN2 Mode và cần gạc Slow Mode giúp người dùng có thể dừng hệ thống lại để điều chỉnh thông số về mức an toàn trước khi tắt máy để thử lại pha ép xung lỗi.
Chưa hết, Maximus VIII Extreme còn có những tính năng khác khá hay như dàn chấu cảm biến ProbeIt cho phép người dùng theo dõi mức điện cấp cho VGA thông qua các dây cảm biến của máy đo điện. Cần gạc PCIe x16 Lane Switch giúp người dùng test card VGA lỗi trực tiếp mà không cần phải tháo ra. Tương tự như PCIe x16 Lane Switch, DRAM Channel Jumper sẽ giúp người dùng test RAM lỗi mà không cần phải tháo ra.
Về giao tiếp kết nối, Maximus VIII Extreme có 1 khe M.2 dành cho M.2 SSD, 1 cổng U.2 dành cho SSD NVMe, 2 cổng SATA Express (2 cổng này trưng dụng 4 khe SATA III), 8 khe SATA III, 4 cổng USB 3.1 (3 Type-A và 1 Type-C), 8 cổng USB 3.0, 6 cổng USB 2.0, card mạng Intel Gigabit I219-V, và module WiFi 802.11ac/Bluetooth 4.0 3x3.
Có tổng cộng 3 khe PCIe 3.0/2.0 x16 (băng thông hỗ trợ x16, x8/x8 hoặc x8/x4/x4), 1 khe PCIe 3.0/2.0 x16 (băng thông tối đa x4) và 2 khe PCIe 3.0/2.0 x1. Với số lượng khe này người dùng có thể thiết lập hệ thống đa card SLI/CF lên đến 4 way.
Hệ thống âm thanh mới mà ASUS áp dụng cho Maximus VIII Extreme có tên gọi là SupremeFX 2015 với chip âm thanh được bọc bởi lớp giáp SupremeFX và các jack âm thanh mạ vàng chống nhiễu. Đặc biệt, hệ thống âm thanh này còn có bộ giải mã âm thanh số sang analog DAC ESS Hi-Fi Sabre 24 bit chất lượng cao và tụ âm thanh cao cấp Nichicon giúp âm thanh trung thực với độ chi tiết cao.
Khu vực VRM sẽ có các linh kiện khủng như cuộn cảm MicroFine Alloy Chokes giảm nhiệt độ hoạt động lên đến 30% so với cuộn cảm thường, dàn MOSFET OptiMOS cho khả năng cấp nguồn cực tốt và tụ đen 10K Nhật Bản có độ bền gấp 5 lần và chịu nhiệt hơn 20%.
Phía sau bo mạch chủ có 2 phần backplate tản nhiệt dành cho tản nhiệt VRM và chipset, đồng thời giúp bo mạch không bị cong theo thời gian.
Nguồn: rog.asus.com
HOT [Trên tay] ASUS Maximus VIII Extreme - Trùm cuối thượng đài
Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 30/10/15.
Bình luận
Thảo luận trong 'CPUs/RAMs/Motherboards' bắt đầu bởi umbrella_corp, 30/10/15.