Cần trang bị máy tính cá nhân cho nhu cầu công việc, học tập hoặc giải trí, bạn sẽ chọn máy bộ (máy tính ráp sẵn) hoặc chọn linh kiện thích hợp và tự ráp theo nhu cầu cá nhân? Dù lựa chọn của mỗi bạn đọc sẽ khác nhau nhưng hẳn chúng ta đều muốn “tậu” được bộ máy tính tối ưu theo nhu cầu cá nhân mà không làm bạn “cháy túi”. MÁY BỘ HAY TỰ RÁP Máy bộ và máy tự ráp đều có những ưu khuyết điểm khác nhau nên việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào quan điểm của bạn. Một số bạn đọc chọn máy bộ vì những lý do như hiệu năng và tính ổn định cao hơn so với máy tự ráp, chế độ bảo hành tốt hơn, tiết kiệm thời gian mua sắm hoặc do không có kinh nghiệm phần cứng. Những bạn đọc khác thích tự chọn thiết bị phần cứng và lắp ráp hoàn chỉnh cũng có những lý do riêng như hiệu năng và tính ổn định cao, thời gian bảo hành dài hơn trong khi chi phí thấp hơn so với máy bộ. Đáp ứng nhu cầu người dùng, một số thương hiệu nổi tiếng như Alienware, Falcon Northwest hoặc Hardcore Computer còn cho phép người dùng chủ động lựa chọn thiết bị phần cứng phù hợp với nhu cầu dựa trên cấu hình cơ bản và tất nhiên là chúng thường có giá “trên trời” (ID: A0902_110). Như vậy, để có được bộ máy tính tối ưu theo nhu cầu cá nhân với chi phí hợp lý thì việc chọn linh kiện phần cứng và tự ráp theo mục đích sử dụng sẽ là lựa chọn hàng đầu. Điều không thể có với máy bộ ráp sẵn là cảm giác tuyệt vời khi được “bóc tem” các thiết bị phần cứng mới toanh cùng việc tự quyết định kiểu dáng thùng máy như thế nào; phần mềm, tiện ích nào được cài đặt ra sao trên máy tính. Bên cạnh đó, việc lắp ráp cũng là dịp để bạn nâng cao kiến thức, kỹ năng phần cứng, cảm nhận và tự đánh giá sức mạnh của hệ thống, khả năng trình diễn của card đồ họa, v.v… đây chính là bộ máy “trong mơ” dành cho mỗi bạn đọc. Điểm cần lưu ý dù lựa chọn của bạn như thế nào đi nữa thì việc xác định mục đích sử dụng và chi phí mua sắm vẫn là 2 tiêu chí quan trọng để tránh việc “vung tay quá trán”; cấu hình quá mạnh (hoặc quá yếu) so với nhu cầu sử dụng.Một bộ máy “trong mơ” phải được tối ưu theo nhu cầu cá nhân mà không làm bạn “cháy túi”. Mạnh mẽ nhưng không ồn ào. Kiểu dáng nhỏ gọn tương xứng với không gian làm việc mà vẫn đáp ứng khả năng nâng cấp phần cứng. Thiết kế gọn đẹp, đủ sức đối đầu những game đỉnh hiện nay hoặc cho những yêu cầu chuyên biệt như thiết kế kiến trúc hoặc ứng dụng đồ họa. Với máy tính tự ráp, việc tự chọn linh kiện phần cứng và lắp ráp theo mục đích sử dụng sẽ đáp ứng được những yêu cầu trên. Bạn cũng đừng lo lắng về việc lắp ghép các thiết bị phần cứng thành bộ máy hoàn chỉnh. Theo kinh nghiệm của người viết thì việc lắp ghép thường khá dễ dàng vì thiết bị phần cứng thường được thiết kế dạng khối (module). Những gì bạn cần là vài dụng cụ thích hợp, 1 chút khéo léo, sự kiên nhẫn và đọc kỹ thông tin hướng dẫn bên dưới trước khi ráp chúng lại với nhau. Cũng không loại trừ những trục trặc, lỗi phần cứng gặp phải trong quá trình lắp ráp. Việc kiểm tra, xác định nguyên nhân gây lỗi khá khó khăn và mất nhiều thời gian ngay cả với những bạn đọc dày dạn kinh nghiệm. Mặt tích cực thì đây cũng là dịp để tích lũy kinh nghiệm về phần cứng, giúp bạn tự tin hơn trong việc chẩn đoán nhanh lỗi hệ thống mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. Để giảm thiểu những rắc rối, bạn nên chọn thiết bị phần cứng của những thương hiệu tên tuổi (thường có chất lượng tốt, hiệu suất cao, nhiều tùy chọn linh hoạt và tất nhiên giá cả cũng cao hơn những thương hiệu khác). CẤU HÌNH THAM KHẢO Để bạn đọc dễ dàng tham khảo, chúng tôi đề xuất 2 cấu hình tự ráp theo những tiêu chí khác nhau. Cấu hình 1 (chi phí khoảng 7,2 triệu đồng) theo tiêu chí “tiết kiệm mà hiệu quả”, đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc và giải trí nhẹ nhàng. Cấu hình 2 (chi phí khoảng 27 triệu đồng) theo tiêu chí công nghệ, hiệu năng và chi phí hợp lý, thích hợp nhu cầu giải trí cao cấp, thiết kế kiến trúc, ứng dụng đồ họa 3D hoặc biên tập video. Lưu ý - Chúng tôi chọn lựa những thiết bị phần cứng thông dụng, những thương hiệu có tên tuổi hoặc được nhiều người dùng tin cậy, có tham khảo thêm thông tin các sản phẩm, thương hiệu được giải Sản phẩm CNTT-TT Ưa Chuộng Nhất (BÌNH CHỌN - PC World VN). - Do giá linh kiện thường thay đổi nên thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Để có thông tin chính xác, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với nhà phân phối hoặc tại cửa hàng bán lẻ. Để phản ánh thực trạng về nhu cầu trang bị máy tính cá nhân từ nay đến cuối năm 2010, chúng tôi đã thực hiện cuộc khảo sát nhanh trên website PC World VN (thời gian từ 22/9/2010 đến 01/10/2010) với 6 lựa chọn là: Tự lắp ráp. Nhờ người quen lắp ráp. Đặt cửa hàng vi tính lắp ráp. Mua máy bộ thương hiệu nước ngoài. Mua máy bộ thương hiệu trong nước. Mua MTXT dùng thay máy tính để bàn (PC). Kết quả thăm dò cho thấy tự chọn thiết bị phần cứng và lắp ráp theo nhu cầu cá nhân vẫn là xu hướng được nhiều bạn đọc chọn nhất với 419 lượt (tỷ lệ 51,41%) trong tổng số 815 lượt bình chọn, kết quả cũng cho thấy sự “lên ngôi” của MTXT khi có đến 229 lượt bạn đọc (chiếm 28,1%) chọn giải pháp sử dụng MTXT thay cho máy tính để bàn. Điểm đáng lưu ý là máy bộ thương hiệu nước ngoài (thường có thời gian bảo hành ngắn, khả năng nâng cấp thiếu linh hoạt và giá cao hơn so với máy bộ thương hiệu trong nước nhưng vẫn được nhiều bạn đọc tin tưởng với 50 lượt bình chọn (chiếm 6,13% so với 2,94% của máy bộ thương hiệu trong nước). Bên cạnh đó, các giải pháp như nhờ người quen lắp ráp (4,05%), đặt cửa hàng vi tính lắp ráp (7,36%) có thể được xếp vào dạng dạng máy bộ (nhưng chưa “gắn” thương hiệu) cũng được nhiều bạn đọc trao “niềm tin” đã cho thấy máy bộ thương hiệu trong nước vẫn chưa đủ sức hấp dẫn bạn đọc. LỰA CHỌN CỦA BẠN Bạn là người hiểu rõ mục đích sử dụng và “túi tiền” của mình. Do đó, chính bạn phải tự lựa chọn, sự cân nhắc khi mua sắm. Thông tin bên dưới sẽ hỗ trợ bạn trong việc xây dựng bộ máy “trong mơ” theo mục đích sử dụng. Bo mạch chủ Bo mạch chủ (BMC) là nền tảng để xây dựng bộ máy tính của bạn, có tương quan trực tiếp với lựa chọn BXL, card đồ họa, RAM. Thị trường BMC luôn sôi động với sự tham gia của nhiều NSX, nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Tùy bạn “nghía” BXL nào thì sẽ chọn BMC hỗ trợ socket tương ứng. Với BXL AMD, thị trường BMC hiện vẫn tồn tại 2 dòng chipset cũ (7xx) và mới (8xx); trong đó dòng chipset 780G và 785G (tích hợp chip đồ họa) với giá khá rẻ (từ 1,1 – 1,5 triệu đồng), là lựa chọn thích hợp với BXL cấp thấp như Sempron, Athlon II. Thử nghiệm thực tế cho thấy đồ họa tích hợp của dòng chipset này đủ để bạn thưởng thức các bộ phim đạt chuẩn “Full HD” và đáp ứng được khá nhiều game không đòi hỏi cấu hình cao. Bạn cũng nên chọn BMC socket AM3 (không chọn AM2+ trừ khi có sẵn hoặc dùng BXL cũ) do đa số BXL AMD mới đều sử dụng socket này. Ngoài ra, BMC socket AM3 còn hỗ trợ DDR3 có hiệu năng cao hơn so với DDR2. Dòng chipset 8xx có hiệu năng cao hơn nhưng cũng đòi hỏi bạn phải chi thêm khá nhiều. Một trong những điểm nổi bật của BMC chipset 8xx là hỗ trợ chuẩn giao tiếp SATA3, góp phần cải thiện đáng kể hiệu suất hệ thống trong thời gian tới. BMC chipset 8xx thấp nhất là 880G (tích hợp chip đồ họa) có giá từ 1,4 - 2,2 triệu đồng, chipset 880GX, 890GX có giá từ 2,4 đến 3,5 triệu đồng và cao cấp nhất là chipset 890FX (giá từ 3,5 triệu đồng trở lên). BMC chipset 890FX hỗ trợ công nghệ ATI CrossFireX cho cấu hình đa card đồ họa và có khả năng ép xung linh hoạt. Tham khảo thông tin chi tiết, hiệu năng một số dòng BMC chipset 8xx được Test Lab thử nghiệm trong các bài viết A1004_36, A1005_38 (890GX); A1006_34 (880G); A1007_44 (890FX). BXL Intel chiếm thị phần lớn trên thị trường nên BMC hỗ trợ BXL Intel cũng rất đa dạng chủng loại với nhiều mức giá khác nhau. Bộ đôi BMC chipset G41, G43, G45 socket 775LGA (tích hợp đồ họa Intel GMA 4500) và BXL kiến trúc Core (Pentium Dual Core, Core 2 Duo) là lựa chọn thích hợp cho nhu cầu học tập, công việc văn phòng lẫn giải trí với phim chuẩn Full HD. Điểm cần lưu ý để chọn đúng RAM là BMC chipset G41, G43, G45 thường hỗ trợ DDR2 và 1 vài trường hợp “ngoại lệ” là hỗ trợ DDR3 (bus 1066MHz hoặc 1333MHz). Cho nhu cầu về đồ họa, bạn có thể chọn BMC chipset P43 hỗ trợ 1 card đồ họa rời, P45 hỗ trợ 2 card đồ họa rời, CrossFireX (giá từ 1,4 - 2 triệu đồng) cùng BXL Core 2 Quad, Core 2 Extreme. Mạnh mẽ nhất cho BXL socket 775LGA là chipset X48, tuy nhiên bạn nên đầu tư “khôn ngoan” vào nền tảng Nehalem với socket mới, chipset mới và bộ nhớ cũng mới sẽ hiệu quả hơn so với nền tảng Core. Cao cấp nhất là chipset X58 (giá trên 5 triệu đồng), các chipset thấp hơn là H57 và P55 khoảng 2,3 triệu và H55 khoảng 1,8 triệu đồng. Tham khảo thông tin chi tiết, hiệu năng một số BMC nền tảng Nehalem được Test Lab thử nghiệm trong các bài viết ID: A0901_44, A0905_35, A0908_40, A1008_34 (X58); A0910_34, A0911_42, A1002_35 (P55); A1002_36(H55). Bộ xử lý Phân khúc thị trường phổ thông và tầm trung thì BXL AMD là lựa chọn hiệu quả xét trên tỷ lệ hiệu năng và giá. Một điểm “cộng” nữa là các BMC hỗ trợ BXL AMD 7xx và 8xx đều tích hợp chip đồ họa khá mạnh, đủ sức đáp ứng hầu hết nhu cầu giải trí lẫn trình diễn phim ảnh chuẩn “Full HD”; BXL Athlon II X2 240 hai nhân (A0910_46) giá khoảng 1,1 triệu đồng là lựa chọn hợp lý trong trường hợp này. Với các ứng dụng đa luồng hoặc cần 1 bộ máy có khả năng xử lý đồ họa tốt, bạn có thể chọn Athlon II X4 635 (BXL bốn nhân, xung nhịp 2,9GHz) có mức giá khá “mềm” 2,1 triệu đồng, tính năng tương tự Athlon II X4 620 (A0911_40) nhưng xung nhịp cao hơn hoặc BXL Phenom II X4 955 (A0906_49) với giá khoảng 3,1 triệu đồng. Ở phân khúc cao cấp, bạn có thể chọn Phenom II X6 1090T (A1006_46), BXL 6 nhân đầu tiên cho máy tính để bàn của AMD này có giá khoảng 6.240.000 đồng. Thử nghiệm thực tế tại Test Lab cho thấy với các ứng dụng hỗ trợ tốt khả năng xử lý đa luồng như render đồ họa 3D thì Phenom II X6 1090T thể hiện tốt hơn do có đến 6 nhân thật trong khi Core i7-870 có phần nhỉnh hơn trong những ứng dụng đơn luồng. Dù muốn dù không thì BXL Intel vẫn là lựa chọn của đa số người dùng; từ học tập, công việc văn phòng, giải trí cho đến những nhu cầu cao cấp. Pentium Dual Core E5400 (socket 775LGA), giá khoảng 1,3 triệu đồng là lựa chọn thích hợp cho công việc văn phòng, giải trí đơn giản. Ngoài ra, “tân binh” Pentium G6950 (giá khoảng 2 triệu đồng) hoặc Core i3-530 (khoảng 2,3 triệu đồng) là lựa chọn “hợp thời” do BXL này sử dụng socket 1156LGA; thiết kế tương thích với BMC chipset Intel H55, H57 và Q57 đồng thời có sẵn 1 nhân đồ họa tích hợp khá mạnh. Kinh nghiệm cho thấy bạn nên bỏ qua các BXL “lỗi thời” Core 2 Duo E7xxx vốn không được đánh giá cao về hiệu năng/giá thành. Thay vào đó, bạn nên chọn các BXL 4 nhân như Intel Core 2 Quad Q8300 (socket 775LGA) giá khoảng 3 triệu đồng hoặc cao hơn là Core i5-760 (socket 1156LGA) giá khoảng 4,2 triệu đồng nếu cần chạy các ứng dụng đa luồng. Với nhu cầu cao cấp, các BXL Core i7-8xx (socket 1156LGA) và Core i7-9xx (socket 1366LGA) giá khoảng từ 6,2 triệu đồng thích hợp cho các bộ máy chuyên về đồ họa hay chơi game hàng “khủng”. Cũng cần lưu ý là Core i7-9xx được xếp vào phân khúc cao hơn Core i7-8xx, điều này chỉ đúng khi cùng xung nhịp hoặc không chênh lệch quá nhiều; cụ thể Core i7-870 có hiệu năng nhỉnh hơn Core i7-920 do xung nhịp cao hơn (A0910_42). Bộ đôi Core i7-9xx cùng BMC chipset X58 là lựa chọn tối ưu cho 1 hệ thống xử lý đồ họa chuyên dụng, chơi game hàng “đỉnh”. Chip điều khiển bộ nhớ bên trong các BXL Core i7-9xx hỗ trợ bộ nhớ 3 kênh (triple channel) cùng kiến trúc liên tuyến (QPI) thay cho tuyến truyền thống (FSB) mang lại băng thông nhanh hơn, lớn hơn cho việc truyền thông giữa BMC, các thành phần hệ thống. Băng thông card đồ họa cũng được mở rộng đến 32 tuyến kết nối PCI Express 2.0, cho phép gắn 2 card 16x hoặc 4 card 8x trong khi hệ thống i7-8xx (cùng BMC chipset P55) chỉ có thể gắn được 1 card 16x hoặc 2 card 8x. Bên cạnh đó, Intel cũng đã giới thiệu BXL 6 nhân đầu tiên cho máy tính để bàn Core i7-980X, giá khoảng 22 triệu đồng. Đây cũng là BXL mạnh nhất Test Lab từng thử nghiệm (ID: A1004_34). Bạn đọc tham khảo thêm thông tin về các BXL Core i trong bài “Tổng quan Core i, ID: A1007_98”. Card đồ họa Có thể nói năm 2010 là khởi đầu của “kỷ nguyên” DirectX 11 (ID:0910_112) khi cả NVIDIA lẫn ATI liên tục đưa ra các chip đồ họa hỗ trợ DirectX 11, hứa hẹn đem lại luồng gió mới cho cho thế giới đồ họa và giải trí. Bên cạnh đó, dồ họa tích hợp cũng có sự “tăng tốc” mạnh mẽ khi Intel tích hợp nhân đồ họa trong BXL Nehalem Core i3, Core i5. AMD vẫn giữ nguyên thiết kế truyền thống với chip đồ họa tích hợp trên BMC nhưng sức mạnh đồ họa có sự cải thiện đáng kể, đủ sức đáp ứng hầu hết nhu cầu giải trí lẫn trình diễn phim ảnh chuẩn “Full HD”. Lựa chọn cao cấp Nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn là những gì các nhà sản xuất card muốn đạt đến khi một dòng card đồ họa mới ra đời. Trong khoảng cuối năm 2009, ATI tiên phong giới thiệu nền tảng DirectX 11 qua dòng chip đồ họa Radeon HD 5000 với các đại diện tiêu biểu như Radeon HD 5970, 5870, 5850 (giá khoảng từ 6,5 đến 14 triệu đồng, phiên bản 1GB). Những thử nghiệm tại Test Lab cho thấy các card đồ họa trên đạt từ 8.900 đến 9.100 điểm 3DMark 06 (D: A1006_28, A0912_52). Kết quả này cho thấy Radeon HD 5970, 5870, 5850 sẵn sàng đương đầu với những đòi hỏi khắt khe của các chuyên gia xử lý đồ họa chuyên nghiệp hay những game thủ chuyên nghiệp. Chậm hơn 1 chút nhưng NVIDIA cũng có sự “đáp trả” bằng dòng card GeForce 400 (kiến trúc Fermi) với những đặc điểm như hỗ trợ đầy đủ DirectX 11, khả năng xử lý răng cưa đạt 32X và độ phân giải hỗ trợ lên đến 7680x1600 cho nhu cầu sử dụng cùng lúc nhiều màn hình. Hai đại diện cao cấp này của dòng GeForce 400 là GTX 480, 470 (giá khoảng từ 7 đến 14 triệu đồng, phiên bản 1GB). Điểm số 3DMark 06 đạt được vào khoảng 8.700 - 8.800 (độ phân giải 1600x1200) cùng các tính năng đồ họa cao cấp, card đồ họa sử dụng 2 GPU này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu xử lý đồ họa chuyên nghiệp, dựng (render) hình ảnh hay chơi game khủng. Vấn đề mà các card đồ họa cao cấp nền tảng Fermi gặp phải là nhiệt độ card lúc hoạt động quá cao và “ngốn” điện năng. Ngoài dòng card đồ họa mới hỗ trợ DirectX 11, bạn có thể chọn các card đồ họa cũ hơn 1 chút như ATI Radeon HD 4890, 4870, 4850 hay NVIDIA GeForece 295, 285, 280, 260, tuy chỉ hỗ trợ DirectX 10 nhưng bạn sẽ tiết kiệm khá nhiều chi phí đầu tư cho các phần cứng khác. Lựa chọn tầm trung Lựa chọn tầm trung sẽ nhẹ nhàng hơn với mức giá “dễ thở” (từ 3 đến 6 triệu đồng, phiên bản 1GB); vẫn hỗ trợ DirectX 11 lại có hiệu năng khá mà không phải bỏ ra một số tiền quá lớn. Ở phân khúc này, thị trường dường như “rôm rả” hơn với nhiều lựa chọn như ATI Radeon HD 5830, 5770, 5750 (ID:A1004_41), NVIDIA GeForce 465, 460 (ID:A1008_54). Thử nghiệm tại Test Lab cho thấy dòng card tầm trung đạt từ 8.500 đến 8.700 điểm 3DMark 06 (độ phân giải 1600x1200), vẫn được trang bị đầy đủ các tính năng của dòng card đồ họa mới, khả năng xử lý đồ họa không quá nặng, chơi game khủng ở độ phân giải vừa phải. Tin vui là các card đồ họa Fermi tầm trung như GeForce 465, 460 đã giải quyết được vấn đề nhiệt độ và ngốn điện của lớp đàn anh bên trên. Ngoài các lựa chọn hợp “mốt” này, người dùng cũng có thể tham khảo những lựa chọn của năm trước như ATI Radeon HD 4770, 4670, hay NVIDIA GeForce 250, 240. Lựa chọn phổ thông Hỗ trợ DirectX 11 và có giá trong khoảng 1 - 3 triệu đồng, các card đồ họa ATI Radeon HD 5670, 5550, 5450 (ID: A1009_30) hay NVIDIA GeForce GTS 450 là lựa chọn thích hợp cho nhu học tập, công việc văn phòng hoặc giải trí nhẹ nhàng, chơi game hoặc lướt web. Thử nghiệm thực tế tại Test Lab cho thấy dòng card phổ thông này đạt từ 3.900 đến 8.500 điểm 3DMark 06 (độ phân giải 1024x768). Ưu điểm của dòng card phổ thông là không yêu cầu cấp nguồn bổ sung, tiêu thụ điện năng thấp cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm. Ngoài các lựa chọn trên, bạn đọc cũng có thể tham khảo 1 số sản phẩm cũ hơn như ATI Radeon HD 4550, 4350 hay NVIDIA GeForce 220, 210, tuy “đề mốt” nhưng vẫn là lựa chọn tốt. Thứ tự sức mạnh giảm dần của các dòng GPU ATI Radeon HD 5000, Radeon HD 4000 và NVIDIA Geforce 400, Geforce 200 ATI Radeon HD 5000: 5970> 5870> 5850> 5830> 5770> 5750> 5670> 5570> 5550> 5450 ATI Radeon HD 4000: 4870X2> 4890> 4870> 4850> 4830> 4770> 4670> 4650> 4550> 4350 NVIDIA GeForce 400: GTX 480> 470> 465> 460> 450 NVIDIA GeForce 200: GTX 295> 285> 280> 275> 260> GTS250> GTS240> GT220 Trong tên gọi card đồ họa NVIDIA thường có các ký tự đi kèm như GS, GT, GTS... Đây là các tiền tố để phân cấp sức mạnh các GPU trong cùng dòng, trong đó GTX+ > GTX > GTS > GSO > GT.Bộ nhớ (RAM) Hiện tại giá DDR3 và DDR2 chênh lệch không nhiều nhưng hiệu năng DDR3 cao hơn. Do đó nếu tậu một bộ máy mới thì DDR3 là lựa chọn “hợp thời” và cũng dễ cho nhu cầu nâng cấp về sau. Đáp ứng đa dạng nhu cầu mỗi người, mỗi NSX đều đưa ra thị trường nhiều dòng RAM khác nhau tha hồ bạn đọc lựa chọn. Để chọn loại RAM phù hợp, bạn cần kiểm tra khả năng hỗ trợ của BMC, chẳng hạn với BMC hỗ trợ BXL AMD Phenom II hoặc Intel Core i5 trở lên hoạt động tốt với DDR3 bus 1600MHz (giá khoảng 1,1 – 1,2 triệu đồng). Hiện thanh DDR3 1GB, bus 1333MHz giá khoảng 470.000 - 530.000 đồng và 2GB khoảng 840.000 - 1 triệu đồng. Với nhu cầu phổ thông, bạn nên chọn các dòng RAM phổ thông (value - điểm dễ nhận thấy nhất là thường không có các tấm tản nhiệt ở hai bên mặt RAM). Kế đến, bạn cần cân nhắc dung lượng RAM tùy HĐH và các phần mềm thường sử dụng; chẳng hạn với Windows 7, bạn nên trang bị cho hệ thống từ 2GB RAM trở lên để đáp ứng nhu cầu khi chạy nhiều ứng dụng cùng lúc hơn. Với người dùng cần hiệu năng cao cũng như đảm bảo tính ổn định khi hệ thống hoạt động liên tục trong thời gian dài thì các hãng cũng có sẵn những bộ kit 2 thanh (Dual Channel) và 3 thanh (Triple Channel), xung nhịp từ 1600MHz trở lên. Đây là những cặp RAM được tối ưu cho một hệ thống mạnh mẽ hiệu năng cao và ổn định lâu dài. Bạn có thể tham khảo một số bộ RAM từng được thử nghiệm tại Test Lab như Kingston KHX1600C8D3K4/8GX (ID: A1001_48); Kingston KHX1866C9D3LK2/4GX và Elixir M2Y2G64CB8HA9N-DG (ID: A1007_71), Kingmax Triple-Channel DDR3-2000 2GB (ID: A1008_88), … (www.pcworld.com.vn/ID). Ghi chú. Những thương hiệu nổi tiếng như Adata, Apacer, Corsair, Crucial, Kingmax, Kingston, v.v... thường có giá mắc hơn những nhãn hiệu khác. Đừng tiết kiệm khi lựa chọn RAM vì nếu RAM chất lượng kém hoặc bị lỗi sẽ gây nhiều phiền toái cho bạn. Thùng máy Đóng vai trò “bộ giáp” bảo vệ thiết bị phần cứng bên trong, có ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị và sự ổn định của cả hệ thống khi hoạt động. Một thùng máy tốt ngoài kiểu dáng hấp dẫn người dùng, thiết kế đủ “kín” để giảm thiểu tiếng ồn đồng thời vẫn phải “mở” để đảm bảo khả năng tản nhiệt, hạn chế sự gia tăng nhiệt độ bên trong thùng máy. So với những năm trước thì bạn đọc có nhiều lựa chọn hơn với các thương hiệu nổi tiếng như Cooler Master, Thermaltake, Lian-Li và cả sự có mặt của Huntkey thiết kế theo tiêu chí hài hòa giữa tính năng và nhu cầu sử dụng. Điểm chung của các thùng máy mang thương hiệu nổi tiếng là được làm từ những chất liệu tốt, thiết kế có độ chính xác, khả năng tương thích cao, kết cấu chắc chắn, chịu lực tốt và khả năng hấp thu tiếng ồn khi hoạt động. Các thùng máy này thường có giá khá cao trong khi lợi ích trực tiếp đem lại không dễ nhận thấy. Bộ nguồn Chọn bộ nguồn (BN) nào phù hợp máy tính cá nhân là một việc rất quan trọng. Đừng tiếc tiền khi đầu tư cho bộ nguồn vì chúng có thể bảo vệ linh kiện máy tính khỏi “thảm họa” khi xảy ra sự cố về điện. Đây thực sự là lựa chọn khó khăn vì việc chọn lựa chỉ dựa vào những thông tin công bố và tên tuổi của nhà sản xuất chứ không thể kiểm tra công suất, chất lượng BN nếu không có thiết bị chuyên dụng. Trước khi chọn mua, bạn phải tính tổng công suất cần đáp ứng của hệ thống; có thể dựa vào thông số kỹ thuật của phần cứng hoặc sử dụng tiện ích như extreme.outervision.com/psucalculatorlite.jsp, thermaltake.outervision.com/index.jsp, antec.outervision.com. Ngoài yếu tố công suất thì một số đặc tính kỹ thuật của BN để “phân tài cao thấp”, chẳng hạn mạch Active PFC (Active Power Factor Correction) có khả năng tự điều chỉnh hệ số công suất theo yêu cầu hệ thống. Cơ chế tự điều chỉnh điện áp đầu vào (autovolt) mở rộng dải điện áp hoạt động, mạch ổn áp VRM để giảm điện thế đường +12V xuống +5V và +3,3V, bộ lọc nhiễu EMI cùng các chế độ bảo vệ chống quá áp (OVP), quá tải (OLP), quá công suất (OPP) hoặc bảo vệ đoản mạch (SCP), bảo vệ thấp áp (UVP), v..v.. sẽ đem lại hiệu suất cao hơn, duy trì sự ổn định của dòng điện và tăng tuổi thọ thiết bị phần cứng Bảng liệt kê một số thùng máy tham khảo: Desktop (thùng máy nằm): Huntkey Slim H921 (ID: A0908_67). Mid-tower (thùng máy đứng cỡ trung): Huntkey H403, Thermaltake V3 Black Edition (A1001_51). Cooler Master Centurion 5 II, Thermaltake Element T (ID: A1004_62). Cooler Master HAF 922 (A0906_62), Storm Sniper (A0909_70). Full tower (thùng máy đứng cỡ lớn): Thermaltake Xaser VI (A0910_64). Spedo, Amor (ID: A0911_62) Bảng liệt kê một số bộ nguồn tham khảo: Huntkey Balance King 4000, 4500, Thermaltake Litepower 350W, Litepower 450W, Litepower 500W (A0910_68), EVO_Blue 550W, EVO_Blue 650W, EVO_Blue 750W (A1005_76). 80Plus Standard: Cooler Master GX 550W, 650W, 750W (A1004_60). Thermaltake Toughpower 600W, Toughpower 650W (A0911_50). 80Plus Bronze: Toughpower 700W, Toughpower XT 750W, FSP Everest 85Plus 800W (A1001_62). 80Plus Silver: Huntkey X7 900 (A0911_50), SilverStone Strider Plus 1000W (A1005_76) 80Plus Gold: Cooler Master Silent Pro Gold 800W, 1.200W (A1007_75). ACBEL R9 900W, 1100W (A1001_62). LẮP RÁPNhư đã đề cập bên trên, việc lắp ráp không đòi hỏi những kỹ năng hoặc thiết bị đặc biệt. Các thiết bị phần cứng được thiết kế theo dạng khối; tương tự trò chơi Lego nổi tiếng, bạn chỉ việc tìm và gắn chúng vào vị trí cần thiết trong thùng máy (hoặc trên bo mạch chủ) trước khi cố định chúng bằng chốt gài hoặc ốc, vít. Ngoài những thông tin bên dưới, bạn có thể tham khảo hướng dẫn bằng hình ảnh trong tài liệu đi kèm bo mạch chủ (BMC) hoặc qua video tại find.pcworld.com/70497. 1. Thùng máy: Tháo 2 nắp hông, lấy phụ kiện đi kèm ra khỏi thùng máy. Tháo mặt nạ bảo vệ các ngõ giao tiếp (I/O shield) ở mặt sau thùng máy và thay bằng mặt nạ đi kèm BMC. Kế tiếp, gán các đế đỡ vào các vị trí tương ứng của BMC; hãy "ướm" thử BMC để xác định vị trí chính xác. 2. Bo mạch chủ: Đặt BMC vào thùng máy, điều chỉnh để các ngõ giao tiếp của BMC khớp vị trí với mặt nạ, các vị trí gắn vít của BMC khớp với đế đỡ và gắn chặt bằng ốc vít. 3. Bộ xử lý: Tháo nắp nhựa bảo vệ đế cắm BXL trên BMC, mở chốt giữ phiến đậy BXL bằng cách nhấn xuống, gạt ra khỏi đế cắm BXL và kéo lên trước khi mở phiến đậy BXL. Kế tiếp, gỡ miếng nhựa bảo vệ BXL, đặt nhẹ vào đế cắm sao cho chân 1 của BXL đúng vị trí với chân 1 của đế cắm, đóng phiến và gài chốt giữ chặt BXL. 4. Tản nhiệt BXL: Đặt quạt tản nhiệt bên trên BXL, điều chỉnh 4 chốt khớp với 4 lỗ xung quanh BXL trên BMC. Để giữ cố định quạt tản nhiệt, nhấn mạnh các chốt giữ từ trên xuống đến khi nghe tiếng "tách". Hãy kiểm tra lại để chắc chắn các chốt giữ đã được gắn chặt bằng cách thử kéo các chốt cố định lên. Gắn cáp nguồn cho quạt vào đầu nối thích hợp trên BMC. 5. Bộ nhớ (RAM): Đẩy chốt gài ở hai đầu khe cắm ra, đặt thanh RAM sao cho vị trí rãnh của thanh RAM ứng với khe cắm và ấn chặt xuống cho đến khi nghe tiếng "tách" hoặc chốt gài ở hai đầu khe cắm "bập" vào vị trí cũ. 6. Card đồ họa: Bỏ qua bước này nếu hệ thống sử dụng đồ họa tích hợp. Với card đồ họa rời, ấn chặt card vào khe PCI Express x16, bảo đảm các chân giao tiếp của card nằm hoàn toàn trong khe cắm trên BMC, sử dụng vít hoặc chốt gài để giữ card chặt vào thùng máy. 7. Ổ cứng: Bên trong thùng máy, kéo chốt gài khe gắn ổ cứng 3,5” về phía trước (theo hướng mũi tên). Đẩy ổ cứng vào khe và gài chốt theo hướng ngược lại; có thể sử dụng ốc vít để giữ chặt ổ đĩa nếu cần thiết nhưng đừng cố xiết vít quá chặt. 8. Ổ quang: Tương tự việc gắn ổ cứng 3,5”, mở chốt gài khe gắn ổ đĩa 5,25”, đẩy ổ quang vào đúng vị trí, khóa lại hoặc dùng ốc vít để giữ chặt nếu bạn thấy cần thiết. 9. Bộ nguồn: Đặt bộ nguồn vào vị trí tương ứng của thùng máy và giữ chặt bằng ốc vít. Tương tự, cáp cấp nguồn cho các thiết bị phần cứng sẽ được gắn sau để tránh vướng víu. 10. Gắn cáp: Mặt trước thùng máy thường có các nút như công tắc nguồn (power), khởi động lại (reset) và các đèn hiển thị trạng thái hệ thống. Tham khảo tài liệu BMC để gắn các sợi cáp tương ứng của thùng máy vào vị trí thích hợp trên BMC. Kế tiếp, gắn cáp mở rộng các ngõ giao tiếp USB, IEEE 1394, ngõ cắm micro, audio của thùng máy với BMC và sử dụng cáp SATA kết nối ổ cứng, ổ quang với cổng SATA trên BMC. 11. Cấp nguồn: Thông thường, các thiết bị phần cứng gắn vào BMC sẽ lấy nguồn qua BMC (trừ card đồ họa có thể cần nguồn bổ sung). Các thiết bị gắn trong thùng máy sẽ lấy nguồn trực tiếp từ bộ nguồn (PSU). Gắn tuyến cáp cấp nguồn chính (24 chân) và nguồn thứ cấp (8 chân) vào BMC. Ổ cứng, ổ quang cần cấp nguồn SATA (15 chân) trong khi các quạt tản nhiệt của thùng máy cần nguồn Molex (4 chân). Trước khi kết thúc quá trình lắp ráp máy tính, hãy kiểm tra lại để đảm bảo cáp nguồn, cáp dữ liệu đã gắn kết đầy đủ. Dùng các dây rút để buộc cáp nguồn gọn gàng, tạo sự thông thoáng bên trong thùng máy. 12 Chạy thử: Sau khi hoàn tất việc lắp ráp, cấp nguồn cho hệ thống và màn hình. Nhấn nút Power ở mặt trước thùng máy để khởi động hệ thống, tối ưu các thiết lập, thông số trong BIOS trước khi cài đặt HĐH. Hãy chắc chắn mọi thứ hoạt động tốt trước khi đóng nắp thùng máy. (pcworld)