Ứng dụng phần mềm mã nguồn mở tại Việt Nam chưa thể phổ biến vì nhiều lí do: thiếu quyết tâm, khó bỏ thói quen cũ, nhân lực thiếu và yếu, không có thị trường…Hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm mã nguồn mở” do Bộ TTTT phối hợp cùng Sở TTTT TP. HCM tổ chức tại TP. HCM vào ngày 22/9/2011, cho thấy tình hình ứng dụng phần mềm mã nguồn mở (PMNM) ở Việt Nam vẫn chỉ là kì vọng, vì thực tế có quá nhiều khó khăn và đặt ra lắm thách thức không dễ gì vượt qua. Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP. HCM, nhấn mạnh, phần mềm quan trọng là phải dễ sử dụng, đáp ứng tốt cho công việc của người dùng bất kể là “đóng” hay “mở”. Từ thực tiễn quản lí nhiều năm giữ vai trò Giám đốc Sở TTTT TP. HCM, ông Hà khẳng định: Việc triển khai ứng dụng phần mềm nói chung rất khó, phần mềm nguồn đóng đã là cực kì khó, và PMNM sẽ khó hơn rất nhiều. Những khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng PMNM trong khối các cơ quan nhà nước được TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng, Vụ CNTT, Bộ TTTT cụ thể hóa: Lãnh đạo thiếu quyết tâm nên thiếu kinh phí triển khai, không giám sát chặt chẽ vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm, thiếu các quy định và chế tài sử dụng PMNM; người dùng khó bỏ thói quen sử dụng phần mềm “lậu”; khâu đào tạo chỉ chú trọng vào PM nguồn đóng dẫn đến nhân lực chuyên sâu về PMNM thiếu và yếu. Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc công ty iNet Solutions, phát biểu dưới góc độ của doanh nghiệp cho rằng Việt Nam chưa có thị trường cho ứng dụng PMNM phát triển. Theo ông Hiền thì DN phải thấy thị trường mới nhảy vào tham gia. DN không mặn mà, thị trường sao có thể định hình và phát triển? Bài toán “con gà và quả trứng” nảy sinh từ đây. Về phía người dùng, phát biểu của một cán bộ phường tại hội thảo lại cho thấy một thực tế các đơn vị dù có muốn ứng dụng PMNM cũng khó thực hiện vì thiếu sự hỗ trợ kĩ thuật. Vị này thẳng thắn cho biết sau khi tham gia khóa tập huấn về PMNM, về địa phương không biết làm gì, muốn hỏi không có địa chỉ, ai hay trung tâm nào hỗ trợ, phải chăng là Sở TTTT, ông bày tỏ băn khoăn. Các diễn giả không khó để trả lời các câu hỏi được đặt ra tại hội thảo, nhưng điều khiến người dùng băn khoăn là trong quá trình sử dụng PMNM, nếu có thắc mắc thì không biết hỏi ai. “Chưa có sự đồng bộ giữa việc cài đặt, đào tạo và sử dụng PMNM”, ông Tuyên nhấn mạnh khi đề cập đến tình hình sử dụng Ubuntu, OpenOffice thay cho Windows, MS Office tại các địa phương. Ông còn chỉ ra rằng tài liệu về PMNM còn thiếu, chưa được thẩm định, độ tin cậy thấp. Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng CNTT, Sở TTTT Đà Nẵng ví von: “Nói đến nguồn mở là nói đến kì vọng”. Ý ông là chỉ những ai “nhảy” vào lĩnh vực này mới thấy hết cái “xương” của nó. Đồng quan điểm với ông Thanh, một chuyên gia đã bình luận “ứng dụng PMNM như đường hầm không thấy lối ra”. Theo ông này thì chính sách nhà nước về ứng dụng PMNM không mạnh được là vì các nhà quản lí quá hiểu điều đó. “Diễn giả cứ nói, cử tọa cứ nghe, nhưng thực tế… khó”, vị này kết luận. Đồng cảm với ông Hiền, ông Thanh chỉ ra một thực tế bất cập là nhiều người hiểu sai khi nghĩ rằng đã “mở” là miễn phí. Trong khi bản chất của doanh nghiệp là lợi nhuận. Nếu người dùng chỉ nghĩ tới miễn phí thì DN cung cấp sống bằng cái gì, ông Thanh nói. Người viết từng biết cách đây nhiều năm đã có công ty tính chuyện kinh doanh mảng PMNM nhắm vào các DN. Ý tưởng của công ty là đóng gói (thành các đĩa CD) và cung cấp trọn bộ từ hệ điều hành cho đến ứng dụng văn phòng và các tiện ích đi kèm, tất cả đều là PMNM. Nguồn thu chính nhắm từ việc cung cấp dịch vụ triển khai và hỗ trợ kĩ thuật. Nhưng cuối cùng, chỉ sau một thời gian ngắn, DN phải bỏ mảng kinh doanh này vì tâm lí “miễn phí” của khách hàng đối với PMNM, một vị giám đốc của công ty cho biết, và nói thêm, bán phần mềm thương mại nguồn đóng vừa khỏe lại có thể tăng thêm nguồn thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai ứng dụng PMNM. Ông Thanh kể, có những dự án liên quan đến ứng dụng chuyên ngành, sau khi tìm hiểu thấy giải pháp PMNM rất phù hợp nhưng ngặt nỗi trong nước không có nhà cung cấp dịch vụ. Bản chào giá của công ty nước ngoài tính theo tiền dịch vụ của nước họ nên áp dụng vào Việt Nam không phù hợp vì quá cao. Thế là lại trở về với “đóng”. Phát biểu của vị cán bộ cấp phường ở trên cũng phản ánh một thực tế là cộng đồng nguồn mở ở Việt Nam còn quá nhỏ nên người dùng chưa biết đến, cũng chưa đủ mạnh để hỗ trợ tạo niềm tin nơi người dùng. Trong khi đây là yếu tố hết sức quan trọng để PMNM phát triển sâu rộng hơn. Rất đông đại biểu tham dự hội thảo. Phần lớn họ đều là những người có trách nhiệm thúc đẩy triển khai ứng dụng PMNM ở đơn vị mình. Họ muốn thấy những điển hình triển khai thành công thực sự ứng dụng PMNM để học hỏi kinh nghiệm. Một điều có thể thấy rõ từ hội thảo là vấn đề tuyên truyền chưa được chú trọng. Như hội thảo được tổ chức cũng chỉ là để trao đổi (thực ra cũng chỉ diễn xuôi theo phần “trao” là chính, và thời gian thì quá ngắn) trong giới CNTT với nhau, hầu như PMNM chưa “chạm” được tới cộng đồng người dùng máy tính rộng lớn. Ngày hội tự do phần mềm nguồn mở (Software Freedom Day – SFD), một sự kiện thường niên được cộng đồng nguồn mở trên toàn thế giới tổ chức để tôn vinh Phần mềm tự do và Mã nguồn mở (FOSS) khi diễn ra tại Việt Nam (thường được tổ chức một điểm ở Hà Nội và một điểm ở TP. HCM) hàng năm cũng chỉ thu hút được vài trăm người, chủ yếu là sinh viên, tham dự… cho vui. Cũng có thuyết trình, cũng có gặp mặt trao đổi kinh nghiệm, nhưng cũng chỉ loanh quanh trong phạm vi hẹp của vài nhóm nhỏ với nhau. Nhìn chung lại, về ứng dụng PMNM, chính sách nhà nước yếu, thị trường không có, DN thiếu mặn mà, người dùng thờ ơ, cộng đồng không phát triển… trong khi người dùng DN cũng như cá nhân vẫn phải cần ứng dụng phục vụ những công việc hàng ngày của họ. Điều đó dẫn đến việc ứng dụng PMNM ở Việt Nam vẫn chỉ là kì vọng. Theo PCWorld VN