Tại một cửa hàng trong khu chợ điện tử ở Thâm Quyến (Trung Quốc), một người bán hàng nhanh nhẹn lấy ra cho khách mấy chiếc BlackBerry mới cứng, đủ các đời. Phía sau lưng anh là những giỏ nhựa chất đống các loại linh kiện. Linh kiện bán theo cân Theo một người bạn Trung Quốc quen qua mạng, tôi tới một khu nhà cao tầng, nằm hơi khuất khỏi các khu bán hàng điện tử tại trung tâm của Thâm Quyến. Khu nhà này có cả trăm gian hàng nhỏ san sát. Trong một gian hàng đề biển "Hắc Môi" (nghĩa là "BlackBerry"), sau dãy tủ bày điện thoại bóng bảy là các loại linh kiện cho điện thoại như main (bo mạch chủ), màn hình LCD, bàn phím, vỏ máy… chất từng giỏ lớn. Tôi đưa máy ảnh lên chụp thì một người bán hàng liền giơ tay ra hiệu ngăn lại. Người bạn Trung Quốc bảo, khu chợ này quy định cấm chụp ảnh, kể cả bằng camera phone. Khách mua có thể thoải mái thử chức năng chụp ảnh của máy điện thoại, nhưng sau đó dù có mua, chủ cửa hàng cũng lập tức xóa ảnh khỏi thẻ nhớ. BlackBerry 7290 "dựng" bày bán trong một cửa hàng ở Thâm Quyến.Bạn bảo, số main chất trong các giỏ đều bị đục lỗ, là hàng bị thải loại từ Mỹ và một số nước khác, được mua về với giá tính theo cân. Loại hàng này sau đó sẽ được thợ làm sạch rồi kiểm tra, phân loại theo chất lượng. “350.000 đồng một màn hình, 250.000 đồng một chip nhớ (flash), mua nhiều sẽ giảm giá”, người bán hàng báo giá tiền Việt. Loại linh kiện để lắp ráp BlackBerry phổ biến thuộc dòng 8300 và 8800, bởi nó được các chủ hàng điện thoại di động từ Việt Nam sang rất ưa chuộng. Tại một cửa hàng khác, một chiếc BlackBerry 8320 dựng hoàn chỉnh, chạy thử ngon lành, có giá bán lẻ chỉ nhỉnh hơn 2 triệu đồng một chút. Về đến các cửa hàng ở Hà Nội, loại này được bán với giá trên 3 triệu đồng một máy. Nếu là hàng tốt, vỏ đẹp, đi kèm với đầy đủ phụ kiện (gồm hộp, sạc, sách hướng dẫn, bao da) và thêm thao tác khóa máy bằng mã (code) giống như các máy xách tay từ Mỹ hoặc châu Âu, giá có thể lên tới trên dưới 5 triệu đồng. Trong khi đó, BlackBerry 8320 mua từ các nhà phân phối lớn trên thế giới như AT& T, Cingular (Mỹ) hay Roger (Canada) được rao trên mạng với giá không dưới 7 triệu đồng. Còn một chiếc BlackBerry 8320 chính hãng của RIM do Viettel phân phối có giá lên tới 12,9 triệu đồng. Công nghệ “tái chế” Công nghệ biến điện thoại cũ thành mới phát triển rất nhanh không kém công nghệ chế tạo ra nó. Qua rồi thời kỳ BlackBerry hàng dựng có phím xộc xệch, vỏ máy được sơn rất "dại”, logo mạng cung cấp trong máy một đằng, in trên vỏ một kiểu, thậm chí không có cả logo. Giờ nếu nhìn bề ngoài, không thể phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả. Thay vì phải xử lý từng bộ nhớ, thợ máy giờ chỉ việc “nhân bản vô tính” bằng cách dùng một thiết bị điện tử chép data (dữ liệu) từ flash này qua flash khác, rồi đóng vào một main còn tốt. Cách làm hàng dựng này vừa nhanh, vừa không đụng chạm tới chất lượng phần cứng của máy. Chính vì làm từ linh kiện cũ, lỗi, cộng thêm việc không tốn tiền nghiên cứu sản xuất và tiếp thị, giá một chiếc BlackBerry hàng dựng quá rẻ là điều dễ hiểu. Song loại máy "nhân bản vô tính" này có chung số IMEI và mã PIN, nên nhiều khách hàng dễ dàng nhận ra vì không thể sử dụng các phần mềm điện thoại có bản quyền. Để đánh gục sự hồ nghi của những khách hàng muốn dùng "sản phẩm chính hãng" với giá... hàng dựng, các ông thợ ở Thâm Quyến đã giúp các chủ bán máy ở Việt Nam chiêu "tự nhập code (chuỗi mã số) để mở máy". Loại BlackBerry "tự nhập code" này được tin là sản phẩm chính hãng, bởi chỉ có ở các hãng dịch vụ mobile lớn trên thế giới phân phối nó. Với máy hàng dựng, một chuỗi mã số đã được nhúng sẵn vào chip nhớ. Điểm khác biệt là ở chỗ code này dùng để mở máy, chứ không phải mở mạng như của các nhà cung cấp dịch vụ nêu trên. Cuối cùng, để hoàn tất một chiếc BlackBerry hàng dựng, dân buôn từ Việt Nam sang chỉ cần ra chợ mua một ít tem bảo hành giả. Có đủ loại tem FPT, Viettel giả được in sẵn lên những tờ giấy có khổ A4. Chưa hết, các hàng bán BlackBerry dựng ở Thâm Quyến, dù nhỏ, cũng kiêm luôn dịch vụ bảo hành, tất nhiên chỉ cho người mua số lượng lớn. Máy có vấn đề, chỉ cần chủ hàng gửi lại là được thay ngay máy khác. Phần lớn BlackBerry dựng ở Việt Nam người bán bảo hành 1 - 3 tháng. Nhưng sau thời gian này mà máy bắt đầu trục trặc thì người dùng... ráng chịu. Mai Thắng(Đất Việt)