►VGA◄ MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/OC - Huyền thoại trở lại: lợi hại hay ăn hại?

Thảo luận trong 'Reviews Zone' bắt đầu bởi MaiHoangSp, 21/2/11.

  1. MaiHoangSp

    MaiHoangSp Member

    Bài viết:
    255
    ►VGA◄ MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/OC
    Huyền thoại trở lại: lợi hại hay ăn hại?

    Mục lục


    1. Giới thiệu, mục lục.
    2. Cấu hình hệ thống, phần mềm, thông số sản phẩm.
    3. Hình ảnh VGA MSI N460GTX Hawk TA/ N470GTX-M2D12/ N570GTX-M2D12D5
    4. Hình ảnh MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/OC
    5. Hình ảnh MSI R6950-2PM2D2GD5
    6. Điểm số lý thuyết 3DMark + Unigine Heaven.
    7. Kiểm nghiệm thực tế Game Crysis Warhead/ Alien vs Predator/ FarCry2/ JustCause2.
    8. Kiểm nghiệm thực tế Game Stalker/ Metro2033/ Dirt 2/ Lost Planet 2/ Mafia 2 / BatMan
    9. Nhiệt độ, độ ồn và điện năng tiêu thụ.
    10. Kết luận



    Link tải về bài viết dạng PDF: ….


    I. Giới thiệu
    Nói qua về cái thời đồng tiền mất giá, vàng càng ngày càng đắt, “đô” càng ngày càng cao vì thế có thể hiều người khi nhìn vào giá card đồ họa ở VN sẽ thấy ngán ngẩm, được biệt là tầm giá của những card đồ họa mà tôi đề cập trong bài viết nó có thể bẳng cả bộ máy cơ bản của rất nhiều người...

    Chúng ta dùng tiền Việt nhưng những sản phẩm công nghệ đều là nhập khẩu nên chịu ảnh hưởng rất nhiều từ trị trường USD, bởi thế giá card đồ họa đã tăng từ vài chục 1-2 trăm tới 5-7 trăm hay cả triệu đồng tùy loại thấp đến cao. Vì thế tôi sẽ viết bài và nhận xét theo giá thực tại chứ không thể trông chờ vào giá trong mơ hay giá quá khứ được nữa. Cuộc sống vốn không công bằng và hãy làm theo bác Bill thì sẽ giầu.
    [​IMG]
    Sản phẩm hôm nay chúng tôi giới thiệu tới mọi người là card mới ra của nVidia với cái tên gắn với một dòng card khá nổi tiếng ngày xưa. Đó là Nvidia Geforce 560GTX Ti và được xuất xưởng bởi hãng sản xuất card MSI với tên thương mại MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/ OC. Cái tên dài dòng này có thể được hiểu như sau:


    • MSI => Tên hãng sản xuất card
    • N => Card dùng GPU của Nvidia
    • 560GTX => tên dòng GPU mà card sử dụng
    • Ti = Titanium => Nvidia ẩn ý muốn nói dòng card này sẽ có hiệu năng giá thành rất tốt như Ti ngày xưa.
    • TwinFrozr II => Đây là một loại tản nhiệt với thiết kế riêng của MSI lắp cho card đồ họa mà họ sản xuất, tản nhiệt đời thứ 2.
    • OC => Card đã được MSI ép xung sẵn (Core 880/ Mem 1050 MHz) cao hơn mức mặc định của Nvidia đưa ra (Core 822/ Mem 1002 MHz)


    Để hiểu rõ hơn về phân cấp card trong tên gọi của MSI bạn có thể phân biệt như sau:

    a. Về tản nhiệt áp dụng cho card hình của MSI thì chia cao thấp như sau:

    • Twin Frozr
    • Cyclone
    • Một số loại khác thấp hơn.


    Về tản nhiệt Cyclone thì hiện tôi đã thấy đời thứ 2 nhưng chưa thấy MSI đặt tên Cyclone II. Nhìn chung mỗi cái cụ thể sẽ khác nhau về loại cánh quạt sử dụng, kích thước tản nhiệt và số lượng ống tản nhiệt (heatpipe) thường là 2 ống đường kính 6mm, nhiều thì 4 ống trong đó có 2 ống 6mm và 2 ống 8mm (super-pipe).

    Về tản nhiệt Twin Frozr thì hiện đã có đến đời thứ 3: Quạt của Twin Frozr các đời cũng khác nhau (tất nhiên càng ngày càng ngon), số lượng ống tản nhiệt cũng khác nhau tùy cái áp dụng cho card hình nào (3-4-5 ống 6mm/8mm tùy loại card càng cao cấp thì càng nhiều), ngoài ra còn tùy card mà có thêm các tấm tản nhiệt ốp lên mặt trước/sau bo mạch.

    • Twin Frozr
    • Twin Frozr II
    • Twin Frozr III
    b. Về phân cấp card qua tên chia từ cao xuống thấp như sau (MSI dùng ngay tên tản nhiệt đặt tên cho card):

    • Lightning (cũng dùng tản nhiệt TwinFrozr loại nhiệt ống nhiều lá tản nhiệt nhất, thiết kế bo mạch cực khủng)
    • Hawk (cũng dùng tản nhiệt TwinFrozr các đời, có thiết kế bo mạch linh kiện ngon hơn)
    • TwinFrozr (I, II, III)
    • Cyclone Power Edition (bo mạch ngon hơn)
    • Cyclone
    • Khác (thấp hơn)
    Thực ra cái thời card Ti 4200 mang lại tiếng thơm cho Nvidia thì tôi cũng chưa hề biết nó là gì, hiện tại cũng chỉ biết qua tài liệu tìm được và qua … lời khen của một vài người. Bất cứ 560GTX nào cũng được gắn thêm hậu tố Ti, nghĩa là không có loại “non Ti” và tới đây 15/3 Nvidia sẽ có thêm 550GTX Ti nữa.

    Ngoài cái tên Ti làm mọi người mong chờ trông đợi 560GTX Ti thì nó còn chịu ảnh hưởng từ 460GTX đang làm mưa làm gió trên thị trường đồ họa nửa năm nay nhất là ở Việt Nam nhà mình. Những gì người ta thấy từ 460GTX như mát, ép xung cực tốt, hiệu năng tăng cao chót vót, có nhiều các bản card đẹp, thiết kế pro từ các hãng….tất cả những thứ đó đều mong muốn có trên 560GTX Ti để xứng đáng với 1 huyền thoại và sau hơn chút nữa 560GTX với GPU GF114 chính là bản đầy đủ của 460GTX với GPU GF 104.
    [​IMG]
    Vậy 560GTX Ti sẽ nằm ở chỗ nào trong thang giá card đồ họa của Nvidia?


    Xin phép xét vấn đề tiếp tại thị trường VN chứ không bàn thế giới vì chúng quá khác xa nhau mà có bàn đến chuyện thế giới thì cũng không có ích gì, tốt nhất là cứ bám sát địa phương theo chính sách của Đảng và Chính phủ.
    Xem báo giá:

    • 460GTX giá trải rộng từ 4.5 triệu -> 6 triệu với các bản 460GTX 1GB, 460GTX 768MB, 460GTX 1GB SE.
    • 470GTX đã giảm giá khoảng 6.5 triệu -> 7.5 triệu
    • 570GTX và 480GTX thì đều trên 10 triệu
    Có thể thấy ngay khoảng trống 470GTX với 570GTX để lại cách nhau khá xa, Nvidia cần một card hình lấp vào và cái tên 560GTX theo cách đặt tên thông thường của Nvidia nói nên rằng vị trí đó là của nó.

    Còn phía AMD, Trong cái khoảng trống của Nvidia đang chỉ có 560GTX lấp vào thì AMD tôi thấy xuất hiện những 3 card: HD5870, HD6950 2GB và còn sắp có HD6950 1GB mà nghe nói ra để AMD đáp trả đòn với 560GTX. HD5870 thì hiện tại có lẽ cũng hết – gần hết hàng, HD6950 1GB ở VN tôi tạm thời chưa thấy hàng về vì thế còn lại duy nhất HD6950 2GB để tôi lựa chọn làm đối thủ cho 560GTX Ti.

    Tạm thời tôi tham khảo ở VN có giá của GA 560GTX khoảng ~ 8 triệu, với mức tiền này tôi tự hỏi làm sao nhiều người có khả năng mua 560GTX được? Thông thường card khoảng 3-4 triệu là khá ổn chơi game rồi, với nhu cầu cao hơn và chi phí dư giả hơn mọi người chọn card tầm 5-6 triệu như 460GTX mà card phải thật tốt người ta mới mua.

    Với tầm cao hơn 6 triệu thì rất ít người dùng với tới, có nhiều hạn chế về túi tiền, về nhu cầu sử dụng, về loại kích thước màn hình mà đa số người đang dùng. Bởi thế tôi nghi ngại rằng 560GTX Ti rất khó để thành công như 460GTX đã làm được, ít nhất là ở thị trường VN. Như một câu nói của bro nào đó: “Mọi chuyện đều có thể thương lượng được, quan trọng là cái giá!” có thể giờ nó ngon nhưng đắt quá thì người ta chê, nhưng lúc nó hạ giá cái rụp thì lại thơm phải biết.

    Chúng ta sẽ xét hiệu năng, thiết kế của MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/ OC trước xem nó có ngon không đã, còn giá cả thì tạm thời gác lại sau vì dù sao ở VN cũng chưa có giá, sản phẩm cũng chưa có trên kệ hàng của các cty máy tính (thời điểm tôi viết bài).​

    II. Cấu hình hệ thống, phần mềm, thông số sản phẩm.
    Cấu hình hệ thống sử dụng:

    • Main: MSI X58M – X58 Big Bang-XPower
    • CPU: Intel Core i7 950 @ 4GHz
    • RAM: G.Skill PerfectStorm 3x2GB 2133CL9
    • VGA:
      • MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/ OC
      • MSI N570GTX-M2D12D5 ~ 11.770.000 VNĐ
      • MSI R6950-2PM2D2GD5 ~ 9.416.000 VNĐ
    • HDD: Samsung sata 320GB
    • PSU: Seasonic X750
    • LCD: Acer H223HQ 1920x1080 Full HD



    Trong bài viết tôi sẽ dùng thêm kết quả của 2 card dưới đã test trong bài review trước để tiện so sánh.


    • MSI N460GTX Hawk Talon Attack ~ 6 triệu
    • MSI N470GTX-M2D12 ~ 7.062.000 VNĐ

    [​IMG]
    Để đảm bảo hiệu năng tốt nhất co VGA rời và chống nghẽn cổ chai chúng tôi ép xung sẵn cpu i7 950 lên mức 4GHz, đây là mức ép lên khá dễ dàng cho các hệ thống sử dụng cpu core i7 hiện nay nếu có tản nhiệt CPU tốt.

    Nguồn theo khuyến cáo của Nvidia thì 560 GTX cần nguồn công suất 500W, card dùng 2 đầu cấp nguồn 6 pin với công suất tiêu thụ cao nhất 170W. Với MSI N460GTX HAWK thì do là phiên bản ép xung sẵn nên tiêu thụ điện năng cao hơn bản chuẩn của Nvidia, max TDP của nó là 180W.
    Thông số 3 VGA mới trong bài viết lần lượt xem bằng GPU-Z:
    [​IMG]

    Các phần mềm dùng để so sánh kiểm nghiệm:

    • 3DMark03
    • 3DMark05
    • 3DMark06
    • 3DMark Vantage
    • Crysis Warhead
    • Alien vs Predator
    • Farcry 2
    • Just Cause 2
    • Metro 2033
    • Stalker: Call of Pripyat
    • DIRT 2
    • Lost Planet 2
    • Mafia2
    • BATMAN
    • Các kết quả benchmark thực hiện trên Win7 Untimate 64Bit Trial
    • Driver AMD: Catalyst 11.1a (HD6950 2GB),
    • Driver Nvida: ForceWave 260.99 (460GTX, 470GTX), ForceWave 266.58 (560GTX Ti, 570GTX)
    • Các phần mềm theo dõi và test hệ thống: CPU-Z, GPU-Z, Prime95, Furmark, MSI Afterburner.

    III. Hình ảnh VGA MSI N460GTX Hawk TA/ N470GTX-M2D12/ N570GTX-M2D12D5

    [​IMG]
    Lần trước tôi đã có bữa tiệc về card đồ họa với chúng tôi và lần này số lượng còn nhiều hơn, khủng hơn, lo sợ bội thực nên tạm thời chia đôi chia ba ra review dần dần mặc dù các kết quả test đã nắm hết trong tay.
    [​IMG]


    Hình ảnh MSI N460GTX Hawk Talon gần tương tự Hawk, có khác chút về hộp và bộ nhớ ram có đề cập sự khác nhau ở đây [​IMG] và ở đây [​IMG].
    [​IMG]

    Hình ảnh của 470GTX bạn xem chi tiết ở đây [​IMG]

    [​IMG]

    Hình ảnh MSI N570GTX-M2D12D5: Card cũng ra đã lâu chắc mọi người không còn lạ lẫm chúng tôi không chụp hình card này, hình thức cũng gần giống 470GTX nhưng đổi mới decal và tản nhiệt bên trong sử dụng giải pháp tản nhiệt Vapor Chamber.

    [​IMG]

    [​IMG]

    IV. Hình ảnh N560GTX TwinFrozr II/OC
    Cũng khá giống với 460GTX Hawk tôi từng đề cập trong post này và có một vài kết quả ép xung với tản nhiệt khí đi kèm tại topic này [​IMG]

    Nhưng hình ảnh còn sơ xài nên bài này tôi sẽ đưa rõ hơn:
    [​IMG]
    Hộp kích thước mầu sắc như 460GTX Hawk trước đó nhưng do MSI phân cấp nó chỉ được đặt tên là Twin Frozr II nên bìa ngoài sẽ là hình tản nhiệt chứ không phải hình phi cơ như series Hawk. Hiệu quả tản nhiệt được MSI quảng cáo trên bìa là mát hơn 20*C so với tản gốc của Nvidia (quảng cáo kinh), thực sự cũng có rất nhiều người khẳng định tốt khi trải nghiệm dòng card dùng quạt Twin Frozr của MSI.

    Thiết kế đẹp, chuẩn kích thước không quá lớn đủ hoanh tráng, hoạt động êm và làm mát tốt khiến Twin Frozr dường như trở thành loại tản nhiệt được ưa thích nhất hiện nay cho VGA.

    Ở cùng điều khiện môi trường trang Hardwarecanucks đã có bài test cho thấy Twin Frozr hoạt động cực kì hiệu quả.
    [​IMG]

    [​IMG]
    Trở lại vấn đề hình ảnh thiết kế của card, MSI 560GTX Twin Forzr II/OC và MSI 460GTX HAWK / Hawk Talon Attack nhìn bên ngoài rất giống nhau, nếu bạn không dựa vào miếng giấy ghi tên tuổi series ở đằng sau card thì rất khó nhận biết từng con.
    [​IMG]
    Những gì tôi nhận thấy là toàn bộ bo mạch này trên MSI 560GTX Ti là của 460GTX Hawk, vẫn 6+2 pha nguồn với linh kiện ngon lành từ cap, choke, mosfet đều nguyên xi như cũ.
    [​IMG]
    Nhìn chi tiết hơn thì có một vài thành phần đã bị MSI bỏ đi:

    • Cái Loa nhỏ có chức năng kêu báo khi card bị quá nhiệt và khi quên cắm dây nguồn.
    • Bỏ đi 3 chân V-Check giúp kết nối với đồng hồ để đo điện áp các thành phần.

    [​IMG]
    Mặt sau cũng có 2 chi tiết bị bỏ mất:

    • Nút gạt V-Swich giúp loại bỏ giới hạn về điện thế và nhiệt độ chỉ giành khi chơi ép xung với nitơ lỏng cũng đã bỏ.
    • Hệ thống 6 đèn Led báo mức độ hoạt động của các pha cấp điện cũng bị bỏ.

    Nếu giữ nguyên thiết kế thì MSI 560GTX Ti xứng đáng được đặt tên HAWK nhưng có lý do nào đó MSI không muốn nó là HAWK mà chỉ là Twin Frozr II mà thôi nên mới bỏ bớt vài tính năng ăn chơi đi.
    [​IMG]
    Và đây là GPU GF114 với đế hình chữ nhật và lỗ/chân tản nhiệt hình chữ nhật luôn => tôi rất ghét kiểu chân chữ nhật này bởi vì nó khiến cho việc lắp đặt tản nhiệt nước của tôi vất vả hơn do block thường là hình vuông và muốn lắp được tôi phải cần tới sự trợ giúp của dây thít.
    [​IMG]
    Card sử dụng 8 chip nhớ Samsung K4G10325FE-HC04 128MB hợp thành 1GB bộ nhớ GDDR5, loại chip nhớ này tôi thấy sử dụng trên Geforce 480GTX trước đó, nó có thể chạy đến mức xung 1250MHz với mức điện thế 1.5Vol.

    Phụ kiện đĩa chứa driver và các phần mềm từ MSI, sách hướng dẫn và giới thiệu tính năng công nghệ là không thể thiếu, ngoài ra còn một số đầu chuyển như DVI-VGA, Mini HDMI sang HDMI thường và đầu chuyển nguồn 6pin.
    [​IMG]
    V. Hình ảnh MSI R6950-2PM2D2GD5
    Nếu bạn đã đọc qua phần phân cấp tên của MSI ở bên trên bài viết thì sẽ thấy card này ko áp dụng biệt pháp tản nhiệt TwinFrozr hay Cyclone mà dùng tản nhiệt khác cụ thể ở đây là bản reference của Nvidia. Cái tên của nó khá loằng ngoằng mà theo tôi tự suy đoán dựa trên hình thức và thông số của VGA này thì phần tên 2PM2D2GD5 có nghĩa như sau:

    • 2PM => Có 2 cổng Displayport Mini
    • 2D => có 2 cổng DVI
    • 2GB => dung lượng card là 2GB
    • D5 => card dùng GDDR5


    Khi test MSI R6950-2PM2D2GD5 chúng tôi đã gặp một vài tính huống nhầm lẫn với MSI R6970 và nhận thấy chính MSI cũng đã nhầm lẫn khi xuất xưởng.

    Chúng tôi nhận được cả 2 card MSI R6970 và R6950, theo thói quen thì cứ phải bóc hộp tung tất cả ra ngắm nghía chán chê rồi để đấy không đóng hộp lại cẩn thận. Cảm nhận ban đầu là 2 con giống nhau 98%, giống đến cả vết xước ở chân cấp nguồn.
    Có 2 chi tiết khác nhau là: trên hộp một con đề HD6970 một con đề HD6950 và chi tiết chân nguồn của HD6950 là 6+6pin, HD6970 là 6+8pin.

    Đến lúc chụp ảnh chúng tôi định chỉ chụp R6970 còn R6950 thì trông cũng thế, nhanh chóng với lấy 1 cái hộp và con R6970 trên bàn ra chụp và đây là toàn bộ bộp, card, phù kiện bạn có thể hình dung R6950 cũng như vậy, phụ kiện gồm có:


    • Đĩa driver kèm phần mềm ép xung Afterburner
    • Hai cuốn hướng dẫn dùng và giới thiệu công nghệ
    • Hai cầu Crossfire một ngắn một dài giành cho chạy đa card.
    • Hai 2 đầu chuyển nguồn từ molex 4pin sang 6pin
    • Một đầu chuyển đổi tín hiệu DVI-Dsub
    • Một dây chuyển đổi tín hiệu DiskPlayPort Mini sang DiskPlayPort thông thường.
    • Và cuối cùng không thể thiếu trong các VGA mới xuất xưởng của MSI hiện nay là bản quyền phần mềm 3DMark11

    [​IMG]
    Các bạn cứ tiếp tục xem ảnh HD6970 đã nhé rồi sẽ thấy nó hài hước ở đâu. Rất dễ nhận thấy phiên bản này là nguyên gốc của AMD với tản nhiệt hình hộp được lắp đặt rất chắc chắn được dán hình biểu trưng của phần mềm ép xung Afterburner.
    [​IMG]
    Bo mạch trên web MSI tôi thấy là mầu đỏ nhưng sản phẩm thực tế là mầu đen cứng cáp hơn. Tản nhiệt lồng sóc thì được cả AMD và Nvidia ưa chuộng giành cho thiết kế card của mình, trên card này tôi rất thích mấy đường kẻ cách điệu ở rìa card.

    MSI R6970 và R6950 có 2 cầu nối Crossfire nên bạn có thể kết nối 4 card lại với nhau nhưng bạn nên chuẩn bị một-hai bộ nguồn tốt công suất cao để sẵn sàng cho việc này vì HD6950 cần 2 đầu nguồn 6+6pin với công suất tiêu thụ khoảng 200W mỗi con, còn HD6970 cần 2 đầu nguồn 6+8pin với công suất tiêu thụ điện khoảng 250W mỗi con.
    [​IMG]
    Đấy đấy các bạn nhìn thấy chưa, cái ảnh trên chúng tôi không cắt ghép gì đâu, HD6970 này không phải dùng 2 đầu cấp nguồn 6+8pin mà là 6+6 pin như HD6950. WTF?

    Thực sự thì lúc chụp cứ chụp từng chi tiết góc cạnh cho xong chứ cũng chưa nhận ra cho tới khi copy vào máy tính và xem lại ảnh. Và hình ảnh mà mọi người đang xem ở trên không phải là một con R6970 mà là một con R6950.


    • Nhầm lẫn của MSI: Dán decal của R6970 vào con HD6950
    • Nhầm lẫn của chúng tôi: Nãy giờ đang chụp hình con R6950 mà cứ nghĩ mình đang chụp R6970, hóa ra chỉ có cái hộp là của R6970 mà thôi.


    Không biết do vô tình hay cố ý mà MSI lại dán decal như vậy, liệu có phải trùng hợp với vụ Unlock HD6950 thành HD6970 nhờ flash bios. Vậy có thể MSI ngụ ý rằng bạn có thể update cái card HD6950 này bằng bios của HD6970 và như thế bạn có ngay một con HD6970 đàng hoàn kể cả nhìn từ bề ngoài (Decal) lẫn trong Bios.

    Những hình ảnh tiếp theo đây vẫn là hình cái VGA bị dán nhầm nhãn, đích thị vẫn là MSI R6950 nhé. Mặt sau card cũng được bảo vệ chắc chắn bằng tấm ốp kim loại tác dụng tản nhiệt luôn, để phân biệt 2 con R6970 và R6950 của MSI lúc này bạn có thể nhìn vào tờ giấy ghi tên và series dán đằng sau card.
    [​IMG]
    Mở tản nhiệt của MSI R6950-2PM2D2GD5, mặc dù cố gằng để tháo bung toàn bộ tản nhiệt (cũng là vapor chamber) ra để có thể ngắm nghía sâu hơn nhưng sau một hồi loay hoay tôi đành buông.. tô vit. Tản nhiệt này có bộ vỏ rất cứng cáp, các khớp nối chắc chắn mà tôi đẩy đủ kiểu nó cũng không chịu ra, nếu mạnh tay bẩy các chốt thì e rằng có thể bị nứt gãy chốt. Nói chung nên bạn là chuyên gia ném gạch thì card này có thể thay được vị trí của viên gạch trên tay bạn.
    [​IMG]
    Hộp của card rất lớn, card cũng to dài và bo mạch này cũng khá dài, khoảng 27-28cm. Bo mạch mầu đen với nhiều linh kiện cao cấp, GPU không có nắp bảo vệ như phía Nvidia nhưng vẫn có khung bảo vệ xung quanh giúp hạn chế mẻ core.
    [​IMG]
    Các pha nguồ vẫn hoàn toàn như bản gốc của AMD, kể cả miếng cắt vát được đánh nhẵn ở góc đầu cấp nguồn 6pin phía trong vẫn nằm đó. Sở dĩ có miếng cắt vát này bởi vì tản nhiệt thiết kế đã chạm phải đầu 6pin.
    [​IMG]
    HD6950 và HD6970 cùng 1 dòng GPU (cùng 1 thiết kế bo mạch, tản nhiệt) nên bạn có thể chạy CrossFire với nhau. Vì giảm xung nên tốn ít điện năng hơn nê đầu cấp nguồn của HD6950 có thể bỏ đi 2 chân, bạn có thể thấy trong hình ảnh dưới đây và cả hình ảnh miếng cắt vát hand-made bởi bàn tay và tâm huyết của các nhân viên AMD.
    [​IMG]
    Sử dụng ram Hynix H5GQ2H24MFR T2C tổng dụng lượng là 2GB cho card đồ họa này.
    [​IMG]
    Chip Cayman nhỏ nhắn bóng bẩy và cũng rất mạnh mẽ.
    [​IMG]

    Cạnh đầu nối CrossFire là nút gạt Switch Bios, nghĩa là card có 2 bios nên bạn cứ yên tâm mà Flash bios của HD6970 cho nó, nếu không được thì gạt sang Bios kia mà dùng tiếp.
    [​IMG]
    Cuối cùng là hình ảnh I/O, card có 2 cổng mini Display Port, 2 cổng DVI và 1 cổng HDMI, kết hợp với đầu chuyển đi kèm thì bạn có được đầy đủ các kiểu giao tiếp ra màn hình vi tính. Với công nghệ Eyefinity của AMD bạn có thể xuất ra 4 màn hình kết hợp.

    [​IMG]
     
    :
  2. MaiHoangSp

    MaiHoangSp Member

    Bài viết:
    255
    VI. Điểm số lý thuyết 3DMark / Unigine Heaven
    Do lượng hình trong bài viết khá nhiều nên chúng tôi không đăng ảnh kết quả dài dòng tránh cho việc mọi người chán đọc vì bài thì dài, nhiều hình quá mà load lại lâu. Tổng hợp kết quả vào đồ thị là phương án tốt nhất cho những bài review có nhiều đối tượng, xem cũng dễ hiểu.

    Các phần phiên bản benchmark 3DMark chúng tôi chạy tất cả ở thiết lập mặc định, phần Unigine Heaven sử dụng phiên bản dùng thiết lập sẵn của trang hwbot.org

    1. 3DMark03-05
    [​IMG]
    3DMark 03 đã có từ rất lâu, điểm số thể hiện được của những dòng card này rất cao. MSI N570GTX được tới 85674 điểm bỏ xa 2 card còn lại. Ngay ở phép thử đầu tiên thì MSI 560GTX Ti TwinFrozr II/OC đã thua MSI R6950 khoảng hơn 4% và nếu không được OC sẵn thêm 58MHz thì điểm số của nó sẽ dưới 70000.

    Khởi đầu không tốt với 3DMark03 nhưng sang 3Dmark05 thì 560GTX lạ ngon ăn hơn và tiến sát tới điểm của 570GTX. Tuy vậy bạn có thấy điểm 3Dmark05 khá là sàn sàn nhau không? Theo nhận định của tôi trình benchmark này để đua CPU thì tốt hơn vì khi thay đổi CPU mạnh yếu điểm số rất rõ ràng nhưng thay đổi VGA thì điểm khá sát nhau.​

    2. 3DMark 06 - Vantage
    [​IMG]
    Tương tự 3DMark06 thì điểm số các card đồ họa tầm này không chênh nhau nhiều do chung 1 CPU, nếu muốn đua điểm cao ngoài GPU mạnh bạn cần có một con CPU càng cao càng tốt. N560GTX Ti OC hơn suýt sao với R6950 một chút và kém N570GTX một chút ở mốc trên 25.000 điểm, chúng tôi cập nhập thêm điểm số của MSI 470GTX và 460GTX HTA đã benchmark ở cùng cấu hình trong bài review trước.

    Phép thử 3DMark Vantage trình diễn hiệu năng card trên nền DX10 thể hiện rõ ràng hơn với 2 điểm số tổng và GPU Score riêng.
    Bạn sẽ thấy khác biệt đẳng cấp đối với cặp đôi MSI 460GTX HTA / 470GTX so với 3 card mới hôm nay. N570GTX cao nhất với tổng 22466 điểm, R6950 về thứ 2 với 20717 điểm, 560GTX Ti OC ké sau với 20364 điểm và 460/470GTX tụt lại phía sao ở mốc 15xxx điểm. Tự nhiên tôi nghĩ ước gì 560GTX Ti giá bằng 460GTX thì tôi sẽ gọi nó là Ti Ti luôn.​

    3. 3Dmark11-Unigine Heaven
    [​IMG]
    Nhưng card trong bài viết đều hỗ trợ DirectX 11 vì thế đây mới là phép thử mà tôi trông đợi, Unigine Heaven được bench ở mức Xtreme nên rất nặng, điểm số thể hiện khá nhỏ và sát nhau, xếp thứ tự đạt được: 570GTX > 560GTX > 6950 2GB

    Sang phép thử 3DMark11 MSI R6950 2GB lấy lại vị thế số 2 với P4932 điểm, hơn 560GTX Ti TF-II OC với P4586, tôi nhớ 460GTX HTA phải ép xung tẹt ga lên rất cao 1005/1125MHz mới đạt được điểm số P4604 3DMark11 ►VGA◄ Ép xung 460GTX HTA lên Core Clock 1GHz - vozForums

    Với 3DMark 11 bạn có thể tải trên web 3DMark 11 – The Gamer's Benchmark for DirectX 11 và sử dụng KEY bản quyền trị giá 19.9$ cấp theo các card MSI tầm cao cao mới ra gần đây)​
    Tạm thời ở bechmark lý thuyết MSI N560GTX Ti Twin Frozr II/OC kém MSI R6950 2GB trung bình 1.02% và kém MSI N570GTX 10.75%. Có vẻ khá ngon ăn cho 560GTX nhưng tôi vẫn không quên cái VGA này được MSI “bơm doping” trước khi ép xung thêm 58MHz cho Core và 48MHz cho Memory. Mọi kết luận vẫn còn phải chờ đến cuối bài.
    [​IMG]

    VII. Kiểm nghiệm thực tế Game Crysis Warhead/ Alien vs Predator/ FarCry2/ JustCause2.

    1. CrysisWarhead
    Tôi benchmark ở 2 chế độ bật khử răng cưa 4x và tắt 0x, tất cả thiết lập ở mức Gamer DX10 ngay màn đầu tiên. Mức này các VGA đều chơi rất “nuột” với độ phân giải 1920x1080, khi không bật khử răng cưa thì N560GTX Ti OC mạnh hơn nhưng bật 4xAA thì R6950 lại tốt hơn chút xíu.
    [​IMG]
    CrysisWarhead khá nặng nhưng với mức khung hình như trên thì card nào cũng ngon rồi, chúng tôi tiến hành thử ở mức cao nhất của game là Enthusiast, các bác Master muốn Max Setting Crysis Full HD thì nhớ chọn mấy card tầm này trở lên nhé.

    Lên setting này cả 3 card đều tụt xuống tầm quanh quẩn 35fps khi bật khử răng cưa, tạm chơi ổn khi minfps không card nào xuống dưới 25fps kể cả khi bật 4xAA. Việc ép xung sẵn đã giúp 560GTX Ti trụ ổn định được ở mức thiết lập game này, với game đầu tiên trong bài, 560GTX Ti thắng HD6950 2GB khi tắt AA và thua khi bật AA.
    [​IMG]
    2. Alien vs Predator
    Do mức khử răng cưa bị giới hạn nên chỉ benchmark được với mức 0xAA và 4xAA, các thiết lập cao nhất High và Very High. Đây là một game theo tôi thể khiện tốt sự chênh lệch các đời VGA nhưng với CPU thì nó tận dụng rất ít.

    Thứ hạng cho phần benchmark này xếp theo thứ tự sức mạnh 570GTX > HD6950 > 560GTX Ti > 470GTX > 460GTX kể cả trong 2 trường hợp bật/tắt khử răng cưa.
    [​IMG]
    3. Far Cry 2 – Just Cause 2
    FarCry2 nhẹ hơn nên chỉ chọn benchmark ở setting cao nhất Ultra all và bật khử răng cưa 8xAA. Sau thất bại ở Alien, 560GTX Ti lấy lại chiến thắng cách biệt trên Farcry2, mức khung hình mà MSI R6950 2GB đạt được thấp hơn cả N470GTX và N460GTX HTA
    [​IMG]
    JustCause2 mới đầu tôi cứ nghĩ là game Dx10 sau mới biết nó là Dx11, thực hiện benchmark với màn DarkTower với nhiều hiệu ứng cháy nổ. HD6950 đạt mức khung hình chuẩn 59.8fps, kém 560GTX Ti chút khoảng 7frame, nếu con 560gTX này không được ép xung sẵn thì khả năng là 2 card bằng nhau trong JustCause2​


    VIII. Kiểm nghiệm thực tế Game Metro2033/ Stalker/ Dirt 2/ Lost Planet 2/ Mafia 2 / BatMan
    1. Metro 2033 – Stalker: Call of Pripyat
    Ở Metro2033 game này không có benchmark nên dùng fraps để đo, ghi nhận thời điểm này là nặng nhất so với các game trong bài viết (nhưng ko hiểu vì sao nặng vì đồ họa của game không thực sự sướng lắm), 560GTX Ti OC và HD6950 2GB cho khung hình bằng nhau, 570GTX hơn một chút khoảng 5fps nữa. Ở bên dưới là 460GTX HTA và 470GTX cũng ngang ngang nhau với ~ 59fps.
    [​IMG]
    Stalker bản Call of Priyat cũng là một game Dx11 nặng, các hiệu ứng chọn đều là cao nhất, game cũng nặng nhưng theo tôi đồ họa trong game không có gì đặc sắc lắm, có lẽ các thể loại game kinh dị thường không gắn với cái đẹp.

    Trở lại vấn đề khung hình đạt được, HD6950 2GB thấp hơn khoảng 5fps so với 560GTX Ti OC, khả năng chúng cũng bằng nhau nếu 560GTX Ti chưa OC. 570GTX thì luôn luôn cao hơn trong tất cả các phần benchmark và thực tế tôi cho vào bài viết chỉ để làm mốc để xem 560GTX Ti sẽ tiến tới đâu trong thang bậc đồ họa.​

    2. Dirt 2
    Benchmark Dirt2 bằng màn đua London có thay đổi hiệu ứng Ambient Occlusion mức Low và High. Độ phân giải dùng trong bài vẫn là 1920x1080, mức setting game tất cả đều cao nhất Ultra và High 8xAA.
    [​IMG]
    Trong game này mức khung hình của R6950, 470GTX, 460GTX HTA là tương đương nhau khoảng 71fps ở mức AO High. Cách trên đó một đoạn là 560GTX Ti OC và một đoạn nữa là 570GTX, Fermi2 thực sự là ngon.​
    3. Lost Planet 2
    Với setting High cũng là cao nhất của game, test với thiết lập DirectX 11 Features High và None (có thể là DX9)

    Trước và sau khi bật DX11 Feature thì khung hình khác nhau khá xa vời, và trong game này theo kinh nghiệm của tôi hiện năng tận dụng trên card AMD rất thấp khi bật Dx11 bạn có thể thấy khung hình MSI R6850 còn kém hơn tí so với con 460GTX HTA.

    Bốn card của Nvidia tăng dần, 570GTX vẫn như thông thường cho khung hình cực cao và cách biệt với số còn lại.
    [​IMG]



    4. Batman Arkham Asylum
    Game hỗ trợ hiệu ứng vật lý cho card Nvidia, lựa chọn setting cao nhất với 2 chế độ test là tắt PhysX và bật PhysX High, chúng tôi không test chế độ bật PhysX đối với HD6950, trong test này chúng tôi có bật xử lý răng cưa 8xAA tuy nhiên setting của Batman không cho phép bật AA cần phải vào Catalyst để chỉnh hiệu ứng này.
    [​IMG]
    Batman khi chưa bật hiệu ứng vật lý thì game khá nhẹ và các VGA đều đạt khung hình khá cao từ 102 đến 154fps, MSI R6950 “thấp” nhất với 106fps, tiếp theo 460gTX HTA / 470GTX sát nhau với 121 và 124fps.

    Trên đó 560GTX Ti OC/ 570GTX cách nhau một chút 142 vs 154fps nhưng lúc bật hiệu ứng vật lý thì 2 card này cho khung hình bằng nhau, đây là trường hợp duy nhất trong bài viết tôi thấy 560GTX Ti OC bắt khịp 570GTX. MSI R6950 bật PhysX lên thì khung hình tụt thê thảm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nên chúng tôi không test (chứ không phải = 0)​
    5. Mafia II
    Kết thúc test game với Mafia II, game hỗ trợ DX 11 có PhysX cũng test ở chế độ tắt và bật mức High, các hiệu ứng AA/AF bật đầy đủ, đây là game mà chúng tôi lựa chọn để thay thế GTA IV trong gói benchmark của mình.

    Không tính hiệu ứng vật lý, HD6950 2GB chơi tốt hơn 560GTX Ti OC một chút và tạo cách biệt một “nấc” so với các dòng card 470GTX/460GTX HTA. Bốn card tới từ Nvidia tăng dần đều, đây là lý do 560GTX Ti chính xác sẽ có tầm sức mạnh và giá chèn giữa 470GTX / 570GTX và có vẻ giá sẽ gần với 470GTX hơn.
    [​IMG]
    IX. Nhiệt độ độ ồn và điện năng tiêu thụ
    Sử dụng câu lệnh D:/GPU-Z.exe /GTX500OCP để tắt tính năng tự động điều chỉnh điện năng của 5x0GTX đi.
    Tham khảo ở đây [​IMG]

    1. Nhiệt độ - độ ồn
    Rất tiếc thời điểm hiện tại ở HN cứ hôm lạnh hôm nắng hôm mưa khiến nhiệt độ phòng test của tôi tăng giảm liên tục trong khoảng 19-22*C vì thế kết quả nhiệt độ VGA lần này chỉ là tương đối. Ước gì có cái điều hòa 2 chiều thì tốt biết mấy. Nhiệt độ 460 và 470GTX lấy từ kết quả trước nhiệt độ phòng 23*C.

    Các VGA Fix tốc độ quạt nhanh hơn mức Auto nhưng vẫn giữ ở mức êm tương đương và chấp nhận được khi ngồi cạnh. Sở dĩ tôi không test Auto vì muốn tìm ra giá trị thực sự của tản nhiệt mang lại cho card nhiệt độ tốt nhất với đồ ồn tạm thấp để cảm thấy êm chứ nhiều khi các hãng để quạt Auto khá … ngu ngay cả trên 1 dòng card.

    Thực hiện Full load 100% GPU bằng Furmark mặc định, bật Extreme.

    • MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/OC: có mức nhiệt độ tốt vốn có do tản nhiệt dùng TF-II, mức ép xung sẵn của nó vừa đủ để tạo cách biệt với bản Ref nhưng không quá cao để phải tăng thêm điện thế. Tôi có cảm giác nhiệt độ IDLE thì tốt nhưng Full Load vẫn chưa được ưng ý với 63*C, không biết keo tản nhiệt có vấn đề gì không mà card của tôi nhận được nhiệt độ chưa thấp như Guru3D, Hardwarecanuck họ test toàn 54-55*C
    • MSI R6950-2PM2D2GD5: tản nhiệt lồng sóc này cũng hiệu quả không kém khi tăng tốc độ quạt lên 50%, qua mức này thì khá là ồn ào.
    • MSI N570GTX-M2D12D5: Thực sự ban đầu tôi thấy các kết quả test của dòng card này có nhiệt độ cao toàn trên dưới 80*C, nhưng những gì tôi thu được ở con 570GTX này chỉ có 65*C. Mức tốc độ Fan tôi chọn được cho card này là 70% = 2700 vòng/phút vẫn ở mức âm thanh chấp nhận được như những card còn lại.
    [​IMG]
    Hình ảnh kết quả nhiệt độ Full Load


    560GTX Ti​

    [​IMG]


    570GTX

    [​IMG]



    HD6950
    [​IMG]



    2. Điện năng tiệu thụ hệ thống (mức điện năng đo được đầu vào của nguồn)
    HD6950 giữ ngoài việc được mức nhiệt độ tốt mà mức tiêu thụ điện năng
    thấp hơn các card còn lại, mức chênh lệch cũng không nhiều nếu so với 560GTX Ti và 570GTX.

    Đến tầm card này thì chắc hặn bạn đều trang bị được bộ nguồn tốt ít nhất là 500W với 2 đầu cấp nguồn 6+6pin pci-e rồi. Nhưng để an toàn khi peak load toàn bộ hệ thống và đảm bảo hiệu suất cao cho nguồn bạn nên dùng bộ nguồn khoảng 600W cho những card này.
    [​IMG]
    Tới đây tôi có nghi vấn: MSI R6950 thì chưa bật max PowerTune, còn 570GTX thì dùng GPU-Z để Disable Limit TDP bị sai ở đâu đó. Bởi thế mà nhiệt độ và điện năng tiêu thụ của MSI R6950 và MSI N570GTX lại khá tốt lúc Full Load bằng Furmark đến vậy. Dù sao thì lúc IDLE 560GTX Ti vẫn tỏ ra dễ chịu hơn nhiều so với HD6950.​
      

    X. Kết luận
    Trong 1 năm qua chúng ta đã được chiêm ngưỡng bưa tiệc card đồ họa trung và cao cấp với hàng loại sản phẩm cùng tồn tản song song và chồng chéo hiệu năng lên nhau, để tôi kể tên ra xem nhiều không: HD5850, HD5870, HD6850, HD6870, HD6950 1GB, HD6950 2GB, HD6970 rồi 460GTX SE, 460GTX 768MB, 460GTX 1GB, 470GTX, 480GTX, 560GTX Ti, 570GTX, 580GTX mấy hôm nữa còn có 550GTX Ti không biết mạnh yếu hơn cái nào.

    Quá nhiều card lại thêm kiểu đặt tên loại xì ngầu khiếu hiệu năng và phân cấp card như một mớ bòng bong.

    Quay lại những card hình trong bài viết lấy MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/OC làm mốc:
    [​IMG]
    • MSI N460GTX Hawk Talon Attack kém tới 16.4% và nếu bạn đang sử dụng một card 460GTX mặc định theo mức xung của Nvidia thì chênh lêch kém so với 560GTX Ti OC này theo tôi là khoảng … 30% và nếu Ti thường chưa OC vào khoảng 25%. Như vậy về mặt sức mạnh thì 460GTX và 560GTX là hai đẳng cấp khác xa nhau rồi.
    • MSI N470GTX-M2D12: kém 13.08%, so với bản thường thì kém khoảng 7-8%. Nghĩa là 560GTX Ti chắc chắn sẽ thay thế 470GTX với mức giá hơn 470GTX một chút ở thời điểm hiện tại, và rẻ hơn kha khá 470GTX ở thời điểm 470GTX mới ra.
    • MSI N570GTX-M2D12D5: Mạnh hơn 11.12% nếu so với 560GTX Ti chưa oc thì vào tầm 17%. Cũng vẫn là một khoảng các xa đáng kể, hẳn Nvidia không muốn một card đáng giá như 570GTX lại bị vùi dập bởi một tên đàn em cho dù nó mang cái tên Titanium. Lịnh sử sẽ không lặp lại như với 460GTX làm cho 465GTX và 470GTX nhanh chóng kết thúc vòng đời. Bạn muốn có được sức mạnh của 570GTX với chi phí của 560GTX Ti thì theo tôi mức xung 950MHz cho GF114 sẽ là lựa chọn thích hợp (như bản MSI N560GTX Ti Twin Frozr II/SOC)
    • MSI R6950-2PM3D2GD5: Mặc dù ở BenchMark lý thuyết nó cho kết quả ngang ngửa hơn 1% so với MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/OC, nhưng ở game lại kém hơn 4.71% (không tính kết quả bật PhysX). Không như những review khác: 8 trong số 10 game chúng tôi test là Dx11vì thế kết quả so với một số review sẽ khác ít nhiều vì họ vẫn dùng những game Dx9/Dx10 là chủ yếu.
    • Tất nhiên do MSI N560GTX Ti TwinFrozr II/OC là bản OC sẵn hiệu năng của nó tăng lên khoảng 5-6% so với bản mặc định bởi thế nếu so bằng mức xung từ AMD-ATI thì 560GTX Ti và HD6950 2GB nhìn chung mạnh ngang nhau ở độ phân giải 1920x1080 Full HD.


    Những độ phân giải thấp hơn tôi không xét vì ai mua card tầm này mà chỉ dùng màn 18.5” trở xuống thì thật là phí phạm. Còn với độ phân giải cao hơn như 2650x1600 hay hơn nữa khi mà bạn có 2-3 màn hình thì sao? HD6950 2GB có dung lượng bộ nhớ lớn thật lớn nên chắc chắc sẽ ăn 560GTX Ti và có thể còn gần bằng 570GTX. Vậy lý do để AMD ra HD6950 phiên bản 1GB là giảm giá thành để cạnh tranh với 560GTX Ti 1GB nhằm chiếm thế chủ động với 2 đánh 1.

    Còn một điều mà tôi chưa nhắc đến: 560GTX Ti không có phiên bản Reference của Nvidia xuất hiện trên thị trường bán lẻ mà toàn bộ các phiên bản ngay ngày đầu ra mắt là bản tùy chỉnh của các hãng sản xuất card, với MSI cũng có luôn 4 phiên bản.

    Hơn ai hết Nvidia biết rõ 560GTX chưa đủ để mang thêm hậu tố Ti nên khéo léo tăng thêm ý nghĩa cho Ti khi để cho các hãng sản xuất card thỏa sức sáng tạo phiên bản riêng của mình, mà chắc nhiều người cũng biết các bản Custom thường ngon hơn rất nhiều bản reference bởi chúng mang thêm nhiều tính năng/ thiết kế tới từ các hãng, card còn được ép xung sẵn ở những mức rất cao nâng giá trị của 560GTX Ti lên một tầm so với HD6950 muốn rẻ thì chỉ có bản Reference, mà nvidia lại không phải chịu tránh nhiệm với mấy mức ép xung kia.


    • Câu hỏi đặt ra cuối cùng cho bài viết này là: 560GTX có xứng đáng có Ti?
    • Câu trả lời là: Tôi phải chờ cái giá về Việt Nam đã, nếu nó sát với tầm giá 470GTX thì cực kỳ lợi hại, bằng giá của HD6950 thì bình thường thích con nào chọn con đó, sát giá của 570GTX thì ăn hại rồi.
    [​IMG]
    Sản phẩm được kiểm nghiệm tại:

    [​IMG]


    Trần Ngọc Minh – Nguyễn Thế Vương
    Mọi ý kiến phản hồi xin để ngay bên dưới. Xin cảm ơn đã theo dõi bài viết.

     
  3. osiric

    osiric Moderator Thành viên BQT

    Bài viết:
    1,445
    Nhìn ghiền nhẩy, con này ko biết chạy crysis 2 mượt ko nữa

    Hình ảnh kết quả nhiệt độ Full Load bị die hết rùi kìa
     
  4. MaiHoangSp

    MaiHoangSp Member

    Bài viết:
    255
    Đã sửa, đặt nhầm hết tên file trên photobulket.
     

Chia sẻ trang này