Anh Hữu, 25 tuổi, ngụ Phú Yên, tạm trú tại Bình Thạnh, TP HCM, tử vong sau một ngày nhập viện. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho thấy anh mắc phải loại “amip ăn não người”. Làm nghề bán đậu phộng (lạc) dạo suốt hai năm nay tại TP HCM, vào giữa tháng bảy về quê dự đám cưới người thân, anh Hữu cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (một dạng ao hồ rộng lớn) gần nhà. Trở lại Sài Gòn, ngày 30/7, anh Hữu lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Tối cùng ngày, anh Hữu đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định với biểu hiện nhức đầu, lơ mơ. Chọc dịch não tủy, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân đã nhiễm một loại amip chưa thể xác định cụ thể nên chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị. Chân dung amip qua kính hiển vi. Tại đây, bệnh nhân sốt 39oC, lơ mơ, cổ cứng, thở nhanh 30 lần một phút. Bác sĩ Nguyễn Hoan Phú - Phó khoa nhiễm Việt - Anh cho biết, kết quả xét nghiệm soi dịch não tủy không thấy có vi trùng lao hay vi nấm gây viêm màng não nhưng lại có sự hiện diện của một loại amip. Sau đó, bệnh nhân vẫn sốt cao 40-41oC, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đến 23h ngày 31/7, bệnh nhân nhiều lần bị ngưng tim đột ngột, tử vong. Theo bác sĩ Phú, sau khi anh Hữu tử vong, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục làm nhiều xét nghiệm và kết quả xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho thấy bệnh nhân chết do “amip ăn não người” tấn công. Đây là trường hợp đầu tiên được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phát hiện bị nhiễm “amip ăn não người”. Amip - vi sinh vật nguy hiểm Các bác sĩ cho biết, “amip ăn não người” là loài vi sinh vật đơn bào đáng sợ, có tên khoa học là Naegleria fowleri. Nhờ sở hữu trên 15.700 gen mã hóa protein, “amip ăn não người” có thể tồn tại trong tự nhiên ở 3 hình thái. Chúng thường săn đuổi và ăn vi khuẩn giống như các loại amip, hoặc cũng có thể chuyển sang dạng trùng roi để bơi đi tìm môi trường thuận lợi hơn; thậm chí “biến” thành dạng bào nang nếu gặp điều kiện khắc nghiệt. Chính vì khả năng biến hình linh hoạt này mà Naegleria fowleri rất khó bị tiêu diệt, có thể tồn tại dai dẳng ở những nơi ấm và ẩm ướt. Theo bác sĩ Phú, “amip ăn não người” phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… vào mùa hè; thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não. Điều nguy hiểm là amip này có thể vượt qua mọi khâu lọc khử trùng, nhiễm vào hệ thống nước sinh hoạt của các gia đình. May mắn, amip này không gây bệnh thông qua uống nước, trừ khi súc miệng mà nước nhiễm amip xộc lên mũi. Sau khi nhiễm “amip ăn não người” 1-14 ngày, các triệu chứng khởi đầu của bệnh sẽ xuất hiện: nhức đầu, buồn nôn, sốt, cứng cổ, xuất hiện ảo giác, thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi. Các triệu chứng thứ phát có thể đi kèm như: lú lẫn, u ám, thiếu tập trung, cơn co giật. Sau đó, bệnh diễn tiến nhanh chóng và nguy cơ tử vong rất cao, thường xảy ra từ 7 đến 14 ngày sau khi mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu này dễ nhầm với viêm não do vi khuẩn hoặc vi rút nên việc chẩn đoán rất khó khăn. Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC), bản năng của loại ký sinh trùng này không hoạt động để tấn công người và chúng chủ yếu ăn vi khuẩn. Tuy nhiên, khi nhiễm vào não, chúng nhân lên nhanh chóng và bắt đầu ăn tế bào não để tồn tại. Nếu bị nhiễm, nạn nhân chắc chắn sẽ bị viêm màng não. Bệnh “amip ăn não người” được hai bác sĩ M. Fowler và R.F. Carter lần đầu tiên mô tả ở Australia vào năm 1965. Năm 1966, ông Fowler đặt tên cho loại amip này là Naegleria fowleri. Cho đến nay, khoảng 150 ca bệnh đã được xác định trong nhiều quốc gia và chỉ có một ca được cứu sống vào năm 1978. Các quốc gia từng ghi nhận các ca bệnh “amip ăn não người”: Mỹ: Giai đoạn năm 1937-2007 có 121 nạn nhân tử vong. Các năm 2001-2011 đã có 35 ca tử vong được báo cáo; trong đó đến 32 ca tiếp xúc với nguồn nước ở khu vui chơi giải trí. New Zealand: Năm 1968-1978 có 8 trường hợp tử vong sau khi các nạn nhân bơi trong một hồ nước ấm ở khu vực Waikato. Pakistan: 2 bệnh nhân nam 39 tuổi và 54 tuổi tử vong vào năm 2010. Tiệp Khắc cũ: Năm 1962-1965 ghi nhận 16 bệnh nhân chết vì viêm não - màng não cấp do tắm trong một bể bơi.
Thêm một bé trai tử vong do amip ăn não? Bé trai 6 tuổi tử vong và được phát hiện có khối áp xe trong não. Các chuyên gia y tế nghi ngờ amip là thủ phạm sát nhân. Ngày 17/9, trả lời phóng viên, bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP.HCM cho biết đơn vị mình vừa tiếp nhận một trường hợp nghi chết do ký sinh trùng amip. Bệnh nhân là một bé trai 6 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh có khối áp xe trong đầu. “Trung tâm đã làm xét nghiệm và nghi ngờ thủ phạm là amip. Tuy nhiên, để chính xác hơn, chúng tôi đã gửi mẫu bệnh phẩm qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tiến hành xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử, từ đó mới kết luận chính xác nguyên nhân gây tử vong” - bác sĩ Hiếu nói. Dự tính, kết quả xét nghiệm của bệnh nhi sẽ có sau một tuần nữa. Như vậy, nếu đúng nguyên nhân gây ra cái chết cho bé trai nói trên là ký sinh trùng amip thì đây là ca thứ 2 từ trước tới nay được phát hiện chết vì amip ăn não tại TP.HCM. Ký sinh trùng amip, ảnh do bác sĩ Mẫn cung cấp Cuối tháng 8, một thanh niên 25 tuổi, ngụ tại Phú Yên làm nghề mò trai và đã bị amip chui qua mũi lên não “gặm nhấm” từ từ. Khi phát hiện bệnh, thanh niên này đã quay về TP.HCM chạy chữa nhưng không qua khỏi. Theo Thạc sĩ – bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, amip gây bệnh cho chàng trai nói trên có khả năng là Naegleria fowleri, thường được tìm thấy trong những vũng nước tù như ao hồ, sông, suối. Loại ký sinh này sẽ chui vào đường mũi, len lỏi dần đến tế bào thần kinh khứu giác để tìm đường xâm nhập vào não bộ. Khi xâm nhập cơ thể người, amip Naegleria fowleri sinh sôi rất nhanh, sau đó di chuyển lên não. Chúng sẽ bắt đầu ăn các nơ ron thần kinh, gây đau đầu khủng khiếp, sốt cao, rối loạn tri giác. Nếu bị nhiễm Naegleria fowleri, bệnh nhân sẽ bị viêm màng não. Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra, nhưng bệnh hầu như diễn tiến dẫn đến tử vong (tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 98%). Tuy nhiên, các chuyên gia về ký sinh trùng đều khẳng định trường hợp bị nhiễm amip như trên rất hiếm.
Amip ăn não xâm nhập bé trai cả tháng mới phát bệnh Kết quả giải phẫu bệnh của bé trai 6 tuổi ở TP HCM tử vong vì amip ăn não người, cho thấy vi sinh vật này có thể xâm nhập trong não bệnh nhân lâu hơn, thay vì ủ bệnh một tuần và gây chết người trong hơn 10 ngày. Ảnh xét nghiệm vùng não tổn thương của bệnh nhi. Báo cáo tại buổi họp khoa học với chủ đề "Amip ăn não" ngày 23/10, bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Pháp y TP HCM cho biết, giải phẫu bệnh nhân thứ hai tử vong vì amip ăn não, căn cứ vào phần não bị tổn thương và số lượng amip, có thể thấy amip Naegleria fowleri đã xuất hiện trong não bệnh nhi này lâu hơn một tuần. Bác sĩ Hiếu cho hay, sau khi có kết quả xét nghiệm xác định chắc chắn bệnh nhân dương tính với amip Naegleria fowleri, trung tâm đã giải phẫu não và dùng nhiều phương pháp nhuộm để amip lộ diện rõ hơn. "Qua hơn 40 hình ảnh được chụp lại dưới kính hiển vi, chúng tôi xác định xung quanh ổ ápxe não cháu bé, amip Naegleria fowleri đã ăn phần chất trắng và cả phần chất xám. Căn cứ vào vùng não bị ápxe màu đã ngả vàng có thể thấy não bị tổn thương ít nhất là một tháng", bác sĩ Hiếu nói. "Vậy tại sao bệnh nhân không chết ngay", câu hỏi được nhiều bác sĩ chuyên khoa Nhiễm đưa ra ngay sau phát biểu của bác sĩ Hiếu. Các tài liệu của thế giới ghi nhận trên những bệnh nhân bị amip ăn não, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày và bệnh nhân thường sống không quá 12 ngày. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nghi ngại về độ chính xác của các xét nghiệm định danh amip Naegleria fowleri. Tuy nhiên bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, nơi cùng xét nghiệm với Trung tâm Giám định pháp y, khẳng định kết quả dương tính là chính xác. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, nếu đúng như kết quả giải phẫu bệnh từ Trung tâm Giám định pháp y thì đây là một trường hợp cực hiếm gặp. "Thế giới từng có một ca khỏi bệnh sau khi nhiễm amip Naegleria fowleri. Ở ca này, xét nghiệm cho thấy sau khi vào não, amip tự yếu dần và chết đi, còn lại bệnh nhân khác đều tử vong rất nhanh", bác sĩ Châu nói. Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP HCM cho hay, vì tính chất đặc biệt, ca bệnh này có thể sẽ được ông trình bày tại các hội nghị khoa học liên quan đến amip ăn não diễn ra ở một số nước khác. Ngày 12/8, bệnh nhi 6 tuổi ở Bình Tân tử vong với nguyên nhân được tạm kết luận do ápxe não. Trung tâm Giám định pháp y TP HCM thực hiện giải phẫu bệnh. Điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, một tuần trước nhập viện, bé thường đập đầu xuống nền gạch, không ói. Bệnh nhân ăn cháo, uống nước đun sôi, không có tình trạng bị sặc nước. Trước nhập viện 2 ngày bé sốt, người chăm sóc mua thuốc hạ sốt cho uống. Nguồn lây vẫn chưa thể xác định rõ do bé bị thiểu năng chỉ nằm yên một chỗ. Đây là ca bệnh thứ hai tử vong do bị amip ăn não. Trước đó, ngày 31/7, một thanh niên 25 tuổi quê ở Phú Yên, tạm trú tại Bình Thạnh, TP HCM, cũng đã tử vong trên bệnh cảnh viêm màng não do amip ăn não gây nên. Điều tra dịch tễ, bệnh nhân có thể mắc bệnh do tiếp xúc với nước sông trong một lần mò trai ở quê. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tuy có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng bệnh viêm màng não do đơn bào Naegleria fowleri rất hiếm gặp. Trong vòng 49 năm (từ 1962 đến 2011), tại Mỹ cũng chỉ ghi nhận 123 ca mắc. Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) tại khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh. Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang bởi khả năng gây bệnh của amip ăn não là rất hiếm. Tại Mỹ, các thống kê cho thấy mỗi năm có hàng triệu người tắm ao hồ và bơi lội trong vùng nước ấm nhưng chỉ có 0-8 người mắc bệnh. So với số lượng người bị chết ngạt vì nước thì bệnh nhân tử vong do amip ăn não thấp hơn nhiều lần. Bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho rằng, tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường thiên nhiên là không thể. Thế nhưng con người vẫn có thể phòng ngừa. "Tránh ngụp lặn đầu dưới nước, tránh nhảy từ trên cao xuống nước, tránh đùa giỡn như trấn nước nhau để xộc nước vào mũi", bác sĩ Mẫn nói.