Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là khoảng 3.500 tỷ, theo đó các bạn sinh viên ở ĐH Quốc gia và các trường thuộc khu Đông Bắc thành phố sẽ có một không gian sống, học tập hiện đại. Mỗi tỉnh một dãy nhà Đến năm 2013, dãy nhà ký túc xá (KTX) trong khu Đô thị ĐHQG TP. HCM hoàn thành. Lúc đó, tất cả sinh viên ĐHQG TP. HCM và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại khu Đông Bắc thành phố sẽ được hưởng các lợi ích. Tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng cho dự án KTX này là 59 ha. Dự án gồm các hạng mục chính như: 32 tòa nhà từ 12 - 16 tầng, diện tích xây dựng hơn 370.000m² (bình quân 7,8 m²/sinh viên). Sau khi hoàn thành, khu KTX sinh viên sẽ đáp ứng nhu cầu cho tất cả sinh viên ĐHQG TP. HCM và sinh viên các trường lân cận khu vực Thủ Đức. Theo GS. TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP. HCM, khi đưa vào sử dụng, KTX sẽ phục vụ nhu cầu ăn ở và các hoạt động công cộng khác như siêu thị, nhà văn hóa, bệnh viện, sân chơi, nhà ăn, bến xe buýt, cây xanh, hồ nước... Tại buổi làm việc với ĐHQG TP. HCM, Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh: "Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa… đầu tư các dịch vụ công cộng để phục vụ sinh viên". [TABLE="width: 200, align: center"] [TR] [TD][/TD] [/TR] [TR] [TD="class: pCaption"]Ảnh minh họa[/TD] [/TR] [/TABLE] GS. TS Phan Thanh Bình cho biết, cuối năm nay, dự án KTX sẽ đáp ứng 40.000 chỗ ở cho sinh viên. Đến cuối 2013, dự án sẽ cán mốc hơn 60.000 chỗ ở trong KTX. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của dự án hiện tại là kinh phí. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án là khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng chỉ dành cho công tác xây dựng nhà mà không bao gồm kinh phí mua tủ, bàn, giường, ghế… trong phòng. Vì vậy, ĐHQG TP. HCM rất mong muốn các tỉnh có sinh viên đang theo học tại trường đầu tư phần "ruột" để chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập. GS. TS Phan Thanh Bình khẳng định: "Khi dự án hoàn thành, KTX tỉnh nào đầu tư, chúng tôi sẽ bố trí tất cả sinh viên tỉnh đó ở chung một dãy nhà. Sinh viên cùng trong một tỉnh đi học tại thành phố lại được ở cùng nhau chắc chắn sẽ giúp nhau, tạo ra động lực để học tốt hơn". Băn khoăn khâu quản lý Hầu hết lãnh đạo 18 tỉnh tham gia buổi làm việc đều thống nhất đầu tư nội thất để sinh viên an tâm học tập. Tuy nhiên, các đại biểu cũng hết sức băn khoăn về việc ai sẽ đứng ra quản lý KTX, tài sản tỉnh đã đầu tư vào đây sẽ được bảo quản như thế nào. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Chúng tôi sẽ làm việc với Thường trực tỉnh ủy và HĐND tỉnh để thông qua việc chi tiêu ngân sách. Nhưng sau khi đầu tư, chúng ta sẽ quản lý như thế nào để phát huy hiệu quả?". Ông Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, tập trung sinh viên đông mà không có cơ chế quản lý chặt chẽ sẽ rất dễ nảy sinh ra tệ nạn. Hơn nữa, xen lẫn trong làng đại học là hàng trăm nhà dân sinh sống. Vì thế, trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp với TP. HCM giải tỏa, di dời các hộ dân này ra khỏi quy hoạch của khu đô thị đại học. Trả lời các thắc mắc của đại biểu, GS. TS Phan Thanh Bình cho biết, số tiền mà các tỉnh đầu tư vào nội thất tại các dãy nhà vẫn là tài sản của các tỉnh đặt tại khu Đô thị ĐHQG TP. HCM. Hằng năm, các tỉnh vẫn được phép đi kiểm qua, quản lý. Còn Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân khẳng định, khu đô thị đại học này gần tương đương với một quận tại thành phố. Vì thế, TP. HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với ĐHQG TP. HCM và tỉnh Bình Dương để đảm bảo an ninh cho sinh viên.