Nếu như thế hệ Zenfone Max đầu tiên gặt hái nhiều thanh công nhờ dung lượng pin khủng cùng thời lượng sử dụng thực tế cực kì ấn tượng thì hiệu năng của thiết bị này ngược lại bị đánh giá là không thực sự mạnh mẽ như truyền thống họ nhà Zenfone. Để khắc phục điều này, thế hệ Zenfone 3 Max ra được mắt, với dung lượng pin giảm xuống chỉ còn 4130mAh, bù lại chúng ta sẽ có thêm cảm biến vân tay, thiết kế cao cấp hơn và đặt biệt nhất là hiệu năng phần cứng ấn tượng. Tuy nhiên cũng vì trang bị vi xử lý mạnh mẽ hơn mà thời lượng pin của dòng sản phẩm này sẽ không còn vượt trội trong phân khúc nữa, dẫu vậy chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Các thông số cấu hình cơ bản của Zenfone 3 Max: Vi xử lý: Mediatek MT6737T, 4 nhân Cortex-A53 xung nhịp 1.45 GHz GPU: Mali-T720 MP2 Màn hình: IPS 5.2 inch, HD 1280x720, 282 ppi RAM: 3 GB LPDDR3 Bộ nhớ trong: 32 GB eMMC , hỗ trợ thẻ nhớ (kết hợp khe sim 2) Kết nối: sim 1: 4G LTE cat4, sim 2: 2G, Wi-Fi a/b/g/n, BT 4.1, A-GPS, GLONASS Camera chính: 13 MP , f/2.2, quay phim 1080p30 Camera phụ: 5 MP Pin: Li-Po 4.130 mAh, sạc 5V-2A Đánh giá hiệu năng tổng thể: Nếu để ý một chút thì thế hệ Zenfone 3 của ASUS họ đều thích sử dụng những bộ vi xử lý (CPU) mới ra mắt, chưa phổ biến trên thị trường như Zenfone 3 Deluxe với Snapdragon 821, Zenfone 3 với Snapdragon 625, hay Zenfone 3 Laser với Snapdragon 415. Điều này mang lại một điểm thuận lợi rất lớn đó là thông thường chúng ta sẽ có công nghệ tích hợp mới nhất, tối ưu hơn về hiệu năng và tất nhiên là cả thời lượng pin sử dụng. Đối với Zenfone 3 Max thì sao? thiết bị này được tích hợp vi xử lý Mediatek MT6737T, là một bản nâng cấp của MT6735 được cho là có hiệu năng cao hơn 10% trong khi thời lượng pin dùng được kéo dài hơn. Trước đây, thời điểm MT6735 ra mắt thì bộ vi xử lý này vượt trội so với Snapdragon 410 được trên rất nhiều thiết bị phổ thông giá rẻ hiện nay như Samsung J5 2016, OPPO Neo 9 (A37) hay Zenfone Max đời đầu. Cộng với việc được trang bị đến 3G ram hy vọng chúng ta sẽ có một kết quả khả quan về hiệu năng trên Zenfone 3 Max. Ở phần đánh giá hiệu năng tổng quan, mình sẽ sử dụng trình benchmark quen thuộc Antutu 6 thử sức với những smartphone có giá tương đương thậm chí hơn khoảng 1, 2 triệu đồng. Bộ nhớ ram trên Zenfone 3 Max phiên bản phân phối ở Việt Nam trang bị dung lượng lên đến 3GB cho khả năng đa nhiệm tác vụ tốt. Vẫn là chuẩn ram LPDDR3 nhưng trên SOC MT6737T cho tốc độ truyền tải dữ liệu tốt hơn thế hệ Zenfone Max đầu khá nhiều, xung nhịp từ 533Mhz lên 733Mhz cho tốc độ từ 4.2GB/s lên mức 6.4GB/s, cải thiện đáng kể tính trạng lag giật khi thực hiện đa nhiệm, nhiều tác vụ xử lý cùng lúc hay đặc biệt là những ứng dụng cần truy xuất lượng dữ liệu lớn.Điểm ram đo bằng Antutu trên Zenfone Max đạt 5100 điểm so với Zenfone 3 không hề thua kém nhiều với 5900 điểm. Điểm yếu nhất về phần cứng trên Zenfone 3 Max là tốc độ bộ nhớ trong, tuy đạt chuẩn eMMC 5.0 trên Soc MT6737T nhưng tốc độ mang lại không tốt lắm, có thể bạn sẽ gặp đôi chút khó chịu khi máy phải xử lý những tiến trình cần nhập xuất dữ liệu lớn và liên tục. Nhất là những thời điểm máy đang hoạt động đa nhiệm cùng lúc nhiều tác vụ. May mắn là Zenfone 3 Max được trang bị đến 3GB ram nên hệ thống cũng không nhất thiết phải sử dụng bộ nhớ trong làm bộ nhớ đệm. Thử nghiệm với Androbench 3 với thiết lập seq buffer 256kb khi so sánh với Zenfone 2 thì tốc độ ghi tương đương trong khi tốc độ đọc thấp hơn, kém hơn nhiều so với Zenfone 3 và so sánh với những thiết bị từ Samsung, ngay cả những máy giá rẻ đều có tốc độ bộ nhớ khá cao. Hiệu năng xử lý CPU: Vi xử lý quyết định phần lớn hiệu năng thiết bị bên cạnh tùy chọn dung lượng và chuẩn ram và bộ nhớ trong được nhà sản xuất lựa chọn. Nói rõ hơn về bộ vi xử lý MT6737T, sử dụng tiến trình 28nm với 4 nhân Cortex A53 tương tự Snapdragon 410 nhưng xung nhịp cao hơn 1.45GHz so với 1.2GHz và phiên bản nhân ARM Cortex A53 cũng mới hơn nên hiệu năng mang lại có phần vượt trội hơn rất đáng kể. Mặc dù sẽ có một vấn đề cực kì lớn xảy ra đó là pin sẽ bị đốt nhanh chóng hơn nhiều bù lại chỉ giới hạn đến 4 nhân nên phần nào không tốn năng lượng cho việc khởi động các nhân CPU thừa thải (thông thường trên các bộ xử lý có nhiều nhân thì hệ thống ưu tiên gộp nhiều tác vụ vào một nhân, tối thiểu hóa số nhân sử dụng). MT6737T cũng sử dụng nhân ARM Cortex A53 64bit nhưng phiên bản mới hơn trên Snapdragon 410 nên tuy xung nhịp chỉ cao hơn chút ít 1.45GHz so với 1.2GHz nhưng lại cho hiệu năng thực tế mang lại tốt hơn rất nhiều, cụ thể là điểm Geekbench đơn nhân cao hơn gấp rưỡi, điểm đa nhân cũng tương tự. Nhìn qua số điểm của Samsung A3 2016 với con chip Exynos 7578 hoàn toàn tương đương với MT6737T ở cả đơn và đa nhân. Trong khi đó MT6753 trên HTC Desire 62 thuộc phân khúc cao cấp hơn nên với 8 nhân điểm đa nhiệm vượt trội đáng để là điều khá dễ hiểu. Dù sao thì chúng ta cũng không thể đòi hỏi quá nhiều ở một thiết bị tầm trung, số điểm zenfone 3 max đạt được cũng đã đủ để bạn có thể hoạt động mượt mà hầu hết tác vụ thông thường từ vướt web, xem video, lướt web cũng như những game đồ họa 3D ở mức trung bình, chúng ta sẽ nói rõ hơn ở phần dưới. Khả năng xử lý đồ họa: Nếu bạn đang quan tâm đến khả năng chơi game trên các thiết bị smartphone thì chỉ cần nhìn vào nhân đồ họa được tích hợp bên trong bộ vi xử lý, thành phần này ảnh hưởng đến 80-90% hiệu năng, độ mượt mà khi chơi game. Còn lại một phần nhỏ liên quan đến tốc độ bộ nhớ, RAM, CPU,... tất nhiên là xét trên những thiết bị sử dụng chung một độ phân giải màn hình (HD, FullHD…). Ở bài test về hiệu năng xử lý đồ họa, mình sẽ so sánh hiệu năng trên Zenfone 3 Max so với một số đối thủ cùng phân khúc và thậm chí là cao hơn từ 1 đến 2 triệu.. Để bài đánh giá được khách qua nhất, mình sẽ lựa chọn các thiết bị có cùng độ phân giải màn hình là HD, phạm vi ở tầm 4,5 triệu đến 6 triệu đồng. OPPO F1s: vi xử lý MediaTek MT6750 - nhân đồ họa Mali T860 Sony Xperia M4 Aqua: vi xử lý Snapdragon 615 - nhân đồ họa Adreno 405 Samsung A3 2016: vi xử lý Exynos 7578 - nhân đồ họa Mali T720 MP2 OPPO Neo 9/Samsung J5 2016: vi xử lý Snapdragon 410 - nhân đồ họa Adreno 306 Con chip MT6737T trên Zenfone 3 Max được tích hợp nhân đồ họa Mali-T720 MP2 với mức xung nhip 600MHz. Mặc dù nhân Mali-T720 chỉ thuộc phân khúc tầm trung thổ thông, nhưng hiệu năng mang lại thực tế cũng khá tốt trong tầm giá của của Zenfone 3 Max, nó đủ tốt để chơi mượt các game 3D như Alphalt 8, Gangstar 4, NOVA 3, DeadTigger 2,... đối với các tựa game đòi hỏi đồ họa nặng hơn như Assassin’s Creed Identity 2 bài test trong GFXbench thường được đưa ra để đánh giá là Manhattan và T-rex, đo khung hình thực tế khi xử lý các tác vụ game 3D cực nặng. Dễ thấy Samsung A3 2016 tuy sử dụng bộ vi xử lý khác là Exynos 7578 cây nhà lá vườn của Samsung nhưng hiệu năng mang lại khá tương đồng với Zenfone 3 Max do dùng chung một nhân đồ họa Mali T720 MP2. Trong khi đó nếu so sánh với những thiết bị cùng sử dụng Snapdragon 410 (nhân Adreno 306) như Samsung J5 2016, OPPO Neo 9 hay chiếc Zenfone Max đời đầu thì thiết bị này tỏ ra vượt trội rõ ràng mang lại tốc độ khung hình game đều cao hơn gấp đôi. Mali-T720 MP2 mạnh hơn Adreno 306 và tiệm cận với Adreno 405 trên Snapdragon 615. Bất ngờ là so sánh với mali T860 trên OPPO F1s chênh lệnh cũng không quá nhiều. Bổ sung thêm một bài test khác nữa trước khi trải nghiệm thực tế trên các tựa game với công cụ 3D Mark. Ở độ phân giải màn hình HD mình sẽ chọn bài benchmark Ice Storm Unlimited 720p để kết quả cho ra khách qua nhất. Có chút khác biệt ở bài test bằng 3Dmark là cho ra tổng điểm ở nhiều tiêu chí đánh giá chứ không riêng gì tốc độ khung hình, tất nhiên là vi xử lý MT6737T cùng nhân đồ họa Mali T720 MP2 vẫn đạt điểm số vượt trội thậm chí là ngang bằng với Snapdragon 615 trên Sony Xperia M4. Trong khi OPPO F1s và Samsung A3 2016 cao hơn một chút nhưng không đáng kể, chỉ tầm tối đa 10%. Dù sao thì khi so sánh với những thiết bị có giá hơn từ 1 đến 1,5 triệu thì Zenfone 3 Max vẫn có khả năng chơi game, xem phim với độ mượt ngang ngửa có vẻ cũng đã đủ thỏa mãn nhu cầu của phần lớn người dùng. Đánh giá hiệu năng thực tế khi chơi game Ở đây mình sử dụng ứng dụng benchmark để đo lường tốc độ khung hình fps và trung bình đạt được ở mỗi tựa game trong khoảng 10 phút. Tất cả các tưạ game mình đưa ra trong bài viết đều đã được thiết lập ở mức đồ họa cao nhất và bỏ qua các đoạn hướng dẫn (guide) ban đầu có thể ảnh hưởng không nhiều đến trải nghiệm chơi. Các tựa game như Alphast 8 hay Gangstar 4 khi chơi trên Zenfone 3 Max hầu như không hề gặp hiện tượng giật lag, cực kì hiếm xảy ra nên mình sẽ bỏ qua. Ở đây, mình chỉ test thử những game nặng hơn từ Dead Trigger 2, Modern Combat 5 đến Assassin’s Creed Identity Dead Trigger 2: framerate trung bình 39fps Đầu tiên thử sức với Dead Trigger 2, đối với những smartphone thuộc phân khúc phổ thông, giá rẻ thì tựa game 3D này cũng trên mức bình thường một chút.Nếu như trên chiếc Zenfone Max trước đây mình gặp khá nhiều tình trạng giật lag thì đối với kẻ kế nhiệm Zenfone 3 Max lại cực kì thoải mái. Thậm chí là những hoạt cảnh quái bu đông hay nhiều hiệu ứng tốc độ khung hình đều trên 35fps đến 45fps. Đặc biệt những cảnh ít chi tiết đồ họa có thể lên đều đều 55fps. Chỉ có khoảng 1 vài lần trong 10 phút chơi game là khung hình rớt xuống dưới 30fps, khá tốt cho một thiết bị phổ thông. Modern Combat 5: framerate trung bình 31fps Trong khi Zenfone 3 Max dư sức chơi tốt Dead Trigger 2 thì đối với Modern Combat 5, thiết bị này ngay lập tức gặp đôi chút khó khăn. Với framerate trung bình chỉ đạt 31fps so với chiếc Zenfone 3 trước đây mình từng trên tay là 39fps trải nghiệm chơi kém mượt hơn rõ ràng ở những hoạt cảnh nhiều chi tiết, hiệu ứng cháy nổ phức tạp hay xuất hiện nhiều lính. Tất nhiên hiện tượng này vẫn còn khá ít xảy ra, tốc độ khung hình thấp nhất rơi xuống khoảng 22-24fps nên cũng không gây quá khó chịu, hầu hết giao động trong khoảng 25-38fps nên nếu bạn không quá khó tính thì nói chung trải nghiệm chơi vẫn khá thoải mái. Đáng tiếc là màn hình trên Zenfone 3 Max chỉ độ phân giải HD nên với nhưng game có đồ họa chi tiết như Modern Combat 5, hình ảnh bị scale lại không được chất lượng cho lắm. Nhiệt độ khi chơi Modern Combat 5 tăng lên khá cao do thiết kế kim loại tỏa nhiệt nhiều hơn, nhất là ở khu vực phần trên camera sau. Assassin’s Creed Identity: framerate trung bình 20fps Đến với Assassin’s Creed Identity thì Zenfone 3 Max đã bắt đầu tỏ ra “đuối” thấy rõ. Nếu đứng yên một chỗ và thay đổi góc nhìn thì vẫn máy xử lý vẫn khá dễ dàng nhưng khi di chuyển, thực hiện các thao tác tấn công, bay nhảy và nhất là những đoạn kết liễu đối phương đều không được mượt mà. Không đến mức giật lag nhưng tốc độ khung hình không đủ làm cho cảm giác chơi game không hề thoải mái và hiện tượng này xảy ra thường xuyên. Nếu chịu khó thì vẫn chơi được nhưng dù sao thì đây cũng đã là giới hạn của các thiết bị tầm phân khúc phổ thông rồi, khung hình trung bình sau 10 phút chơi chỉ đạt 20fps, có những cảnh game rơi xuống 16fps trong khi cao nhất cũng chỉ khoảng 25fps. Rất tiếc là game này không có tùy chỉnh xuống mức đồ họa thấp hơn nên mình không có dịp thử nghiệm thêm. Dù sao thì phân khúc phổ thông giá rẻ, chúng ta cũng không quá hy vọng game này có thể chơi mượt.